Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/KH-LĐLĐ | Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2022 |
KẾ HOẠCH
KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19 TRONG CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN THỦ ĐÔ
Thực hiện Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 31/3/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống Covid-19, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống Covid-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô, nhanh chóng đưa Thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của đoàn viên, người lao động, hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong do Covid-19 và các nguyên nhân khác.
2. Yêu cầu
- Công đoàn tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy đồng thời phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia công tác phòng chống dịch.
- Tiếp tục đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong hệ thống Công đoàn Thủ đô, sẵn sàng chủ động ứng phó với mọi tình huống, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
2. Thời gian: trong năm 2022.
II. NỘI DUNG, LĨNH VỰC, ĐỊA BÀN CẦN KHẮC PHỤC
- Sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
- Thiếu nhất quán trong tham gia triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
- Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng nhiều tới đời sống đoàn viên, người lao động, có lúc gây bức xúc trong dư luận.
- Công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch có lúc còn chưa hiệu quả, kịp thời.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Công đoàn Thủ đô trong phòng, chống dịch Covid-19
- Tiếp tục phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vận động toàn thể đoàn viên, CNVCLĐ tham gia công tác phòng, chống dịch.
- Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các cấp Công đoàn từ Thành phố đến cơ sở; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện đi đôi với đảm bảo nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn; phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ y tế là đoàn viên công đoàn, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.
- Tham gia thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp Thành phố.
2. Nhiệm vụ, giải pháp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
- Tham gia phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động chủ động tuyên truyền, làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự và phòng chống tội phạm; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu nhà ở có đông CNLĐ thuê trọ...
- Tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động làm tốt công tác giám sát, phát hiện và thông tin kịp thời với các cấp chính quyền để xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, phát tán tin giả, xuyên tạc, kích động trong đoàn viên, CNVCLĐ về công tác phòng, chống dịch.
- Xây dựng và triển khai các phương án chủ động bám sát, nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tâm lý xã hội để đoàn viên, CNVCLĐ tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch.
3. Nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội
- Chủ động tham gia xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với đoàn viên, CNVCLĐ phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch bệnh tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Cung cấp các túi an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực giãn cách xã hội và cơ sở, địa bàn cách ly y tế; chú trọng hỗ trợ trẻ em và nhóm dễ bị tổn thương, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
- Tham gia các nội dung khác về an sinh xã hội thực hiện theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
4. Bảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội và ổn định đời sống sinh hoạt của đoàn viên, người lao động
- Tăng cường phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động để tuyên truyền, vận động đoàn viên, CNVCLĐ nâng cao ý thức, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cấp độ dịch tại địa phương.
- Tiếp tục tham gia triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp; căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời.
5. Nhiệm vụ, giải pháp về truyền thông, công nghệ thông tin
- Đa dạng hóa các loại hình và phương tiện, phương thức thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 hướng tới nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi hành vi của đoàn viên, CNVCLĐ; tạo niềm tin, sự đồng thuận của đoàn viên, CNVCLĐ; chống việc phân biệt đối xử, giữ bí mật riêng tư của người nhiễm SARS-CoV-2.
- Chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19 trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
- Triển khai có hiệu quả công tác truyền thông gắn với việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của đoàn viên, CNVCLĐ và người dân trong phòng, chống dịch; lan tỏa các kinh nghiệm hay, tấm gương tốt, truyền cảm hứng để cổ vũ toàn xã hội.
6. Nhiệm vụ triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi trên địa bàn Thành phố
- Phối hợp với chính quyền đồng cấp triển khai thực hiện kế hoạch tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và đúng tiến độ.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
- Xây dựng và ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống Covid-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô. Hướng dẫn tổ chức triển khai kế hoạch và đánh giá kết quả thực hiện trong năm 2022.
- Chỉ đạo Báo Lao động Thủ đô, trang Web LĐLĐ Thành phố, trang Facebook “Công đoàn Hà Nội” thường xuyên, tăng cường cập nhập thông tin, đăng tải các thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19; lan tỏa nội dung tích cực nhằm tạo đồng thuận xã hội, khuyến khích tính tự giác của đoàn viên, CNVCLĐ trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đấu tranh, phản bác, xử lý nghiêm các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.
2. Các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành; Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và Công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ Thành phố
- Xây dựng kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống Covid-19 triển khai đến các công đoàn cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp.
- Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện, gửi về LĐLĐ Thành phố (qua Ban Tuyên giáo) để tổng hợp.
Liên đoàn Lao động Thành phố yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện và báo cáo kết quả về Liên đoàn Lao động Thành phố (qua Ban Tuyên giáo) theo quy định./.
| TM. BAN THƯỜNG VỤ |
- 1Công văn 6998/SYT-NVY năm 2022 về tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Kế hoạch 2478/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 3Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2022 về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 1Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2022 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 do Thành phố Hà Nội ban hành
- 2Công văn 6998/SYT-NVY năm 2022 về tăng cường truyền thông các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới do Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 3Kế hoạch 2478/KH-UBND năm 2022 thực hiện Nghị quyết 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
- 4Kế hoạch 216/KH-UBND năm 2022 về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Kế hoạch 22/KH-LĐLĐ năm 2022 về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống Covid-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành
- Số hiệu: 22/KH-LĐLĐ
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 15/04/2022
- Nơi ban hành: Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
- Người ký: Lê Đình Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/04/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra