- 1Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 2Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
- 3Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT năm 2022 phê duyệt Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 4Thông báo 240/TB-KTHT-VP năm 2023 về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Trưởng ban chỉ đạo tại buổi họp Ban chỉ đạo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu và Đề án Khuyến nông cộng đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn ban hành
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2366/KH-UBND | Gia Lai, ngày 31 tháng 8 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU NÔNG, LÂM SẢN ĐẠT CHUẨN PHỤC VỤ TIÊU THỤ TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2022-2025
Thực hiện Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT ngày 25/3/2022 về phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025; Thông báo số 240/TB-KTHT-VP ngày 29/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ý kiến kết luận của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Trưởng Ban chỉ đạo tại buổi họp Ban chỉ đạo Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu và Đề án Khuyến nông cộng đồng;
Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 (sau đây viết tắt là Đề án), cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
- Hình thành và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu cà phê quy mô lớn, hàng hóa tập trung, hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phát triển các hợp tác xã (sau đây viết tắt là HTX) nông nghiệp ở vùng nguyên liệu cà phê liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiệu quả, bền vững.
- Phát triển, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp trong chuỗi giá trị cà phê; đáp ứng yêu cầu về mặt chất lượng sản phẩm nguyên liệu cà phê phục vụ chế biến và xuất khẩu. Tăng thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân địa phương.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
- Hình thành vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn, quy mô tập trung với diện tích trên 5.611 ha và các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê giữa các doanh nghiệp, HTX và nông dân.
- Giảm chi phí đầu vào sản xuất từ 5-10% cho các thành viên HTX và người nông dân (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc, chi phí và thời gian vận chuyển,…); giảm tổn thất sau thu hoạch 5-10% số nguyên liệu và tăng giá trị khoảng trên 10%. Qua đó, tăng thu nhập 5-10% cho thành viên HTX và người nông dân.
- Tăng cường năng lực cho ít nhất 12 HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu cà phê; giúp nâng cao khả năng điều hành và tổ chức sản xuất của các HTX, thay đổi tập quán sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế tập thể và nâng cao giá trị của chuỗi nông sản theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định.
- Phát triển cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại sản phẩm cho các HTX và doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.
- Thí điểm hình thành 10 tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức các lớp tập huấn tư vấn phát triển HTX, kết nối thị trường.
- Áp dụng phần mềm quản lý sản xuất vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao, số hóa thông tin, cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Thí điểm thực hiện chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất cho HTX, thành viên HTX; chính sách bảo hiểm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
- Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương, phát triển chế biến quy mô nhỏ và vừa theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ... để phù hợp với mục tiêu chung tạo ra sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Xây dựng 01 Trung tâm logistic chuỗi cà phê tỉnh Gia Lai.
II. THỜI GIAN, QUY MÔ, ĐỊA ĐIỂM
1. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2022-2025
2. Quy mô, địa điểm thực hiện Đề án thí điểm:
- Quy mô: 5.611 ha cà phê
- Địa điểm: Tại 07 địa phương: Đak Đoa, Chư Sê, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh và thành phố Pleiku
III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA ĐỀ ÁN
1. Dự án 1: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển phát triển vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn tỉnh
- Xây dựng đường giao thông nội đồng kết nối vùng trồng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết nối vùng trồng nguyên liệu với khu sản xuất, chế biến.
- Xây dựng sân phơi tập trung, nhà màng phơi cà phê; nhà điều hành, trưng bày sản phẩm cà phê; máy móc thiết bị phục vụ liên kết sản xuất; hệ thống tưới tiết kiệm; silo chứa cà phê.
2. Dự án 2: Tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu
2.1. Nhiệm vụ 1: Phát triển, củng cố, nâng cao năng lực cho Ban quản trị, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp vùng nguyên liệu
- Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực, tổ chức hoạt động cho Hội đồng quản trị và thành viên HTX nông nghiệp tham gia Đề án; đào tạo bồi dưỡng kỹ năng quản trị HTX, phương pháp xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, nghiệp vụ chuyên môn và kỹ thuật; ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp.
- Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả ngoài tỉnh.
2.2. Nhiệm vụ 2: Khuyến nông và chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ cho hợp tác xã, người dân trồng cà phê tham gia liên kết
- Xây dựng 01 mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C (bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê) hoặc REA (rừng nhiệt đới), PLO (thương mại công bằng), Rainforest Alliance,… gắn liên kết sản xuất - tiêu thụ và 01 mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ.
- Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; thông tin tuyên truyền, truyền thông các ứng dụng khoa học công nghệ thông qua tờ rơi, bảng biểu mô hình, các bản tin cập nhật quá trình triển khai thực hiện mô hình và các cuộc hội thảo, tổng kết để đánh giá hiệu quả tác động của Đề án đến sự tiếp nhận, thay đổi và khả năng nhân rộng của mô hình của địa phương tham gia Đề án nói riêng và nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung.
- Định hướng các HTX là chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định... nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sản phẩm chế biến thành phẩm, có giá trị gia tăng gắn với nguồn nguyên liệu của địa phương.
- Hỗ trợ vật tư nông nghiệp phục vụ liên kết sản xuất.
2.3. Nhiệm vụ 3: Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý vùng nguyên liệu phục vụ liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc
- Xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu vùng nguyên liệu cà phê bao gồm các thông tin, dữ liệu về: Nông hóa, thổ nhưỡng; lập bản đồ số lý lịch vườn cây, cập nhật cơ sở dữ liệu hàng năm về tình hình tái canh, cải tạo giống,..; hạ tầng phục vụ sản xuất; quy chuẩn và công nghệ áp dụng; quy trình, nghiệp vụ vận hành vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp, HTX, nông dân là thành viên HTX; kho học liệu “Elearning” và trang bị kỹ năng số cho các HTX trong vùng nguyên liệu.
- Xây dựng và quản trị dữ liệu hệ thống mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm cà phê vùng nguyên liệu.
- Đẩy mạnh đào tạo phát triển nguồn nhân lực; xây dựng mô hình ứng dụng IPHM trên cây cà phê, cà phê cảnh quan để nhận rộng diện tích ứng dụng IPHM trong sản xuất; ứng dụng rộng rãi biện pháp sinh học vào thực tế sản xuất góp phần giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bảo vệ sức khỏe người sử dụng và môi trường.
- Phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
- Xây dựng chỉ dẫn địa lý, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm cà phê của Gia Lai.
3. Dự án 3: Phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông
3.1. Nhiệm vụ 1: Xây dựng mô hình khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững
- Thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng (khảo sát, thành lập, ban hành quyết định, quy định về hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng…)
- Tổ chức tư vấn về phát triển HTX, khuyến nông, thị trường...
- Hỗ trợ trang bị thiết bị và phương tiện làm việc; thông tin, truyền thông (toạ đàm, diễn đàn, xây dựng video clip...) nhân rộng tổ khuyến nông cộng đồng trong hệ thống.
- Hướng dẫn HTX xây dựng và thực hiện kế hoạch/phương án sản xuất kinh doanh hàng năm; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, liên kết sản xuất và thông tin thị trường; xây dựng hợp đồng với nông hộ (contract farming); tư vấn (phương thức cầm tay chỉ việc).
3.2. Nhiệm vụ 2: Truyền thông phát triển vùng nguyên liệu
- Hỗ trợ xây dựng và in ấn phát hành các tài liệu, truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài…); xây dựng mạng internet, mạng xã hội cho nông dân và Mô-đun đào tạo từ xa; xây dựng Website giới thiệu, quảng bá vùng nguyên liệu phục vụ liên kết gắn với truy xuất nguồn gốc.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất cà phê bền vững. Vận động nông dân tham gia nhóm hộ, HTX.
- Hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích nông dân tập trung thâm canh cà phê theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), sản xuất cà phê có chứng nhận, mã số vùng trồng từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê.
4. Dự án 4: Phát triển liên kết chuỗi giá trị
- Thí điểm chính sách tín dụng theo chuỗi giá trị
Hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi cho các HTX, thành viên HTX đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo liên kết chuỗi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ Phát triển hợp tác xã tỉnh và các tổ chức tín dụng khác.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng hỗ trợ hộ gia đình, HTX tham gia Đề án được vay tín dụng theo quy định; thực hiện các chính sách theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/04/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
- Thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp thông qua các HTX vùng nguyên liệu.
- Triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện các dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ đối với các HTX nông nghiệp tham gia Đề án.
- Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy tập quán canh tác bền vững, cải thiện cảnh quan nông nghiệp và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
- Hỗ trợ đăng ký bảo hộ sản phẩm cà phê vùng nguyên liệu của Đề án.
5. Dự án 5: Đầu tư xây dựng 01 Trung tâm logictics tỉnh Gia Lai
- Xây dựng văn phòng logistics và chuyển đổi số ngành hàng cà phê.
- Đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội bộ, đường điện, tường xây, sân phơi, nhà kho, nhà điều hành trưng bày sản phẩm, hệ thống máy móc thiết bị phục vụ cho xử lý chế biến cà phê của Trung tâm logistic.
IV. NHU CẦU KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện Đề án tại tỉnh Gia Lai giai đoạn 2022-2025: 490.435 triệu đồng.
Trong đó:
1. Ngân sách Trung ương: 140.428 triệu đồng (chiếm 28,63%)2. Ngân sách địa phương: 54.368 triệu đồng (chiếm 11,09%)3. Vốn đối ứng HTX, doanh nghiệp: 250.639 triệu đồng (chiếm 51,11%).
4. Vốn tín dụng, vốn khác: 45.000 triệu đồng (chiếm 9,18%).
(Chi tiết tại Phụ lục I, II)
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tham gia Đề án và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Đề xuất điều chỉnh Kế hoạch này nếu có thay đổi quy mô, mục tiêu, nội dung, kinh phí,… của các dự án so với Quyết định số 1088/QĐ-BNN- KTHT ngày 25/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất nguồn kinh phí lồng ghép thực hiện Đề án phù hợp quy định hiện hành.
- Hướng dẫn các HTX nông nghiệp tham gia Đề án tổ chức sản xuất kinh doanh, liên kết đảm bảo theo tiêu chuẩn cà phê chất lượng.
- Định kỳ 6 tháng (trước ngày 15/6), hàng năm (trước ngày 15/12) tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định, theo phân cấp và khả năng ngân sách.
3. Sở Tài chính
Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán cho năm sau, trên cơ sở dự toán của các đơn vị liên quan xây dựng gửi Sở Tài chính theo đúng quy định, Sở Tài chính tổng hợp, cân đối theo khả năng ngân sách tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh bố trí kinh phí theo phân cấp ngân sách để triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
4. Sở Công Thương
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; triển khai các chính sách, giải pháp thúc đẩy, phát triển, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
- Phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lập danh sách các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tham gia Đề án đủ điều kiện và có nhu cầu hỗ trợ từ chương trình khuyến công và đề xuất phân bổ nguồn vốn hỗ trợ theo quy định.
- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức Hội nghị gặp gỡ các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu.
- Hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước nhằm quảng bá, giới thiệu tìm kiếm đối tác đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh trong đó có sản phẩm cà phê.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX nông nghiệp trong việc thực hiện xây dựng, áp dụng và quản lý hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc.
- Hỗ trợ các HTX nông nghiệp đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến (ISO), kiểm soát an toàn thực phẩm (HACCP)...
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đặt hàng triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản trên địa bàn tỉnh.
6. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của HTX, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng các chức danh quản lý HTX nông nghiệp trong vùng Đề án.
- Tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các HTX nông nghiệp tham gia Đề án tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã tỉnh, Quỹ hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Việt Nam để đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
7. Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Gia Lai
Phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chính sách tín dụng theo chuỗi giá trị trên địa bàn, chính sách Bảo hiểm nông nghiệp và các chính sách có liên quan.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham gia Đề án
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn thiết thực, hiệu quả.
- Lựa chọn các HTX nông nghiệp trên địa bàn đủ điều kiện để tham gia Đề án đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ.
- Phối hợp thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền mở rộng thành viên HTX nông nghiệp, thực hiện các mô hình khuyến nông, công tác đào tạo, tập huấn.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, kết nối liên kết và tiêu thụ nông sản.
- Kiểm tra, theo dõi các hạng mục đầu tư xây dựng, đặc biệt hệ thống nhà kho, silô và Trung tâm Logistic sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
- Định kỳ 6 tháng (trước ngày 10/6), hàng năm (trước ngày 10/12) báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
9. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê
- Cam kết bao tiêu sản phẩm vùng nguyên liệu của Đề án và chủ động kết nối các HTX nông nghiệp, Tổ hợp tác trong vùng nguyên liệu của Đề án thực hiện liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
- Ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê theo các tiêu chuẩn hữu cơ, cà phê chất lượng cao với các HTX nông nghiệp sản xuất cà phê trong vùng nguyên liệu. Nghiêm túc thực hiện đúng hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ. Chịu trách nhiệm các hoạt động và tính pháp lý của các hợp đồng liên kết tiêu thụ đã ký.
- Chủ động đề xuất giải pháp, biện pháp, chiến lược để duy trì và phát triển bền vững chuỗi liên kết, tiêu thụ nông sản.
- Hỗ trợ HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu trong mở rộng diện tích sản xuất cà phê và tập huấn các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cà phê hữu cơ, tiêu chuẩn 4C, cà phê chất lượng cao.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và cơ quan liên quan trong thực hiện chuỗi liên kết.
10. HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện, thành phố tham gia Đề án
- Thực hiện đúng các cam kết về vốn đối ứng (hiến đất xây dựng công trình hạ tầng) và các điều kiện mặt bằng nếu được đầu tư hạ tầng; chi phí bồi thường và giải phóng mặt bằng (nếu có) do HTX nông nghiệp và người dân tham gia Đề án tự nguyện đóng góp.
- Chủ động kết nối các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết, đồng thời vận động thành viên và nông dân đồng loạt áp dụng hình thức mua chung, bán chung tạo hiệu quả kinh tế, từng bước hình thành chuỗi liên kết.
- Thông tin, tuyên truyền đến các hộ thành viên HTX nông nghiệp tập trung tổ chức sản xuất đúng kế hoạch, mùa vụ, giám sát kỹ thuật canh tác theo hướng an toàn, đạt chuẩn đề phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững.
- Tăng cường mở rộng quy mô thành viên và diện tích sản xuất cà phê chất lượng cao theo tiêu chuẩn chứng nhận chất lượng như: 4C, REA, PLO, Rainforest Alliance, chứng nhận hữu cơ (Organic),...
- Có trách nhiệm quản lý, vận hành, duy trì, bảo trì các hạng mục đầu tư xây dựng, đặc biệt hệ thống nhà kho, silo và Trung tâm Logistic sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.
Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn, các cơ quan, đơn vị gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp tháo gỡ kịp thời./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC I
DANH SÁCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG THAM GIA ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU NÔNG, LÂM SẢN ĐẠT CHUẨN PHỤC VỤ TIÊU THỤ TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm Kế hoạch số: 2366/KH-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh)
STT | Địa chỉ | Diện tích cà phê (ha) | Ghi chú |
1 | Huyện Đak Đoa | 425 |
|
2 | Huyện Chư Păh | 583 |
|
3 | Huyện Đức Cơ | 3.673 |
|
4 | Huyện Chư Sê | 335 |
|
5 | Huyện Ia Grai | 300 |
|
6 | Huyện Chư Prông | 45 |
|
7 | Thành phố Pleiku | 250 |
|
Tổng cộng | 5.361 |
|
PHỤ LỤC II
KINH PHÍ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU NÔNG, LÂM SẢN ĐẠT CHUẨN PHỤC VỤ TIÊU THỤ TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2022-2025
(Kèm Kế hoạch số: 2366/KH-UBND ngày 31 tháng 8 năm 2023 của UBND tỉnh)
ĐVT: Triệu đồng
STT | Tên dự án | Tổng kinh phí | Ngân sách Trung ương | Ngân sách địa phương | Đối ứng của HTX, doanh nghiệp | Vốn tín dụng, vốn khác |
1 | Dự án 1: Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu | 157.800 | 45.800 | 12.000 | 100.000 |
|
2 | Dự án 2: Tổ chức sản xuất và quản trị vùng nguyên liệu | 169.050 | 2.216 | 26.395 | 140.439 |
|
3 | Dự án 3: Phát triển khuyến nông cộng đồng và truyền thông | 5.312 | 1.912 | 2.200 | 1.200 |
|
4 | Dự án 4: Phát triển liên kết theo chuỗi giá trị | 58.273 | 500 | 3.773 | 9.000 | 45.000 |
5 | Dự án 5: Đầu tư xây dựng Trung tâm logictics tỉnh Gia Lai | 100.000 | 90.000 | 10.000 |
|
|
Tổng cộng | 490.435 | 140.428 | 54.368 | 250.639 | 45.000 |