Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/KH-UBND

Phú Yên, ngày 31 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG VỚI DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát hiện sớm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

2. Mục tiêu cụ thể theo tình huống dịch

2.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh trên địa bàn tỉnh.

Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới vi rút Corona đến Phú Yên từ vùng có dịch hoặc tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ viêm phổi cấp do nCoV.

2.2. Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn tỉnh.

Khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan ra cộng đồng.

2.3. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH

1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh trên địa bàn tỉnh.

a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch trong toàn tỉnh.

- Kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp.

- Báo cáo kịp thời về tình hình dịch bệnh và tổ chức thực hiện các chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn công tác giám sát, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương. Kiểm tra các đơn vị, tổ chức cung cấp trang thiết bị phòng, chống dịch.

b) Công tác truyền thông

- Kịp thời và thường xuyên cung cấp thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân không hoang mang lo lắng và phối hợp thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh.

- Khai thác các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại các cơ sở điều trị và cộng đồng.

- Truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch bệnh tới các đoàn du lịch, người lao động tới các vùng có dịch; cung cấp các tài liệu truyền thông hướng dẫn những hành khách tự theo dõi tình trạng sức khỏe và chủ động liên hệ với các đơn vị y tế khi cần thiết.

- Thực hiện việc tương tác với người dân qua mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng, giao lưu trực tuyến để truyền tải các thông điệp phòng, chống dịch bệnh.

- Thực hiện công tác người phát ngôn.

c) Công tác giám sát, dự phòng

- Nâng cao năng lực, đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện (EBS) tại các cơ sở khám chữa bệnh, ở cộng đồng. Tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút (SVP) tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Thực hiện biện pháp giám sát những người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh và người tiếp xúc gần với trường hợp có sốt từ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam (sau đây gọi chung là người tiếp xúc gần).

- Kịp thời nắm bắt, cập nhật liên tục thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch.

- Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Thiết lập, duy trì các đội đáp ứng nhanh (RRT) đáp ứng với dịch bệnh theo hướng dẫn tại Quyết định số 5894/QĐ-BYT ngày 19/12/2019 của Bộ Y tế; tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế.

- Đảm bảo có sẵn quy trình phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế và sử dụng trang phục phòng hộ, đảm bảo có đủ số lượng trang phục phòng hộ, dung dịch sát khuẩn, các trang thiết bị thiết yếu, thuốc cho cán bộ y tế tham gia giám sát, phòng chống dịch.

- Cập nhật, phổ biến, tập huấn cho cán bộ y tế và triển khai thực hiện Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) theo Quyết định số 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế

d) Công tác điều trị

- Phát hiện sớm và thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng đặc biệt các trường hợp có tiền sử đi đến từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và các tỉnh thành khác tại Trung Quốc đang có dịch bệnh và những người tiếp xúc gần.

- Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân.

- Thiết lập khu vực khám sàng lọc, cách ly riêng để và điều trị các trường hợp nghi ngờ nhiễm viêm phổi cấp do nCoV không được để lây nhiễm trong bệnh viện.

- Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Xây dựng phương án hỗ trợ tuyến dưới khi có dịch bệnh xảy ra hoặc trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp khó lường.

- Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.

- Cập nhật, phổ biến, tập huấn cho cán bộ y tế và triển khai thực hiện Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị viêm phổi cấp do nCoV theo Quyết định số 125/QĐ-BYT ngày 16/01/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

đ) Công tác hậu cần

Rà soát, chuẩn bị trang thiết bị, phương tiện, hóa chất, thuốc điều trị, thuốc kháng vi rút, vật tư sẵn sàng phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân khi xuất hiện trường hợp bệnh, xây dựng kế hoạch bổ sung và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn tỉnh.

a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Chỉ đạo triển khai các hoạt động tăng cường truyền thông phòng chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch tại các địa phương, đơn vị.

- Kích hoạt Đội Đáp ứng nhanh tại các đơn vị. Theo dõi sát diễn biến tình hình, đánh giá tình hình hàng ngày, tham mưu kịp thời với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh để chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

- Thực hiện quy chế người phát ngôn về tình hình dịch bệnh theo quy định.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra chỉ đạo, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch của các địa phương.

b) Công tác giám sát, dự phòng

- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm phổi cấp có yếu tố dịch tễ liên quan, tăng cường giám sát, xét nghiệm để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch khi xuất hiện trường hợp bệnh đầu tiên, không để lan rộng.

- Giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối; cách ly những trường hợp mắc bệnh và nghi ngờ, lấy mẫu xét nghiệm. Hướng dẫn cho việc chăm sóc tại nhà của người bệnh và phòng ngừa lây nhiễm giữa các thành viên trong gia đình.

- Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

- Tăng cường giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng tại các bệnh viện để xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

- Hàng tuần tổ chức đánh giá nguy cơ và đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp.

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế; cử các đội đáp ứng nhanh hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, chẩn đoán xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

c) Công tác điều trị

- Triển khai thu dung, cách ly, điều trị, quản lý trường hợp bệnh, đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người nhà và cộng đồng theo quy định.

- Thực hiện tiếp nhận bệnh nhân theo phân tuyến điều trị, những bệnh nhân đầu tiên được điều trị tại các bệnh viện Đa khoa tỉnh, hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong.

- Bố trí khu vực riêng để điều trị bệnh nhân. Khu vực cách ly được chia thành ba đơn nguyên: bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân đã được chẩn đoán xác định và khu lưu giữ bệnh nhân trước khi xuất viện.

- Thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.

- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh triển khai các đội cấp cứu lưu động để kịp thời hỗ trợ và điều trị tại chỗ ở nơi xảy ra dịch.

- Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân nặng, tử vong nghi do viêm phổi cấp do nCoV.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, kiểm thảo tử vong (nếu có), cập nhật phác đồ chẩn đoán, cách ly, điều trị bệnh nhân và phòng lây nhiễm phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.  

- Chuẩn bị phương án mở rộng cơ sở điều trị, huy động nguồn lực bệnh viện, bổ sung kế hoạch thu dung điều trị để kịp thời ứng phó khi dịch bệnh bùng phát lan rộng.

- Báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh, tử vong tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định.

d) Công tác truyền thông

- Cập nhật chính xác tình hình dịch bệnh, thông tin cho các cơ quan thông tấn báo chí để tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và không gây hoang mang trong nhân dân.

- Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tăng cường thời lượng phát sóng về các biện pháp phòng chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thường xuyên đăng tải thông báo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình dịch và các biện pháp phòng chống.

- Cập nhật, bổ sung các thông điệp truyền thông, các tài liệu truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch cho phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Đẩy mạnh việc truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch tại các cơ sở điều trị và cộng đồng.

- Duy trì hoạt động đường dây nóng của Sở Y tế và các đơn vị y tế dự phòng và bệnh viện tuyến tỉnh.

- Thực hiện việc tương tác mạnh mẽ với người dân qua mạng xã hội, giao lưu trực tuyến để kịp thời truyền tải các thông điệp phòng chống dịch bệnh.

- Tổ chức họp báo định kỳ hoặc đột xuất để cung cấp thông tin và định hướng đưa tin kịp thời và chính xác về tình hình ổ dịch, dịch bệnh.

- Phối hợp kiểm soát các tin đồn tại cộng đồng về tình hình dịch, ngăn chặn kịp thời các thông tin phóng đại về tình hình dịch gây hoang mang trong cộng đồng.

đ) Công tác hậu cần

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch để phòng dịch bùng phát trên diện rộng.

- Đảm bảo kinh phí cho việc cấp cứu, điều trị người bệnh, thực hiện chính sách cho các cán bộ thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

- Tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

- Xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch trong trường hợp dịch lan rộng, kéo dài.

- Triển khai phương án giải quyết các thủ tục, tổ chức tiếp nhận viện trợ về thuốc men, vật tư, hóa chất, trang thiết bị từ tuyến Trung ương (nếu có).

- Áp dụng các chính sách miễn giảm chi phí cho các trường hợp bắt buộc phải điều trị, cách ly khi dịch bệnh xảy ra.

3. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng

a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Tăng cường hoạt động Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh các cấp và Đội phản ứng nhanh tại các đơn vị, tổ chức thường trực 24/7.

- Báo cáo diễn biến tình hình dịch bệnh hàng ngày, tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người tỉnh về các biện pháp phòng chống dịch để nhận được chỉ đạo kịp thời.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch của các địa phương.

- Thường xuyên đánh giá hiệu quả các biện pháp đáp ứng để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế.

b) Công tác giám sát, dự phòng

- Triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch mới. Thực hiện việc giám sát trường hợp bệnh, điều tra và theo dõi chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc.

- Tăng cường giám sát các chùm ca bệnh viêm phổi có yếu tố dịch tễ liên quan tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cộng đồng.

- Đánh giá nguy cơ thường xuyên để triển khai các biện pháp đáp ứng phù hợp và hiệu quả.

- Tiếp tục triển khai giám sát viêm phổi nặng do vi rút; đẩy mạnh việc giám sát dựa vào sự kiện, kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý sớm các ổ dịch trong cộng đồng.

- Thường trực phòng, chống dịch 24/24 giờ tại các đơn vị y tế từ tỉnh đến xã. Huy động tối đa lực lượng nhân viên y tế, học sinh của Trường Cao đẳng Y tế Phú Yên tham gia chống dịch.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

c) Công tác điều trị

- Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến nhằm giảm tải cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Trung tâm Y tế tuyến huyện chủ động triển khai kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân; sẵn sàng thiết lập các bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

- Huy động nguồn nhân lực, vật lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư ...) cho các đơn vị điều trị bệnh nhân. Hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động nhân lực tập trung cho địa phương có tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

- Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện theo quy định; làm thông thoáng buồng bệnh để giảm nồng độ vi rút. Tập trung tối đa nguồn lực và chuyên môn kỹ thuật để điều trị bệnh nhân để hạn chế tối đa trường hợp tử vong.

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.

- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh; các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.

- Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán điều trị, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc bệnh nhân mắc viêm phổi cấp do nCoV.

d) Công tác truyền thông

- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, sửa đổi các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Khuyến cáo hạn chế tập trung đông người, tiếp xúc với người mắc bệnh; hướng dẫn sử dụng phòng hộ cá nhân.

- Tổ chức tuyên truyền trực tiếp hướng dẫn người dân tại vùng ổ dịch về các biện pháp phòng chống.

- Khuyến cáo người tiếp xúc cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày và hàng ngày đo nhiệt độ cơ thể. Nếu có biểu hiện mắc bệnh thì đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời.

đ) Công tác hậu cần

- Phân bổ kinh phí kịp thời cho các đơn vị chống dịch các tuyến, tiếp tục bố trí ngân sách đáp ứng cho công tác phòng chống dịch khẩn cấp và dịch có thể kéo dài trên địa bàn tỉnh. Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

- Thực hiện chính sách cho các cán bộ thực hiện công tác điều tra, xác minh ổ dịch, thường trực phòng chống dịch và cán bộ thực hiện thu dung, điều trị, chăm sóc bệnh nhân.

- Hỗ trợ kịp thời thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng, trang bị bảo hộ đáp ứng nhu cầu của các địa phương.

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện từ các đơn vị trình Bộ Y tế, các viện tuyến Trung ương cấp bổ sung máy móc, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.

- Triển khai phương án huy động nguồn nhân lực, vật lực (trang thiết bị, thuốc, vật tư...) cho các đơn vị điều trị, tổ chức các bệnh viện dã chiến, huy động các nguồn dự trữ cho công tác phòng chống dịch. Huy động các phương tiện vận chuyển, cấp cứu người mắc để thu dung, cách ly, điều trị người bệnh.

- Rà soát, xác định rõ danh mục, số lượng thuốc, sinh phẩm, vật tư hóa chất và trang thiết bị y tế thiết yếu để duy trì dịch vụ y tế thiết yếu ở các tuyến.

- Áp dụng các chính sách miễn giảm chi phí cho các trường hợp bắt buộc phải điều trị, cách ly khi mắc bệnh.

III. CÁC GIẢI PHÁP

1. Tổ chức, chỉ đạo

- Tăng cường vai trò của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh chỉ đạo các hoạt động phòng chống dịch theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi của Bộ Y tế. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

- Phối kết hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế với cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác giám sát trường hợp bệnh tại cộng đồng.

- Các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường giám sát, phát hiện sớm; sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; tăng cường tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho người dân, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và báo cáo, gửi mẫu về Viện Pasteur Nha Trang để chẩn đoán xác định bệnh.

- Thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ tham gia chống dịch viêm phổi do nCoV: phụ cấp chống dịch, trực dịch ...

2. Xây dựng kế hoạch, đầu tư tài chính

- Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, trước mắt sử dụng kinh phí đã được cấp hàng năm cho công tác phòng, chống dịch; căn cứ diễn biến tình hình dịch, tổng hợp nhu cầu và xin cấp bổ sung.

- Tổng hợp nhu cầu kinh phí bổ sung của các đơn vị giám sát, điều trị, truyền thông trong tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Chuyên môn kỹ thuật

a) Các giải pháp giảm mắc

- Tăng cường năng lực giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi cấp, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời.

- Nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đẩy mạnh việc giám sát viêm phổi nặng, giám sát dựa vào sự kiện tại các bệnh viện và cộng đồng.

- Thường xuyên cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch viêm phổi cấp do nCoV; thực hiện điều tra dịch tễ trường hợp bệnh, điều tra người tiếp xúc và nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp.

- Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế trong việc khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm từ các bệnh nhân.

- Củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.

- Thành lập các đoàn công tác kiểm tra việc sẵn sàng phòng chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch.

- Dự trữ kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời cho các địa phương triển khai các biện pháp chống dịch.

- Tăng cường năng lực xét nghiệm:

+ Củng cố trang thiết bị phòng xét đảm bảo đủ năng lực lấy mẫu, vận chuyển mẫu xét nghiệm xác định viêm phổi cấp do nCoV.

+ Tổ chức tập huấn các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển và thông báo kết quả xét nghiệm cho các tuyến.

b) Các giải pháp giảm tử vong

- Thiết lập mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân viêm phổi cấp do nCoV; có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch để tránh hiện tượng quá tải.

- Thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám bệnh, cách ly điều trị, thực hiện triệt để công tác chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.

- Rà soát cập nhật và bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm phổi cấp do nCoV.

- Xây dựng cơ số dự trữ về trang thiết bị, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện bảo hộ…

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bệnh viện trong công tác chuẩn bị phòng chống dịch.

- Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh:

+ Chuẩn bị sẵn khu vực tiếp nhận bệnh nhân viêm phổi cấp do nCoV khi có dịch xảy ra, đảm bảo đầy đủ, trang thiết bị, vật tư, thuốc cấp cứu bệnh nhân nặng.

+ Thành lập các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong trường hợp có nhiều bệnh nhân.

+ Chỉ đạo chuyên môn, hướng dẫn và hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới.

- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, chuyển tuyến bệnh viện Trung ương Huế để điều trị các trường hợp rất nặng; bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng, bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường, hạn chế chuyển viện tránh lây lan

- Tập huấn cho cán bộ điều trị và điều dưỡng tại các bệnh viện về chẩn đoán và điều trị các trường hợp viêm phổi cấp do nCoV và sử dụng các trang thiết bị hồi sức cấp cứu, phòng tránh lây nhiễm trong bệnh viện.

- Trang bị bổ sung phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.

4. Truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch cho người dân để người dân không hoang mang và chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Tuyên truyền đến các đối tượng nguy cơ lây nhiễm từ khách du lịch trong nước, người nước ngoài vào Phú Yên cũng như tới những người từ Phú Yên đi du lịch tới vùng có dịch.

- Nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống cán bộ tuyên truyền trong và ngoài ngành y tế về trình độ, phương tiện, nhân lực. Huy động các Sở, ban, ngành, đoàn thể tham gia công tác tuyên truyền phòng, chống dịch.

- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của các nước, các tỉnh của Việt Nam đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng bệnh trên các kênh thông tin để người dân chủ động phòng, chống biết cách tự bảo vệ, tăng cường vệ sinh cá nhân, hạn chế đến vùng có dịch.

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh triển khai các nội dung truyền thông theo yêu cầu của công tác phòng, chống dịch bệnh.

5. Phối hợp liên ngành

- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các Ban, ngành, đoàn thể.

- Huy động sự tham gia của các ban, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội (phụ nữ, thanh niên, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ) trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm toàn diện thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh. Giám đốc Sở Y tế là người phát ngôn.

- Chủ động phối hợp Cảng Hàng không Tuy Hòa triển khai đo thân nhiệt bằng tia hồng ngoại cho hành khách tại ga đến của Cảng Hàng không theo quy định;

- Triển khai quyết liệt các hoạt động giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm người có nguy cơ để cách ly, không để dịch xâm nhập, lây lan ra diện rộng, giám sát y tế chặt chẽ đối với những người đi/về từ vùng dịch, những người có nguy cơ và triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh; chỉ đạo các bệnh viện tổ chức việc phân luồng, tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, lấy mẫu và xét nghiệm để phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Chuẩn bị đầy đủ hóa chất khử khuẩn, vật tư, trang thiết bị và nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ, triển khai các hoạt động phòng, chống dịch kịp thời.

- Tổ chức tập huấn, đào tạo cán bộ, nhân viên y tế về công tác thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu, công tác giám sát và phòng, chống đối với dịch bệnh do nCoV gây ra theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các địa phương. Tổ chức trực giám sát dịch 24/24 giờ để theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh theo đúng quy định.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Yên và các cơ quan thông tin truyền thông cung cấp thông tin kịp thời tới người dân, không để người dân hoang mang, thông báo cụ thể cho người dân các địa điểm khám và điều trị, số điện thoại đường dây nóng và thường trực chống dịch.

- Kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch tễ tại các địa phương và trên địa bàn tỉnh.

- Sở Y tế lập dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh do nCoV.

2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và truyền hình Phú Yên, Báo Phú Yên

Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Chủ động nắm bắt thông tin từ Sở Y tế, Bộ Y tế và cung cấp kịp thời, chính xác tới cộng đồng để người dân biết tình hình, tránh gây hoang mang; khuyến cáo người dân và khách du lịch khi có triệu chứng nghi ngờ thì cần cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, phát hiện, điều trị kịp thời.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Tăng cường nắm bắt thông tin về khách du lịch, đặc biệt những người đến từ vùng có dịch để truyền thông, vận động người dân, khách du lịch tự giám sát sức khỏe, kịp thời khai báo với cơ quan y tế nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do nCoV.

- Chỉ đạo, theo dõi các công ty du lịch hủy các tour, gói du lịch, không tổ chức các đoàn khách du lịch tới các tỉnh, thành phố đang có dịch, có người mắc bệnh và không đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Phú Yên. Quản lý, theo dõi chặt chẽ lịch trình của khách du lịch, khuyến nghị hạn chế di chuyển đối với du khách Trung Quốc hiện đang ở Phú Yên. Phối hợp với các cơ sở y tế tổ chức cách ly, quản lý du khách khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

- Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 06/CT-TTg về tạm dừng các lễ hội chưa khai mạc; giảm quy mô các lễ hội đã tổ chức; yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế du xuân, tham gia lễ hội.

4. Sở Giao thông vận tải

Triển khai thực hiện tốt các khuyến cáo phòng, chống dịch cho các hành khách trên các phương tiện vận tải. Có phương án phòng bệnh cho hành khách và nhân viên khi có trường hợp xuất hiện người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh trên các phương tiện vận tải hành khách.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phổ biến thông tin về tình hình dịch, các biện pháp phòng chống dịch cho đối tượng học sinh, sinh viên. Chỉ đạo, tổ chức giám sát tình hình sức khỏe của học sinh, sinh viên trong các nhà trường, thông báo với ngành y tế các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

- Có trách nhiệm tham gia các hoạt động phòng, chống dịch khi có yêu cầu của ngành Y tế.

6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chỉ đạo các đơn vị liên quan cung cấp danh sách người lao động đang làm việc hoặc xuất phát hoặc trở về từ các khu vực đang có dịch. Không tổ chức đưa lao động Phú Yên đến các khu vực đang có dịch.

7. Sở Ngoại vụ

Chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan chức năng cung cấp thông tin người nước ngoài đến Phú Yên.

8. Sở Công Thương

Phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, quản lý và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá các loại khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh.

9. Công an tỉnh

- Đảm bảo an ninh trật tự cho việc cách ly y tế bắt buộc các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh. Huy động lực lượng y tế ngành chủ động phương tiện, sẵn sàng tham gia phối hợp với lực lượng y tế địa phương phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của tỉnh.

- Phối hợp với Sở Y tế trong công tác giám sát kiểm dịch đối với người nhập cảnh, đi về từ vùng có dịch.

- Tổ chức xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp tung tin không đúng về tình hình dịch, gây hoang mang trong cộng đồng.

10. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

Phối hợp chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống dịch trong các đơn vị quân đội. Có kế hoạch triển khai bệnh viện dã chiến trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.

11. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong Bộ đội biên phòng tỉnh; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới biển; quản lý xuất nhập cảnh tại cửa khẩu Cảng Vũng Rô.

12. Sở Tài chính

Thẩm định, bố trí kinh phí để đáp ứng kịp thời cho hoạt động giám sát, công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch huy động hội viên, đoàn viên, kết hợp chặt chẽ với ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

14. Các Sở, ban ngành, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh của ngành; tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

15. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Thành lập Ban chỉ đạo do Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban; triển khai xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh của địa phương, đặc biệt tập trung phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra; tăng cường triển khai các biện pháp phù hợp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào tỉnh như nắm bắt tình hình, kiểm soát chặt chẽ khách du lịch nhất là những người đi về từ Trung Quốc, thông báo với cơ quan y tế những người có yếu tố dịch tễ đang có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp để kịp thời cách ly, điều trị.

- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin và truyền thông cơ sở để nâng cao nhận thức và hiểu biết của người dân về nguy cơ, đường lây nhiễm, cách phát hiện sớm, cách phòng, chống dịch bệnh do nCoV. Vận động nhân dân tự giác khai báo với cơ quan y tế nếu có yếu tố dịch tễ đi/về từ vùng có dịch, đồng thời phát hiện những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, có yếu tố dịch tễ nguy cơ mắc bệnh do nCoV để được cách ly, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khuyến cáo người dân không đến các khu vực đang có dịch.

- Thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại địa phương. Chỉ đạo tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các cụm dân cư, hộ gia đình, các khu vực có nhiều khách du lịch.

- Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị phòng chống dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xâm nhập vào địa phương mình.

- Chỉ đạo các ngành, các đoàn thể cùng toàn thể nhân dân ở địa phương tích cực chủ động tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.

- Thường xuyên và kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo của tỉnh về tình hình diễn biến và kết quả thực hiện công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Trên đây là Kế hoạch đáp ứng với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona trên địa bàn tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trường các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện. Giao Sở Y tế tổng hợp và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về tình hình dịch bệnh và kết quả thực hiện theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (b/c);
- Bộ Y tế (b/c);
- TT.Tỉnh ủy, TT.HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT.UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Thành viên BCĐ PC dịch của tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- BV Công an tỉnh, Bệnh xá Tỉnh đội;
- Trung tâm An điều dưỡng tàu ngầm;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Chánh, PVP.UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KT, KGVX (Ty).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Đình Phùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona trên địa bàn tỉnh Phú Yên

  • Số hiệu: 26/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 31/01/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phan Đình Phùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản