Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 228/KH-UBND

Đồng Tháp, ngày 26 tháng 07 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN TRỒNG MỘT TỶ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021-2025 CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG THÁP

Thực hiện Kế hoạch số 2616/KH-BNN-TCLN ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”;

Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, trong từng khu dân cư nông thôn, khu đô thị, khuôn viên trường học, khu công nghiệp, công sở,... với sự tham gia của mọi người dân. Huy động tối đa nguồn lực của xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

2. Yêu cầu

- Giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể đến từng huyện, thành phố làm cơ sở để tổ chức thực hiện; phấn đấu hoàn thành các nội dung thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch đề ra, việc thực hiện yêu cầu phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức, tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu, suy nghĩ và hành động tích cực về công tác trồng rừng, bảo vệ rừng và trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị, cây xanh cảnh quan, nhằm từng bước nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân.

- Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây, trồng rừng; đồng thời, nhân rộng các mô hình về xã hội hoá phát triển cây xanh đạt hiệu quả trong các năm tiếp theo.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ:

Giai đoạn 2021-2025, thực hiện trồng 2.000.000 cây (trong đó: năm 2021 trồng 300.000 cây; năm 2022 trồng 400.000 cây; năm 2023 trồng 400.000 cây; năm 2024 trồng 450.000 cây; năm 2025 trồng 450.000 cây). Cụ thể như sau:

1.1. Trồng cây xanh phân tán

a) Số lượng: 1.616.000 cây (Tương đương diện tích 1.616 ha).

- Năm 2021: Trồng 251.000 cây;

- Năm 2022: Trồng 341.000 cây;

- Năm 2023: Trồng 356.000 cây;

- Năm 2024: Trồng 308.000 cây;

- Năm 2025: Trồng 360.000 cây.

b) Loài cây trồng

Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao.

Các loài cây trồng chủ yếu: Bằng lăng, Bò cạp, Dầu, Phượng, Ô môi, Sao, Gáo, Tràm, Tre, Bần, Lim xẹt, Bạch đàn, Tràm úc …

c) Địa điểm trồng

Trồng cây xanh trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, các công trình tín ngưỡng và các công trình công cộng khác; đất hành lang giao thông, tuyến đê bao, bờ sông, kênh, mương kết hợp phòng hộ, bảo vệ khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán khác; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất chưa sử dụng khác.

1.2. Trồng cây xanh trong rừng tập trung

a) Số lượng: 384.000 cây (Tương đương diện tích 384 ha).

- Năm 2021: trồng 49.000 cây;

- Năm 2022: trồng 59.000 cây;

- Năm 2023: trồng 44.000 cây;

- Năm 2024: trồng 142.000 cây;

- Năm 2025: trồng 90.000 cây.

b) Loài cây trồng

- Đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ: Trồng các loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa và có khả năng chống chịu, sinh trưởng, phát triển tốt.

- Đối với rừng sản xuất: Trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày.

c) Địa điểm trồng

- Đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ: Diện tích đất chưa có rừng, chưa đạt tiêu chí thành rừng, bờ đê bao, bờ kênh nội đồng.

- Đối với đất rừng sản xuất: Diện tích đất được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất, bờ đê bao, bờ kênh nội đồng.

(Chi tiết tại Phụ lục 1 kèm theo)

2. Giải pháp thực hiện

2.1. Rà soát, bố trí đất thực hiện kế hoạch

Các Sở, ban, ngành Tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ Kế hoạch này, rà soát quy hoạch sử dụng đất, bố trí diện tích đất trồng cây xanh phân tán, cây xanh trong rừng tập trung phù hợp với địa phương, đơn vị mình.

Đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây phân tán phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức và hộ gia đình thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý, có kế hoạch cụ thể để trồng, chăm sóc cây xanh hàng năm. Đối với diện tích đất công, các công trình công cộng, đường xá, bờ kênh mương thuỷ lợi… chính quyền địa phương tổ chức giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hiệp hội, đoàn thể, quần chúng trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây phân tán.

2.2. Về cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng

Căn cứ kế hoạch trồng cây hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Chi cục Kiểm lâm chuẩn bị đủ số lượng cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật, đáp ứng mục tiêu trồng cây đối với từng đối tượng.

Ưu tiên chọn loài cây trồng gỗ lớn, lâu năm, đa mục tiêu, các loài cây bản địa phù hợp với từng địa phương, tăng tỷ lệ sử dụng các loài cây sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô, tạo hom; trồng cây trong những ngày thời tiết ấm, có mưa ẩm, trong khung thời vụ để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Tổ chức trồng, chăm sóc rừng và cây xanh theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật đối với từng loài cây phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái của từng địa phương, từng khu vực, để cây đạt tỷ lệ sống cao, sinh trưởng, phát triển tốt, sớm phát huy vai trò, chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái.

2.3. Về huy động nguồn lực

Tăng cường huy động mọi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh. Trong đó:

- Tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân để mua vật tư, cây giống hỗ trợ cho trồng rừng, trồng cây xanh.

- Kêu gọi các nhà tài trợ, hợp tác quốc tế để đầu tư cho bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ, đặc dụng, trồng cây xanh.

- Kết hợp lồng ghép các chương trình, dự án đầu tư công theo quy định như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; các chương trình mục tiêu quốc gia; các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác,…

- Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống; tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh, đặc biệt là sự tình nguyện tham gia tích cực của hội viên, đoàn viên thanh niên.

2.4. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hàng năm.

- Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh.

- Vận động nhân dân trong các khu dân cư tập trung, trong khu quy hoạch đô thị mới làm tốt công tác bảo vệ cây xanh ở các khu công viên, vườn hoa đã được nhà nước đầu tư xây dựng, để duy trì cảnh quan, tạo nơi thư giãn, nghỉ ngơi kết hợp với sinh hoạt cộng đồng.

- Mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể tổ chức phát động phong trào thi đua để kêu gọi, vận động cán bộ, công chức, viên chức, hội viên và nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội; đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và mọi người dân.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch: 50.000 triệu đồng. Trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ (hỗ trợ theo Đề án trồng một tỷ cây xanh): 11.660 triệu đồng (Bao gồm cây giống, chi phí chung, chi phí quản lý, chi phí thiết kế).

- Nguồn vốn xã hội hóa: 38.340 triệu đồng (Bao gồm nhân công trồng, chăm sóc và bảo vệ cây trồng).

(Chi tiết tại phụ lục 02 kèm theo)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Là đầu mối kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, và xây dựng kế hoạch trồng cây xanh địa phương, xây dựng Kế hoạch trồng cây xanh toàn tỉnh hằng năm, đồng thời tổ chức, duy trì, phát triển hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”.

- Tổ chức gieo ươm, chuẩn bị đủ cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo kế hoạch được duyệt, bàn giao cho địa phương tổ chức thực hiện trồng. Quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng theo quy định; hướng dẫn lựa chọn cơ cấu các loài cây trồng phù hợp với địa phương; tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng đảm bảo yêu cầu đề ra.

- Phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh phân bổ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện Kế hoạch này khi được Trung ương hỗ trợ vốn.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh

Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng về Kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội. Phát hiện các tấm gương, điển hình tiên tiến, “người tốt việc tốt” trong phong trào trồng cây, trồng rừng để động viên, khuyến khích, nhân rộng.

4. Các Sở, ban, ngành Tỉnh

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch; rà soát quỹ đất, đăng ký thực hiện chỉ tiêu kế hoạch và báo cáo kết quả thực hiện hằng năm của cơ quan, đơn vị gửi Ủy ban nhân dân huyện, thành phố nơi trồng để tổng hợp.

5. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, Hiệp hội doanh nghiệp Tỉnh

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia thực hiện Kế hoạch với phương châm trồng cây, trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển đất nước bền vững; huy động nguồn vốn trong các tổ chức, doanh nghiệp, quyên góp của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cho phát triển cây xanh; triển khai các hoạt động tình nguyện tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng về mục đích, ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, cây xanh; động viên, khuyến khích, kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.

- Vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh và môi trường, đồng thời triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

6. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

- Hằng năm, rà soát quỹ đất, xây dựng kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trước 15/01 hàng năm; tổ chức, duy trì, phát triển hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hằng năm trên địa bàn theo chỉ tiêu được giao.

- Giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây hàng năm cho các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Kêu gọi, huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng cây xanh vì cộng đồng, vì một Việt Nam xanh, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các xã phường, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh.

- Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh kết quả thực hiện Kế hoạch (Bao gồm cả kết quả thực hiện của các sở, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn) trước ngày 31/12 hằng năm (Qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp).

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu có vướng mắc, phát sinh chưa phù hợp hoặc cần bổ sung, sửa đổi thì các cơ quan, đơn vị và địa phương gửi ý kiến về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Thường trực Tỉnh uỷ;
- Thường trực HĐND Tỉnh;
- CT, các PCT. UBND Tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh; các tổ chức CT-XH Tỉnh;
- Văn phòng: Tỉnh uỷ, Đoàn ĐBQH, HĐND Tỉnh;
- Các Sở, ngành Tỉnh;
- Huyện uỷ, Thành uỷ;
- UBND huyện, thành phố;
- Đài PT-TH, Báo Đồng Tháp;
- CVP và các PCVP UBND Tỉnh;
- Lưu: VT NC/ĐTXD.nbht

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Trí Quang

 

PHỤ LỤC 1:

KẾ HOẠCH TRỒNG CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021-2025 TỈNH ĐỒNG THÁP
(Kèm theo Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 26 tháng 07 năm 2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

ĐVT: Cây

TT

Nội dung thực hiện

Giai đoạn 2021-2025

Trong đó

2021

2022

2023

2024

2025

 

Tổng cộng

2.000.000

300.000

400.000

400.000

450.000

450.000

I

Trồng cây xanh phân tán

1.616.000

251.000

341.000

356.000

308.000

360.000

1

Huyện Tân Hồng

47.000

11.000

8.000

23.000

3.000

2.000

2

Huyện Hồng Ngự

484.000

3.000

4.000

101.000

120.000

256.000

3

Thành phố Hồng Ngự

75.000

4.000

20.000

24.000

15.000

12.000

4

Huyện Tam Nông

427.000

115.000

152.000

58.000

70.000

32.000

5

Huyện Thanh Bình

71.000

7.000

11.000

23.000

17.000

13.000

6

Huyện Cao Lãnh

120.000

47.000

20.000

21.000

20.000

12.000

7

Thành phố Cao Lãnh

67.000

14.000

17.000

18.000

9.000

9.000

8

Huyện Tháp Mười

149.000

13.000

59.000

41.000

31.000

5.000

9

Thành phố Sa Đéc

16.000

4.000

3.000

6.000

1.000

2.000

10

Huyện Lấp Vò

35.000

11.000

9.000

7.000

2.000

6.000

11

Huyện Lai Vung

88.000

17.000

23.000

22.000

18.000

8.000

12

Huyện Châu Thành

37.000

5.000

15.000

12.000

2.000

3.000

II

Trồng cây xanh trong rừng tập trung

384.000

49.000

59.000

44.000

142.000

90.000

1

Rừng đặc dụng, phòng hộ

5.000

1.000

1.000

1.000

1.000

1.000

2

Rừng sản xuất

379.000

48.000

58.000

43.000

141.000

89.000

 

PHỤ LỤC 2:

KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRỒNG CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021-2025 TỈNH ĐỒNG THÁP
(Kèm theo Kế hoạch số 228/KH-UBND ngày 26 tháng 07 năm 2021 của UBND tỉnh Đồng Tháp)

ĐVT: Triệu đồng

Năm thực hiện

Tổng vốn

Phân theo nguồn vốn

Vốn ngân sách nhà nước

Vốn xã hội hóa

Năm 2021

7.500

1.749

5.751

Năm 2022

10.000

2.332

7.668

Năm 2023

10.000

2.332

7.668

Năm 2024

11.250

2.624

8.627

Năm 2025

11.250

2.624

8.627

Tổng cộng

50.000

11.660

38.340

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 228/KH-UBND năm 2021 thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

  • Số hiệu: 228/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 26/07/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Tháp
  • Người ký: Trần Trí Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản