Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỂN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 200/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 15 tháng 9 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN VĂN HÓA NÔNG THÔN TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

Thực hiện Quyết định số 22/QĐ-TTg ngày 05/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” và Quyết định số 4209/QĐ-UBND ngày 31/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn Tiền Giang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; tạo chuyển biến về xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng môi trường xã hội, bảo vệ di sản văn hóa và môi trường sinh thái nông thôn, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

- Xây dựng, củng cố và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nâng cao chất lượng về tổ chức, hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin và thể thao ở nông thôn; tạo điều kiện để người dân ở nông thôn nâng cao mức hưởng thụ, tham gia hoạt động và sáng tạo văn hóa; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật và các quy định về văn hóa, thể thao của người dân ở nông thôn;

- Nâng cao chất lượng các cuộc vận động trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như: Gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nếp sống văn hóa nơi công cộng; phong trào toàn dân rèn luyện thể dục thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại… tạo nền tảng vững chắc và góp phần thiết thực trong việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

2. Yêu cầu

- Việc xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch phải đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Các nội dung và hình thức triển khai thực hiện phải đa dạng, phong phú, sinh động, phù hợp với từng địa bàn, địa phương trong tỉnh, chuyển tải được nội dung đến từng người dân và cộng đồng dân cư.

- Trong quá trình tổ chức thực hiện, các Sở, ban, ngành có liên quan phải chủ động tích cực phối hợp thường xuyên, chặt chẽ để thực hiện các nội dung Đề án thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.

II. MỤC TIÊU ĐẾN NĂM 2020

- 50% người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao; trong đó 25% dân số nông thôn luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên;

- 50% Trung tâm văn hóa - thể thao xã và 70% Nhà văn hóa, khu thể thao ấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

- 85% gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó có 25% gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa; thực hiện tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- 80% ấp giữ vững và phát huy danh hiệu ấp văn hóa; trong đó có 30% ấp văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới;

- 90% nông dân được phổ biến về pháp luật và các quy định về văn hóa và gia đình;

- 100% cán bộ, văn hóa thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

III. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

a) Nâng cao chất lượng Gia đình văn hóa:

- Nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hóa làm nền tảng cho phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; đảm bảo việc đăng ký, bình xét công nhận gia đình văn hóa đúng quy trình và dân chủ, công khai; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc để phát triển phong trào;

- Nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa gia đình, tiêu chuẩn công nhận danh hiệu gia đình văn hóa, ý thức tự nguyện, tự giác của các gia đình trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”; phổ biến nhân rộng mô hình gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ nông thôn;

- Xây dựng gia đình văn hóa điển hình, mẫu mực ở nông thôn: no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, kỷ cương, nề nếp, có đời sống kinh tế ổn định và phát triển, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển, có tinh thần tương thân, tương ái, tính tự quản, dân chủ và năng lực làm chủ trong sinh hoạt cộng đồng. Biểu dương kịp thời và nhân rộng các mô hình gia đình tiêu biểu vượt khó, làm kinh tế giỏi, gia đình hiếu học, gia đình trẻ hạnh phúc, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em;

- Khơi gợi ý thức tự chủ, sáng tạo và huy động nội lực của các gia đình ở nông thôn để xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại: có cơ cấu kinh tế hợp lý, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc;

- Xác định gia đình, ấp là địa bàn trọng yếu để chỉ đạo, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển văn hóa nông thôn.

b) Nâng cao chất lượng ấp văn hóa:

- Nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa của việc xây dựng ấp văn hóa, tiêu chuẩn công nhận ấp văn hóa, ý thức và vai trò tự quản của các cộng đồng dân cư trong việc xây dựng, giữ vững và phát huy danh hiệu “Ấp văn hóa”; phổ biến nhân rộng mô hình ấp văn hóa chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề phụ; huy động được nội lực của người dân nông thôn xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã nông thôn mới;

- Nâng cao chất lượng ấp văn hóa, xây dựng ấp văn hóa bền vững, thực sự là những điểm sáng về văn hóa ở nông thôn: thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; bài trừ tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan; nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, thu hút người dân nông thôn tham gia vào các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn; xây dựng cộng đồng nông thôn ổn định về chính trị, dân chủ, hòa thuận, nhân ái, giàu bản sắc dân tộc, có môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn.

c) Nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới:

- Nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, các tiêu chuẩn của xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; ý thức của cộng đồng trong việc giữ vững và nâng chất các tiêu chuẩn xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới;

- Từng bước nâng cao xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, làm nền tảng đạt các tiêu chí xã nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

2. Xây dựng môi trường văn hóa nông thôn mới lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc

- Xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn ngày càng xanh-sạch-đẹp; khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí; xây dựng, cải tạo hệ thống tưới tiêu kinh mương nội đồng, hệ thống thoát nước ở khu dân cư, thu gom, xử lý rác thải, chất thải chăn nuôi hợp vệ sinh; nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng 3 công trình vệ sinh (nhà tắm, nước sạch, hố xí hợp vệ sinh) ở nông thôn lên trên 90%;

- Trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa và các công trình tín ngưỡng, tôn giáo và phúc lợi về văn hóa-xã hội trên địa bàn nông thôn;

- Tích cực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng, làm cho việc thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng, trong mọi giao tiếp sinh hoạt dần trở thành tự giác, thói quen và nếp sống hàng ngày ở nông thôn;

- Thông qua việc thực hiện các cuộc vận động trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, từng bước bài trừ các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu và việc tàng trữ, sử dụng sản phẩm văn hóa có nội dung xấu ra khỏi đời sống cộng đồng nông thôn;

- Xây dựng xã hội nông thôn ổn định về chính trị, thực hiện nghiêm kỷ cương, pháp luật và quy ước ấp; phát huy dân chủ; củng cố tình làng, nghĩa xóm; kịp thời hòa giải những bất hòa, mâu thuẫn trong cộng đồng; đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

3. Thực hiện tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã

a) Trung tâm văn hóa - thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b) 80% ấp giữ vững và phát huy danh hiệu ấp văn hóa; trong đó có 30% ấp văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới.

c) 50% Trung tâm văn hóa - thể thao xã và 70% Nhà văn hóa và khu thể thao ấp đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

d) Thực hiện đạt tiêu chí 17 về môi trường theo Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới và Thông tư 141/2013/BNNPTNT ngày 4/10/2013 về hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

đ) Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; xã đạt danh hiệu lành mạnh không có tệ nạn xã hội.

e) Bảo vệ và phát huy tốt di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa dân tộc.

g) Làm tốt công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới.

4. Hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao ở nông thôn, góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ về văn hóa cho nông dân

a) Hoàn thiện Trung tâm Văn hóa - Thể thao của các xã hiện có và xây dựng mới Trung tâm Văn hóa - Thể thao cho các xã gắn với xây dựng nông thôn mới đảm bảo theo các quy định của Trung ương và của tỉnh hiện hành.

b) Nâng cấp, xây dựng mới nhà văn hóa, khu thể thao ấp gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng hạt nhân văn hóa, thể thao làm nòng cốt để duy trì thường xuyên các hoạt động của nhà văn hóa, khu thể thao ấp.

c) Tăng cường và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn.

- Tăng cường các hoạt động sáng tác và phổ biến các tác phẩm văn hóa - nghệ thuật, các chương trình tuyên truyền về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

- Tăng cường hoạt động của các đơn vị sự nghiệp văn hóa nhà nước, đưa các chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa;

- Tăng cường đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa - xã hội cấp xã và hạt nhân văn hóa cơ sở của ấp;

- Tạo điều kiện để người dân nông thôn tham gia sáng tạo, bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn nghệ dân gian truyền thống;

- Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn như: liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng, hội thi các môn thể thao ở nông thôn.

IV. GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về văn hóa nông thôn và phát triển văn hóa nông thôn

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và người dân ở nông thôn về văn hóa và nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; phát huy tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng nông thôn trong quá trình phát triển văn hóa nông thôn;

- Tăng cường tuyên truyền bằng các hình thức trực quan như pa - nô, áp phích, băng - rôn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện, xã hoặc tuyên truyền thông qua các cuộc họp tại địa phương;

- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về văn hóa, gia đình, các quy định, quy chế, quy ước và chuẩn mực văn hóa cho dân cư ở nông thôn.

2. Nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn

- Đưa mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, kế hoạch của chính quyền ở các cấp để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện;

- Thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện phát triển văn hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới;

- Xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm các Sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; tăng cường sự phối hợp, hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể ở các cấp thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn;

- Cân đối ngân sách hàng năm, đầu tư hỗ trợ phát triển văn hóa nông thôn, trước hết là ưu tiên cho vùng khó khăn, vùng cù lao, vùng Đồng Tháp Mười;

- Đổi mới phương thức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân ở nông thôn tham gia xây dựng đời sống văn hóa.

3. Xây dựng, ban hành các văn bản về phát triển văn hóa nông thôn

- Nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp quy về phát triển văn hóa cơ sở. Bổ sung, triển khai hệ thống pháp luật về văn hóa cơ sở nói chung, văn hóa nông thôn nói riêng.

- Trước mắt, ban hành chính sách về đầu tư, hỗ trợ ngân sách Nhà nước nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn; chính sách khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí trên địa bàn nông thôn theo quy định của pháp luật.

4. Tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa nông thôn

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại xem đây là giải pháp quan trọng để huy động sức mạnh tổng hợp của các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn;

- Hàng năm cân đối ngân sách Trung ương, địa phương để đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa - thể thao xã; hỗ trợ xây dựng Nhà văn hóa, khu thể thao ấp; ưu tiên vùng khó khăn, vùng cù lao, vùng Đồng Tháp Mười;

- Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn theo quy định hiện hành.

- Lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở các cấp với việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn;

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ và năng lực hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao nông thôn; xây dựng đội ngũ cộng tác viên và lực lượng quần chúng tham gia phát triển văn hóa nông thôn.

5. Nâng chất phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

- Tăng cường các hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ văn hóa thể thao cấp huyện, thành phố, thị xã; cán bộ văn hóa thể thao các xã; ban chủ nhiệm các ấp văn hóa trên địa bàn tỉnh;

- Nâng cao chất lượng các cuộc vận động phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa như: gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nếp sống văn hóa nơi công cộng… xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến;

- Nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn và nhân rộng các mô hình trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phục vụ mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn.

6. Tăng cường quản lý nhà nước và đổi mới nội dung, phương thức chỉ đạo các hoạt động văn hóa nông thôn

- Chú trọng các hoạt động tham mưu, đề xuất, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa nông thôn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch các cấp;

- Tăng cường công tác thi đua khen thưởng; tổng kết rút kinh nghiệm thực tiễn; xây dựng, nhân rộng mô hình điểm, các điển hình tiên tiến; nghiên cứu, đánh giá tác động hiệu quả các hoạt động văn hóa cơ sở nông thôn;

- Đổi mới phương thức chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn; phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp người dân ở nông thôn tham gia xây dựng đời sống văn hóa;

- Phát huy hiệu quả hoạt động của các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, tăng cường tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi hội diễn văn nghệ, thể dục thể thao. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa cơ sở phù hợp với tính chất, đặc điểm, bản sắc văn hóa của các vùng và nhu cầu thị hiếu văn hóa của nông dân, thu hút ngày càng đông đảo nông dân và các tầng lớp nhân dân ở nông thôn tham gia vào các hoạt động hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tại địa phương.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện do ngân sách địa phương bố trí theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước. Hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ quan chuyên môn cấp huyện được giao nhiệm vụ căn cứ vào nội dung, giải pháp vừa nêu trên và tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch về cụ thể và lập dự toán trình với Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xem xét phê duyệt để triển khai thực hiện; ưu tiên kinh phí đầu tư hỗ trợ phát triển văn hóa nông thôn cho vùng khó khăn, vùng cù lao, vùng Đồng Tháp Mười.

- Khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn nông thôn.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể hóa nhiệm vụ của Đề án và tổ chức triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn toàn tỉnh;

- Nghiên cứu xây dựng các văn bản về phát triển văn hóa nông thôn trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành;

- Gắn chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa nông thôn Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2020 với chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch hàng năm;

- Phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng và thực hiện chương trình phổ biến pháp luật về văn hóa cho người dân ở nông thôn;

- Chỉ đạo nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, nếp sống văn hóa nơi công cộng và các hoạt động thể dục thể thao cơ sở;

- Chỉ đạo nâng cao hệ thống thiết chế văn hóa và các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;

- Tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, tuyên truyền phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

- Căn cứ vào các quy định, hướng dẫn của Trung ương, xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu quả phát triển văn hóa nông thôn;

- Phối hợp các ngành chủ quan kiểm tra, giám sát việc nâng chất lượng gia đình văn hóa hàng năm tại các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy;

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh sơ kết, tổng kết rút kinh nghiện trong quá trình thực hiện Đề án.

2. Sở Tài Chính

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành, đoàn thể có liên quan thẩm định và trình cấp có thẩm quyền ban hành chế độ tài chính, đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách địa phương; đồng thời, khuyến khích huy động các nguồn lực xã hội hóa văn hóa, phát triển văn hóa nông thôn. Thẩm định kinh phí chi thường xuyên trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tham mưu kinh phí hàng năm để thực hiện.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cân đối nguồn ngân sách, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm để tạo cơ sở vững chắc cho việc triển khai thực hiện các nội dung Đề án.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản về xây dựng xã nông thôn mới, làm cơ sở phát triển văn hóa nông thôn.

Phối hợp với các Sở, ngành, đoàn thể thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh theo Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới của Chính phủ.

5. Sở Nội vụ

Rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản pháp luật về tuyển dụng, chế độ, chính sách đối với cán bộ văn hóa thể thao ở cơ sở; về các danh hiệu thi đua trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh và truyền hình ở địa phương tăng cường các chương trình, chuyên mục về phát triển văn hóa nông thôn, xây dựng xã nông thôn mới.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường

Rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật về môi trường làm cơ sở phát triển môi trường văn hóa nông thôn.

8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đoàn thể chỉ đạo nâng cao chất lượng cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; nâng cao chất lượng gia đình văn hóa theo Đề án của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, tạo nền tảng cho việc phát triển văn hóa nông thôn.

9. Đề nghị Hội Nông dân

Chỉ đạo các cấp hội tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật nông nghiệp và vận động đoàn viên, hội viên ở nông thôn tham gia hưởng ứng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; triển khai thực hiện hiệu quả phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và xây dựng gia đình văn hóa.

10. Đề nghị Hội Cựu chiến binh

Chỉ đạo các cấp hội triển khai phong trào Người cựu chiến binh gương mẫu, giúp nhau phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hòa thuận, tiến bộ, hạnh phúc.

11. Đề nghị Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Chỉ đạo triển khai thực hiện phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong thanh niên như: tuổi trẻ sống đẹp, thanh niên tổ chức việc cưới theo nếp sống văn minh, xây dựng Gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa nơi công cộng.

12. Đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ

Triển khai thực hiện tiểu Đề án “Tuyên truyền giáo dục đạo đức, phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước”; tổ chức các hoạt động xây dựng gia đình “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, tích cực vận động phụ nữ nòng cốt tham gia cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hóa.

13. Ủy ban nhân dân các huyện, TP Mỹ Tho, TX Gò Công, TX Cai Lậy

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện các nhiệm vụ:

- Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch cụ thể phù hợp với tình hình thực tế địa phương thực hiện các mục tiêu, nội dung, giải pháp của Đề án gắn với thực hiện Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn;

- Chỉ đạo thực hiện và vận dụng thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng xã nông thôn mới, phát triển văn hóa nông thôn để đầu tư cho các xã tại địa phương;

- Thực hiện quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa nông thôn, chỉ đạo các cấp xã dành quỹ đất công để xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã và nhà văn hóa, khu thể thao tại các ấp;

- Cân đối ngân sách hàng năm, hỗ trợ đầu tư ngân sách thực hiện các mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn;

- Khuyến khích các cá nhân, tổ chức trên địa bàn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí trên địa bàn nông thôn.

Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, các đơn vị, địa phương thường xuyên báo cáo Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để theo dõi và chỉ đạo giải quyết kịp thời các khó khăn phát sinh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Trần Thanh Đức

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 200/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án phát triển văn hóa nông thôn Tiền Giang giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 200/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 15/09/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Thanh Đức
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/09/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản