Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2568/KH-UBND

Bến Tre, ngày 07 tháng 06 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN NHỮNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

Căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị (khoá IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Căn cứ Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 21 tháng 01 năm 2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Căn cứ Báo cáo số 164-BC/TU của Tỉnh uỷ sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 29-CT/TW TỪ NĂM 2009-2012

1. Mặt làm được:

1.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường:

Thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW, công tác tuyên truyền, giáo dục các văn bản của Trung ương và địa phương về bảo vệ môi trường được chú trọng đẩy mạnh và được các ngành, các cấp phối hợp tổ chức thực hiện. Thực hiện tuyên truyền bảo vệ môi trường sâu rộng trong toàn dân thông qua tập huấn, toạ đàm, thực hiện các chuyên mục trên Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Đồng Khởi, bản tin môi trường, lắp đặt các panô, áp phích về môi trường,… Hàng năm, tổ chức và hưởng ứng các ngày lễ lớn về môi trường với các hoạt động mittinh, trồng cây xanh, nạo vét cống rãnh, thu gom rác thải, phát động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Nhìn chung, công tác truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân, xem công tác bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng và đã có những đóng góp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường.

1.2. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường:

Tổ chức bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường các cấp từng bước được củng cố, kiện toàn. Cấp tỉnh có Chi cục Bảo vệ môi trường gồm 18 cán bộ; Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thành phố có từ 02-03 cán bộ chuyên trách về bảo vệ môi trường và 90% xã, phường có cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường.

Trong các năm qua tỉnh Bến Tre đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền giáo dục, hướng dẫn các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản,… và cộng đồng. Người dân tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tích cực và có hiệu quả, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các thủ tục về môi trường và đầu tư công trình xử lý chất thải theo quy định góp phần hạn chế ô nhiễm và cải thiện môi trường ở nhiều nơi trong vùng thành thị lẫn nông thôn.

Năm 2012 thực hiện xong Đề án xử lý và di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong nội thành thành phố Bến Tre, ngăn chặn được tình hình ô nhiễm môi trường diễn ra trong nội thành thành phố Bến Tre. Bên cạnh đó triển khai thực hiện một số đề tài, dự án đánh giá chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh như đánh giá khả năng chịu tải chất ô nhiễm lưu vực sông Hàm Luông, báo cáo hiện trạng môi trường 05 năm (2005-2010), điều tra đánh giá hiện trạng môi trường nước thải, chất thải rắn,...

Về xử lý chất thải, đa số các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp đều thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường và có lắp đặt hệ thống xử lý chất thải như cam kết. Đối với chất thải y tế, có 08/199 cơ sở khám, chữa bệnh có hệ thống xử lý nước thải, các cơ sở còn lại xử lý bằng hầm tự thấm kết hợp hoá chất diệt khuẩn; 11/12 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện có lò đốt rác y tế chuyên dụng. Tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 76,12%, riêng rác thải nông thôn chỉ mới tập trung thu gom ở các trung tâm xã, chợ và chuyển về bãi rác hở của khu vực để rác tự phân huỷ.

1.3. Thể chế hoá các văn bản quy phạm pháp luật:

- Quyết định số 905/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2008 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bến Tre giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Quyết định số 04/2009/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

- Quyết định số 05/2009/QĐ-UBND ngày 10 tháng 4 năm 2009 của Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về bảo vệ môi trường đối với hoạt động sản xuất than thiêu kết trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

- Quyết định số 468/QĐ-UBND ngày 14 tháng 3 năm 2012 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc uỷ quyền thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

1.4. Công tác xã hội hoá và hợp tác về bảo vệ môi trường:

Toàn tỉnh đã thành lập nhiều đơn vị thu gom rác của tư nhân, của Ban quản lý chợ để thực hiện thu gom rác; hàng năm đều tăng cường trang bị thùng thu gom rác các loại cho các huyện, thành phố.

Gắn với phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, nhiều nơi đã mở các lớp tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân. Qua đó, các hộ dân vùng nông thôn đã thực hiện quét dọn thu gom rác thải, phát hoang, khai thông cống rãnh, đào hố chôn lấp rác, từng bước xây dựng nhà vệ sinh với hầm cầu tự huỷ, một số hộ chăn nuôi có xây dựng mô hình biogas xử lý chất thải.

Được sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch, Bến Tre đã tham gia thực hiện Hợp phần kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các khu vực đông dân nghèo góp phần giải quyết khá tốt một số điểm nóng, bức xúc về môi trường như kênh Chín Tế, bãi rác huyện Mỏ Cày Nam, làng nghề sản xuất than thiêu kết ở xã Phong Nẫm, hỗ trợ mô hình biogas chạy máy phát điện cải thiện môi trường trong chăn nuôi xã Đa Phước Hội và xã Phú Lễ; thành lập Văn phòng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện một số mô hình điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu như xây dựng mới 01 nhà máy cấp nước sinh hoạt tại xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, với công suất 20m3/h, đã cung cấp nước sinh hoạt cho 800 hộ dân và nâng cấp 01 nhà máy cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Thạnh Phú, với công suất 60m3/h, phục vụ được hơn 2.000 hộ dân, xây dựng 2.383 ống hồ có thể tích 2m3 tại Giồng Trôm và Thạnh Phú cấp cho 1.448 hộ gia đình, trồng 100,8ha rừng phòng hộ đê ven biển, xây dựng công trình đê ngăn mặn cục bộ quy mô nhỏ.

1.5. Về đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường: Mức chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường hàng năm có tăng lên (tuy chưa đạt 1% ngân sách) đã thực hiện các hoạt động truyền thông, kiểm soát, thẩm định, quan trắc, đầu tư mô hình điểm, hỗ trợ, xử lý ô nhiễm môi trường; thực hiện một số đề tài, dự án góp phần làm cho cảnh quan đô thị và nông thôn được cải thiện. Nhìn chung, công tác quản lý môi trường ngày càng được quan tâm, các nhiệm vụ được triển khai thực hiện có hiệu quả.

1.6. Ứng dụng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường:

Các đề tài nghiên cứu, sản xuất (phân hữu cơ, đất sạch, nấm bào ngư, viên nén mụn dừa) và tận dụng phế phẩm để làm mặt hàng mới (phân vi sinh, thuốc tân dược, thạch dừa, chanh tắc xí muội và sấy khô) được ứng dụng nhân rộng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc nghiên cứu, ứng dụng nhân rộng chế phẩm EM trong xử lý môi trường và nuôi trồng thuỷ sản tiếp tục được đẩy mạnh, giảm đáng kể mùi hôi và ruồi nhặng trong chăn nuôi hộ gia đình và ở các bãi rác. Mô hình biogas được nhân rộng để giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

2. Mặt hạn chế và nguyên nhân:

2.1. Mặt hạn chế:

Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các văn bản pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ môi trường ở một số nơi chưa thật sâu rộng còn dừng lại ở việc phát động phong trào. Một bộ phận chính quyền cơ sở chậm xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện dẫn đến công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường của một số hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, doanh nghiệp chưa cao; tình trạng xả thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường tự nhiên còn nhiều làm cho một số nơi ô nhiễm nặng; việc triển khai nhân rộng mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi heo ở một số huyện chưa tốt; vẫn còn tồn tại các cơ sở không thực hiện đủ thủ tục hành chính về môi trường và xử lý chất thải chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia môi trường. Việc thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải nhiều nơi chưa thực hiện tốt.

Các nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng yêu cầu; chưa chủ động nguồn vốn đầu tư cho việc thực hiện các chương trình công tác trọng tâm. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác về bảo vệ môi trường chưa nhiều, hiệu quả còn hạn chế nhất định.

2.2. Nguyên nhân:

Nhận thức của một số cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, các ngành chưa thật sự đầy đủ về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ mới. Trong lãnh đạo, chỉ đạo còn thiếu tập trung, kiểm tra, đôn đốc và chưa có biện pháp bảo vệ môi trường cụ thể.

Chưa có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường; việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường chưa thực hiện triệt để, chưa đủ sức răn đe.

Ngân sách đầu tư cho hoạt động môi trường còn hạn chế, chưa đạt 1% ngân sách theo Nghị quyết số 41-NQ/TW; chế độ tài chính chi cho hoạt động bảo vệ môi trường chưa rõ ràng và chưa phù hợp điều kiện thực tế.

Bộ máy cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường cấp cơ sở còn thiếu và đa số chưa đúng chuyên môn; một số cơ chế, chính sách, văn bản quy định pháp luật về bảo vệ môi trường chưa mang tính khả thi, khó vận dụng.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC TRONG THỜI GIAN TỚI

1. Mục tiêu:

- Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền; trách nhiệm của mỗi cán bộ, quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân trong công tác bảo vệ môi trường gắn phát triển bền vững.

- Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường sâu rộng trong nhân dân.

- Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa các cấp, các ngành và đoàn thể; duy trì, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành và đoàn thể nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch ngành.

- Ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số điểm nóng trên địa bàn tỉnh; kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.

- Ứng dụng, triển khai nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch, tiến bộ khoa học về công nghệ xử lý môi trường, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường vào sản xuất; phát triển các công nghệ xử lý, tái chế và tái sử dụng chất thải.

2. Nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian tới:

2.1. Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, pháp luật về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tạo cơ chế khuyến khích toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, từng bước xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường.

- Đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền: Trên phương tiện truyền thông như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đồng Khởi, bản tin môi trường, trang tin điện tử; thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, toạ đàm và các hình thức tuyên truyền cổ động khác (pano, áp phích, tờ bướm, các chương trình văn nghệ, thông tin lưu động, tuyên truyền trong các nhà trường, tổ chức các cuộc nói chuyện thời sự, sinh hoạt tổ nhân dân tự quản,...). Đặc biệt, tập trung tuyên truyền trong các ngày lễ lớn hàng năm về môi trường như tuần lễ nước sạch vệ sinh môi trường (29/4-06/5), ngày Môi trường thế giới (05/6), Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn,....

- Công bố công khai những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hình thức xử lý; phát hiện và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường; tiếp tục duy trì khen thưởng bầu chọn các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ môi trường để trao các giải thưởng về bảo vệ môi trường hàng năm.

2.2. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường:

- Tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, 100% cấp xã có cán bộ chuyên trách về môi trường; kiện toàn, nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường, kịp thời khen thưởng, có hình thức xử lý đối với cán bộ còn lơ là, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

- Sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương nhằm cụ thể hoá và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học trong tình hình mới.

- Tạo sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các ngành chức năng và chính quyền địa phương và các đoàn thể trong công tác bảo vệ môi trường; tích cực phát huy vai trò của thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường.

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Chỉ đạo xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích (bãi rác huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Bệnh viện Thạnh Phú, Chợ Lách, Châu Thành, Bình Đại, Giồng Trôm).

- Quản lý chặt chẽ chất thải, nhất là các chất thải nguy hại trong hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, y tế, khoa học; hỗ trợ việc xử lý các bãi rác tạm cũng như xây dựng mới các bãi chôn lấp; trang bị các phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường; thu gom, xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các biện pháp thích hợp, ưu tiên việc tái chế, tái sử dụng, hạn chế tối đa việc chôn lấp.

- Kiểm soát việc ô nhiễm nguồn nước do các hoạt động chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản; giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư do chất thải của các khu/cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; cải thiện chất lượng môi trường nước và chấm dứt việc xả thải nước thải chưa qua xử lý vào các sông, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu và sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường về khí thải.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, các công trình, dự án, cơ sở y tế, khoa học phải thực hiện nghiêm việc xây dựng các công trình xử lý môi trường đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi đưa vào hoạt động.

- Hỗ trợ và khuyến khích các cơ sở áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO về bảo vệ môi trường (ISO 14000, ISO 14001).

- Nâng cao tỷ lệ sử dụng hố xí hợp vệ sinh trong nhân dân, khu vực công cộng thông qua các chương trình hỗ trợ, các dự án vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ chính sách của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Tăng cường công tác bảo vệ rừng và trồng rừng ven biển, bảo vệ đất ngập nước, rừng ngập mặn, cửa sông và ven biển; bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thạnh Phú, sân chim Vàm Hồ.

- Phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của sinh vật ngoại lai, sinh vật biến đổi gen gây ảnh hưởng xấu đến môi trường; chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi gây lãng phí tài nguyên, suy thoái đất; thực hiện ứng phó sự cố môi trường xảy ra như tràn dầu, rò rỉ hoá chất.

- Tổ chức triển khai Quy hoạch bảo vệ môi trường gắn với các chương trình, kế hoạch, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thực hiện quan trắc môi trường theo định kỳ, chú trọng quan trắc các vùng nhạy cảm như nhà máy chế biến thuỷ sản, các vùng chăn nuôi, bãi chôn lấp, nguồn nước mặt nuôi trồng thuỷ sản; xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường, báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm.

2.3. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường:

Khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp dịch vụ bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực thu gom, tái chế, xử lý chất thải.

Xây dựng và thực hiện các mô hình hợp tác giữa Nhà nước và nhân dân trong bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng khắc phục, cải tạo các điểm nóng về môi trường (ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp, các cơ sở chăn nuôi, các làng nghề,...).

Xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về các chính sách ưu đãi về đất đai, về vốn, về thuế, về tín dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường; khuyến khích cộng đồng địa phương đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của tỉnh và các dự án đầu tư nhất là những chủ trương, chính sách, dự án có tác động trực tiếp đến môi trường, sản xuất và đời sống của người dân.

Tổ chức truyền thông rộng rãi, nâng cao nhận thức, tổ chức các diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường. Tăng cường cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi cho khối tư nhân có nhu cầu tham gia công tác xã hội hoá bảo vệ môi trường.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, của cộng đồng trong việc giám sát và thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Lựa chọn những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu để tôn vinh khen thưởng.

Đầu tư mở rộng mô hình cung cấp nước hợp vệ sinh và vệ sinh môi trường phù hợp với đặc điểm, điều kiện từng vùng nông thôn.

Các xã, phường, thị trấn quy hoạch hệ thống xả nước thải, nước mưa trong khu dân cư tập trung. Tăng cường quản lý hệ thống xả thải hiện có; trường hợp hệ thống xả thải bị dân cư lấn chiếm, phải xử phạt nghiêm, buộc tháo dỡ và phục hồi hiện trạng.

Hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên thực hiện các dự án về điều tra cơ bản, dự án quan trắc môi trường, báo cáo hiện trạng môi trường nhằm phục vụ công tác dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh; dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường trong công tác xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, sự cố môi trường và biến đổi khí hậu. Khuyến khích các dự án đầu tư sản xuất sử dụng nhiên liệu sinh học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện với môi trường; khuyến khích các cơ sở kinh doanh du lịch phát triển theo loại hình du lịch xanh, du lịch bền vững.

2.4. Quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường:

- Phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường đúng theo Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) để triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề tài, dự án về công tác bảo vệ môi trường.

- Đối với nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường hàng năm phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả theo đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.

- Đối với các nguồn kinh phí hợp pháp khác phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả theo đúng quy định pháp luật.

- Ưu tiên các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải, các chương trình, dự án phát triển đô thị, dự án xây dựng hệ thống dữ liệu môi trường, báo cáo môi trường hàng năm, hoạt động khắc phục các sự cố về tai biến địa chất, sự cố môi trường, thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực bảo vệ môi trường và các dự án đầu tư trang thiết bị cho các hoạt động quan trắc, thu gom, xử lý rác thải, nước thải, khí thải.

Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, dự báo kịp thời các diễn biến của biến đổi khí hậu, lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu.

2.5. Phát huy và ứng dụng tốt hơn các thành tựu khoa học công nghệ vào xử lý môi trường:

- Triển khai nghiên cứu ứng dụng rộng rãi các thành tựu về khoa học môi trường, đặc biệt là công nghệ xử lý chất thải, phòng, chống ô nhiễm và suy thoái môi trường.

- Lập ngân hàng dữ liệu và nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho các ngành công nghiệp điển hình đặc biệt là công nghiệp chế biến thuỷ sản, công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa, mô hình ứng dụng túi biogas để giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

- Cung cấp, hỗ trợ tài chính cho các cơ sở sản xuất để thực hiện các chương trình sản xuất sạch hơn, kể cả đổi mới thiết bị và công nghệ thông qua các quỹ tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Xét duyệt các đề tài nghiên cứu khoa học, các dự án đầu tư, đưa vào áp dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương trong việc quản lý và xử lý chất thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

- Thực hiện điều tra, dự báo, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường và hệ sinh thái.

- Tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ rừng và môi trường biển.

2.6. Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế:

Xây dựng các chính sách hỗ trợ đặc biệt đối với các dự án của các tổ chức, cá nhân trong khu vực và trên thế giới đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường của tỉnh, nhất là các dự án tái sinh, tái chế, xử lý chất thải...

Mở rộng quan hệ hợp tác phát triển khoa học, công nghệ trong và ngoài nước; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các nước, các tổ chức quốc tế và Trung ương trong các lĩnh vực đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Thu hút và sử dụng tốt các dự án đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ.

Tạo điều kiện cho cán bộ khoa học công nghệ của tỉnh tiếp cận được các tiến bộ khoa học công nghệ của các nước trong khu vực và thế giới, làm chủ được công nghệ nhập ngoại, tạo nguồn lực khoa học công nghệ cho tỉnh.

Xây dựng các cơ chế thích hợp, tạo điều kiện để cán bộ khoa học công nghệ được tham dự các khoá đào tạo, tập huấn, tham quan khảo sát chuyên đề ở nước ngoài, học hỏi các kinh nghiệm phục vụ ứng dụng trong thực tế quản lý, nghiên cứu, sản xuất kinh doanh của tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh xây dựng và đưa tiêu chí về môi trường vào đánh giá hoạt động của từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị và triển khai công tác thi đua, khen thưởng.

- Phát hiện, nhân rộng và tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường; thực hiện việc tổ chức xét và trao giải thường về môi trường hàng năm.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể về bảo vệ môi trường.

- Xây dựng chương trình theo dõi biến động tài nguyên và môi trường: Xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc các thành phần môi trường; xây dựng quy trình kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết các khiếu nại về bảo vệ môi trường, xử lý các khu vực, điểm ô nhiễm môi trường đang tồn tại và bức xúc trên địa bàn tỉnh.

- Tuyên truyền phổ biến giáo dục kiến thức và pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Tập trung hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

- Thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế và hợp tác với các tỉnh trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

2. Sở Khoa học và Công nghệ:

Xây dựng, tổ chức nghiên cứu và ứng dụng các đề tài, dự án khoa học công nghệ về bảo vệ môi trường do Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ giao đưa vào áp dụng.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Tăng cường kiểm tra các hoạt động bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản; hướng dẫn xử lý và tiêu huỷ thức ăn thuỷ sản chăn nuôi đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi sau khi sử dụng.

- Tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thức ăn, phân bón, thuốc trong phòng trị bệnh cây trồng, vật nuôi theo hướng an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường; khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo mô hình IPM, sử dụng các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ các xã thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

- Xây dựng kế hoạch trồng rừng hàng năm, kế hoạch bảo vệ rừng, củng cố các lực lượng kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ.

4. Sở Công Thương:

Chịu trách nhiệm xây dựng các quy hoạch khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường; hướng dẫn, nhắc nhở các cơ sở sản xuất công nghiệp phải đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời, có kế hoạch kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong phạm vi quản lý của ngành.

5. Sở Xây dựng:

Chịu trách nhiệm về quy hoạch phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường; chỉ đạo ngành về quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành và quản lý các hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải; quy hoạch, thiết kế, xây dựng bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh; quy hoạch xây dựng và quản lý các công trình công viên, cây xanh.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình:

Ưu tiên phát sóng, đăng tải các chương trình về bảo vệ môi trường và những nội dung, thông tin liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, công bố công khai những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng; biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

7. Sở Tư pháp:

Phối hợp Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các ngành chức năng của tỉnh và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố nghiên cứu đề xuất đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào nội dung đánh giá tiêu chuẩn văn hoá gia đình, ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố.

8. Sở Y tế:

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo, kiểm tra giám sát công tác thu gom vận chuyển, xử lý và tiêu huỷ các chất thải y tế; phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện, thành phố, các phòng khám trị bệnh tư nhân phải chấp hành nghiêm Luật Bảo vệ môi trường trong công tác xử lý chất thải của đơn vị.

9. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế khuyến khích xã hội hoá trong công tác bảo vệ môi trường với mục tiêu khuyến khích, hỗ trợ, có chính sách ưu đãi về đất đai, thuế,… đối với các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường.

- Lồng ghép các yêu cầu bảo vệ môi trường trong việc lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Hoạt động xúc tiến đầu tư chú ý ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

10. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đảm bảo cho các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

- Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật.

11. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch:

Hướng dẫn thông tin cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch các văn bản, các chương trình liên quan về bảo vệ môi trường; phối hợp các ngành, các cấp tăng cường kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm trong các cơ sở kinh doanh du lịch

12. Công an tỉnh:

Kiểm tra, xử lý các hoạt động của tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về bảo vệ môi trường.

Chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp xâm phạm và huỷ hoại tài nguyên môi trường và kiểm tra giám sát tình hình chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.

13. Ban Quản lý các Khu công nghiệp:

Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

14. Các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội:

Các đoàn thể, chính trị, xã hội phối hợp với các sở, ban ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường; tổ chức vận động, phát động đoàn viên, hội viên, nhân dân thực hiện công tác bảo vệ môi trường (trồng cây xanh, ngày chủ nhật xanh, cải thiện môi trường các khu vực bị ô nhiễm).

15. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Phối hợp cùng với các sở, ban ngành tổ chức thực hiện các chương trình kế hoạch cụ thể về bảo vệ môi trường, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở địa phương.

- Phối hợp với Sở Xây dựng chỉ đạo các phòng, ban chức năng của thành phố, huyện tổ chức quy hoạch, triển khai công tác thoát, xử lý nước thải, vận chuyển, thu gom, xử lý rác. Thành lập và chỉ đạo các đơn vị vệ sinh môi trường địa phương đảm bảo thu gom, xử lý rác sinh hoạt trên địa bàn đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường.

- Tham gia cùng các sở, ngành thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường và trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực môi trường ở địa phương.

- Chỉ đạo ngành tài nguyên - môi trường phối hợp liên tịch với các đoàn thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững giai đoạn 2012-2015.

- Tuyên truyền phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Triển khai thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

- Xử phạt hành chính theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong thời gian tới, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, hàng năm báo cáo kết quả thực hiện với Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nêu trên tổng hợp, báo cáo kịp thời về Uỷ ban nhân dân tỉnh để xem xét có ý kiến chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2568/KH-UBND năm 2013 tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 2568/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 07/06/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trần Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/06/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản