Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN 11
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/KH-UBND

Quận 11, ngày 03 tháng 03 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN “ĐÀO TẠO NGHỀ, TẠO VIỆC LÀM CHO NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ CỦA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2016-2020” TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN 11

Căn cứ Quyết định số 3819/QĐ-UBND ngày 26 tháng 7 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020”;

Ủy ban nhân dân quận 11 xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án “Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020” trên địa bàn Quận 11 như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU:

1. Quan điểm:

- Học nghề, lập nghiệp là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân, trong đó có người dân tộc thiểu số. Người dân tộc thiểu số tham gia học nghề để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần tăng sức cạnh tranh của nguồn nhân lực, tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội.

- Tăng cơ hội học nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu, đặc biệt người dân tộc thiểu số ở khu vực bị di dời, giải tỏa.

- Nhà nước tăng cường đầu tư phát triển dạy nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số; có chính sách huy động mọi nguồn lực trong xã hội quan tâm dạy nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số.

2. Mục tiêu của Đề án:

2.1 Mục tiêu chung:

Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số nhằm tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, giảm nghèo bền vững và có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại quận trong quá trình phát triển và hội nhập.

2.2 Mục tiêu cụ thể:

- Đào tạo nghề cho 20% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động chưa qua đào tạo nghề và có nhu cầu học nghề.

- Thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm cho 80% người dân tộc thiểu số sau khi tham gia đào tạo.

II. NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Dạy nghề tập trung cho người dân tộc thiểu số tại các cơ sở dạy nghề:

1.1 Đối tượng hỗ trợ: Người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề nhưng có nhu cầu học nghề, có hộ khẩu thường trú tại quận 11.

1.2 Mức hỗ trợ: Học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng) được Nhà nước hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.

1.3 Nguyên tắc hỗ trợ: Mỗi đối tượng được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách của Đề án này. Những đối tượng đã được hỗ trợ đào tạo các chính sách khác của Nhà nước không được hỗ trợ đào tạo theo chính sách quy định tại Đề án này. Riêng những người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội quận xem xét quyết định tiếp tục hỗ trợ đào tạo để chuyển đổi việc làm theo chính sách tại Đề án này, nhưng tối đa không quá 3 lần.

2. Dạy nghề kèm cặp trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo:

2.1 Đối tượng hỗ trợ:

- Người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động, chưa qua đào tạo nghề nhưng có nhu cầu học nghề, có hộ khẩu thường trú tại quận 11.

- Có đủ sức khỏe để làm việc, hiện nay chưa có việc làm ổn định, có nguyện vọng được học nghề và giải quyết việc làm trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

2.2 Điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia dạy nghề kèm cặp:

- Là doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.

- Có đủ điều kiện tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13 tháng 7 năm 2015 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp (nếu dạy nghề theo trình độ sơ cấp) và đảm bảo yêu cầu về người dạy, thiết bị đào tạo (nếu dạy nghề dưới 3 tháng). Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét, quyết định cho phép doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh được dạy nghề cho người dân tộc thiểu số theo dạng kèm cặp.

- Tự nguyện tham gia dạy nghề và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số sau khi đào tạo.

- Cam kết nhận người dân tộc thiểu số vào làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi học nghề.

2.3 Phương thức hỗ trợ:

- Thực hiện khoán chi kinh phí cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện tiếp nhận người dân tộc thiểu số vào học nghề và làm việc. Ủy ban nhân dân quận thanh toán cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhận người dân tộc thiểu số vào học nghề và làm việc tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với mức chi không quá 03 triệu đồng/người/khóa học.

- Thành lập Tổ tư vấn để xét duyệt đối tượng tham gia, thực hiện chi trả và thanh quyết toán với ngân sách nguồn chi trả cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Thành phần Tổ tư vấn do Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận làm tổ trưởng, thành viên bao gồm Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Tài Chính-Kế hoạch, Phòng Kinh tế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường.

3. Giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số:

3.1 Giới thiệu việc làm trong doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh:

- Căn cứ vào nguyện vọng làm việc, khả năng đáp ứng các điều kiện về tuyển dụng của người dân tộc thiểu số để giới thiệu vào làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng.

- Phát huy vai trò của các cơ sở dạy nghề, các cơ sở giới thiệu việc làm, các ban ngành, Hội, Đoàn thể cùng tham gia giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số.

3.2 Chính sách hỗ trợ vay vốn tạo việc làm:

- Đối tượng được vay vốn ưu đãi được quy định tại Điều 23 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với các Phòng, ban, ngành liên quan triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn quận.

- Phối hợp Phòng Tài chính-Kế hoạch hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với các chính sách, hoạt động của Đề án; phối hợp kiểm tra việc thực hiện Đề án.

- Kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án của các Phòng, ban, ngành và Ủy ban nhân dân 16 phường, định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân quận.

2. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận:

- Phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án trên địa bàn quận 11.

- Phối hợp kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Đề án.

3. Phòng Tài chính-Kế hoạch:

- Tham mưu UBND quận thẩm định, bố trí nguồn kinh phí triển khai thực hiện Đề án; phối hợp thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí giao cho các đơn vị chi trả thực hiện Đề án theo quy định hiện hành.

4. Liên đoàn Lao động quận:

- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia đào tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số.

- Kiểm tra, theo dõi việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động và người dân tộc thiểu số làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

5. Hội Liên hiệp Phụ nữ quận:

Triển khai, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án đào tạo nghề cho người dân tộc thiểu số; tư vấn, giới thiệu việc làm cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn quận.

6. Ngân hàng chính sách xã hội quận Tân Phú và quận 11:

- Xây dựng quy trình, thủ tục hồ sơ, mẫu biểu cho vay giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số.

- Tổ chức hướng dẫn cho phường, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cán Bộ chuyên trách quản lý công tác dân tộc về quy trình và thủ tục cho vay vốn giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số.

- Tổ chức tiếp nhận vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi và thực hiện công tác xử lý nợ theo đúng quy định.

7. Ủy ban nhân dân 16 phường:

- Triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn phường

- Tổ chức rà soát chọn các các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đủ điều kiện tham gia dạy nghề kèm cặp và giải quyết việc làm cho người dân tộc thiểu số.

- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trong tầng lớp nhân dân, cơ sở sản xuất kinh doanh về ý nghĩa và mục tiêu của Đề án. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến trong doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi tiếp nhận người dân tộc thiểu số vào làm việc. Tư vấn và giới thiệu việc làm cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn phường.

- Định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) và kết thúc Đề án, báo cáo kết quả dạy nghề, giải quyết việc làm, các dự án vay vốn tự tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số gửi về Ủy ban nhân dân quận (Thông qua Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố./.

 


Nơi nhận:
- UBND thành phố; (để báo cáo)
- Ban Dân tộc thành phố; (để báo cáo)
- Sở LĐTBXH thành phố; (để báo cáo)
- Thường trực Quận Ủy; (để báo cáo)
- HĐND quận; (để báo cáo)
- UBND Q.11(CT, PCT);
- LĐLĐ Quận 11;
- Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận;
- P. LĐTBXH;
- Ngân hàng CSXH
- UBND 16 phường;
- VP HĐND - UBND (CPVP/th, NCTH);
- Lưu VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Quốc Cương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 25/KH-UBND năm 2017 về triển khai Đề án "Đào tạo nghề, tạo việc làm cho người dân tộc thiểu số của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2016-2020" trên địa bàn Quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

  • Số hiệu: 25/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 03/03/2017
  • Nơi ban hành: Quận 11
  • Người ký: Trương Quốc Cương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 03/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản