Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2454/KH-UBND

Kon Tum, ngày 31 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TU GIAI ĐOẠN NĂM 2023-2025

Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn;

Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;

Căn cứ Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 9 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Kế hoạch số 133-KH/TU ngày 09 tháng 7 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai;

Căn cứ Quyết định số 305/QĐ-TTg ngày 05 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy định về phạm vi, đối tượng, nội dung chi và cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn;

Thực hiện Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và Công văn số 3222/BNN-TL ngày 19 tháng 5 năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2023; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn năm 2023-2025 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Mục đích:

- Tăng cường công tác theo dõi, nắm bắt tình hình thời tiết, thủy văn để triển khai kịp thời các giải pháp, phương án ứng phó với hạn hán, thiếu nước và tác động của hiện tượng El Nino trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu khác; chủ động kịp thời huy động mọi nguồn lực để tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước và tác động của biến đổi khí hậu, trong đó, cần xác định khả năng bị ảnh hưởng đến từng vùng, từng địa phương để có giải pháp cụ thể đảm bảo kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.

- Xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp với khả năng cung cấp nguồn nước đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh nhằm khai thác những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế bền vững; chủ động điều tiết, dự trữ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người, gia súc và công nghiệp.

- Tuyên truyền, phổ biến cho người dân chủ động áp dụng các giải pháp cấp, trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian hạn hán, thiếu nước, tác động của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Thường xuyên kiểm kê nguồn nước các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điều tiết, dự trữ nguồn nước, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối, điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm nguồn nước cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao, ...) và sản xuất nông nghiệp.

- Tăng cường quản lý, khai thác vận hành các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện đảm bảo theo đúng quy định, quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt; phát huy cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống hạn, chủ động thực hiện các giải pháp chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động cấp nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn, nhất là các công trình cấp nước sạch sử dụng nguồn nước dưới đất để có giải pháp cấp nguồn thay thế kịp thời khi xảy ra thiếu nước. Xây dựng phương án các điểm cấp nước tập trung, cấp nước lưu động, hỗ trợ thiết bị cấp, trữ nước hộ gia đình cho những khu vực chịu ảnh hưởng.

- Tổ chức kiểm tra cụ thể nguồn nước, xác định vùng đảm bảo nước, vùng nguy cơ hạn hán thiếu nước, chủ động điều tiết hợp lý và điều chỉnh lịch thời vụ; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với khả năng cung cấp nước phục vụ sản xuất.

- Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho các vùng canh tác ngoài phạm vi cấp nước tưới của công trình thủy lợi; lưu ý việc trữ nước và thực hiện các giải pháp về trồng trọt để giữ ẩm cho cây trồng, bảo đảm duy trì sức sống cho cây trồng trong điều kiện hạn hán, thiếu nước.

- Nâng cao năng lực xử lý tình huống, chỉ huy, điều hành tại chỗ và tăng cường trách nhiệm của các cấp, các ngành để ứng phó khi xảy ra hạn hán; thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG HẠN:

1. Dự báo tình hình diễn biến thời tiết, thủy văn giai đoạn 2023-2025

“El Nino” là hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và phía Đông Thái Bình Dương (đặc trưng bởi khu vực Nino3.4 cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,50C trở lên, thường kéo dài 8-12 tháng, với tần suất lặp lại khoảng 3-4 năm 1 lần). Chênh lệch nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino3.4 trung bình mùa 03 tháng vào tháng 2, tháng 3, tháng 4 năm 2023 đang thấp hơn TBNN là 0,2 0C và tiếp tục tăng hơn so với mùa 03 tháng 1-2-3/2023 là 0,20C. Trong tuần đầu tháng 5 năm 2023 nhiệt độ mặt nước biển khu vực Nino3.4 đã tăng và hiện tại đang cao hơn mức TBNN. Dự báo hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hạ năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%.

Nghiên cứu trước đây cho thấy sự xuất hiện của hiện tượng El Nino có thể ảnh hưởng tới điều kiện thời tiết, khí hậu ở Việt Nam. Trong điều kiện El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường; nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn; khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối; hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữa mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25-50%; vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ, hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Điển hình nhất về tác động của El Nino đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015/năm 2016 và năm 2019/năm 2020.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2023 với xác suất khoảng 70%-80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024. Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25%-50%. Theo Cục quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ đầu tháng 4 năm 2023 đến nay, do việc vận hành xả nước về hạ du với lưu lượng xả chưa phù hợp dẫn đến mực nước các hồ chứa PleiKrông, Ialy và Sê San 4 đang ở mức thấp hơn mực nước tối thiểu theo quy định của Quy trình liên hồ trong khoảng từ 0,2m đến 2,12m và dự báo nguồn nước các tháng còn lại của mùa cạn trên lưu vực có thể thiếu hụt từ 15%-25% so với trung bình nhiều năm.

Trong điều kiện chịu tác động chung của hiện tượng El Nino, thời tiết thủy văn ở tỉnh Kon Tum có diễn biến bất thường hơn, thiên tai có nguy cơ xuất hiện nhiều và với mức độ khốc liệt hơn.

Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2024 phổ biến các vùng trong tỉnh ít mưa; nắng nóng xuất hiện nhiều hơn và gay gắt hơn so với năm 2023, lượng nước trên các sông, suối thiếu hụt từ 10%-30% (riêng sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum có thể thiếu hụt 40%-70%) so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh.

Thời gian nửa đầu năm 2025, thời tiết trên địa bàn tỉnh ít mưa nhưng ít có khả năng xảy ra khô hạn thiếu nước trên diện rộng; nắng nóng không nhiều và không gay gắt.

2. Đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt

a) Công trình thủy lợi

- Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 594 công trình thủy lợi. Trong đó, 80 hồ chứa nước, 07 trạm bơm và 507 đập dâng; cấp tỉnh quản lý 178 công trình (73 hồ chứa, 98 đập dâng và 07 trạm bơm); cấp huyện quản lý 416 công trình (07 hồ chứa nhỏ và 409 đập dâng).

- Các công trình hồ chứa thủy lợi lớn chủ yếu nằm trên địa bàn huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum, nơi có diện tích khu tưới lớn (Chủ yếu là cây Cà phê và các cánh đồng lớn thuộc xã Đoàn kết, thành phố Kon Tum; xã Đăk La, huyện Đăk Hà). Đặc biệt trên địa bàn huyện Đăk Hà có hồ chứa nước Đăk Uy là hồ chứa nước lớn (Dung tích trữ toàn bộ 29,6 triệu m3, diện tích thiết kế phục vụ tưới 2.516 ha; thực tế đang cấp nước phục vụ cho 3.485 ha).

- Nguồn nước trữ của 80 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh với dung tích trữ thiết kế khoảng 80 triệu m3, đảm bảo phục vụ tưới cho hơn 10.000ha đất sản xuất. Tuy nhiên, tại một số hồ chứa diện tích tưới tương đối lớn nhưng dung tích trữ (nếu xảy ra khô hạn kéo dài) thường bị thiếu hụt so với dung tích thiết kế (hồ chứa Đăk Nui 3, hồ chứa Hố Chè, hồ chứa Tân Điền, hồ chứa C19) dẫn đến khả năng xảy ra tình trạng thiếu nước ở cuối vụ.

- Đối với các công trình thủy lợi là đập dâng không có khả năng điều tiết mà chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước đến của các sông, suối nên khi thời tiết hanh khô kéo dài khả năng xảy ra hạn cục bộ tại một số công trình có diện tích lưu vực nhỏ thuộc địa bàn các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Tô và thành phố Kon Tum.

- Đối với các trạm bơm điện (Kroong, Vinh Quang, Măng La, Đăk Lếch, Tà Wắc, Tà Rộp) lấy nước trực tiếp từ sông Đăk Bla (thuộc lòng hồ thuỷ điện Ialy) bơm tưới cho khoảng 785 ha lúa vùng bán ngập của lòng hồ thuỷ điện Ialy. Khi xảy ra khô hạn, nắng nóng kéo dài và các hoạt động từ các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Sê San, làm cho mực nước sông Đăk Bla lên xuống thất thường, nhiều ngày mực nước xuống quá thấp không đảm bảo cột nước tại bể hút của các trạm bơm điện (Cột nước tại bể hút chỉ đạt Hbh= 0,2m đến 0,4m) không đảm bảo để bơm tưới, nguy cơ xảy ra thiếu nước (theo quy định cột nước hoạt động của máy bơm nhỏ nhất tại bể hút là 1,5m).

b) Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn

- Trên địa bàn tỉnh hiện tại có 315 công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho các hộ dân khu vực nông thôn; trong đó, các đơn vị liên quan vận hành: Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (06 công trình); Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Khu kinh tế (01 công trình); Trung tâm dịch vụ môi trường các huyện (09 công trình) và Ủy ban nhân dân các xã, thuộc Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (299 công trình).

- Tình trạng hoạt động: Công trình hoạt động bền vững là 25,1% (79/315 công trình); công trình hoạt động tương đối bền vững là 33,0% (104/315 công trình); công trình hoạt động kém bền vững là 32,7% (103/315 công trình); công trình không hoạt động là 9,2% (29/315 công trình).

c) Công trình cấp nước sinh hoạt đô thị

- Thành phố Kon Tum: Hệ thống cấp nước sạch tại thành phố Kon Tum do Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum quản lý, khai thác, sử dụng. Có công suất là 19.000m3/ngày.đêm, cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt, hoạt động sản xuất của các phường và một phần xã Đăk Cấm.

- Huyện Ngọc Hồi: Nhà máy nước thị trấn Plei Kần (cung cấp nước sạch cho thị trấn Plei Kần và một phần của xã Đăk Xú) do Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng Ngọc Hồi đầu tư, quản lý. Công suất dự kiến 10.000 m3/ngày.đêm, hiện nay đã được đầu tư giai đoạn I là 5.000 m3/ngày.đêm và khai thác ở mức 1.200 m3/ngày.đêm.

- Huyện Đăk Hà: Hệ thống cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Đắk Hà (Cung cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Đắk Hà và một phần của xã Đắk Ngok, Đắk Mar, Hà Mòn) có công suất thiết kế 4.200 m3/ngày.đêm (số hộ dùng nước thiết kế 2.275 hộ, số hộ dùng nước thực tế hiện này là 3.756 hộ).

- Huyện Kon Rẫy: Công trình cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Đăk Rve: Sử dụng nguồn nước mặt từ suối Đăk Rve, công suất lọc nước thiết kế là 392 m3/ngày.đêm; công trình cấp nước sinh hoạt trung tâm huyện Kon Rẫy: Sử dụng nguồn nước mặt từ kênh dẫn dòng sông Đăk S’Nghé với công suất thiết kế 4.000 m3/ngày.đêm.

- Huyện Kon Plông: Hệ thống cấp nước tại thị trấn Măng Đen, có công suất thiết kế 3.000 m3/ngày.đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho địa bàn thị trấn Măng Đen.

- Huyện Sa Thầy: Công trình cấp nước sinh hoạt thị trấn Sa Thầy, với công suất là 5.100m3/ngày.đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho thị trấn Sa Thầy và các xã: Sa Nhơn, Sa Nghĩa, Sa Bình (công suất cấp nước thực tế dự kiến đến năm 2025 khoảng 8.704 người/2.176 hộ gia đình).

- Huyện Đăk Tô: Nhà máy cấp nước sạch thị trấn Đăk Tô, đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành giai đoạn I (quy mô 5.400 m3/ngày.đêm nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất).

- Huyện Đăk Glei: Hệ thống cấp nước sinh hoạt thị trấn Đăk Glei, với công suất 1.000 m3/ngày.đêm, cấp nước cho 800 hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Đăk Glei.

Tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch đạt khoảng 92%, trong đó qua hệ thống cấp nước tập trung tại các đô thị đạt 43,6% (tại đô thị: Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung tại đô thị loại II đạt 96,19%, đạt bình quân 120 lít/người/ngày.đêm; đô thị loại IV đạt 41%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 110 lít/người/ngày.đêm; đô thị loại V đạt bình quân 41%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 105 lít/người/ngày.đêm).

3. Dự kiến khu vực có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước

Dự báo hiện tượng El Nino có thể xuất hiện vào nửa cuối mùa hạ năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%, khô hạn, thiếu nước có nguy cơ cao xảy ra trên diện rộng, đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới thuộc thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy,...nguy cơ thiếu nước gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nước sinh hoạt của người dân, nhất là ở các vùng chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung.

a) Thành phố Kon Tum: Khu tưới đập Đăk Tu Wít (xã Vinh Quang); Tân Điền (xã Đoàn Kết); Đăk Cấm (Phường Ngô Mây); Ông Thiệu, Đăk Phát 2 (xã Đăk Cấm); Kon Ri Sút; Đăk Ka Well (xã Đăk Blà); Đăk Lê (xã Chư Hreng); Đăk Trum (xã Ngọc Bay); Đập thôn 3 (phường Trần Hưng Đạo)...diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước vào cuối vụ khoảng 445,65 ha lúa, 425 ha cà phê.

Về nước sinh hoạt: Khô hạn, thiếu nước có khả năng xảy ra cục bộ ở các khu vực không chủ động được nguồn cung cấp nước thuộc địa bàn: phường Trần Hưng Đạo (các khu vực dự kiến là Tổ dân phố 3, 4, 5, 6 và Trường THCS Chu Văn An); xã Đoàn Kết (thôn 6); xã Hòa Bình; xã Ngok Bay, xã Kroong; xã Vinh Quang; xã Đăk Năng, xã Đăk Rơ Wa....

b) Huyện Sa Thầy: Khu tưới Thủy lợi Đăk Sia II; Ba Đgốc 1,2; Đăk Ngao 1,2 (Thị trấn); thủy lợi Ya Bai (xã Ya Xiêr); thủy lợi Đăk Wan, Đăk Hlang, Đăk Plôm, Đăk Choai, Đăk Rơ Tim (xã Rờ Kơi); thủy lợi Đăk Nui 3 (xã Hơ Moong); Ya Tri, Ya O (xã Ya Tăng)... diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước khoảng 80 ha lúa, 45 ha cà phê.

c) Huyện Đăk Hà: Khu tưới hồ Cà Sâm; khu vực tưới ở cuối kênh chính Bắc hồ Đăk Uy (vùng thôn Kon Gung, Đăk Mút, xã Đăk Mar), hồ chứa 6B, 6C; xứ đồng Mỏ đá, Đập Đăk Căm, Ông Phiêu, Đăk Xít, thôn 1, xã Đăk La; khu tưới Kon Stiu, Kon Jong, Kon Rốk, Kon Hrế xã Ngọc Réo; khu tưới hồ thôn 9, thôn 7, thôn Kon Hnoong Yốp, thôn KonProh, thôn Tân Lập A, thôn Tân Lập B xã Đăk Hring; khu vực thôn 7 Đăk Pxi, khu tưới các xã Đăk Ui (Đập Đăk Ui, Đăk Xe), Đăk Ngọk (Hồ C2), Ngọk Wang, Hà Mòn, Đăk Long... diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước khoảng 85ha lúa, 420ha cà phê.

d) Huyện Đăk Tô: Khu tưới hồ C19, đập Đăk Blồ, Cầu Ri, Tà Cang (xã Diên Bình); đập Đăk Lung, Nước Rin, Chăn Nuôi, Bô Na Thượng (xã Kon Đào); đập số 2 (xã Tân Cảnh); đập Hồ Sen, Đăk Chu (thị trấn Đăk Tô)... diện tích cây trồng có khả năng bị thiếu nước khoảng 30ha lúa, 70ha cà phê.

đ) Huyện Ngọc Hồi: Khu tưới đập Đăk Trùi, xã Đăk Nông; Nước Phia xã Đăk Xú; Đăk Ba, Đăk Si, xã Đăk Dục,...diện tích cây trồng có khả năng bị hạn thiếu nước khoảng 12 ha cây lúa nước, 15 ha cây cà phê.

e) Huyện Kon Rẫy: Khu tưới các đập: Đăk Pô Công, Đăk Gur, Đăk Tơ Lung, Đăk Sa, Hố Chuối,...khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các vùng không chủ động được nguồn nước tưới (tại các khe suối, hợp thủy) thuộc xã Tân Lập, xã Đăk Ruồng, xã Đăk Tờ Re, xã Đăk Tơ Lung, xã Đăk Kôi và thị trấn Đăk Rve, với diện tích khoảng khoảng 87,5 ha (cây lúa nước 68,5 ha; cây công nghiệp 19 ha)

g) Huyện Đăk Glei: Các khu vực có khả năng bị hạn hán vào cuối vụ như: xã Đăk Long, Đăk Môn, thị trấn Đăk Glei, Đăk Pék, Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Nhoong và xã Xốp, với diện tích có khả năng hạn là 62 ha.

h) Huyện Ia H’Drai: Các khu vực có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các vùng không chủ động được nguồn nước tưới thuộc các xã Ia Dom, Ia Đal, Ia Tơi. Thiếu nước gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nước sinh hoạt của người dân, nhất là ở các vùng chưa có hệ thống cấp nước sạch tập trung.

i) Huyện Kon Plông: Các khu vực có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ như: thôn Kon Năng (khoảng 1ha) xã Măng Cành; thôn Đăk Chờ, Ngọc Hoàng xã Đăk Ring (khoảng 1,5ha); thôn Kon Leang 1 (khoảng 0,5ha), Kon Ke 2 (khoảng 1,6ha), Kon Chốt (khoảng 0,6ha), thị trấn Măng Đen; thôn Vi Koa (khoảng 0,5ha), Vi Pờ Ê I (khoảng 0,2ha), Vi Pờ Ê II (khoảng 0,3ha) xã Pờ Ê; thôn Điek Nót (khoảng 1,0ha) xã Ngọk Tem và thôn Rô Xia 2 (khoảng 0,4ha).

k) Huyện Tu Mơ Rông: Các khu vực có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ như: xã Đăk Na, Đăk Tờ Kan, Đăk Rơ Ông, Ngọc Lây, Đăk Hà, diện tích sản xuất chủ yếu ở xa khu tưới của các công trình thủy lợi hoặc lấy nước tưới từ các khe suối, hợp thủy.

4. Giải pháp, phương án chống hạn và khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt

Để chủ động ứng phó với tình hình hạn hán có thể xảy ra, đảm bảo đủ nước phục vụ nhu cầu dùng nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của Nhân dân, các tổ chức, cá nhân cần đề phòng và thực hiện các giải pháp chống hạn như sau:

a) Đối với sản xuất nông nghiệp

(i) Giải pháp quản lý vận hành công trình:

- Thực hiện tưới luân phiên, đặc biệt là các công trình như hồ Cà Tiên, Tân Điền, Đăk Rơ Wa, Đăk Chà Mòn 1 (thành Phố Kon Tum); hồ Cà Sâm (huyện Đăk Hà); hồ Đăk Sia 1 (huyện Sa Thầy); hồ C19, Hố Chè (huyện Đăk Tô); Đăk Hơ Niêng (huyện Ngọc Hồi)... Thường xuyên theo dõi mực nước các hồ để chủ động phòng tránh, điều tiết nước hợp lý.

- Quản lý chặt chẽ cống lấy nước đầu mối và các công trình tưới, đặc biệt là các cống tưới gần đầu mối, không để rò rỉ lãng phí nước, đảm bảo đủ nước tới cuối khu tưới. Thực hiện tưới khoa học, tưới từ khu xa đầu mối trước xong mới tưới khu gần đầu mối sau; khu cao tưới trước khu trũng tưới sau.

- Tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, khơi thông cống rãnh, dòng chảy, khắc phục ngay những chỗ hư hỏng, rò rỉ để chống thất thoát nước; dùng các biện pháp giữ nước, tích nước như: Dùng bao tải đất, phai gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ để sử dụng dung tích phòng lũ các hồ chứa... nâng cao năng lực tích nước của đầu mối.

- Tăng cường công tác quản lý, điều tiết nguồn nước kịp thời theo kế hoạch. Việc phân phối nước phải có sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị quản lý cấp nước (Các trạm quản lý thủy nông, hợp tác xã...) với các hộ dùng nước (tổ chức, hộ gia đình...) và bám sát lịch thời vụ gieo trồng, nhu cầu dùng nước của cây trồng.

- Đối với các hồ chứa nước có kế hoạch tích trữ nước hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2023, 2024 phù hợp với tình hình thời tiết (trữ sớm) và có biện pháp trữ tăng cường phù hợp thực trạng công trình hồ chứa nước.

- Các đơn vị quản lý cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến mực nước của các công trình, báo cáo kịp thời về các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý khắc phục.

(ii) Giải pháp công trình:

- Kiểm tra cụm đầu mối, tuyến kênh mương của các công trình đang hoạt động, nhất là các công trình đã xuống cấp để đảm bảo tải nước không bị thất thoát phục vụ tưới và chống hạn.

- Các chủ đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, nước sinh đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình, sửa chữa, nâng cấp (hồ Đăk Po Kei, Ia Hiur, Hố chè, C19, đập Đăk Cấm, Đăk Ca, Đăk Sia II, Đăk Long, Kon Braih, kênh hồ Đăk Uy...) để sớm hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng phục vụ phòng, chống hạn. Đối với các hồ chứa đang khai thác (Kon Tu, Đăk Pret, Đăk Loh và Đăk Chà Mòn) trong quá trình sửa chữa, nâng cấp phải đảm bảo điều kiện an toàn để tích trữ nước đúng quy định.

- Triển khai mới kiên cố hóa kênh mương để đưa vào phục vụ sản xuất, nâng cao hệ số tưới, tiết kiệm nước.

- Tổ chức bảo dưỡng máy móc, thiết bị vận hành và các máy bơm dự phòng để phục vụ chống hạn.

- Triển khai thực hiện xây dựng, lắp đặt các hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn (rau, hoa, quả, cây công nghiệp ...) đặc biệt là những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước.

(iii) Giải pháp tưới động lực:

Khi hạn xảy ra, các huyện, thành phố, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum, các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi liên quan huy động kịp thời nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư (máy bơm nước, đường ống, xăng, dầu…) tổ chức bơm tưới bổ sung ngay các vị trí bị hạn như:

- Thành phố Kon Tum: Bơm nước từ sông Đăk Bla bằng máy bơm điện của trạm bơm Vinh Quang, Măng La, Tà Rộp... để tưới và tạo nguồn, dùng máy bơm bơm chuyển tiếp tưới cho khu tưới Tân Điền. Dùng biện pháp đắp đập tạm ngăn bằng cây gỗ, phên nứa để dâng mực nước sông và dẫn nước vào bể hút để bơm nước tưới cho khu vực xã Kroong...

- Huyện Đăk Hà: Bơm nước từ suối hoặc kênh chính Nam của hồ Đăk Uy để bổ sung cho khu tưới Cà Sâm; Đăk Căm, Ông Phiêu; khu tưới xã Ngọc Réo; Đăk Hring; Đăk Psi...

- Các huyện Sa Thầy, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Ia H'Drai,… tổ chức bơm nước từ sông, suối, hồ, đập để tưới bổ sung cho khu vực bị hạn.

- Ngoài ra tùy từng địa phương và nguồn nước tại thời điểm hiện tại, tận dụng tối đa nguồn nước của các khe suối, ao, hồ, để chọn nơi đặt máy bơm để tưới bổ sung cho những khu vực có thể chống hạn. Hoặc dùng các biện pháp đắp đập tạm ngăn suối, dùng máy bơm bơm nước để tưới.

(iv) Giải pháp thông tin tuyên truyền:

- Các địa phương, đơn vị, tổ chức tuyên truyền vận động Nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm; phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.

- Tuyên truyền để Nhân dân hiểu việc biến đổi khí hậu như hiện nay hạn hán có thể xảy ra; trên cơ sở đó, cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước sang cây trồng cạn khác như: ngô, khoai, đậu tương, lạc, rau màu các loại... để giảm thiệt hại về vật chất cho Nhân dân khi hạn xảy ra. Đối với vùng khó khăn về nguồn nước có thể xem xét quy hoạch chuyển sang cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

- Vận động Nhân dân tích cực tham gia làm thủy lợi, nạo vét phát dọn kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Thực hiện tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ cho nhu cầu cây trồng, giữ bờ bao, bờ thửa để lợi dụng khả năng trữ nước ở mặt ruộng từ 3-5 ngày, tránh tưới liên tục, tràn lan từ thửa này sang thửa khác.

- Nghiêm cấm người dân không tự ý làm bờ cản trên kênh, tháo nước tràn lan gây thất thoát, thiếu nước khu vực cuối kênh.

- Dùng biện pháp tủ gốc cây trồng cạn bằng bao ni lông, cây xanh; trồng hàng băng chắn gió và che nắng cho cây trồng (hoa màu, cà phê, tiêu…).

- Tuyên truyền vận động Nhân dân để hiểu về tác hại của việc phá rừng đầu nguồn, từ đó có ý thức bảo vệ và trồng rừng đầu nguồn các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt.

b) Đối với nước sinh hoạt:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao:

- Thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình.

- Theo dõi sát diễn biến thời tiết; các dự báo, cảnh báo, nhận định về tình hình khí tượng thủy văn; kịp thời cung cấp thông tin cho các đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước.

- Chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống cấp nước trên địa bàn quản lý xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp nước an toàn cho sinh hoạt trong vùng phục vụ cấp nước khi xảy ra hạn hán, thiếu nước.

- Vận động Nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ gây thất thoát nước.

- Tổ chức bảo dưỡng máy móc, thiết bị vận hành và các máy bơm dự phòng để phục vụ cấp nước cho người dân trong mùa khô hạn.

- Tuyên truyền vận động Nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như: Bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước... để dự trữ nước sinh hoạt.

- Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến.

- Tăng cường biện pháp quản lý điều tiết các công trình nước sinh hoạt tập trung, thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý kiểm tra hệ thống đầu mối, bể lắng lọc, đường ống. Đóng khóa van, vòi tại các vị trí không cần thiết để điều tiết nước đến các vị trí bất lợi nhất. Đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước để sớm đưa vào hoạt động phục vụ cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân.

- Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, trong xây dựng, sửa chữa, khai thác và quản lý vận hành hệ thống công trình cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị, nông thôn để nâng cao hiệu quả lao động, rút ngắn thời gian thực hiện, tiết kiệm tài nguyên.

- Đối với giếng đào: Khuyến cáo Nhân dân thường xuyên kiểm tra và chủ động tổ chức nạo vét đáy giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt.

5. Về công tác kiểm tra, giám sát

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan thường trực về phòng, chống thiên tai) chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan chủ động có kế hoạch kiểm tra nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi (đặc biệt tại các hồ chứa thủy lợi thuộc các huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy và thành phố Kon Tum) và công tác phòng, chống hạn của các địa phương, đơn vị; tổng hợp và kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, chỉ đạo khi có tình huống khô hạn diễn biến nghiêm trọng.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống hạn tại các khu vực, công trình trọng điểm; phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum trong việc điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất theo đúng lịch trình, kế hoạch; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc điều tiết nguồn nước tưới của các đơn vị quản lý khai thác các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.

III. NGUỒN LỰC PHÒNG, CHỐNG HẠN HÁN:

Nguồn kinh phí ngân sách nhà nước (bao gồm ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương) bố trí hàng năm cho các đơn vị, địa phương thực hiện Kế hoạch này theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn tài chính hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi triển khai thực hiện Kế hoạch này; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, nguồn nước, nhận định sát tình hình hạn hán, thiếu nước, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các phương án điều tiết, sử dụng nước hợp lý, chủ động các biện pháp ứng phó kịp thời trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.

- Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch sử dụng nước của các công trình thủy lợi và cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Kế hoạch số 425/KH-UBND ngày 21 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch số 76-KH/TU ngày 12 tháng 12 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Kết luận số 36-KL/TW ngày 23 tháng 6 năm 2022 của Bộ Chính trị về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

- Tổng hợp kịp thời tình hình hạn hán, thiếu nước ở các địa phương, kịp thời tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp chống hạn và cấp nước sinh hoạt ở các công trình khi xảy ra hạn hán, thiếu nước.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh; rà soát, đề xuất nhu cầu kinh phí hỗ trợ (nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương), phối hợp Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh theo quy định.

- Hằng năm, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan rà soát, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch này để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

2. Sở Tài chính:

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí sự nghiệp (nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách địa phương) triển khai Kế hoạch này theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Sở Công Thương:

- Chỉ đạo các đơn vị, tổ chức quản lý các đập, hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình trên lưu vực thượng nguồn sông Đăk Bla triển khai thực hiện nghiêm túc Quy trình vận hành hồ chứa các công trình thủy điện, bảo đảm nguồn nước phòng, chống hạn hán cho hạ du, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm và hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng của đơn vị và cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

- Đề nghị Công ty Điện lực Kon Tum ưu tiên cấp điện cho các trạm bơm tưới, cấp nước sinh hoạt đặc biệt trong các thời kỳ khô hạn cần tăng cường hoạt động cấp nước theo kế hoạch sản xuất của Nhân dân.

4. Sở Tài nguyên và Môi Trường:

- Chỉ đạo, đôn đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum thực hiện việc quan trắc, dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến khô hạn, thiếu nước, cung cấp kịp thời các bản tin cho các cơ quan, đơn vị có liên quan.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Phương án điều tiết nước cho hạ du các hồ thủy điện trên lưu vực sông Sê San trong trường hợp xảy ra hạn hán thiếu nước mà các hồ không thể đảm bảo việc vận hành theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, tăng cường kiểm tra nguồn nước trên địa bàn, cân đối khả năng cung cấp nước cho các nhu cầu sử dụng trên địa bàn, ưu tiên nước phục vụ cho dân sinh và các ngành sản xuất chủ lực của địa phương; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nước tại các công trình thủy lợi, tổ chức nạo vét phát dọn kênh mương, khai thông các cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm để đảm bảo nguồn nước phục vụ tốt sản xuất, dân sinh.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp, phương án chống hạn theo Kế hoạch này; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

- Bố trí cơ cấu sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; khuyến khích chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang canh tác nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng.

- Triển khai xây dựng kế hoạch sản xuất bám sát lịch thời vụ và kế hoạch lấy nước từ hồ chứa thủy lợi cho vụ sản xuất trong mùa khô tại địa phương để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp khi hạn hán xảy ra.

- Chỉ đạo các phòng ban liên quan phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã thường xuyên kiểm kê toàn bộ diện tích cây trồng có nhu cầu sử dụng nước như lúa, hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày,... ; trên cơ sở đó xây dựng các phương án sản xuất, cấp nước tưới cho diện tích cây trồng trên địa bàn phù hợp hiệu quả.

- Chỉ đạo thành lập tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định; phù hợp với từng địa bàn, công trình để phối hợp có hiệu quả trong công tác phân phối nước cho sản xuất.

- Theo dõi, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn triển khai các phương án phòng chống hạn, thiếu nước đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho Nhân dân.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến, khuyến khích Nhân dân thực hiện các biện pháp trữ nước phù hợp, hiệu quả; vận động Nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ, nước chảy tràn gây thất thoát nước; tuyên truyền vận động Nhân dân sử nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như: Bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước... để dự trữ nước sinh hoạt.

- Căn cứ tình hình thực tế địa phương, xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời có giải pháp, phương án phù hợp. Trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến.

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách nhà nước phân cấp theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật hiện hành và huy động các nguồn hợp pháp khác theo đúng quy định của pháp luật để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước hiệu quả.

- Thường xuyên cập nhật về tình hình nguồn nước, hạn hán, tổng hợp báo cáo (hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu) về tình hình hạn hán và đề xuất giải pháp chống hạn (nếu có) gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo kịp thời.

6. Ban Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi Kon Tum:

- Chủ động sử dụng nguồn ngân sách nhà nước giao hàng năm (nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, nguồn ngân sách tỉnh theo phân cấp) để sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp, tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương, cửa lấy nước, bể hút các trạm bơm tưới, đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa nâng cấp các công trình sớm đưa vào khai thác, phục vụ công tác chống hạn.

- Thường xuyên kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch phân phối nước phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu quả. Chủ động cân đối, điều hoà nguồn nước các công trình trên cùng hệ thống cả trong thời gian tích nước và phân phối nước.

- Phối hợp có hiệu quả với chính quyền địa phương và hộ dùng nước để điều tiết nước hiệu quả. Hạn chế mức thấp nhất việc thiếu nước tưới vào cuối vụ của các công trình do đơn vị quản lý.

7. Các đơn vị cấp nước trên địa bàn tỉnh:

- Rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa, các lưu vực sông, suối và diễn biến của thời tiết.

- Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch cấp nước an toàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Xây dựng kế hoạch đảm bảo cấp nước sinh hoạt phục vụ cho Nhân dân và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu khi hạn hán xảy ra làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng phải ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

8. Các Công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh:

Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành của tỉnh Kon Tum và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi căn cứ lịch thời vụ, kế hoạch sản xuất và tình hình thời tiết để thực hiện việc điều tiết các hồ thủy điện phù hợp đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ du.

9. Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Kon Tum:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn để có dự báo, cảnh báo sớm về tình hình khô hạn, thiếu nước, thông báo kịp thời cho các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan và Nhân dân biết để có giải pháp chủ động phòng, chống hạn, bảo vệ sản xuất có hiệu quả.

10. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh:

Thường xuyên đưa tin về tình hình thời tiết, thủy văn, diễn biến mực nước trên các sông, suối để các địa phương, đơn vị chủ động triển khai lấy nước phòng, chống hạn hán; đồng thời tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về tình hình hạn hán, thiếu nước và các biện pháp chỉ đạo ứng phó hạn hán của các cấp chính quyền để người dân biết, chủ động thực hiện.

Trên đây là Kế hoạch Phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn năm 2023-2025; đề nghị các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Kon Tum và đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện đảm bảo ứng phó kịp thời, có hiệu quả nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra. Trong quá trình triển khai, thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông;
- UBND các huyện, thành phố Kon Tum;
- Báo Kon Tum;
- Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh;
- Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum;
- Ban Quản lý khai thác các CTTL Kon Tum;
- Chi cục Thủy lợi;
- Trung tâm Nước sạch và VSMTNT;
- Công ty Cổ phần cấp nước Kon Tum;
- Các Công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh;
- Lưu: VT, NNTN.NVH.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2454/KH-UBND năm 2023 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn năm 2023-2025

  • Số hiệu: 2454/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 31/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản