Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SÓC TRĂNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 22/KH-UBND

Sóc Trăng, ngày 19 tháng 07 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2011 - 2015 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm, ngày 17/3/2003;

Căn cứ Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm;

Căn cứ Quyết định số 679/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015,

Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Phòng ngừa, tiến tới đẩy lùi tệ nạn mại dâm dưới mọi hình thức; phòng, chống mua bán người vì mục đích mại dâm, bóc lột tình dục, nhằm giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội; góp phần phòng, chống lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục; bảo vệ hạnh phúc gia đình và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

2. Mục tiêu cụ thể:

- 100% xã, phường tổ chức tuyên truyền bằng hình thức phù hợp về tệ nạn mại dâm, tác hại của tệ nạn mại dâm, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn, phòng ngừa lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong công tác phòng, chống mại dâm.

- Đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ, nhóm hoạt động mại dâm và xử lý nghiêm minh 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm được phát hiện; giảm hoạt động mại dâm trá hình dưới mọi hình thức trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, vũ trường, cơ sở karaoke, cà phê đèn mờ, cà phê vườn,...).

- 100% các huyện, thành phố trọng điểm xây dựng được các mô hình: mô hình hỗ trợ, giảm tổn thương và phòng chống lây nhiễm HIV; mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

- Tổ chức chữa trị, giáo dục, dạy nghề, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 100% số người bán dâm có hồ sơ quản lý bằng các hình thức phù hợp tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội hoặc cộng đồng. Tập trung nguồn lực và chú trọng hoạt động tại cộng đồng.

- 100% cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được tập huấn, nâng cao năng lực về tổ chức, điều hành, giám sát, đánh giá công tác phòng, chống mại dâm và phối hợp liên ngành.

- Giảm 40% xã, phường, thị trấn trọng điểm về tệ nạn mại dâm; có 60% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm; duy trì số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm giai đoạn 2006 - 2010.

II. CÁC NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Tiếp tục rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm:

- Nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống mại dâm cho phù hợp với tình hình thực tế.

- Nghiên cứu, đề nghị bổ sung các quy định pháp luật về phòng ngừa và bảo vệ người chưa thành niên bị cưỡng bức bán dâm, bảo đảm phát hiện sớm và xử lý nghiêm các hành vi cưỡng bức bán dâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người chưa thành niên tái hòa nhập cộng đồng.

- Nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về phòng, chống mại dâm, tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; chú trọng đúng mức các yếu tố về văn hóa, phong tục tập quán, trình độ nhận thức.

- Nghiên cứu, đề xuất biện pháp phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong quản lý, cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở lợi dụng hoạt động kinh doanh dịch vụ để tổ chức hoạt động mại dâm.

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức:

- Tổ chức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống mại dâm trong toàn tỉnh.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thiết lập mạng lưới cộng tác viên truyền thông về phòng, chống mại dâm từ tuyến tỉnh đến các xã, phường, thị trấn.

- Xây dựng bộ công cụ truyền thông về phòng, chống mại dâm; tuyên truyền nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn bằng các hình thức như: sách mỏng, tờ rơi, sổ tay cho tuyên truyền viên, các phóng sự, hình ảnh, ...

- Xây dựng mô hình truyền thông về phòng, chống mại dâm, nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn ở các địa bàn trọng điểm.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa việc sử dụng các phương tiện thông tin trong hoạt động tổ chức mại dâm.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, triệt phá ổ, nhóm hoạt động mại dâm:

- Tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; xác lập các chuyên án về hoạt động mại dâm, đặc biệt đối với các vụ án liên quan đến mại dâm trẻ em để đấu tranh, triệt phá.

- Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ trong thực thi pháp luật trong phòng ngừa, đấu tranh và điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến mại dâm cho lực lượng công an, kiểm sát viên, thẩm phán các cấp.

- Tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực về công tác thanh tra, kiểm tra cho thành viên của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm cấp tỉnh, huyện; thanh tra chuyên ngành các ngành văn hóa, lao động, công an trong việc tổ chức kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm.

4. Xây dựng mô hình tại cộng đồng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ người bán dâm trong phòng, chống HIV/AIDS và tái hòa nhập cộng đồng:

- Khảo sát, đánh giá các mô hình hiện có về giảm tổn thương, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, bảo vệ người chưa thành niên bị cưỡng bức bán dâm và bị bóc lột tình dục.

- Huy động các tổ chức xã hội tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

- Thí điểm xây dựng mô hình phòng ngừa, trợ giúp làm giảm tổn thương, phòng chống lây nhiễm HIV tại cộng đồng.

- Nghiên cứu, xây dựng thí điểm các mô hình, cơ sở hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng. Các cơ sở này có chức năng cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, hỗ trợ khám, chữa bệnh lây truyền qua đường tình dục và bệnh AIDS, giáo dục kỹ năng sống, trợ giúp tái hòa nhập cộng đồng.

- Tổ chức các cuộc tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và thực hiện các mô hình trên.

5. Xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm; phòng ngừa và giảm thiểu tác hại của tệ nạn mại dâm đối với đời sống xã hội:

- Tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục truyền thông về phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu tác hại liên quan đến tệ nạn mại dâm như: hội thảo, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm trong cộng đồng; tổ chức các chiến dịch lồng ghép với các chương trình khác có liên quan; nói chuyện chuyên đề, xây dựng câu lạc bộ và phát hành các tài liệu truyền thông.

- Tiếp tục triển khai và thực hiện kịp thời, đầy đủ chính sách an sinh xã hội, chú trọng phát triển hệ thống mạng lưới cung cấp các dịch vụ tư vấn, trợ giúp xã hội rộng khắp, nhất là ở cấp xã, nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và các cá nhân trong công tác này.

- Kiện toàn Ban chỉ đạo cấp xã; xây dựng và hoàn thiện quy chế phối hợp trong Ban chỉ đạo và các cơ sở sản xuất, dịch vụ, các trường học trên địa bàn; xây dựng các thiết chế cộng đồng liên quan đến phòng ngừa, giảm hại bởi tệ nạn mại dâm; giám sát, đánh giá định kỳ kế hoạch phòng, chống mại dâm.

- Tăng cường hoạt động kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm pháp luật về tệ nạn mại dâm; thực hiện công tác thu thập thông tin và báo cáo định kỳ, đột xuất về đối tượng, kết quả hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã và công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.

- Lồng ghép các chương trình kinh tế - xã hội có liên quan với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; xây dựng quỹ hỗ trợ xã hội, hỗ trợ vốn, học nghề, tìm việc làm cho người mại dâm.

6. Nâng cao năng lực và đánh giá, giám sát:

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội trong việc tham mưu, điều phối các hoạt động về phòng, chống tệ nạn mại dâm và giám sát, đánh giá kết quả thực hiện.

- Đào tạo kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ truyền thông, vận động, tư vấn về phòng, chống mại dâm; nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn; kiến thức về phòng ngừa HIV và các bệnh lây qua đường tình dục cho đội ngũ giảng viên chủ chốt cấp tỉnh, huyện và tuyên truyền viên cấp xã.

- Kiện toàn về tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tệ nạn xã hội; củng cố Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm cấp tỉnh, huyện.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về tệ nạn mại dâm và phòng, chống mại dâm: nghiên cứu xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê, chế độ báo cáo định kỳ về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát về tệ nạn mại dâm.

- Tổ chức các cuộc hội thảo, sơ kết, tổng kết chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả thực hiện Kế hoạch.

- Nghiên cứu các tác động của tệ nạn mại dâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; học hỏi các mô hình phòng, chống mại dâm của các tỉnh trong khu vực và cả nước; từ đó, áp dụng các mô hình đạt hiệu quả vào trong công tác phòng, chống mại dâm, đặc biệt là mại dâm trẻ em trên địa bàn.

- Tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát đánh giá việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường nguồn lực về con người và kinh phí cho công tác phòng, chống mại dâm, ưu tiên cho các huyện, thành phố trọng điểm. Từng bước xã hội hóa công tác phòng, chống mại dâm, huy động sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng và cá nhân trong công tác này. Tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm.

2. Tăng cường vai trò, trách nhiệm Ủy ban nhân dân các cấp và trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tệ nạn mại dâm ở xã, phường, thị trấn. Lấy hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm nói riêng và phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung tại địa bàn quản lý làm chỉ tiêu thi đua, đánh giá hàng năm.

3. Tăng cường thực hiện Công ước Liên hiệp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ và quyền trẻ em và các khuyến nghị của Hội nghị toàn cầu năm 2008 về chống bóc lột tình dục trẻ em và người chưa thành niên.

4. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống mại dâm, đảm bảo thực hiện đúng Quyết định số 172/QĐTC-CTUBND, ngày 06/4/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

5. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở trong việc lồng ghép tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân vào các buổi sinh hoạt thường lệ.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015 là 1,425 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác, trong đó:

- Năm 2011: 275 triệu đồng;

- Năm 2012: 280 triệu đồng;

- Năm 2013: 290 triệu đồng;

- Năm 2014: 290 triệu đồng;

- Năm 2015: 290 triệu đồng.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi, kiểm tra, giám sát, định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình triển khai thực hiện.

- Hàng năm, lập dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống mại dâm thông qua Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm; tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực phối hợp cho các cơ quan, đơn vị thực hiện Kế hoạch; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

- Hướng dẫn và phối hợp triển khai kế hoạch lồng ghép các chương trình xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, phòng chống ma túy, phòng chống HIV, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em với chương trình phòng, chống mại dâm.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức và hướng dẫn thực hiện các biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người bán dâm; xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, không có tệ nạn mại dâm.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng, chống mại dâm, nếp sống văn minh, hành vi tình dục lành mạnh, an toàn bao gồm cả việc phòng, chống lây nhiễm HIV, các bệnh lây qua đường tình dục; tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác này.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mô hình truyền thông về phòng, chống mại dâm; thiết lập mạng lưới cộng tác viên truyền thông về phòng, chống mại dâm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa việc lợi dụng các phương tiện thông tin trong hoạt động tổ chức mại dâm.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh văn hóa, du lịch, ngăn chặn và xử lý các hành vi khiêu dâm, kích dục, lưu hành văn hóa phẩm độc hại, đồi trụy; rà soát, đề xuất, sửa đổi bổ sung các quy định về quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ, du lịch và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa - du lịch liên quan đến phòng, chống tệ nạn mại dâm.

4. Sở Y tế:

Chỉ đạo việc tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện về y tế của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng đế hoạt động mại dâm.

5. Sở Tư pháp:

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mại dâm; nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn hoàn thiện các chế tài xử lý hành chính, hình sự đối với hành vi mại dâm; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Phối hợp với sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất biện pháp phối hợp trong việc quản lý cấp, thu hồi giấy phép đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.

7. Sở Tài chính:

Thẩm định dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống mại dâm hàng năm, trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về nội dung chi, mức chi cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm; chế độ đóng góp, trợ cấp đối với đối tượng đưa vào chữa trị, giáo dục tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội, đối tượng tái hòa nhập cộng đồng.

8. Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Công Thương:

Chỉ đạo lồng ghép các hoạt động phòng, chống mại dâm vào các hoạt động chuyên môn thường xuyên của đơn vị.

9. Công an tỉnh:

- Chỉ đạo lực lượng Công an các cấp thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm kết hợp với phòng, chống tội phạm và ma túy, phòng, chống mua, bán người;

- Rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống mại dâm, nhất là các văn bản quy định về cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự;

- Tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản về địa bàn, đối tượng tổ chức hoạt động mại dâm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xét xử các vụ án có liên quan đến mại dâm; lựa chọn những vụ án điểm, đưa ra xét xử lưu động để nâng cao hiệu quả giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

10. Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và quản lý vùng biển, bến cảng. Kịp thời phát hiện các hoạt động mại dâm, tội phạm mua, bán người nhằm mục đích mại dâm và các hành vi pháp luật khác để xử lý. Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm với phòng, chống tội phạm và ma túy, tội phạm mua, bán người.

11. Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh:

Nâng cao năng lực thực thi pháp luật truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến mại dâm cho lực lượng kiểm sát viên, thẩm phán các cấp.

12. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh:

Phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch 5 năm, hàng năm về phòng, chống mại dâm trên cơ sở Kế hoạch này và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015 của địa phương.

Bố trí ngân sách và huy động các nguồn đóng góp hợp pháp khác để đảm bảo kinh phí thực hiện kế hoạch phòng, chống mại dâm.

Lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm vào các chương trình an sinh xã hội của địa phương như: xóa đói giảm nghèo; dạy nghề, tạo việc làm; phòng, chống ma túy, HIV/AIDS và phòng, chống mua bán người.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ LĐ-TB&XH;
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- Các sở, ban ngành tỉnh;
- Các đơn vị trực thuộc TW;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VX, TH, NC, HC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Quách Việt Tùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 22/KH-UBND năm 2011 thực hiện Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

  • Số hiệu: 22/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/07/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sóc Trăng
  • Người ký: Quách Việt Tùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản