Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 235/KH-UBND | Tuyên Quang, ngày 18 tháng 10 năm 2023 |
KẾ HOẠCH
THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG QUẢN LÝ SỨC KHOẺ CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÁC CÂY TRỒNG CHỦ LỰC, CÂY TRỒNG CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2023-2030
Căn cứ Quyết định số 3592/QĐ-BNN- BVTV ngày 23/9/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên các cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2030;
Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang ban hành Kế hoạch thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2030, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Đẩy mạnh ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (sau đây gọi tắt là IPHM) trên các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Yêu cầu
Nội dung, nhiệm vụ và giải pháp phải bám sát mục tiêu, nhiệm vụ phát triển cây trồng theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; phù hợp với Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên các cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2030. Đồng thời phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, tính khả thi cao và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức thực hiện.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Đẩy mạnh ứng dụng IPHM nhằm chủ động giảm thiểu những tác động gây bất lợi trong sản xuất, phát huy các yếu tố nội tại của cây trồng, ngăn chặn sự bùng phát của sinh vật gây hại từ đó giảm chi phí đầu tư, giảm sử dụng hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất; đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Trên 80% số xã có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.
- Đào tạo giảng viên, hướng dẫn viên:
+ Có ít nhất 05 giảng viên IPHM Quốc gia; 25 giảng viên IPHM cấp tỉnh.
+ Mỗi xã có ít nhất 02 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 05 nông dân IPHM nòng cốt.
- Phấn đấu có 90% diện tích lúa, rau, màu, cây ăn quả (cam, bưởi, nhãn,…); 70% diện tích cây ngô; 70% diện tích cây chè ứng dụng IPHM, qua đó giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và 30% lượng phân bón hóa học.
- 100% số xã, phường, thị trấn có sản xuất nông nghiệp thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định.
III. NHIỆM VỤ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về IPHM
- Xây dựng các tin, bài, phóng sự, chuyên mục khuyến nông để phổ biến các tiến bộ kỹ thuật mới, tuyên truyền các mô hình ứng dụng: Chương trình ứng dụng IPHM; thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ; kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, 3 giảm 3 tăng,…; quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng,… để phổ biến rộng rãi đến người sản xuất.
- Xây dựng và phổ biến các mô hình sinh hoạt cộng đồng phù hợp để người sản xuất chia sẻ kinh nghiệm, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp,… nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường.
- Xây dựng, in ấn tờ rơi, porter IPHM trên các cây trồng: Lúa, ngô, cam, chè, bưởi, rau, na, hồng, lê,… để tuyên truyền, phổ biến đến mọi người dân.
- Ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng về IPHM.
2. Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM
2.1. Đào tạo giảng viên
- Giảng viên Quốc gia: Hàng năm rà soát, cử cán bộ chuyên môn tham gia lớp đào tạo giảng viên IPHM Quốc gia do Cục Bảo vệ thực vật tổ chức, tạo nguồn giảng viên phục vụ đào tạo giảng viên IPHM (TOT-IPHM) cấp tỉnh cho cán bộ đang công tác tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện và tập huấn IPHM cho người sản xuất.
- Giảng viên cấp tỉnh: Tổ chức 01 lớp đào tạo nâng cao cho giảng viên thực hành Quản lý dịch hại tổng hợp (TOT-IPM) cấp tỉnh thành giảng viên Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (TOT- IPHM) cấp tỉnh.
2.2. Huấn luyện nông dân về IPHM (FFS)
- Huấn luyện nông dân về IPHM cơ bản (FFS-IPHM):
+ Nội dung: Lựa chọn những nông dân sản xuất tiêu biểu của địa phương (theo từng loại cây trồng của chương trình huấn luyện) để đào tạo, tập huấn chương trình IPHM. Huấn luyện nông dân trực tiếp áp dụng IPHM vào sản xuất (đất khỏe, cây trồng khỏe, quản lý dịch hại tổng hợp,…); thực hành các kỹ năng: Điều tra đồng ruộng, hoạt động nhóm, thuyết trình, tuyên truyền,… để họ có đủ khả năng tự triển khai áp dụng các biện pháp kỹ thuật IPHM vào trong sản xuất mang lại hiệu quả cao và tuyên truyền, hướng dẫn cho các nông dân khác cùng làm theo.
+ Số lớp: Từ 5-7 lớp huấn luyện/năm, mỗi lớp 30 người (huấn luyện theo xã); thời gian huấn luyện 14 đợt (01 ngày/đợt), kéo dài trong một vụ (đối với cây trồng ngắn ngày) hoặc từng đợt theo giai đoạn sinh trưởng cây trồng trong một chu kỳ sản xuất (đối với cây trồng dài ngày).
- Huấn luyện nông dân về IPHM chuyên đề (FFS-IPHM); nhóm nông dân tham gia nghiên cứu đồng ruộng:
+ Nội dung: Lựa chọn những nông dân đã được huấn luyện qua lớp FFS- IPHM để đào tạo bổ sung kiến thức thành nông dân IPHM nòng cốt cho các xã để hướng dẫn nông dân ở địa phương mở rộng áp dụng các biện pháp kỹ thuật về quản lý sức khoẻ cây trồng trong sản xuất.
+ Số lớp: Tuỳ yêu cầu của thực tế trong sản xuất, hàng năm rà soát và tổ chức từ 1-2 lớp, mỗi lớp 30 người (đối với lớp IPHM chuyên đề), mỗi lớp 15 người (đối với nhóm nông dân nghiên cứu đồng ruộng); thời gian từ 6 - 8 ngày học (học tập trung).
2.3. Tập huấn hướng dẫn viên cộng đồng
- Nội dung: Lựa chọn những nông dân; cán bộ thôn bản, hợp tác xã đã được huấn luyện qua lớp FFS-IPHM có khả năng hướng dẫn lại cho nông dân thực hành IPHM trong sản xuất để đào tạo bổ sung kiến thức IPHM và kỹ năng tuyên truyền, hướng dẫn để họ thành hướng dẫn viên cộng đồng.
+ Số lớp: Tuỳ yêu cầu của thực tế trong sản xuất, hàng năm rà soát và tổ chức từ 1-2 lớp, mỗi lớp 30 người; thời gian: Học tập trung từ 5- 7 ngày.
2.4. Tập huấn nâng cao cho giảng viên, cán bộ quản lý ở địa phương
- Tuỳ theo yêu cầu tiếp cận, cập nhật kiến thức, tiến bộ kỹ thuật, giải pháp mới hữu ích trong sản xuất của giảng viên và yêu cầu hiểu biết của cán bộ quản lý ở địa phương về IPHM sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao cho giảng viên IPHM các cấp và cán bộ quản lý ở địa phương để đáp ứng yêu cầu huấn luyện và chỉ đạo sản xuất ở từng thời kỳ.
- Chương trình, hình thức tập huấn theo quy định tại Quyết định số 846/QĐ-BVTV-TV ngày 28/3/2023 của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật.
3. Xây dựng mô hình mở rộng ứng dụng IPHM trong sản xuất
- Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM trên các cây trồng làm cơ sở để nhân rộng ứng dụng IPHM trong sản xuất, chú trọng xây dựng mô hình ứng dụng IPHM trên các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao, gắn sản xuất với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
- Xây dựng và nhân rộng mô hình “Nông dân hướng dẫn nông dân” thông qua thực nghiệm ứng dụng IPHM thực tế trên đồng ruộng.
- Giai đoạn 2024-2030, xây dựng 140 mô hình ứng dụng IPHM (trong đó 42 mô hình cấp tỉnh, 98 mô hình cấp huyện) trên các cây trồng chủ lực: Lúa, ngô, rau, chè, cây ăn quả, … trên địa bàn các huyện, thành phố. Cụ thể như sau:
3.1. Đối với cây ngắn ngày
- Trên cây lương thực (cây lúa, ngô…): Xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp canh tác bền vững, đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa, áp dụng biện pháp luân canh, sử dụng giống chống chịu, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học,… giảm sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, giảm nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Trên cây rau: Xây dựng mô hình áp dụng các quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, bẫy bả diệt sâu hại... giảm sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hoá học.
- Số lượng mô hình: Cấp tỉnh 04 mô hình/năm; cấp huyện 07 mô hình/năm.
3.2. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày
- Trên cây cây chè: Xây dựng mô hình áp dụng biện pháp canh tác bền vững, sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, chế phẩm sinh học, trồng cây che bóng, cây che phủ đất, nuôi cỏ bờ lô; giảm sử dụng phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật hoá học.
- Trên cây ăn quả (cam, bưởi, nhãn, na, hồng, lê, chuối, thanh long…): Xây dựng mô hình tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh; áp dụng bón cân đối, hợp lý lượng phân NPK; sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc, sinh học, bẫy, bả và nuôi kiến vàng trong phòng trừ dịch dịch hại; duy trì thảm cỏ hợp lý trên vườn sản xuất.
- Số lượng mô hình: Cấp tỉnh 02 mô hình/năm; cấp huyện 07 mô hình/năm.
(Nội dung và tiến độ thực hiện có biểu chi tiết kèm theo)
IV. KINH PHÍ VÀ NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Tổng kinh phí thực hiện: 24,134 tỷ đồng, trong đó:
- Ngân sách trung ương: 0,461 tỷ đồng.
- Ngân sách tỉnh; vốn lồng ghép các chương trình, dự án: 7,920 tỷ đồng.
- Ngân sách huyện: 8,714 tỷ đồng.
- Nhân dân đóng góp: 7,039 tỷ đồng.
2. Nguồn kinh phí thực hiện
- Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định, được phân bổ từ các nguồn vốn đầu tư phát triển trong kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và nguồn vốn chi thường xuyên giai đoạn 2023-2030.
- Kinh phí lồng ghép từ các chương trình, dự án có liên quan.
- Kinh phí tự có của các tổ chức kinh tế- xã hội; huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp từ các nhà tài trợ, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Hiệu lực chuyển tiếp
- Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 03/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.
- Đối với các lớp tập huấn, mô hình IPM đã được cấp kinh phí thực hiện theo Kế hoạch số 92/KH-UBND tiếp tục thực hiện theo kế hoạch được giao, đơn vị được giao tổ chức thực hiện các lớp tập huấn, mô hình chủ động bổ sung các nội dung tập huấn cho phù hợp với Chương trình quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM).
2. Trách nhiệm thực hiện
2.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch; phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; tham mưu tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Cục Bảo vệ thực vật và các đơn vị liên quan để tổ chức đào tạo giảng viên IPHM Quốc gia, giảng viên IPHM cấp tỉnh để tạo nguồn nhân lực phục vụ kế hoạch mở rộng ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên địa bàn tỉnh.
- Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng; Phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tập huấn và xây dựng mô hình ứng dụng IPHM cấp tỉnh theo Kế hoạch này gửi Sở Tài chính để thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố xây dựng, tổng hợp kế hoạch và lồng ghép nguồn vốn triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Tổ chức các lớp huấn luyện, các lớp tập huấn và xây dựng mô hình ứng dụng IPHM trên các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao của tỉnh theo kế hoạch được phê duyệt.
- Theo dõi, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch. Tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Bảo vệ thực vật) định kỳ hàng năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu.
2.2 Sở Tài chính
Hằng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán cho năm sau, trên cơ sở dự toán của các đơn vị liên quan xây dựng gửi Sở Tài chính tổng hợp, cân đối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt bố trí dự toán kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương và lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.
2.3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài chính cân đối nguồn lực lồng ghép từ nguồn ngân sách địa phương để triển khai thực hiện Kế hoạch này.
2.4. Sở Khoa học và Công nghệ
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan đề xuất đề tài, dự án khoa học công nghệ nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) đối với các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh, phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu và điều kiện thực tế sản xuất ở địa phương.
2.5. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, ưu tiên các hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng IPHM. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản gắn với chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
2.6. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
- Căn cứ Kế hoạch này, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể theo lộ trình từng năm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nguồn lực của địa phương để triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Hàng năm bố trí kinh phí xây dựng mô hình ứng dụng IPHM trên các cây trồng chính, cây trồng chủ lực của địa phương: Lúa, ngô, cam, chè, bưởi, rau, nhãn, na, hồng, lê, chuối, thanh long,… để nhân dân học tập và nhân rộng trong sản xuất.
- Phối hợp với các tổ chức đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...) tuyên truyền vận động, các hội viên, đoàn viên tham gia các mô hình ứng dụng IPHM để tuyên truyền nhân rộng.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng các mô hình ứng dụng IPHM cấp tỉnh trên địa bàn.
- Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2.7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
- Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức, vai trò trong việc đẩy mạnh ứng dụng chương trình IPHM vào sản xuất.
- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các đoàn viên, hội viên để kịp thời hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ góp phần thúc đẩy ứng dụng chương trình IPHM phát triển và nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Thực hiện vai trò giám sát việc tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch, phát hiện và phản ánh kịp thời các hành vi vi phạm các quy định về sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm,…với các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định.
Yêu cầu các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, kịp thời gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
NỘI DUNG, NHIỆM VỤ VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
CHƯƠNG TRÌNH ỨNG DỤNG QUẢN LÝ SỨC KHỎE CÂY TRỒNG TỔNG HỢP (IPHM) TRÊN CÁC CÂY TRỒNG CHỦ LỰC, CÂY TRỒNG CÓ GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2023-2030
(Kèm theo Kế hoạch số 23KH-UBND ngày 18/10/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
TT | Nội dung | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian thực hiện | Địa điểm |
1 | Nâng cao nhận thức của người sản xuất và cộng đồng |
| |||
1.1 | Tuyên truyền, phổ biến chương trình ứng dụng IPHM trên các cây trồng; quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ; kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI, 3 giảm 3 tăng,…; quy trình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; chương trình thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng,… | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Tuyên Quang; Các đơn vị liên quan | Năm 2023- 2030 | Trên địa bàn tỉnh |
1.2 | Xây dựng, phổ biến các mô hình sinh hoạt cộng đồng phù hợp để người sản xuất chia sẻ kinh nghiệm, tương tác với các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp,… nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng IPHM và khả năng tiếp cận thị trường. | Sở Nông nghiệp và PTNT | Ban, ngành, đoàn thể, các Hội có liên quan trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp | Năm 2023- 2030 | Trên địa bàn tỉnh |
1.3 | Biên soạn và in ấn tờ rơi IPHM trên cây trồng | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố; Các đơn vị liên quan | Năm 2024- 2027 |
|
1.4 | Biên soạn và in ấn Poster IPHM trên cây trồng | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố; Các đơn vị liên quan | Năm 2025- 2028 |
|
2 | Đào tạo, tập huấn, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực IPHM |
| |||
2.1 | Đào tạo giảng viên IPHM quốc gia | Sở Nông nghiệp và PTNT | Cục Bảo vệ thực vật | Năm 2024- 2025 |
|
2.2 | Đào tạo nâng cao giảng viên IPM cấp tỉnh lên giảng viên IPHM cấp tỉnh | Sở Nông nghiệp và PTNT | Cục Bảo vệ thực vật; Các đơn vị liên quan | Năm 2023 | Tại thành phố Tuyên Quang |
2.3 | Tổ chức lớp huấn luyện nông dân về IPHM (FFS- IPHM cơ bản) | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố | Năm 2024- 2030 | Tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh |
2.4 | Tổ chức đào tạo hướng dẫn viên cộng đồng và nông dân nòng cốt cấp xã (FFS- IPHM) | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố | Năm 2025- 2030 | Tại các huyện, thành phố |
2.5 | Tổ chức lớp tập huấn FFS-IPHM chuyên đề | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố | Năm 2025- 2029 | Tại các huyện, thành phố |
2.6 | Tổ chức lớp nông dân nghiên cứu đồng ruộng | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố | Năm 2025- 2028 | Tại các huyện, thành phố |
2.7 | Tổ chức lớp tập huấn nâng cao cho giảng viên IPHM (TOT-IPHM chuyên đề) | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố; Các đơn vị liên quan | Năm 2027- 2030 | Tại thành phố Tuyên Quang |
2.8 | Tổ chức lớp tập huấn nâng cao cho cán bộ quản lý ở địa phương về IPHM | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố; Các đơn vị liên quan | Năm 2026- 2027 | Tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh |
2.9 | Tổ chức lớp tập huấn nâng cao hướng dẫn viên cộng đồng | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố; Các đơn vị liên quan | Năm 2028- 2030 | Tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh |
3 | Xây dựng mô hình ứng dụng IPHM |
| |||
3.1 | Mô hình IPHM cấp tỉnh | Sở Nông nghiệp và PTNT | UBND huyện, thành phố; Các đơn vị liên quan | Năm 2024- 2030 | Trên địa bàn các huyện, thành phố |
3.2 | Mô hình IPHM cấp huyện | UBND huyện, thành phố | Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị liên quan | Năm 2024- 2030 | Tại các huyện, thành phố |
4 | Tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện | Sở Nông nghiệp và PTNT | Các đơn vị liên quan | Năm 2030 | Sở Nông nghiệp và PTNT |
- 1Kế hoạch 92/KH-UBND năm 2021 thực hiện Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025
- 2Quyết định 1530/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên các loại cây trồng chính và cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2023-2030
- 3Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2023 về xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong sản xuất lúa, cây ăn trái và rau màu trên địa bàn Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023-2030
- 4Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình ứng dụng "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2030"
- 1Quyết định 3592/QĐ-BNN-BVTV năm 2022 phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực ở Việt Nam, giai đoạn 2022-2030 do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Quyết định 1530/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch thực hiện Kế hoạch hành động thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên các loại cây trồng chính và cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2023-2030
- 3Kế hoạch 176/KH-UBND năm 2023 về xây dựng và nhân rộng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trong sản xuất lúa, cây ăn trái và rau màu trên địa bàn Thành phố Cần Thơ giai đoạn 2023-2030
- 4Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2023 thực hiện Chương trình ứng dụng "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây trồng chủ lực tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023-2030"
Kế hoạch 235/KH-UBND năm 2023 về thúc đẩy ứng dụng Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp (IPHM) trên các cây trồng chủ lực, cây trồng có giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2023-2030
- Số hiệu: 235/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 18/10/2023
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Nguyễn Thế Giang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra