Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 247/KH-UBND

An Giang, ngày 24 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1235/QĐ-TTG PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH THÚC ĐẨY QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016-2020

A. CƠ SỞ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH:

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004;

Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020;

Công văn số 4311/LĐTBXH-BVCSTE ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020.

B. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM TẠI AN GIANG:

Những năm qua, Đảng bộ và Chính quyền An Giang đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách từng bước đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển ổn định. Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, các chính sách xã hội được quan tâm đặc biệt, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm hơn nên đã có chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và tổ chức thực hiện. Nhiều mục tiêu nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em về sức khoẻ, học tập, vui chơi giải trí, và sự tham gia ý kiến của trẻ em vào những vấn đề có liên quan.

Quyền tham gia của trẻ em ngày càng được tỉnh quan tâm, ngoài việc tạo điều kiện phát triển các loại hình sinh hoạt bổ ích cho trẻ em tham gia vui chơi, giải trí; từ năm 2009 đến nay, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức 06 diễn đàn trẻ em với các chủ đề: “Lắng nghe trẻ em nói”, “Trẻ em với biến đổi khí hậu”, “Thực hiện quyền của trẻ em”, “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em”, “Luật Bảo vệ, chăm sóc trẻ em với góc nhìn của thanh, thiếu niên” thu hút trên 520 trẻ em tham gia; các địa phương đã tổ chức 264 lượt diễn đàn trẻ em ở cấp huyện, cấp xã thu hút 26.662 trẻ em tham gia. Tại diễn đàn các em được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo và các ban, ngành, đoàn thể các cấp những vấn đề mà bản thân các em gặp phải hay các vấn đề xã hội mà các em quan tâm, qua đó thúc đẩy sự tham gia của trẻ em trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch hành động liên quan đến trẻ em. Ngoài ra các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương tổ chức nhiều loại hình đa dạng, phong phú cho trẻ em tham gia trao đổi ý kiến như: Hội thi, sinh hoạt nhóm, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt CLB quyền trẻ em…tính đến tháng 9/2015 có 100% trường THCS thành lập CLB quyền trẻ em, thực hiện Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2011-2015, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội đã thành lập 56 CLB bảo vệ trẻ em tại 56 xã điểm, mỗi CLB có từ 20-30 trẻ em nòng cốt tham gia sinh hoạt thường xuyên.

Bên cạnh những kết quả đạt được về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, việc tạo điều kiện cho trẻ em được thực hiện bốn nhóm quyền cơ bản (sống còn, phát triển, bảo vệ và tham gia) nói chung, quyền được tham gia nói riêng còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu đối với trẻ em như:

- Quyền tham gia của trẻ em trong gia đình còn mờ nhạt. Cha mẹ tập trung làm kinh tế ít có thời gian lắng nghe con trò chuyện, quan niệm kính trên, nhường dưới và văn hoá thứ bậc làm cho các cuộc trò chuyện của cha mẹ với con cái mang tính chỉ bảo, răn dạy không cởi mở, tâm sự . Việc trẻ em bày tỏ ý kiến về những vấn đề liên quan đa số không được cha mẹ xem xét phản hồi vì quan niệm trẻ vẫn còn nhỏ, chưa có sự chín chắn nên giáo dục mang tính mệnh lệnh, ít lắng nghe ý kiến của trẻ em.

- Quyền tham gia của trẻ em trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức. Trẻ em tiếp cận thông tin chủ yếu thông qua các hoạt động giảng dạy và các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ, còn các hoạt động như sinh hoạt ngoại khoá, các buổi nói chuyện chuyên đề, hòm thư góp ý, tổ tư vấn học đường… còn mang tính hình thức chưa đạt hiệu quả cao, chưa thật sự là nơi để trẻ em tham gia bày tỏ ý kiến.

- Quyền tham gia của trẻ em ở cộng đồng xã hội còn hạn chế. Các hoạt động ở cộng đồng chưa thật sự thu hút được trẻ em tham gia, diễn đàn trẻ em, CLB trẻ em, hội thảo, hội thi, kênh thông tin, sự kiện dành cho trẻ em, các cuộc thăm dò ý kiến trẻ em… còn rất ít chưa đáp ứng nhu cầu tham gia của trẻ em.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em tham gia ngày càng đầy đủ hơn các quyền của trẻ em theo các văn bản pháp lý quy định. UBND tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020.

C. KẾ HOẠCH THÚC ĐẨY QUYỀN THAM GIA CỦA TRẺ EM VÀO CÁC VẤN ĐỀ VỀ TRẺ EM GIAI ĐOẠN 2016 – 2020:

I. Mục tiêu tổng quát:

Tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em theo quy định của pháp luật Việt Nam và Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em.

II. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- 100% văn bản pháp luật, chính sách liên quan trẻ em ở cấp tỉnh, cấp huyện được tham vấn ý kiến trẻ em.

- 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong nhà trường được tham vấn ý kiến trẻ em.

- 90% các quyết định có liên quan đến trẻ em trong cộng đồng, xã hội được tham vấn ý kiến trẻ em.

- 100% các huyện, thị, thành phố triển khai thí điểm ít nhất 02 mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

III. Đối tượng, phạm vi, thời gian thực hiện Kế hoạch:

1. Đối tượng: Trẻ em từ 6 tuổi trở lên; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền của trẻ em.

2. Phạm vi: Toàn tỉnh, ưu tiên lựa chọn một số xã, phường, thị trấn có khả năng thực hiện để triển khai thí điểm các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

3. Thời gian: Từ năm 2016 đến năm 2020.

IV. Các dự án của Chương trình:

1. Dự án 1: Truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em:

1.1. Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em.

1.2. Chỉ tiêu:

- 80% cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, huyện, xã hiểu biết, có kỹ năng tổ chức thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- 90% cán bộ, chính quyền tại địa bàn thí điểm hiểu biết, có kỹ năng tổ chức thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- 80% cán bộ đoàn, phụ trách đội, giáo viên tại địa bàn thí điểm hiểu biết, có kỹ năng tổ chức thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- 70% cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em tại địa bàn thí điểm hiểu biết, có kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

1.3. Đối tượng: Các cơ quan, tổ chức, người dân, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

1.4. Nội dung hoạt động:

- Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục về quyền tham gia của trẻ em thường xuyên, liên tục hàng năm và các đợt cao điểm như: Tháng hành động vì trẻ em, tháng sinh hoạt hè; các ngày lễ, Tết thiếu nhi.

- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp: Đài phát thanh truyền hình An Giang, Báo An Giang, loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã.

- Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về kiến thức quyền tham gia của trẻ em như: triển lãm tranh ảnh, hội thi, hội nghị, diễn đàn. Tuyên truyền thông qua mạng lưới cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, cộng tác viên khóm, ấp như: Tuyên truyền nhóm nhỏ, sinh hoạt CLB trẻ em, vãng gia tại gia đình, cấp phát tài liệu liên quan. Tư vấn thông qua đường dây nóng bảo vệ trẻ em, các điểm tư vấn ở trường học và cộng đồng.

- Nhân bản các tài liệu truyền thông về quyền tham gia của trẻ em: áp phích, sách mỏng, sổ tay, tờ rơi, tranh, ảnh.

- Tuyên truyền trực quan ngoài trời: Xây dựng cụm Pano, xe hoa cổ động, khẩu hiệu, băngrol về quyền tham gia của trẻ em…

- Theo dõi, đánh giá kết quả các hoạt động truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông trong gia đình, nhà trường; định kỳ đánh giá tác động của hoạt động truyền thông đối với trẻ em, người lớn tại địa bàn về hiệu quả việc thực hiện Kế hoạch.

1.5. Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động-Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin truyền thông, Tư Pháp, Báo An Giang, Đài phát thanh truyền hình An Giang; UB Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, UBND cấp huyện.

2. Dự án 2: Nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em:

2.1. Mục tiêu: Nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chú trọng đối tượng cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ đoàn, đội, cha mẹ trẻ và trẻ em; xây dựng quy trình, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn thực hiện và nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

2.2. Chỉ tiêu:

- 90% cán bộ quản lý nhà nước về trẻ em, cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện được nâng cao năng lực về kiến thức quyền tham gia của trẻ em.

- 50% cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã và cộng tác viên khóm, ấp được nâng cao năng lực về kiến thức quyền tham gia của trẻ em.

- 90% cán bộ đoàn, đội, giáo viên tại địa bàn thí điểm được tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- 50% cha mẹ, trẻ em tại địa bàn thí điểm được tập huấn, trang bị kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- 70% sinh viên năm cuối của các trường sư phạm, sinh viên năm cuối chuyên ngành công tác xã hội được giảng dạy chuyên đề về quyền trẻ em, trong đó có quyền tham gia của trẻ em.

2.3. Đối tượng: Đội ngũ cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã và công tác viên khóm, ấp làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giáo viên, cán bộ đoàn, đội, hội, cha mẹ trẻ và trẻ em.

2.4. Nội dung hoạt động:

a) Xây dựng văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- Rà soát, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản pháp luật, chính sách có liên quan đến quyền tham gia của trẻ em. Nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp giữa các ngành liên quan thực hiện việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tham gia của trẻ em, cụ thể về các nguyên tắc, hình thức, nội dung hoạt động, quy trình thực hiện, trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em; xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn về quyền tham gia của trẻ em, các kỹ năng làm việc với trẻ em trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương.

b) Theo dõi, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em:

- Tham gia với Trung ương xây dựng bộ chỉ số theo dõi, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em: Nghiên cứu, rà soát chỉ số theo dõi, đánh giá về thực hiện các quyền trẻ em hiện nay, trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện bộ chỉ số theo dõi, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- Tham gia với Trung ương xây dựng các tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện quyền tham gia của trẻ em trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và tổ chức xã hội.

- Tổ chức các khảo sát, đánh giá việc thực hiện các quyền tham gia của trẻ em, việc xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em trên các kênh thông tin đại chúng; các cơ quan xây dựng pháp luật, chính sách; khảo sát trong môi trường gia đình, nhà trường, cộng đồng và các địa bàn dân cư với các nội dung quyền được tiếp cận thông tin, lắng nghe, bày tỏ ý kiến, được xem xét phản hồi ý kiến.

- Phát hành tài liệu và cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình thực hiện quyền tham gia của trẻ em.

- Tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát đánh giá, hỗ trợ kỹ thuật cho cán bộ cơ sở trong việc thu thập, cập nhật thông tin về quyền tham gia của trẻ em.

c) Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện quyền tham gia của trẻ em:

- Rà soát, đánh giá, khảo sát yêu cầu, nhu cầu nâng cao năng lực, xây dựng chương trình, nội dung tập huấn, bồi dưỡng về quyền tham gia của trẻ em cho đối tượng được đào tạo, tập huấn. Xây dựng các bộ tài liệu tập huấn cho cán bộ cơ sở.

- Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về quyền trẻ em và quyền tham gia của trẻ em cho đội ngũ cán bộ các cấp tỉnh, huyện, xã và cộng tác viên khóm, ấp; trẻ em nòng cốt trong các CLB quyền trẻ em về kiến thức và các kỹ năng thúc đẩy quyền tham gia cho trẻ em.

- Tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tham quan học tập kinh nghiệm, trao đổi thảo luận việc thực thi pháp luật về thúc đẩy quyền tham gia trẻ em.

- Kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả tập huấn, bồi dưỡng đối với các đối tượng được đào tạo, tập huấn.

2.5. Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động -Thương binh và Xã hội.

- Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, UBND huyện, thị, thành phố.

3. Dự án 3: Xây dựng và thực hiện các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em:

3.1. Mô hình 1: Diễn đàn trẻ em:

a) Mục tiêu: Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã định kỳ tổ chức 02 năm/lần.

b) Đối tượng: Trẻ em từ 6 tuổi trở lên, cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ đoàn, đội, hội, giáo viên.

c) Nội dung hoạt động:

- Xây dựng kế hoạch, xây dựng tài liệu tập huấn và tổ chức tập huấn cho trẻ em và người phụ trách trẻ em tham dự Diễn đàn trẻ em.

- Tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em thông qua diễn đàn các cấp.

- Tổ chức Diễn đàn trẻ em: Trẻ em tham gia các trò chơi, giao lưu văn nghệ, tham quan; trẻ em thảo luận nhóm để đưa ra các khuyến nghị, thông điệp, trẻ em tham gia giao lưu, đối thoại với đại diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội...

- Truyền thông về Diễn đàn trẻ em và các thông điệp, khuyến nghị của trẻ em, tổng kết, hội nghị, hội thảo đánh giá tình hình thực hiện các Diễn đàn trẻ em.

đ) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Các cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, UBND cấp huyện.

3.2. Mô hình 2. Thăm dò ý kiến trẻ em:

a) Mục tiêu: 100% văn bản pháp luật, chính sách có liên quan đến trẻ em ở cấp tỉnh, cấp huyện trong quá trình xây dựng và ban hành có tổ chức thăm dò ý kiến trẻ em.

b) Đối tượng: Trẻ em từ 10 tuổi trở lên.

c) Nội dung hoạt động:

- Tiến hành thăm dò ý kiến trẻ em bằng cách tham vấn ý kiến trẻ em thông qua các kênh: Hội nghị, hội thảo, tọa đàm, phiếu hỏi, tổng đài tư vấn, internet và các hình thức phù hợp khác.

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn nội dung thăm dò ý kiến trẻ em về các vấn đề, văn bản có liên quan đến trẻ em; hướng dẫn về quy trình thăm dò ý kiến trẻ em, thiết kế và tổ chức triển khai các mô hình thăm dò ý kiến trẻ em.

- Tham gia với Trung ương xây dựng bộ công cụ thăm dò ý kiến trẻ em.

- Nội dung thăm dò ý kiến trẻ em là các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến trẻ em.

- Tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá kết quả, đúc kết kinh nghiệm và khuyến nghị khi thực hiện mô hình, tổ chức theo dõi, giám sát mô hình để đưa ra các bài học kinh nghiệm và đề xuất nhân rộng mô hình.

d) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động -Thương binh và Xã hội.

- Các cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, UBND cấp huyện.

3.3. Mô hình 3: CLB quyền tham gia của trẻ em:

a) Mục tiêu: 100 % trường THCS và THPT, 50% (78 xã, phường, thị trấn) được thành lập CLB quyền tham gia của trẻ em.

b) Đối tượng:Trẻ em từ 10 tuổi trở lên.

c) Nội dung hoạt động:

- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện mô hình CLB trẻ em tại các trường THCS và THPT và các xã, phường, thị trấn .

- Thành lập, duy trì CLB trẻ em sẵn có trên cơ sở tham gia tự nguyện của trẻ em, do trẻ em chủ động xây dựng và triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và bổn phận của trẻ em.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ năng tổ chức điều hành hoạt động của các CLB; tổ chức tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa các CLB, tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm về triển khai mô hình.

d) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Các cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, UBND cấp huyện.

3.3. Mô hình 3: Các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện:

a) Mục tiêu: Ít nhất 5 chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và tổ chức thực hiện tại nhà trường và cộng đồng liên quan đến quyền tham gia của trẻ em.

b) Đối tượng: Trẻ em từ 6 tuổi trở lên.

c) Nội dung hoạt động:

- Xây dựng tài liệu hướng dẫn thực hiện chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng.

- Lựa chọn thành viên tham gia mạng lưới hỗ trợ trẻ em tại cấp xã, đối tượng là cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cán bộ đoàn, đội, giáo viên, tổng phụ trách của các địa bàn thí điểm; thành lập nhóm trẻ nòng cốt.

- Phát động phong trào cho trẻ em xây dựng chương trình, hoạt động; thẩm định phê duyệt chương trình, hoạt động để trẻ em thực hiện.

- Nhóm trẻ nòng cốt thực hiện chương trình, hoạt động với sự giám sát, hỗ trợ của mạng lưới hỗ trợ trẻ em, khảo sát ban đầu, phát triển khung logic và kế hoạch can thiệp, kế hoạch giám sát, tổ chức hội thảo thông qua chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng, hội thảo đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện, giám sát các chương trình, hoạt động.

- Rà soát, đánh giá, rút ra các bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Kế hoạch, hoạt động do trẻ em khởi xướng và các hoạt động xã hội có trẻ em tham gia. Tổ chức hội thảo, hội nghị, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về triển khai mô hình.

- Các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng và thực hiện là những đề xuất, sáng kiến của trẻ em nhằm giải quyết các nhu cầu của trẻ em, cộng đồng và xã hội. Những chương trình, hoạt động này do trẻ em đề xuất, xây dựng, triển khai và giám sát thực hiện với sự hướng dẫn của các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ đáp ứng các quyền tham gia của trẻ em theo quy định của pháp luật.

d) Cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Các cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo; Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ, UBND cấp huyện.

V. Kinh phí thực hiện Kế hoạch: Ngân sách Nhà nước được bố trí trong kinh phí của các sở, ban, ngành và địa phương hàng năm; huy động từ các nguồn vốn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

VI. Đánh giá hiệu quả của Kế hoạch:

1. Kế hoạch sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức của các nhà quản lý, gia đình, nhà trường và trẻ em về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em. Tạo cơ hội, điều kiện để trẻ em được nói lên tiếng nói của mình, được người lớn hiểu, chia sẻ với trẻ em, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em.

2. Góp phần quan trọng vào việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai, tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm chi phí xã hội trong việc xử lý các vấn đề xã hội bức xúc có liên quan đến trẻ em.

3. Góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tạo cơ sở pháp lý và cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp đồng bộ, hiệu quả. Duy trì và phát huy những kết quả của các lĩnh vực chăm sóc y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội... cho trẻ em.

VII. Điều kiện để thực hiện Kế hoạch:

Để Kế hoạch hoạt động có hiệu quả và thực hiện được các mục tiêu đề ra cần có 3 điều kiện cơ bản:

1. Bố trí đủ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp tỉnh, huyện, xã và đội ngũ cộng tác viên khóm, ấp; có cơ chế hoạt động và chính sách phù hợp cho đội ngũ cộng tác viên.

2. Quan tâm bố trí kinh phí cho việc thực hiện Kế hoạch ở các cấp tỉnh, huyện, xã hàng năm.

3. Các sở, ban, ngành liên quan chủ động tổ chức các hoạt động liên quan đến lĩnh vục ngành phụ trách; tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

VI. Tổ chức thực hiện: Phân công trách nhiệm các ngành, địa phương như sau:

1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và điều phối các hoạt động của Kế hoạch. Tổ chức thực hiện các dự án đã được phân công trong Chương trình theo quy định của pháp luật.

- Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông về chủ trương của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước về quyền tham gia của trẻ em.

- Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và định kỳ báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

- Giúp UBND tỉnh đôn đốc các sở, ngành, địa phương tổ chức tham vấn ý kiến trẻ em khi xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình, đề án có liên quan đến trẻ em.

- Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách Đoàn, Đội trong trường học về việc xây dựng và áp dụng phương pháp giáo dục gắn với sự tham gia của trẻ em.

- Lồng ghép các nội dung có sự tham gia của trẻ em vào các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa phù hợp với cấp học, trình độ đào tạo, năng lực và sự phát triển của trẻ em.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy các hoạt động quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; chủ động tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật về thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em.

4. Sở Tài chính: Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách Nhà nước, chủ trì phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh bố trí ngân sách để thực hiện Kế hoạch đúng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch.

5. Sở Thông tin-Truyền thông: Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng xây dựng chương trình, chuyên mục, chuyên trang, kế hoạch, dành thời lượng thích hợp để tuyên truyền kiến thức quyền tham gia của trẻ em. Định kỳ, định hướng nội dung thông tin tuyên truyền cho Báo An Giang, Đài phát thanh truyền An Giang, Cổng thông tin điện tử An Giang, Website các sở, ngành, huyện, thị thành; Đài truyền thanh cấp huyện về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quyền tham gia của trẻ em.

6. Sở Tư pháp: Chủ trì xem xét, thẩm định, hướng dẫn các văn bản pháp luật liên quan đến quyền tham gia trẻ em, phối hợp các ngành liên quan tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về thúc đẩy quyền tham gia trẻ em.

7. UBND cấp huyện:

- Trên cơ sở Kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 và căn cứ tình hình thực tế của địa phương, xây dựng, lồng ghép kế hoạch thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể liên quan cấp huyện, UBND xã triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp của Kế hoạch trong địa bàn huyện, thị, thành. Tổ chức xây dựng kế hoạch chương trình, đề án có liên quan trẻ em phải tham vấn ý kiến trẻ em.

- Bố trí ngân sách theo quy định hiện hành, ưu tiên nguồn nhân lực và cơ sở vật chất để đảm bảo thực hiện Kế hoạch.

- Chủ động lồng ghép việc thực hiện Kế hoạch này với các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em khác có liên quan tại địa phương.

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch tại địa phương và thực hiện chế độ báo cáo hàng năm về kết quả triển khai Kế hoạch cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong phạm vi chức năng nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quyền tham gia của trẻ em; huy động đoàn viên, hội viên của tổ chức mình tham gia thực hiện kế hoạch thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 247/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1235/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020 do tỉnh An Giang ban hành

  • Số hiệu: 247/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản