Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 14 tháng 3 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN CÔNG TÁC CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2012 - 2020

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 133/QĐ-UBND ngày 19 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra Kế hoạch tuyên truyền công tác cải cách hành chính giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH

Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về ý nghĩa, mục tiêu, tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách hành chính; tạo sự thống nhất trong thực hiện các kế hoạch, chương trình cải cách hành chính của tỉnh; góp phần làm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thái độ tích cực, động cơ đúng đắn, hăng hái tham gia vào công cuộc cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước trong tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 -2020.

II. YÊU CẦU

1. Thực hiện công tác tuyên truyền có hiệu quả và đúng tiến độ đề ra.

2. Phổ biến, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ, thường xuyên, liên tục, rộng khắp, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm và nhiệm vụ của từng đối tượng, từng ngành, từng địa phương.

3. Lồng ghép việc tuyên truyền cải cách hành chính nhà nước với việc phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

4. Đáp ứng kịp thời nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trong việc nắm bắt, tìm hiểu thông tin về công tác cải cách hành chính nhà nước, nhất là cải cách thủ tục hành chính.

5. Kết hợp nhiều hình thức tuyên truyền và huy động sự tham gia của nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị trong tuyên truyền.

III. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Trung ương và của tỉnh; kế hoạch cải cách hành chính hàng năm của tỉnh và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính.

2. Các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhất là trong giải quyết các công việc liên quan đến người dân; các quy tắc ứng xử, văn hóa giao tiếp, tác phong, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.

3. Các quy định có liên quan việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính về tổ chức bộ máy, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công, hiện đại hóa nền hành chính và cải cách thủ tục hành chính.

4. Việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện thủ tục hành chính; việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện công vụ.

5. Kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trong từng năm, 05 năm và cả giai đoạn. Tuyên truyền, biểu dương các mô hình, cơ chế quản lý có hiệu quả, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện cải cách hành chính cũng như phản ánh những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của cơ quan nhà nước và trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

6. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong mối quan hệ với cơ quan nhà nước; nguyên tắc, cách thức và các vấn đề cần biết khi thực hiện thủ tục hành chính, chú trọng một số lĩnh vực chủ yếu như: cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký kinh doanh, công chứng, hộ tịch, hộ khẩu, xuất nhập cảnh, xử phạt vi phạm hành chính, khiếu nại, tố cáo.

7. Các địa chỉ, số điện thoại “đường dây nóng” và cách thức phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính.

8. Các nội dung khác xét thấy cần thiết.

IV. HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP TUYÊN TRUYỀN

1. Công khai thủ tục hành chính

a) Cơ quan chủ trì thực hiện: cơ quan hành chính nhà nước các cấp có tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Hình thức: công khai trên bảng niêm yết thủ tục hành chính, trên trang thông tin điện tử (Website) của cơ quan, đơn vị, trên Cổng thông tin điện tử tỉnh và cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính.

c) Thời gian thực hiện: thường xuyên.

d) Kinh phí thực hiện: do cơ quan, đơn vị đảm bảo từ kinh phí hoạt động thường xuyên, ngân sách tỉnh không cấp thêm.

2. Xây dựng chuyên mục, chuyên trang cải cách hành chính trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc, Cổng thông tin điện tử tỉnh

a) Cơ quan chủ trì thực hiện: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đề nghị Báo Ấp Bắc, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Hình thức:

- Đối với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: xây dựng chuyên mục riêng về cải cách hành chính trên cả sóng phát thanh và truyền hình với các hình thức sinh động, thu hút được khán thính giả (câu chuyện truyền thanh, hỏi đáp, gặp gỡ và đối thoại, phóng sự, tiểu phẩm vui...)

+ Đối với truyền hình: 01 tháng 01 chuyên mục cải cách hành chính, thời lượng 12 phút; 01 quý làm 01 chương trình truyền hình trực tiếp.

+ Đối với phát thanh: 01 tháng 01 chuyên mục cải cách hành chính, thời lượng 13 - 15 phút; 01 câu chuyện truyền thanh.

- Đối với Báo Ấp Bắc: mở chuyên trang hoặc chuyên mục cải cách hành chính.

- Đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: xây dựng mục riêng về cải cách hành chính trên Cổng thông tin điện tử tỉnh.

c) Thời gian và kinh phí thực hiện:

- Đối với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc: phát sóng, phát hành kỳ đầu tiên không trễ quá quý III năm 2012. Kinh phí thực hiện một phần do đơn vị đảm bảo từ kinh phí sự nghiệp của báo, đài, một phần do ngân sách tỉnh hỗ trợ. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính dự toán phần kinh phí đề nghị hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt.

- Đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh: bắt đầu thực hiện ngay sau khi ra mắt Cổng thông tin điện tử tỉnh. Kinh phí thực hiện đảm bảo từ kinh phí vận hành, duy trì hoạt động của Cổng thông tin điện tử tỉnh, ngân sách tỉnh không cấp thêm.

3. Tổ chức hội thi về cải cách hành chính cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp trong tỉnh

a) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ.

b) Hình thức: vận dụng các hình thức sinh động, hấp dẫn, thu hút được thí sinh dự thi và người xem (viết ý tưởng, trắc nghiệm kiến thức, vấn đáp, giải quyết tình huống...) để chuyển tải được thông tin tuyên truyền theo các nội dung tuyên truyền một cách có hiệu quả.

c) Thời gian thực hiện: hàng năm.

d) Kinh phí thực hiện: từ nguồn nghiệp vụ cải cách hành chính của Sở Nội vụ.

4. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo các ngành, các cấp với doanh nghiệp:

a) Chủ trì đối thoại: lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Cơ quan chủ trì giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức đối thoại: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

c) Hình thức: trao đổi để nhận diện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong mối quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

d) Thời gian thực hiện: hàng năm.

đ) Kinh phí thực hiện: từ kinh phí tổ chức hội nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh.

5. Tuyên truyền bằng băng-rôn, khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi:

a) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Nội vụ.

b) Hình thức: các khẩu hiệu, thông tin, hình ảnh trực quan dễ đọc, dễ nhớ, dễ thực hiện để cổ động đẩy mạnh cải cách hành chính và để người dân nắm bắt được những thông tin cơ bản về nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, thủ tục và việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan mật thiết tới đời sống của người dân.

c) Thời gian thực hiện: thường xuyên.

d) Kinh phí thực hiện: từ nguồn nghiệp vụ cải cách hành chính của Sở Nội vụ.

6. Tuyên truyền bằng sân khấu hóa:

a) Cơ quan chủ trì thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b) Hình thức: kịch ngắn, tiểu phẩm, chập cải lương... Đề tài xoay quanh công tác cải cách hành chính. Nội dung phản ánh những kết quả tích cực đạt được, những mô hình hay, gương cán bộ, công chức tận tụy với công việc hoặc phê phán những hạn chế, tiêu cực trong hoạt động của cơ quan nhà nước và địa phương trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính...

c) Thời gian thực hiện: thường xuyên.

d) Kinh phí thực hiện: một phần do đơn vị đảm bảo từ kinh phí sự nghiệp văn hóa - thông tin, một phần do ngân sách tỉnh hỗ trợ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính dự toán phần kinh phí đề nghị hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Triển khai kế hoạch:

- Giao Giám đốc Sở Nội vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai, quán triệt kế hoạch này.

- Tất cả các hình thức tuyên truyền theo kế hoạch này được triển khai thực hiện trong năm 2012. Thời điểm bắt đầu thực hiện do các cơ quan chủ trì các hình thức tuyên truyền báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét nhưng không trễ quá quý III năm 2012.

2. Kinh phí thực hiện:

- Đối với kinh phí thực hiện các hình thức tuyên truyền do Sở Nội vụ chủ trì, ngân sách tỉnh cấp chung trong kinh phí ngoài khoán (nghiệp vụ cải cách hành chính) của Sở Nội vụ hàng năm.

- Đối với kinh phí hỗ trợ thực hiện các hình thức tuyên truyền do Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Ấp Bắc; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, ngân sách tỉnh cấp khoản hỗ trợ riêng. Việc thanh quyết toán thực hiện theo quy định hiện hành.

- Đối với kinh phí thực hiện trong năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xem xét, cấp bổ sung cho các đơn vị trong 6 tháng cuối năm.

3. Trách nhiệm của Sở Nội vụ: là cơ quan chủ trì, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này; làm đầu mối điều hòa, phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực hiện các hình thức tuyên truyền để đảm bảo các nội dung tuyên truyền và tính hệ thống của thông tin tuyên truyền; tổng hợp, báo cáo việc thực hiện kế hoạch tuyên truyền chung trong báo cáo cải cách hành chính định kỳ hoặc đột xuất theo quy định.

4. Trách nhiệm của Sở Tài chính: thẩm định dự toán kinh phí thực hiện các hình thức tuyên truyền, gồm phần cấp cho Sở Nội vụ chung trong nghiệp vụ cải cách hành chính và phần hỗ trợ cho Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Ấp Bắc; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

5. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh: thường xuyên thông tin kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính của cơ quan, ngành trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh; tích cực phối hợp với các cơ quan chủ trì thực hiện các hình thức tuyên truyền khi có yêu cầu.

6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện: xây dựng kế hoạch tuyên truyền công tác cải cách hành chính giai đoạn 2012 - 2020 với nội dung, hình thức phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các ngành, các cấp tích cực thực hiện kế hoạch này nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2011 - 2020. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo qua Sở Nội vụ tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Minh Điều

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 24/KH-UBND năm 2012 về tuyên truyền công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012-2020

  • Số hiệu: 24/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 14/03/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Dương Minh Điều
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản