Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2019/KH-UBND

Kon Tum, ngày 10 tháng 6 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ HÓA CHẤT, CHẾ PHẨM DIỆT CÔN TRÙNG, DIỆT KHUẨN DÙNG TRONG LĨNH VỰC GIA DỤNG VÀ Y TẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2024 - 2030

Triển khai Quyết định số 4023/QĐ-BYT ngày 31 tháng 10 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế giai đoạn 2023 - 2030; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2024 - 2030 (Kế hoạch), như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung: Tăng cường công tác quản lý và nâng cao năng lực, nhận thức trong việc quản lý, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tăng cường năng lực quản lý hóa chất, chế phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến xã.

b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sản xuất, mua bán và sử dụng hóa chất, chế phẩm.

c) Nâng cao nhận thức cho các cơ sở y tế và cộng đồng về quản lý, sử dụng an toàn hóa chất, chế phẩm.

d) Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế trong quản lý hóa chất, chế phẩm.

3. Các chỉ tiêu cụ thể

TT

Chỉ tiêu

Năm 2024

Năm 2030

Mục tiêu 1. Tăng cường năng lực quản lý hóa chất từ tỉnh đến tuyến xã

1

Tỷ lệ các huyện, thành phố phê duyệt kế hoạch hằng năm và bố trí kinh phí của ngành Y tế để triển khai công tác quản lý hóa chất, chế phẩm

100%

100%

2

Sở Y tế và các đơn vị liên quan tham gia đầy đủ các hội thảo, tập huấn phổ biến văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm về quản lý hóa chất, chế phẩm

80%

100%

3

Tỷ lệ cán bộ phụ trách công tác hóa chất, chế phẩm các cấp được tập huấn

50%

100%

Mục tiêu 2. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sản xuất, mua bán và sử dụng hóa chất, chế phẩm

1

Tỷ lệ các huyện, thành phố triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc quản lý, mua bán, sử dụng hóa chất, chế phẩm

50%

100%

2

Tỷ lệ cán bộ thanh tra Sở Y tế được tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra đối với hóa chất, chế phẩm

50%

100%

3

Tỷ lệ các cuộc thanh, kiểm tra đối với hóa chất, chế phẩm có sự phối hợp liên ngành

100%

100%

4

Tỷ lệ cơ sở sản xuất, mua bán, sử dụng hóa chất, chế phẩm được thanh, kiểm tra

20%

80%

5

Tỷ lệ các đơn vị thực hiện việc kiểm nghiệm, khảo nghiệm hóa chất, chế phẩm (nếu có) được thanh, kiểm tra

Chưa triển khai[1]

100%

6

Tỷ lệ các đơn vị quản lý hóa chất chế phẩm ở địa phương được thanh kiểm tra

50%

100%

Mục tiêu 3. Nâng cao nhận thức cho các cơ sở y tế và cộng đồng về quản lý, sử dụng an toàn hóa chất, chế phẩm

1

Tỷ lệ cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện được tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật và an toàn sử dụng hóa chất, chế phẩm

100%

100%

2

Tỷ lệ các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sử dụng được tập huấn về các văn bản quy phạm pháp luật và an toàn sử dụng hóa chất, chế phẩm

20%

80%

3

Tỷ lệ các huyện, thành phố có hoạt động truyền thông về an toàn sử dụng hóa chất, chế phẩm

50%

80%

Mục tiêu 4. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế trong quản lý hóa chất, chế phẩm

1

Tỷ lệ thủ tục hành chính về quản lý hóa chất, chế phẩm được triển khai trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 ở địa phương

100%

100 %

2

Tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hóa chất, chế phẩm, các đơn vị liên quan được tập huấn, phổ biến về triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 về hóa chất, chế phẩm

Chưa triển khai

100%

3

Phối hợp thực hiện các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực quản lý hóa chất, chế phẩm (nếu có)

Chưa triển khai

ít nhất 01 đề tài

4

Tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm về hóa hất, chế phẩm tại các nước (nếu có)

Chưa triển khai

Tham gia 01 đoàn theo đề nghị của Bộ Y tế

II. GIẢI PHÁP VÀ CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

- Kịp thời rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung (nếu có) văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế; cập nhật các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật được rà soát để đề xuất sửa đổi hoặc ban hành mới nhóm hóa chất, chế phẩm (nếu có); có văn bản đề nghị Bộ Y tế hoặc giao bổ sung chức năng kiểm nghiệm hóa chất, chế phẩm cho Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh để phục vụ công tác thanh, kiểm tra đảm bảo chất lượng của hóa chất, chế phẩm.

- Cập nhật danh mục hóa chất cấm hoặc hạn chế sử dụng tại Việt Nam nhằm tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người dân biết, thực hiện theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn các địa phương và đơn vị liên quan triển khai các thủ tục hành chính về hóa chất, chế phẩm theo phân cấp.

* Thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

2. Tiếp nhận, in ấn các tài liệu chuyên môn nghiệp vụ

Tiếp nhận, phân phối hoặc in ấn các tài liệu của Bộ Y tế ban hành phục vụ công tác quản lý hóa chất, chế phẩm như: Tài liệu hướng dẫn cách xây dựng tài liệu kỹ thuật, ghi nhãn đối với từng loại hóa chất, chế phẩm; tài liệu hướng dẫn thanh tra, kiểm tra đối với hóa chất, chế phẩm; tài liệu hướng dẫn về an toàn sử dụng hóa chất, chế phẩm; tài liệu bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn, các văn bản quy phạm pháp luật để thống nhất cho các đơn vị thực hiện.

* Thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

3. Tăng cường năng lực quản lý hóa chất, chế phẩm

- Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ các cấp của tổ chức chính trị - xã hội về các văn bản quy phạm pháp luật, quản lý và an toàn sử dụng hóa chất, chế phẩm.

- Tổ chức các lớp tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoá chất, chế phẩm cho cán bộ thực hiện công tác thanh tra tại Sở Y tế.

- Tổ chức tập huấn cho các đơn vị sản xuất, mua bán, sử dụng về các văn bản quy phạm pháp luật và an toàn sử dụng hóa chất, chế phẩm; cách thức triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 về hóa chất, chế phẩm.

- Tổ chức tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm về quản lý hóa chất, chế phẩm (nếu có).

* Thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

4. Truyền thông và ứng dụng công nghệ thông tin

- Tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (tranh gấp, áp phích, phóng sự ngắn, chương trình truyền hình trực tuyến, thông điệp, bài viết) về quản lý, sử dụng an toàn hóa chất, chế phẩm để nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực, các tổ chức, cá nhân sử dụng chế phẩm.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức quản lý, sử dụng an toàn hóa chất, chế phẩm hoặc các chiến dịch truyền thông liên quan cho cán bộ y tế và cộng đồng.

- Xây dựng các tài liệu, tờ rơi về an toàn sử dụng hóa chất, chế phẩm theo đúng quy định để cung cấp cho các cơ sở y tế, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng trong các sự kiện liên quan.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý hóa chất, chế phẩm theo hướng dẫn của Bộ ngành liên quan. Tiếp tục duy trì triển khai các thủ tục hành chính về quản lý hóa chất, chế phẩm trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

- Tiếp tục duy trì, nâng cấp hệ thống trang thông tin điện tử của Sở Y tế để phục vụ người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý.

* Thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về hóa chất, chế phẩm

- Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý, mua bán, sử dụng hóa chất, chế phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức hoặc phối hợp tham gia các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường) việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoá chất.

- Triển khai các hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng về hóa chất, chế phẩm.

- Kiểm soát các hóa chất, chế phẩm và thuốc bảo vệ thực vật lưu hành trên thị trường nhưng không sử dụng đúng với mục đích đã được cấp phép lưu hành.

* Thực hiện: Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng nhiệm vụ triển khai thực hiện.

6. Nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, phối hợp tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế như: Đánh giá thực trạng sản xuất chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong gia dụng và y tế tại địa phương và đề xuất giải pháp thực hiện; đánh giá thực trạng lưu hành, sử dụng chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trong gia dụng và y tế tại địa phương và đề xuất giải pháp thực hiện; hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu, khảo sát, trao đổi, chia sẻ, cập nhật thông tin về các văn bản, khuyến cáo, hướng dẫn để áp dụng trong điều kiện cụ thể của tỉnh Kon Tum.

* Thực hiện: Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

III. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Kinh phí sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định; nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nguồn thu phí quản lý hóa chất, chế phẩm và các nguồn xã hội hoá, tài trợ hợp pháp khác.

2. Căn cứ các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch này, các đơn vị chủ động lập dự toán ngân sách hàng năm trình Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan định kỳ hằng năm xây dựng kế hoạch quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh; báo cáo kết quả triển khai thực hiện gửi Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý, sử dụng hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn quản lý. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý hóa chất, chế phẩm trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo thẩm quyền và quy định trong lĩnh vực hóa chất, chế phẩm.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về hóa chất, chế phẩm, tập trung chủ yếu vào các cơ sở buôn bán, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật; đặc biệt rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định đối với các trường hợp buôn bán hoá chất, chế phẩm được cấp phép đề sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế nhưng thay đổi tên thương mại, nội dung, mẫu, nhãn để hướng dẫn sử dụng trong lĩnh vực nông nghiệp.

3. Sở Công Thương: Phối hợp với Sở Y tế trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.

4. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Y tế cân đối, bố trí kinh phí sự nghiệp y tế hàng năm để thực hiện Kế hoạch, phù hợp khả năng ngân sách và đúng quy định hiện hành.

5. Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo và hướng dẫn công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi buôn bán, sử dụng chế phẩm diệt côn trùng y tế để phòng trừ các sinh vật gây hại thực vật trên đồng ruộng khi chưa được đăng ký trong lĩnh vực bảo vệ thực vật là hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an toàn thực phẩm và gây nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, môi trường.

6. Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan trong công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực hóa chất, chế phẩm trên địa bàn tỉnh theo quy định.

7. Cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum: Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, mua bán, sử dụng hoá chất, chế phẩm; chỉ đạo các phòng, đội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển hoá chất, chế phẩm trên địa bàn tỉnh.

8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chủ động trong công tác phát hiện và phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hóa chất, chế phẩm giả, kém chất lượng qua đường biên giới để kịp thời xử lý các vi phạm (nếu có).

9. Các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh: Theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện Kế hoạch; lồng ghép việc triển khai thông qua các hoạt động thường xuyên của đơn vị.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý hóa chất, chế phẩm trên địa bàn quản lý; triển khai các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch; định kỳ hằng năm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện về quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và và bố trí kinh phí thực hiện.

- Chỉ đạo các ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn trên địa bàn.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, truyền thông cho người dân trên địa bàn biết, lựa chọn và sử dụng hóa chất, chế phẩm phù hợp, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả.

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh: Tăng cường truyền thông, phối hợp tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội viên các cấp, đặc biệt là hội viên nông dân và nông dân về các văn bản quy phạm pháp luật; cách phân biệt chế phẩm diệt côn trùng dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế với các thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm diệt côn trùng đúng mục đích, bảo đảm an toàn cho sức khoẻ con người và môi trường; tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn sử dụng hoá chất, chế phẩm, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Căn cứ nội dung, nhiệm vụ theo Kế hoạch, các đơn vị, địa phương triển khai đạt hiệu quả công tác quản lý hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh; định kỳ 06 tháng, hàng năm tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch gửi Sở Y tế để tổng hợp chung theo đề nghị. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị báo cáo bằng văn bản về Sở Y tế tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế (b/c);
- Chủ tịch, PCT UBND tỉnh Y Ngọc;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh;
- Cục quản lý thị trường tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- VP UBND tỉnh : CVP, PCVPTrà Thanh Trí;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX.PTP

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Y Ngọc

 

 



[1] Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị thực hiện việc kiểm nghiệm, khảo nghiệm hóa chất, chế phẩm

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 2019/KH-UBND năm 2024 về Quản lý hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2024 - 2030

  • Số hiệu: 2019/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 10/06/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Y Ngọc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản