Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 243/KH-UBND

Bắc Ninh, ngày 28 tháng 7 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

KẾ HOẠCH QUAN TRẮC, CẢNH BÁO VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN GIAI ĐOẠN 2023-2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2021-2030”;

Căn cứ Thông tư 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản;

Căn cứ Quyết định số 1151/QĐ-BNN-TCTS ngày 19/3/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 889/TTr-SNN ngày 13/6/2023.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với các nội dung sau.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Tổ chức theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng môi trường để kịp thời đưa ra những cảnh báo về những diễn biến bất thường, nguy cơ ô nhiễm, suy thoái môi trường nước nuôi trồng thủy sản (NTTS), nguy cơ dịch bệnh, biện pháp xử lý nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho người nuôi; đồng thời khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm cho đối tượng thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

- Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường, giám sát dịch bệnh được thực hiện thường xuyên, đột xuất theo hướng dẫn quy định nhằm phát hiện những yếu tố có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nuôi trồng thủy sản, thông báo kịp thời đến cơ quan quản lý thủy sản, thú y; cảnh báo và hướng dẫn người nuôi thực hiện các biện pháp xử lý và khắc phục kịp thời, hiệu quả.

- Đưa ra giải pháp hướng dẫn, khống chế, kiểm soát có hiệu quả các nguy cơ ô nhiễm môi trường nước, một số dịch bệnh nguy hiểm đối với thủy sản nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho người nuôi thủy sản.

- Địa điểm quan trắc, tần suất quan trắc môi trường, bệnh thuỷ sản phải mang tính chất đại diện cho vùng và đối tượng thuỷ sản thả nuôi nhằm đáp ứng yêu cầu quan trắc, giám sát, cảnh báo.

- Số liệu, dữ liệu thu thập được làm cơ sở để cơ quan quản lý đưa ra những biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời (thông qua các báo cáo, thông báo, bản tin cảnh báo định kỳ hoặc đột xuất về môi trường, diễn biến bệnh) đến các hộ NTTS trên địa bàn tỉnh.

II. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Đối tượng quan trắc

Quan trắc tại các vị trí: Nguồn nước khu nuôi cá lồng trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình; Ao nuôi đại diện cho vùng nuôi tập trung có hoạt động nuôi trồng thủy sản.

2. Địa điểm quan trắc

2.1. Đối với vùng NTTS tập trung trong ao đất

Vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong ao đất thuộc các huyện Yên Phong, Lương Tài, Gia Bình, Tiên Du và thị xã Quế Võ.

2.2. Đối với vùng nuôi cá lồng trên sông

Vùng nuôi cá lồng trên sông Thái Bình thuộc huyện Lương Tài; vùng nuôi cá lồng trên sông Đuống thuộc các huyện Gia Bình, thị xã Quế Võ và thị xã Thuận Thành; vùng nuôi cá lồng trên sông Cầu thuộc huyện Yên Phong.

3. Thông số, tần suất, số điểm quan trắc

3.1. Thông số quan trắc

- Tại vị trí nguồn nước khu nuôi cá lồng và tại các lồng đại diện trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình tiến hành quan trắc các thông số: nhiệt độ, pH, Oxy hòa tan (DO), Amoni (N-NH4+), Nhu cầu oxy hóa học (COD), Sunlphat (SO42), Photphat (P -PO43-), Nitrit (NO2-), Nitrat (NO3-), Nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5), Fe tổng số, Tổng P, Tổng chất rắn hòa tan (TDS), Tổng chất rắn lơ lửng (TSS), Coliform, E.coli, Kim loại nặng (Cd, Hg và Pb). Vi khuẩn tổng số; Định lượng vi khuẩn Aeromonas tổng số, Định lượng vi khuẩn Streptococus sp tổng số, Định lượng vi khuẩn Pseudomonas sp tổng số.

- Tại vị trí ao nuôi đại diện cho các vùng nuôi có hoạt động NTTS tiến hành quan trắc các thông số tương tự như nuôi cá lồng trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình ngoại trừ chỉ tiêu kim loại nặng (Cd, Hg và Pb).

- Các mẫu quan trắc trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình và ao nuôi đại diện cho các vùng nuôi nuôi trồng thủy sản được điều chỉnh thông số quan trắc phù hợp theo từng đợt lấy mẫu nhằm đảm bảo không có sự trùng lặp, trồng chéo với nhiệm vụ quan trắc khác; sử dụng, khai thác có hiệu quả thông tin kết quả quan trắc môi trường cho nuôi trồng thủy sản và nhiệm vụ khác đang thực hiện trên địa bàn tỉnh.

3.2. Tần suất quan trắc

Thông số quan trắc

Thời điểm quan trắc

Tần suất quan trắc định kỳ

Quan trắc đột xuất

Nhiệt độ, pH, Oxy hòa tan (DO), độ trong của nước

Tháng 01 đến tháng 12 hằng năm

01 tháng/lần

Khi môi trường có diễn biến bất thường (mưa, nắng nóng kéo dài); khu vực nuôi cá xảy ra hiện tượng thủy sản nuôi bị chết chưa rõ nguyên nhân hoặc có văn bản cảnh báo, hướng dẫn của Cơ quan chuyên môn, Bộ Nông nghiệp và PTNT; đề nghị của UBND các huyện, thị xã, thành phố và xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Amoni (N-NH4+), Nhu cầu oxy hóa học (COD), Sunlphat (SO42-), Photphat (P -PO43-), Nitrit (NO2-), Nitrat (NO3-), Nhu cầu oxy sinh hóa (BOD5), Fe tổng số, Tổng P, Tổng chất rắn hòa tan (TDS), Tổng chất rắn lơ lửng (TSS), Coliform, E.Coli

Tháng 01 đến tháng 12 hằng năm

01 tháng/lần

Định lượng Vi khuẩn tổng số; Định lượng vi khuẩn Aeromonas tổng số, Định lượng vi khuẩn Streptococus sp tổng số, Định lượng vi khuẩn Pseudomonas sp tổng số

Tháng 01 đến tháng 12 hằng năm

01 tháng/lần

Kim loại nặng (Cd, Hg và Pb) áp dụng cho nuôi cá lồng trên sông sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình.

Tháng 01 đến tháng 12 hằng năm

02 tháng/lần

3.3. Các điểm quan trắc

- Các điểm quan trắc nuôi cá lồng sẽ tiến hành thu mẫu tại vị trí ngoài sông ở đầu nguồn nước và trong lồng nuôi; ao đất tại các điểm sẽ thu mẫu tại vị trí ngoài kênh, mương và ao nuôi đại diện tại các khu nuôi tập trung. Các điểm quan trắc và thu mẫu có tính đại diện cho cả khu vực nuôi.

- Số lượng mẫu thu:

+ Đối với nguồn nước trên sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình: Tại 01 điểm quan trắc sẽ thu 02 mẫu là: ngoài sông ở đầu nguồn nước và trong lồng nuôi.

+ Đối với ao nuôi đại diện cho vùng nuôi tập trung: Tại 01 điểm quan trắc sẽ thu 03 mẫu (01 mẫu ngoài kênh hoặc mương và 02 mẫu trong ao).

4. Phương pháp quan trắc môi trường

4.1. Quan trắc ngoài hiện trường

Nội dung: Thu thập các thông tin liên quan đến chủ hộ, hiện trạng địa điểm, diễn biến môi trường vùng nuôi. Đo, kiểm tra một số thông số cơ bản môi trường nước khu vực ao nuôi và khu vực lồng nuôi cá như: Nhiệt độ, pH, oxy hòa tan, độ trong... theo thông số quan trắc tại mục 3.

4.2. Phân tích tại phòng thí nghiệm

Phân tích đối với các mẫu môi trường, mẫu bệnh phải thực hiện trong phòng thí nghiệm có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhằm phân tích các chỉ tiêu liên quan theo hướng dẫn Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) hoặc tương ứng. Kết quả phân tích được so sánh, đối chiếu với quy định của TCVN, QCVN hiện hành nhằm đánh giá chất lượng môi trường nước, lưu hành bệnh trên đối tượng thủy sản thả nuôi hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, phát sinh thành dịch nếu không được kiểm soát, xử lý.

5. Xử lý thông tin quan trắc

Kết quả quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh được Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đơn vị chuyên môn (Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản) cập nhật, xử lý và đưa ra các báo cáo, thông báo, bản tin cảnh báo định kỳ hoặc đột xuất về môi trường, diễn biến bệnh trên địa bàn tỉnh đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương có điểm quan trắc môi trường nhằm phổ biến rộng rãi, công khai đến người nuôi biết. Đồng thời, cập nhật kết quả quan trắc vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (theo yêu cầu) để tích hợp chung cả nước.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin trên Zalo, facebook…nhằm truyền tải kết quả quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường đến Hội nghề cá tỉnh, các HTX thủy sản, chi hội nghề cá và các địa phương, các trang trại, chủ hộ nuôi có quy mô lớn để người nuôi nắm bắt được thông tin kết quả quan trắc trong thời gian sớm nhất, chủ động áp dụng các biện pháp quản lý môi trường ao nuôi, hạn chế thấp nhất nguy cơ thiệt hại do ô nhiễm môi trường, dịch bệnh.

6. Công tác thông tin tuyên truyền

Kết quả quan trắc môi trường, giám sát dịch bệnh được tổng hợp xây dựng các phóng sự, chuyên mục, tin, bài về quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên Đài PT-TH tỉnh, Báo Bắc Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, trên các hệ thống mạng xã hội (Zalo, Facebook…), website của Sở Nông nghiệp và PTNT và hệ thống đài truyền thanh cấp huyện, xã. Thông tin đăng tải đảm bảo kịp thời, thông tin chính xác nhằm cảnh báo diễn biến môi trường, nguy cơ ô nhiễm môi trường nước nuôi thủy sản và nguy cơ phát sinh dịch bệnh; đưa ra những biện pháp xử lý, giảm thiểu rủi ro,thiệt hại…

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Dự kiến phí thực hiện: 4.963.000.000 đồng (Bằngchữ: Bốn tỷ ,chín trăm sáu mươi ba triệu đồng).

2. Nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch được bố trí trong dự toán ngân sách chi hàng năm của các đơn vị được phân công nhiệm vụ.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp triển khai các nội dung kế hoạch đảm bảo hiệu quả công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản: Tổ chức thực hiện quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại địa phương sau khi kế hoạch được phê duyệt.

- Trên cơ sở các số liệu quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường cập nhật, xử lý nhằm đưa ra thông báo, hướng dẫn đến UBND các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương có điểm quan trắc môi trường phổ biến đến người NTTS trên địa bàn; đồng thời, cập nhật kết quả quan trắc vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (theo yêu cầu) để tích hợp chung cả nước theo quy định.

- Trên cơ sở khối lượng công việc hàng năm, lập dự toán trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện kế hoạch.

- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn liên quan kịp thời thông báo, cảnh báo diễn biến tình hình môi trường nuôi thuỷ sản đến người nuôi trồng thuỷ sản.

2. Sở Tài chính

Căn cứ nội dung Kế hoạch được duyệt, Sở Tài chính phối hợp, rà soát, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi thủy sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát, thẩm định chi tiết thông số, tần suất, địa điểm và thời gian thực hiện, tránh trùng lặp, chồng chéo trong quá trình quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường nước mặt thuộc nhiệm vụ hàng năm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình của tỉnh, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với ngành nông nghiệp thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đầy đủ, chính xác, kịp thời về diễn biến môi trường nước trên các sông, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; biểu dương những gương điển hình người tốt, việc tốt nhằm nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân trong công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất thủy sản.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, các cơ quan liên quan và đơn vị quan trắc môi trường triển khai, thực hiện các hoạt động quan trắc, giám sát, cảnh báo môi trường vùng nuôi thủy sản theo kế hoạch.

- Khi có thông báo, cảnh báo môi trường cần kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn chủ cơ sở, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thực hiện các biện pháp, giải pháp khuyến cáo để chủ động theo dõi, giám sát, xử lý môi trường tại khu vực nuôi trồng thủy sản theo hướng dẫn;

- Cung cấp thông tin, số liệu về quan trắc môi trường khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cơ quan quản lý triển khai thực hiện hoạt động quan trắc, giám sát môi trường kịp thời, hiệu quả.

6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; các tổ chức chính trị - xã hội

- Phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời các diễn biến môi trường, dịch bệnh trên các đối tượng thả nuôi đến cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản các cấp nhằm có biện pháp quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường.

- Tham gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT và các Sở, ngành trong công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, chính xác diễn biến môi trường, dịch bệnh thủy sản trên địa bàn tỉnh đến các hộ sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/c);
- TT TU, TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành liên quan;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- VP UBND tỉnh: LĐVP;
- Lưu: VT, NN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vương Quốc Tuấn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 243/KH-UBND năm 2023 về Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

  • Số hiệu: 243/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 28/07/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Ninh
  • Người ký: Vương Quốc Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản