Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 238/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 22 tháng 11 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỮA HỌC ĐƯỜNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG GÓP PHẦN NÂNG CAO TẦM VÓC TRẺ EM MẪU GIÁO VÀ TIỂU HỌC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Thừa Thiên Huế có 9 huyện/thị xã/thành phố Huế với 591 trường học, 255.365 học sinh, trong đó khối mầm non có 206 trường, đã huy động được 63.638 cháu đạt tỷ lệ 64,24% so với số trẻ trong cộng đồng (nhà trẻ 12.409 cháu đạt 30,3%; mẫu giáo 51.229 cháu đạt 88,1%, riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi là 18.608 cháu đạt 99,4%). Khối tiểu học có 216 trường, đã huy động ra lớp 86.079 học sinh. Tổng số học sinh khối tiểu học và mầm non toàn tỉnh: 149.717 học sinh.

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng năm 2015, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi như sau: tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 12,1% và tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi là 25%. Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, tỷ lệ suy dinh dưỡng cả 2 thể nhẹ cân và thấp còi ở bậc học mầm non có thấp hơn so với cộng đồng, trong đó tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân đối với các cháu độ tuổi nhà trẻ là 3,1% (giảm 1,5% so với đầu năm học); thể thấp còi là 3,7% (giảm 1% so với đầu năm học); ở độ tuổi mẫu giáo, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân là 4% (giảm 1,2% so với đầu năm học), thể thấp còi là 3,8% (giảm 0,6% so với đầu năm học).

Theo Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 26/12/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến 2030 cũng ghi rõ các mục tiêu: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 14% vào năm 2015 và giảm xuống dưới 12% vào năm 2020; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 26% vào năm 2015 và xuống còn 23% vào năm 2020; đến năm 2020, chiều cao của trẻ 5 tuổi tăng từ 1,5 cm - 2 cm cho cả trẻ trai và trẻ gái. Tầm nhìn đến năm 2030, phấn đấu giảm suy dinh dưỡng trẻ em xuống dưới mức có ý nghĩa cộng đồng (suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 20% và suy dinh dưỡng nhẹ cân dưới 10%); từng bước giám sát tiêu thụ thực phẩm hàng ngày ...bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cơ thể và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi đối tượng nhân dân, đặc biệt là trẻ em học đường.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Thực hiện Chương trình sữa học đường nhằm bổ sung dinh dưỡng và các vi chất cần thiết góp phần phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học thông qua đó góp phần cải thiện tầm vóc thế hệ tương lai của thanh thiếu niên tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020, 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được huyện thông giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

- Đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Thừa Thiên Huế, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình sữa học đường.

- Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90% - 95% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40% vào năm 2020.

- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.

- Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

- Vận động, khuyến khích phụ huynh tham gia để trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học (bao gồm cả các trường trong và ngoài công lập) được uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần 180 ml kể từ khi Kế hoạch được triển khai đến năm học 2019-2020.

- 100% cán bộ quản lý, nhân viên y tế học đường, giáo viên và chương trình được tham gia các lớp tập huấn, có kiến thức và kỹ năng thực hành chăm sóc dinh dưỡng (đặc biệt là về sữa học đường) cho trẻ em trong trường học.

- 100% trường mẫu giáo và tiểu học tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, các vấn đề liên quan đến chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại gia đình; về Chương trình Sữa học đường và hỗ trợ trẻ em được hưởng quyền lợi theo Kế hoạch.

- 100% các trường tham gia thực hiện tốt công tác quản lý Chương trình sữa học đường và tổ chức cho trẻ uống sữa tại trường; có cách thức vận hành, ghi chép sổ sách, lưu mẫu sữa theo quy định về an toàn thực phẩm.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp cơ chế chính sách

- Thành lập Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường để quản lý các hoạt động và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình.

- Phổ biến các quy định, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường đến năm 2020; quy định về nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, phân phối và sử dụng; quy định về định mức sữa phù hợp với lứa tuổi nhằm đáp ứng các chỉ tiêu của Chương trình sữa học đường.

- Thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình sữa học đường theo quy định hiện hành để đảm bảo nguồn lực, sự bền vững của Chương trình sữa học đường

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp để thực hiện Chương trình sữa học đường.

2. Giải pháp truyền thông vận động và thông tin giáo dục truyền thông:

- Tăng cường hiệu quả thông tin về tầm quan trọng của Chương trình sữa học đường trong công tác dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể chất và trí tuệ của trẻ em đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị xã hội để chỉ đạo triển khai.

- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp chính quyền về nhận thức vai trò, tầm quan trọng của Chương trình sữa học đường nhằm tăng cường nguồn lực thực hiện Chương trình.

- Tăng cường công tác thông tin giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, bố, mẹ, người chăm sóc về tầm quan trọng của dinh dưỡng đối với sự phát triển toàn diện về tầm vóc, thể lực và trí tuệ của trẻ em, đặc biệt là bữa ăn học đường và sử dụng các sản phẩm sữa phù hợp theo nhóm tuổi.

- Đa dạng loại hình, phương thức truyền thông phù hợp với các nhóm đối tượng và vùng miền.

- Kết hợp truyền thông giáo dục dinh dưỡng với giáo dục thể chất, tăng cường vận động cho trẻ trong hệ thống trường mầm non, tiểu học.

- Xây dựng kế hoạch triển khai, từng bước thực hiện Chương trình sữa học đường cho lứa tuổi mầm non và tiểu học trong chương trình dinh dưỡng học đường. Xây dựng các mô hình phù hợp với từng địa phương và đối tượng.

3. Giải pháp kỹ thuật

- Nghiên cứu xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng năm học, có kế hoạch can thiệp đặc hiệu đối với các vùng nghèo, khó khăn, dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng có nguy cơ suy dinh dưỡng, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn góp phần đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình sữa học đường nhằm cải thiện tầm vóc trẻ em phù hợp theo thực tế vùng, miền.

- Đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ thuật, kỹ năng theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng sức khỏe của trẻ cho đội ngũ cán bộ y tế trường học, giáo viên tham gia Chương trình sữa học đường trong quá trình uống sữa; kịp thời phát hiện và phối hợp với y tế trên địa bàn giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình cho trẻ em uống sữa.

- Theo dõi, giám sát việc triển khai và đánh giá hiệu quả của Chương trình Sữa học đường.

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG, LỘ TRÌNH VÀ KINH PHÍ

1. Nội dung hoạt động

a) Công tác hội nghị, tập huấn

- Tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định, quy chuẩn về sữa học đường, triển khai kế hoạch hoạt động chương trình Sữa học đường.

- Tập huấn kiến thức, chế độ và chăm sóc dinh dưỡng, kỹ năng thực hành, kỹ năng đánh giá và báo cáo kết quả thực hiện cho cán bộ nhà trường.

b) Hoạt động truyền thông

- Tổ chức truyền thông vận động thông qua các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng.

- Tổ chức ngày hội cho các em học sinh nhằm tăng cường hiểu biết về lợi ích của sữa đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc học sinh.

c) Cấp phát sữa cho học sinh

Triển khai công tác cấp phát sữa cho học sinh ở trong phạm vi vùng, đối tượng ưu tiên theo kế hoạch hằng năm.

d) Công tác tổng kết, đánh giá, báo cáo

- Các trường tự đánh giá kết quả hoạt động: các trường học tổ chức đánh giá thể lực, tầm vóc học sinh vào đầu và cuối năm học, báo cáo kết quả cho Ban chỉ đạo chiến lược dinh dưỡng tuyến huyện và tỉnh. Ban chỉ đạo tỉnh, huyện sẽ tiến hành đánh giá, phúc tra kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình sữa học đường tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh.

- Ban chỉ đạo tỉnh, huyện họp đánh giá hàng năm và tổ chức hội nghị đánh giá cuối kỳ đến năm 2020.

2. Lộ trình thực hiện:

- Đến năm 2018 đạt 70% và đến năm 2020 đạt 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được uống sữa theo Chương trình sữa học đường.

- Đến năm 2018 đạt 50% và đến năm 2020 đạt 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình sữa học đường.

3. Kinh phí:

Hằng năm Ban Chỉ đạo chiến lược quốc gia về dinh dưỡng tỉnh xây dựng kinh phí trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt. Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Ngân sách địa phương, Doanh nghiệp và các nguồn tài trợ hợp pháp, đóng góp của gia đình học sinh.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường tỉnh:

- Chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020.

- Có trách nhiệm huy động các nguồn lực xã hội, vận động các doanh nghiệp, các nhà tài trợ hỗ trợ kinh phí chi mua sản phẩm sữa cho các cháu.

- Theo dõi Quỹ sữa học đường.

2. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về Chương trình sữa học đường.

- Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường.

- Chịu trách nhiệm giám sát, đánh giá hiệu quả Chương trình sữa học đường; giám sát việc triển khai thực hiện từ khâu sản xuất đến tiếp nhận và thực hành cho học sinh uống sữa nhằm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các đơn vị cùng cấp thuộc ngành Giáo dục để triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường đạt hiệu quả và đúng tiến độ.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế triển khai các lớp hội nghị, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên, y tế trường học tham gia Kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường.

- Phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường mầm non và tiểu học triển khai thực hiện các hoạt động của Kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường:

+ Tổ chức tuyên truyền vận động trực tiếp tại trường học, tại các cuộc họp phụ huynh học sinh;

+ Tiếp nhận, bảo quản và thực hành cho học sinh uống sữa;

+ Chỉ đạo thực hiện việc thu kinh phí mua sữa (phần hỗ trợ đóng góp theo đăng ký của phụ huynh học sinh)

+ Thống kê, báo cáo kết quả triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường;

- Phối hợp với các sở, ngành khác để triển khai các nội dung liên quan;

- Tiếp nhận, quản lý, giám sát, thanh quyết toán phần kinh phí cấp từ ngân sách tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư cho Chương trình sữa học đường.

5. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách để triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường.

6. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam tỉnh:

Chỉ đạo Ủy ban Mặt trận các cấp chủ động tham gia thực hiện Chương trình sữa học đường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc dinh dưỡng trẻ em.

7. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh:

Chỉ đạo Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp tuyên truyền, vận động để các bà mẹ hiểu biết sâu sắc về tầm quan trọng của việc sử dụng sữa học đường đối với trẻ mầm non và tiểu học và tự giác tham gia Kế hoạch thực hiện Chương trình sữa học đường.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị:

Chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai các nội dung Kế hoạch tại địa bàn; Phối hợp với các Sở, ngành để triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

9. Hằng năm, Ban Chỉ đạo Chiến lược quốc gia dinh dưỡng tỉnh xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện.

10. Định kỳ hàng năm, các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan thường trực tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung của Kế hoạch, các sở, ban ngành, địa phương phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (để báo cáo);
- TV Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị có tên tại Mục V;
- VP: CVP, các PCVP và CV YT;
- Lưu: VT, GD.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Dung

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 238/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020

  • Số hiệu: 238/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/11/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế
  • Người ký: Nguyễn Dung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/11/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản