Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2543/KH-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 06 tháng 6 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TRUYỀN THÔNG “CHẤM DỨT BẠO LỰC ĐỐI VỚI TRẺ EM”
Trong những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội trên địa bàn Thành phố. Do vậy, các chỉ tiêu về bảo vệ chăm sóc trẻ em hàng năm luôn đạt hoặc vượt những mục tiêu đề ra. Số lượng trẻ em được hưởng các dịch vụ công về giáo dục, học tập, chăm sóc sức khỏe, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí miễn phí ngày càng nhiều; phần lớn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển; những trẻ có nguy cơ được bảo vệ tránh tình trạng rơi vào hoàn cảnh đặc biệt ngày càng tốt hơn; cơ sở vui chơi giải trí đã tăng lên đáng kể, qua đó giúp trẻ em rèn luyện và phát triển một cách toàn diện về thể chất, trí tuệ và tâm hồn. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực vẫn còn xảy ra trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện Công văn số 1597/LĐTBXH-BVCSTE ngày 14 tháng 5 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phối hợp triển khai chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em”; tiếp nối chủ đề Tháng hành động Vì trẻ em năm 2014 với chủ đề “Hành động vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”; căn cứ đặc điểm, tình hình công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em của Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” trên địa bàn Thành phố với nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH
1. Thu hút sự quan tâm hơn nữa của toàn xã hội trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là công tác phòng ngừa, giảm thiểu số lượng trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực về thể chất lẫn tinh thần, đảm bảo cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện.
2. Tăng cường hiệu quả công tác truyền thông về các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước; các chương trình, vận động xã hội liên quan đến công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đến toàn thể người dân trên địa bàn Thành phố.
3. Nâng cao năng lực trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; qua đó, tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để tất cả trẻ em đều được chăm sóc, bảo vệ và đảm bảo các quyền cơ bản của mình.
II. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Từ ngày 06 tháng 6 đến ngày 30 tháng 8 năm 2014.
III. CÁC HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÂM
1. Phát động chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” trong chương trình lễ phát động tháng hành động vì trẻ em:
Thông qua Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2014 của Thành phố và trên địa bàn quận - huyện, lồng ghép nội dung phát động chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em”.
2. Tổ chức các hoạt động truyền thông:
- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan tăng cường công tác truyền thông nhằm góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của gia đình - nhà trường - xã hội trong công tác bảo vệ, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực và bị bóc lột; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội về công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo đài tăng cường chuyển tải các nội dung, thông điệp truyền thông có liên quan về "Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” trên các phương tiện báo, đài; mở các chuyên mục liên quan, phát sóng các chương trình đặc biệt, tập trung phản ánh các hoạt động trong Tháng hành động vì trẻ em có liên quan đến công tác bảo vệ, phòng ngừa, ngăn chặn những hành vi bạo lực đối với trẻ em và thực hiện quyền trẻ em.
- Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo hướng dẫn các cấp cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền tại địa bàn, khu phố thông qua các hoạt động giao lưu, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm; đồng thời tuyên truyền vận động hộ gia đình tích cực nâng cao trách nhiệm bảo vệ, phòng tránh xâm hại, bạo lực đối với trẻ em.
- Ủy ban nhân dân quận - huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông “chấm dứt bạo lực đối với trẻ em”; sử dụng các thông điệp, hình ảnh, tài liệu chiến dịch do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp. Các đơn vị có thể tự xây dựng nội dung và thiết kế các sản phẩm, hình thức truyền thông khác trong chiến dịch truyền thông theo quy định.
Các thông điệp truyền thông về “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em”
- Hãy lên tiếng chống lại xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em
- Xâm hại, bạo lực trẻ em - ác mộng tuổi thơ
- Xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em là không thể chấp nhận được
- Xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em có thể phòng tránh được
- Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột là lương tâm và trách nhiệm của mọi người.
(Kèm Logo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cung cấp)
Và các khẩu hiệu tuyên truyền về Tháng hành động “Vì trẻ em” năm 2014
- Trẻ em có quyền được sống an toàn để phát triển
- Bạo lực, xâm hại, bóc lột trẻ em là vi phạm pháp luật
- Roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương mạnh hơn lời quát mắng
- Bảo vệ trẻ em bằng gia đình hạnh phúc, bình yên
- Hãy gọi 18001567 khi thấy trẻ em bị bạo lực, xâm hại, bóc lột!
3. Tăng cường các hoạt động bảo vệ chăm sóc trẻ em:
- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban ngành và đoàn thể Thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; tăng cường hoạt động điểm tư vấn trẻ em tại cộng đồng, sẵn sàng tiếp nhận thông tin tố cáo và hỗ trợ, can thiệp kịp thời các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột; tăng cường phổ biến và tuyên truyền rộng rãi các số điện thoại liên quan trên các phương tiện truyền thông đại chúng để mọi người dân đều biết đến hoạt động của các đường dây tư vấn, hỗ trợ trẻ em: 18001567, 1900545559; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức kỹ năng phòng, chống bạo lực trẻ em cho các đối tượng là trẻ em, cha mẹ và đội ngũ cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em của địa phương; tăng cường vận động các nguồn lực trong nước và quốc tế hỗ trợ trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như tặng quà, tặng học bổng...
- Giao Công an Thành phố phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tăng cường hướng dẫn, phổ biến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật trong các hoạt động truyền thông, giáo dục; kịp thời ghi nhận và có các biện pháp xử lý nhanh chóng những thông tin, tin báo, tố giác tội phạm có liên quan đến trẻ em và xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm quyền và lợi ích của trẻ em theo quy định của pháp luật.
- Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn sử dụng hợp lý nguồn lực của địa phương và Trung ương cho Chương trình, Kế hoạch bảo vệ trẻ em năm 2014, nhằm triển khai thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.
- Giao Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật của trung ương và của Thành phố liên quan tới công tác bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời tăng cường hỗ trợ pháp lý bảo đảm mọi trường hợp trẻ em có vướng mắc đến pháp luật đều được tiếp cận và trợ giúp pháp lý với chất lượng tốt nhất.
- Giao Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền chiến dịch truyền thông về chấm dứt bạo lực đối với trẻ em đồng thời hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện chăm sóc y tế, tư vấn về sức khỏe cho trẻ em là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại. Bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc và khám chữa bệnh kịp thời cho trẻ em.
- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan lồng ghép tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về kỹ năng sống và kiến thức pháp luật để trẻ em biết tự bảo vệ mình, biết ứng phó các tình huống và những kỹ năng phòng, tránh các nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.
- Ủy ban nhân dân quận - huyện chỉ đạo các Phòng ban chuyên môn tham gia tuyên truyền chiến dịch “chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” nhằm nâng cao nhận thức của mọi người dân về trách nhiệm phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em trên địa bàn; tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, các buổi truyền thông cộng đồng, truyền thông lưu động để đưa ra các biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm ngăn ngừa và hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bóc lột; Khẳng định trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, để từ đó có những hoạt động tích cực ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tệ nạn xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột lao động trẻ em, giúp các em được sống trong môi trường lành mạnh và an toàn.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Giao Sở Tài chính hướng dẫn các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân quận - huyện sử dụng và quyết toán kinh phí tổ chức các hoạt động trong dự toán kinh phí ngân sách được bố trí trong năm 2014.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban ngành thực hiện tốt công tác vận động nguồn lực; lồng ghép vào hoạt động của Dự án Bạn hữu trẻ em Thành phố trong hợp tác với tổ chức UNICEF để tổ chức các hoạt động có liên quan nhằm thực hiện tốt chiến dịch truyền thông, đồng thời thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em trên địa bàn Thành phố.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ban, ngành có trách nhiệm khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đảm bảo tiến độ thời gian và hiệu quả của chương trình, tránh hình thức.
2. Ủy ban nhân dân quận - huyện căn cứ nội dung kế hoạch và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
3. Đề nghị Thành Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Hè của Thành phố, chỉ đạo cho cơ sở tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè, vui chơi giải trí phù hợp, thiết thực và an toàn cho trẻ em; phối hợp nâng cao công tác truyền thông, đặc biệt là tập trung chiến dịch truyền thông về “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” cho trẻ em trong dịp Hè;
4. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố chỉ đạo các cấp hội tăng cường công tác truyền thông về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em lồng ghép trong việc triển khai thực hiện đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” tại cộng đồng, khu phố, ấp và gia đình.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Hội Bảo vệ quyền trẻ em - Cơ quan thường trực phía nam, Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố triển khai, vận động trong tổ chức mình tổ chức và thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng chiến dịch truyền thông về “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em”.
VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể Thành phố và Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” về Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua bộ phận thường trực (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em) trước ngày 20 tháng 8 năm 2014.
2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, giám sát, đánh giá, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện chiến dịch truyền thông về “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em”, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định./.
Nơi nhận: | KT. CHỦ TỊCH |
Kế hoạch 2543/KH-UBND năm 2014 triển khai chiến dịch truyền thông “Chấm dứt bạo lực đối với trẻ em” do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 2543/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 06/06/2014
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Hứa Ngọc Thuận
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/06/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra