Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 11
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 252/KH-UBND

Quận 11, ngày 20 tháng 12 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHI TRẢ CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 11

Thực hiện Kế hoạch số 2487/KH-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Công văn số 32353/SLĐTBXH-XH ngày 08 tháng 10 năm 2021 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về việc triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân quận 11 xây dựng kế hoạch triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn quận qua hệ thống Bưu điện và đẩy mạnh giải pháp không dùng tiền mặt, với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thực hiện chi trả các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn quận theo nhiều phương thức hiện đại, tiện lợi, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán hiện đại của nền kinh tế.

b) Góp phần triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho người dân, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới về tổ chức và đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực trợ giúp xã hội.

c) Từng bước cải cách thủ tục hành chính hỗ trợ trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, đảm bảo chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí hành chính.

d) Nâng cao năng lực cho cán bộ, hiểu biết của người dân về Chính phủ điện tử, quy trình nghiệp vụ giải quyết các chính sách và chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt.

2. Yêu cầu

a) Đảm bảo đối tượng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội đúng, đủ, kịp thời, quy trình chi trả đơn giản, phù hợp với từng đối tượng.

b) Đảm bảo đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội .

c) Đối lượng hưởng chính sách trợ giúp xã hội có quyền lựa chọn hình thức chi trả phù hợp, khuyến khích đối tượng nhận qua tài khoản ngân hàng để đảm bảo mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt với chi phí phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đối tượng thụ hưởng.

II. ĐỐI TƯỢNG, HÌNH THỨC, PHẠM VI, MỨC CHI

1. Đối tượng:

- Trợ cấp xã hội hàng tháng dành cho đối tượng bảo trợ xã hội: (1) trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; (2) người từ 16-22 tuổi đang đi học không có nguồn nuôi dưỡng; (3) Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo; (4) người đơn thân nghèo đang nuôi con; (5) Người cao tuổi theo quy định; (6) Người khuyết tật theo quy định; (7) Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo.

- Hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng: (1) người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi; (2) Hộ gia đình đang trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng;

- Hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng: (1) nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em dưới 04 tuổi; (2) nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ đủ 04 tuổi đến dưới 16 tuổi; (3) nhận chăm sóc nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng.

- Hỗ trợ chi phí mai táng.

2. Hình thức:

- Chi trả thông qua tài khoản ngân hàng (ATM);

- Chi trả thông qua thẻ chi trả của Bưu điện

* Một số trường hợp đặc biệt đối tượng không có khả năng nhận trợ cấp thông qua hai hình thức trên thì được xem xét chi trả tại nơi cư trú.

3. Phạm vi: Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội trên địa bàn quận.

4. Mức chi phí dịch vụ: là 6.600 đồng/người chi trả thành công/tháng (đã bao gồm phí chuyển khoản ngân hàng đối với các trường hợp thanh toán qua tài khoản ngân hàng và tài khoản ngân hàng số). Bưu điện phải sử dụng nguồn lực có sẵn tại địa phương (cán bộ phường) để thực hiện một số nội dung công việc và hỗ trợ 2.000 đồng/đối tượng/tháng trên cơ sở đảm bảo mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả hoạt động.

III. THỜI GIAN VÀ QUY TRÌNH THỰC HIỆN CHI TRẢ

1. Công tác chuẩn bị:

1.1. Công tác tuyên truyền: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bưu điện, Trung tâm văn hóa - thể thao, phòng Văn hóa - thông tin quận và Ủy ban nhân dân phường thông tin rộng rãi, kịp thời bằng nhiều hình thức tờ rơi, tờ bướm, treo băng rôn, phướn ...về mục đích, nội dung, phạm vi, đối tượng, phương thức chuyển đổi hình thức chi trả đến người thụ hưởng tại trụ sở Khu phố, Bưu điện, Ủy ban nhân dân phường.

1.2. Ký kết hợp đồng: Công tác chi trả được thực hiện trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Bưu điện; nội dung hợp đồng phải quy định rõ phạm vi, đối tượng chi trả, hình thức chi trả, phương thức chuyển tiền và thời hạn chuyển tiền, thời hạn chi trả đến người thụ hưởng, mức phí chi trả, thời hạn thanh quyết toán, quyền và trách nhiệm của các bên, thỏa thuận khác có liên quan đến việc chi trả.

1.3. Rà soát, lập danh sách đối tượng và hỗ trợ mở tài khoản cho người hưởng:

a) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, phối hợp Bưu điện, Ủy ban nhân dân phường tổng hợp danh sách đăng ký hình thức nhận chi trả và thông tin cá nhân đối tượng; hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng và thẻ ATM tại ngân hàng đối tác (Vietinbank) cho toàn bộ người hưởng theo danh sách dược cung cấp; cụ thể:

- Trước 05 ngày của kỳ chi trả đầu tiên, Bưu điện Thành phố phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận chuyển thẻ ATM đến đối tượng. Trường hợp đối tượng thay đổi địa chỉ cư trú hoặc địa chỉ cư trú không rõ ràng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận có trách nhiệm liên hệ đối tượng, hỗ trợ Bưu điện Thành phố chuyển thẻ ATM đến đối tượng.

- Bưu điện chủ động liên hệ đối tượng và hẹn thời gian đến địa chỉ cư trú (theo danh sách Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận cung cấp) nhằm thu thập và cập nhật thông tin liên quan (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân), cấp phát thẻ ATM đến đối tượng để nhận tiền trợ cấp. Trong trường hợp không liên hệ được hoặc gặp được lần thứ nhất, Bưu điện tiếp lục liên hệ lần thứ 2 để hỗ trợ.

- Trường hợp đối tượng chưa thể cung cấp thông tin liên quan hoặc không có mặt tại địa chỉ cư trú vào thời điểm nhân viên Bưu điện liên hệ, đối tượng phải trực tiếp đến Bưu điện Trung tâm/Bưu điện quận (theo danh sách đính kèm) để được hướng dẫn và hỗ trợ hoàn tất hồ sơ mở tài khoản ngân hàng và phát hành thẻ ATM.

- Các trường hợp chưa thể cung cấp thông tin để mở tài khoản ngân hàng và phát hành thẻ ATM, Bưu điện thống kê, lập danh sách và giao cán bộ phường hỗ trợ chi trả tiền mặt theo hợp đồng cộng tác viên.

b) Ngưng sử dụng hình thức chi trả bằng tiền mặt trong các kỳ chi trả tiếp theo, trừ những trường hợp không đủ điều kiện mở tài khoản ngân hàng theo quy định của ngành ngân hàng, Ủy ban nhân dân phường có trách nhiệm phổ biến và hướng dẫn đối tượng mở tài khoản ngân hàng để nhận trợ cấp khi hướng dẫn thực hiện thủ tục đề nghị trợ cấp.

1.4. Tiếp tục hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng:

Đối với những trường hợp chưa nhận thẻ ATM hoặc chưa hoàn tất thủ tục để được mở tài khoản ngân hàng trong kỳ chi trả đầu tiên, Bưu điện Thành phố tiếp tục hỗ trợ đối tượng đăng ký thông tin và mở tài khoản ngân hàng tại các điểm chi trả của Bưu điện cho đến 100% đối tượng đủ điều kiện được mở tài khoản ngân hàng và nhận trợ cấp qua thẻ ATM.

1.5. Xem xét thực hiện chi trả tại nhà (không thu phí):

Trường hợp đối tượng (đau ốm, già yếu không có người để ủy quyền) không thể nhận chi trả thông qua tài khoản ngân hàng (thẻ ATM) thì liên hệ Bưu điện Trung tâm/Bưu điện quận (theo danh sách đính kèm) để đăng ký (theo mẫu đính kèm) nhận chi trả bằng tiền mặt tại nhà (miễn phí phát sinh).

2. Thời gian thực hiện chi trả: Bắt đầu thực hiện từ tháng 01 năm 2022

3. Quy trình thực hiện chi trả: Thực hiện theo quy định tại Khoản 4 và khoản 5 Điều 34 Nghị định 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ cụ thể:

- Trước ngày 25 hàng tháng, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, căn cứ danh sách đối tượng thụ hưởng (bao gồm đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng tăng, giảm; đối tượng hưởng trợ cấp một lần); số kinh phí chi trả tháng sau (bao gồm cả tiền truy lĩnh và mai táng phí của đối tượng); số kinh phí còn lại chưa chi trả các tháng trước (nếu có) thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước và chuyển vào tài khoản tiền gửi của Bưu điện Thành phố; đồng thời chuyển danh sách chi trả (theo mẫu) để tổ chức dịch vụ chi trả cho đối tượng thụ hưởng tháng sau. Trong thời gian chi trả, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận có trách nhiệm cử người giám sát việc chi trả của Bưu điện Thành phố.

- Hàng tháng, Bưu điện Thành phố tổng hợp, báo cáo danh sách đối tượng đã chi trả thành công, số tiền đã chi trả; danh sách đối tượng chưa chi trả (theo mẫu) để chuyển chi trả vào tháng sau, số kinh phí còn lại chưa chi trả và chuyển chứng từ (danh sách đã ký nhận và chứng từ chuyển khoản ngân hàng) cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận trước ngày 20 hàng tháng. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận tổng hợp quyết toán kinh phí chi trả theo quy định.

2.2. Thời gian chi trả:

- Đối với đối tượng chi trả thông qua tài khoản ngân hàng: chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng chậm nhất vào ngày 05 hàng tháng.

- Đối với đối tượng chi trả tại nhà: thực hiện chi trả từ ngày 01 đến ngày 10 hàng tháng.

2.3. Tạm dừng chi trả:

Trên cơ sở danh sách đối tượng chưa nhận tiền hàng tháng do Bưu điện thông báo, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận thống kê danh sách đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục 03 tháng trở lên; hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường cử cán bộ liên hệ và đến nơi cư trú tìm hiểu nguyên nhân để có cơ sở tham mưu tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nguồn ngân sách Nhà nước: Kinh phí thực hiện theo Khoản 1 Điều 31 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Giao Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Bưu điện Thành phố, Ủy ban nhân dân 16 phường triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch chi trả trợ cấp xã hội qua hệ thống Bưu điện đẩy mạnh giải pháp không dùng tiền mặt.

- Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân phường tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân về mô hình chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt;

- Trực tiếp ký hợp đồng chi trả với Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh và thực hiện thanh lý hợp đồng theo quy định;

- Rà soát, kiểm tra chi tiết, đối chiếu danh sách chi trả trợ cấp hàng tháng, ký duyệt, đóng dấu chuyển cho Bưu điện Thành phố chi trả theo quy định;

- Phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ủy ban nhân dân 16 phường lập dự toán kinh phí chi trả chính sách trợ giúp xã hội hàng năm.

- Tiếp nhận thông, tin kịp thời khi Bưu điện cung cấp để giải đáp thắc mắc, các vướng mắc trong quá trình chi trả cho người hưởng;

- Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân phường trong công tác quản lý đối tượng, bảo quản lưu trữ hồ sơ chứng từ gốc. Nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân quận xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác chi trả chính sách trợ giúp không dùng tiền mặt trên địa bàn quận.

2/ Giao Phòng Tài chính - Kế hoạch, Kho bạc nhà nước quận:

- Phối hợp, hướng dẫn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện nội dung chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn quận 11 và thanh quyết toán việc chi trả đảm bảo theo quy định hiện hành.

3/ Công an quận: Chỉ đạo Công an các địa phương ưu tiên thực hiện cấp mới, cấp đổi giấy chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho Người dang hưởng trợ cấp xã hội, người giám hộ, người ủy quyền nhằm có đủ điều kiện để mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt.

4/ Giao Trung tâm Văn hóa - thể thao: Có kế hoạch tuyên truyền phổ biến đến nhân dân trong quận về mô hình chi trả chính sách trợ giúp không dùng tiền mặt trên bản tin quận.

5/ Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể quận:

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tổ chức triển khai, thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời mô hình đến người dân dược hưởng trợ cấp.

6/ Giao Ủy ban nhân dân phường :

- Phối hợp tổ chức triển khai, tuyên truyền thực hiện sâu rộng đến từng tổ dân phố, người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội về chính sách trợ giúp không dùng tiền mặt đến cấp ủy, chính quyền mặt trận Tổ quốc và nhân dân biết, tham gia kiểm tra, giám sát, phối hợp tổ chức thực hiện;

- Trực tiếp quản lý đối tượng, mở sổ theo dõi và quản lý từng loại đối tượng;

- Hàng tháng kiểm tra, lập danh sách những đối tượng tăng, giảm, chuyển đi địa phương khác và phát hiện những trường hợp hưởng sai chế độ (nếu có) gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Chủ động tiếp xúc, thăm hỏi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đối tượng Bảo trợ xã hội trong quá trình thực hiện mô hình chi trả chính sách trợ giúp không dùng tiền mặt, báo cáo về Ủy ban nhân dân quận (thông qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội) để kịp thời giải quyết.

- Chỉ đạo Công an phường rà soát hướng dẫn cấp, đổi Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho đối tượng hưởng bảo trợ xã hội , hoặc người bảo lãnh, người nhận ủy quyền của đối tượng chưa có Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân trên địa bàn.

Đề nghị các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân 16 phường triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch đã đề ra./.

 


Nơi nhận:
- UBND Thành phố (b/c);
- Sở Lao động-TB&XH Thành phố (b/c);
- Bưu điện Thành phố ;
- UBND Quận (CT, các PCT);
- Các đơn vị nêu tại mục V;
- VP UBND Quận;
- Lưu: VT, XH.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Trần Bình

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 252/KH-UBND năm 2021 về triển khai chi trả chính sách trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 252/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 20/12/2021
  • Nơi ban hành: Quận 11
  • Người ký: Nguyễn Trần Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản