Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 213/KH-UBND

Bình Định, ngày 21 tháng 12 năm 2023

 

KẾ HOẠCH

ĐẨY MẠNH QUAN HỆ HỢP TÁC QUỐC TẾ GẮN VỚI THU HÚT ĐẦU TƯ VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI, DU LỊCH VỚI ẤN ĐỘ

Nhằm đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác với các đối tác Ấn Độ trong thời gian đến, trên cơ sở các nội dung đã trao đổi, thống nhất tại buổi làm việc giữa Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 05/12/2023, tại Trụ sở UBND tỉnh Bình Định, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế gắn với thu hút đầu tư và phát triển thương mại, du lịch với Ấn Độ, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

a) Thúc đẩy hợp tác song phương giữa tỉnh Bình Định với các đối tác Ấn Độ trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và nhu cầu, góp phần đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển thương mại, du lịch và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ nói chung, tỉnh Bình Định với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các đối tác Ấn Độ nói riêng.

b) Tăng cường phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động giao lưu, thực hiện các nội dung, chương trình hợp tác nhằm giới thiệu, quảng bá thông tin, hình ảnh tỉnh Bình Định đến với các đối tác Ấn Độ.

2. Yêu cầu

a) Xác định rõ những nội dung nhiệm vụ cụ thể, các giải pháp liên quan và cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện để triển khai thực hiện tốt các nội dung hợp tác.

b) Thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác Ấn Độ phải phù hợp với định hướng đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đúng quy định của pháp luật; xuất phát từ đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhằm mang lại hiệu quả, lợi ích thiết thực góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

II. CÁC NỘI DUNG HỢP TÁC GIỮA TỈNH BÌNH ĐỊNH VÀ CÁC ĐỐI TÁC ẤN ĐỘ

1. Lĩnh vực thương mại

a) Tăng cường gặp gỡ giao thương, hoạt động kinh doanh thương mại để kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân của tỉnh Bình Định và Ấn Độ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.

b) Hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp của tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp Ấn Độ có nhu cầu đổi mới máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm, hàng hóa.

c) Định kỳ mỗi quý, hoặc 6 tháng, tổ chức cho các doanh nghiệp của tỉnh Bình Định và Ấn Độ gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến để nghiên cứu, trao đổi các lĩnh vực, sản phẩm cụ thể mà hai bên cùng quan tâm.

d) Tổ chức các đoàn doanh nghiệp của tỉnh Bình Định sang khảo sát, làm việc tại Ấn Độ nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, phát triển giao thương hàng hóa.

2. Lĩnh vực hợp tác đầu tư

a) Xây dựng Danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh để kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các lĩnh vực như: chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp công nghệ thông tin; dệt may, hóa chất, dược phẩm, nhà hàng khách sạn…; đón tiếp các đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư Ấn Độ đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại tỉnh.

b) Phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Ấn Độ.

c) Tham dự các sự kiện, các hội thảo xúc tiến đầu tư do phía Ấn Độ tổ chức dành cho các doanh nghiệp của tỉnh Bình Định.

d) Phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tổ chức một số sự kiện đối ngoại hằng năm tại tỉnh để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, lợi thế gắn với hoạt động thu hút đầu tư giữa hai bên (riêng năm 2024, tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tại tỉnh Bình Định vào khoảng tháng 3/2024).

3. Lĩnh vực du lịch

a) Định kỳ mỗi quý, hoặc 6 tháng tổ chức hội thảo hoặc sự kiện du lịch (trực tiếp hoặc trực tuyến) giữa tỉnh Bình Định và các đối tác Ấn Độ.

b) Tăng cường kết nối với các công ty lữ hành hàng đầu của Ấn Độ để quảng bá thông tin, hình ảnh du lịch Bình Định đến du khách, người dân Ấn Độ.

c) Tiếp nhận các chuyên gia du lịch do phía Ấn Độ phái cử để hỗ trợ tỉnh quảng bá thông tin du lịch Bình Định đối với du khách Ấn Độ và các quốc gia khác nhằm tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế đến Bình Định.

4. Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe

a) Cử các y, bác sĩ của tỉnh Bình Định tham dự các khóa đào tạo về chăm sóc y tế và kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến tại các bệnh viện của Ấn Độ.

b) Hợp tác với các bệnh viện của Ấn Độ trao đổi chuyên môn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật y khoa phục vụ khám, chữa bệnh.

c) Tổ chức sự kiện y tế giữa các bệnh viện của tỉnh Bình Định và các bệnh viện của Ấn Độ nhằm tạo mối quan hệ hợp tác và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn.

5. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo

a) Phối hợp tổ chức các hội nghị, lớp học trực tiếp, trực tuyến giao lưu giữa các trường đại học trên địa bàn tỉnh Bình Định với các trường đại học của Ấn Độ.

b) Tiếp nhận các giáo sư hoặc giáo viên Ấn Độ sang dạy tiếng Anh, Ấn Độ học và các môn học khác theo nhu cầu và khả năng của hai bên.

c) Cử cán bộ, công chức của tỉnh Bình Định tham dự các khóa đào tạo tại Học viện Hành chính công của Ấn Độ tại Delhi.

d) Phối hợp, trao đổi kinh nghiệm với Ấn Độ vận hành hệ thống quản trị của tỉnh hiệu quả.

6. Lĩnh vực công nghệ thông tin

a) Lựa chọn học sinh, sinh viên của tỉnh tiếp nhận học bổng về công nghệ thông tin của Ấn Độ.

b) Phối hợp với các chuyên gia Ấn Độ tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học và khóa đào tạo công nghệ thông tin cho công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

c) Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bình Định và Ấn Độ liên kết, đào tạo công nghệ thông tin cũng như các môn học khác có liên quan.

7. Lĩnh vực văn hóa

a) Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch giao lưu và tổ chức biểu diễn nghệ thuật đối với các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của hai bên tại các sự kiện, lễ hội do hai bên tổ chức.

b) Phối hợp, hỗ trợ tỉnh Bình Định bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể dân tộc; hỗ trợ đào tạo một số chuyên gia của tỉnh Bình Định trong lĩnh vực khảo cổ học tại Ấn Độ trong thời gian từ 3 đến 6 tháng.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động theo kế hoạch sử dụng từ nguồn ngân sách tỉnh đã được bố trí trong dự toán hàng năm của các cơ quan, đơn vị và nguồn xã hội hóa hợp pháp khác (nếu có) theo quy định.

2. Đối với các nội dung chưa được bố trí trong dự toán ngân sách, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì thực hiện các hoạt động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh: Làm cầu nối thông tin tuyên truyền, giới thiệu đến các đối tác Ấn Độ các nội dung hợp tác tại Kế hoạch này; đồng thời phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và các cơ quan, đơn vị được UBND tỉnh Bình Định giao nhiệm vụ chủ trì tham mưu thực hiện các nội dung hợp tác tại Kế hoạch này để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác giữa tỉnh Bình Định với các đối tác Ấn Độ, góp phần phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ.

2. Sở Ngoại vụ

a) Là cơ quan đầu mối, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện các nội dung hợp tác theo Kế hoạch này;

b) Chủ động phối hợp, làm việc với Tổng Lãnh sự quán Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất nội dung, kế hoạch cụ thể và kịp thời tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng danh mục dự án đầu tư, chuẩn bị các nội dung liên quan đến công tác xúc tiến đầu tư và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nội dung hợp tác đầu tư với các đối tác Ấn Độ theo Kế hoạch này và chỉ đạo của UBND tỉnh.

4. Các Sở: Công Thương, Du lịch, Y tế: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các nội dung hợp tác theo thẩm quyền và tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác với các đối tác Ấn Độ theo Kế hoạch.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa và Thể thao, Trường Đại học Quy Nhơn và Trường Đại học Quang Trung: Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các nội dung hợp tác theo thẩm quyền và chủ động tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác với các đối tác Ấn Độ trong các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, công nghệ thông tin và văn hóa nghệ thuật theo Kế hoạch.

6. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh đảm bảo kinh phí cho các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện tốt các nội dung hợp tác theo Kế hoạch này và quy định của Nhà nước.

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ tình hình, nhu cầu thực tiễn của địa phương và các nội dung hợp tác tại Kế hoạch này, chủ động, tích cực liên hệ, tìm kiếm, lựa chọn nội dung hợp tác với các đối tác Ấn Độ nhằm thu hút các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, nhất là các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì để triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung hợp tác theo Kế hoạch.

Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung liên quan theo Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh cho Sở Ngoại vụ để theo dõi tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Ngoại giao;
- TLSQ Ấn Độ tại TP.HCM;
- Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các cơ quan tại Mục IV;
- LĐ, CV VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, K12.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Anh Tuấn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 213/KH-UBND năm 2023 đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế gắn với thu hút đầu tư và phát triển thương mại, du lịch với Ấn Độ do tỉnh Bình Định ban hành

  • Số hiệu: 213/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 21/12/2023
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Phạm Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản