Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/KH-UBND

Quảng Ngãi, ngày 14 tháng 02 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng; Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác phòng chống tham nhũng đến năm 2020; Công văn số 450-CV/BCSĐTNMT ngày 05/12/2018 của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Công văn số 3335-CV/TU ngày 14/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng (viết tắt là PCTN) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh như sau:

I. Mục đích yêu cầu

1. Tiếp tục nghiên cứu rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi bổ sung, hủy bỏ các văn bản quy định về đất đai, môi trường, khoáng sản của tỉnh nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm các thủ tục không còn phù hợp, thủ tục gây “phiền hà” cho người dân, doanh nghiệp và dễ xảy ra tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

2. Tăng cường trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chỉ đạo, điều hành công tác PCTN; tập trung tổ chức triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Trung ương, Chính phủ về công tác PCTN, góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ là “Kỷ cương, liêm chính, bứt phá, sáng tạo, phát triển”

3. Công tác PCTN phải được triển khai cụ thể, thực hiện đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng; không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai; xác định PCTN là nhiệm vụ phải làm thường xuyên, trong đó phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách; phải được thực hiện kiên trì, liên tục, tích cực, chủ động, có trọng tâm, trọng điểm.

II. Nội dung thực hiện

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

- Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt Nghị quyết số 08-/BCSĐTNMT ngày 29/8/2016 của Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường lãnh đạo công tác PCTN, lãng phí; Kế hoạch thực hiện PCTN đến năm 2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường được ban hành kèm theo Quyết định số 2273/QĐ-BTNMT ngày 18/7/2018;

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch PCTN trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tại đơn vị; triển khai đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực PCTN;

- Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và đánh giá việc thực hiện kế hoạch đã ban hành;

- Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong việc chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch; trong trường hợp kế hoạch chỉ mang tính hình thức, đối phó, không được thực hiện trên thực tế đầy đủ, nghiêm túc.

2. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Tiếp tục chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đặc biệt là đất đai, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ, công chức và người lao động ngành tài nguyên môi trường:

Thủ trưởng sở, ban, ngành tỉnh, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các Hội, Đoàn thể nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCTN trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình nhằm rèn luyện, nâng cao đức tính liêm khiết, tuân thủ nghiêm pháp luật và quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

3. Một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện và phối hợp

a) Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát các dự án trên địa bàn tỉnh đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, giao đất, cho thuê đất từ trước đến nay nhưng không thực hiện hoặc thực hiện chậm tiến độ, tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.

- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, trong đó tiếp tục cắt giảm các thủ tục không còn phù hợp, thủ tục gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và dễ xảy ra tham nhũng liên quan đến lĩnh vực thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường đất, đấu giá đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành quy chế phối hợp giữa các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường, bảo đảm thống nhất, hiệu quả và không chồng chéo.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên môi trường theo hướng ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc, bất cập và gắn với tăng cường phổ biến, thực thi pháp luật.

b) Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện thành phố:

- Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài nguyên môi trường.

- Xây dựng kế hoạch hiện đại hóa hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường để nâng cao hiệu quả quản lý, phục vụ công tác PCTN.

c) Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố:

- Sắp xếp tổ chức bộ máy ngành tài nguyên và môi trường theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả và chính sách tinh giản biên chế theo quy định.

- Tăng cường công tác, xây dựng, phát triển nguồn nhân lực quản lý tài nguyên môi trường.

- Thực hiện công tác tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, người lao động.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kỷ cương, kỷ luật hành chính và quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ nhằm phòng ngừa, phát sinh tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong ngành tài nguyên môi trường.

d) Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố:

- Tổ chức nắm thông tin, lựa chọn các đối tượng, nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm được công luận và người dân quan tâm.

- Theo dõi tình hình xử lý các kết luận thanh tra; rà soát lại các kết luận thanh tra đã được ban hành và chỉ ra những sai phạm để xử lý cá nhân, tập thể theo đúng quy định.

- Giải quyết kịp thời các các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, các vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất. Đặc biệt là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài thuộc thẩm quyền hoặc được giao.

đ) Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi, các cơ quan báo chí của trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức về công tác PCTN trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

4. Tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài nguyên và môi trường

Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần tăng cường, phối hợp để thực hiện tốt công tác PCTN trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cụ thể:

a) Đẩy nhanh tiến độ công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính đối với những địa phương chưa có bản đồ chính quy; đẩy mạnh và sớm hoàn thành việc giao đất có nguồn gốc thu hồi từ các nông, lâm trường cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

b) Tổ chức đấu giá công khai các mỏ đất, đá, cát trên địa bàn, tăng cường công tác quản lý việc khai thác khoáng sản, hạn chế mức tối đa tình trạng khai thác khoáng sản không hiệu quả dẫn đến thất thu ngân sách, lãng phí nguồn tài nguyên; kiên quyết xử lý đối với tổ chức, cá nhân không thực hiện, chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ.

c) Quản lý thực hiện tốt quy hoạch tài nguyên nước; rà soát, chấn chỉnh, khắc phục tình trạng khai thác nước mặt, nước dưới đất chưa hợp lý, hiệu quả thấp, lãng phí nguồn tài nguyên nước; chủ động tham mưu phương án khai thác nước ngầm trên đảo Lý Sơn đảm bảo hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; phòng ngừa sự xâm nhập mặn.

d) Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Tham mưu biện pháp khắc phục tình trạng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường. Chủ động thực hiện khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, đổi mới, áp dụng công nghệ sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.

III. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố căn cứ vào nhiệm vụ được giao, xây dựng Kế hoạch cụ thể về công tác PCTN trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để triển khai thực hiện có hiệu quả.

2. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch này; đồng thời tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh theo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu.

- Các cơ quan, đơn vị thực hiện chế độ báo cáo định kỳ trước ngày 10/6 và 30/11 hằng năm, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo theo quy định.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành; Chủ tịch UBND huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Thanh tra Chính phủ (báo cáo);
- Bộ TNMT (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Báo Quảng Ngãi, Đài PT-TH tỉnh;
- VPUB: CVP, PCVP, KT, TH, CNXD, KSTTHC, KGVX, CBTH;
- Lưu: VT, NN-TN(tnh89).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Ngọc Căng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 26/KH-UBND năm 2019 về công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

  • Số hiệu: 26/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/02/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Trần Ngọc Căng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản