Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/KH-UBND

Lào Cai, ngày 21 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC CHO ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN TỈNH LÀO CAI NĂM 2020

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 27/11/2015 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về 4 chương trình công tác, 19 đề án trọng tâm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lào Cai khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020;

Căn cứ Đề án số 05-ĐA/TU ngày 27/11/2015 của Tỉnh ủy về Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Kế hoạch số 105/KH-UBND ngày 21/4/2016 triển khai thực hiện Đề án Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016- 2020;

Năm 2020 là năm về đích, có ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XV (trong đó được cụ thể hóa bằng 4 chương trình, 19 đề án trọng tâm), việc tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai năm 2020 (Đề án 05) có ý nghĩa quan trọng, góp phần hoàn thành toàn diện các mục tiêu của Đề án trong cả giai đoạn 2016-2020. Do vậy, để định hướng và làm căn cứ cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai năm 2020; cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

- Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong năm 2016-2019, mục tiêu kế hoạch 2016-2020, từ đó đặt ra những mục tiêu cụ thể, định hướng và giải pháp trọng tâm thực hiện công tác huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển của tỉnh trong năm 2020; đồng thời phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện.

- Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc việc báo cáo, kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

II. Mục tiêu

Để đảm bảo tiến độ huy động nguồn lực cả giai đoạn 2016-2020, trong năm 2020 tỉnh sẽ phấn đấu huy động 41.000 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội; dự kiến lũy kế đến năm 2020 huy động đạt 170.804 tỷ đồng, bằng 107% MTĐA. Trong đó:

1. Vốn Nhà nước: Kế hoạch năm 2020: 8.520 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 37.518 tỷ đồng, bằng 82% MTĐA. Bao gồm:

- Vốn NSNN: Kế hoạch năm 2020: 6.695 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 28.569 tỷ đồng, bằng 91,4% MTĐA. Trong đó:

+ Vốn NSĐP: Kế hoạch năm 2020: 4.277 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 18.759 tỷ đồng, bằng 135% MTĐA.

+ Vốn NSTW: Kế hoạch năm 2020: 2.418 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 9.810 tỷ đồng, bằng 56% MTĐA.

- Nguồn vốn ODA: Kế hoạch năm 2020: 1.075 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 3.219 tỷ đồng, bằng 80% MTĐA.

- Nguồn vốn NGO: Kế hoạch năm 2020: 50 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 203 tỷ đồng, bằng 119% MTĐA.

- Tín dụng đầu tư phát triển Nhà nước: Kế hoạch năm 2020: 500 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 2.462 tỷ đồng, bằng 50,2% MTĐA.

- Vốn huy động các DNNN: Kế hoạch năm 2020: 200 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 1.960 tỷ đồng, bằng 72,6% MTĐA.

2. Vốn ngoài Nhà nước: Kế hoạch năm 2020: 32.480 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 133.286 tỷ đồng, bằng 116% MTĐA. Bao gồm:

- Vốn FDI: Kế hoạch năm 2020: 150 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 2.042 tỷ đồng, bằng 20% MTĐA.

- Vốn huy động đầu tư của doanh nghiệp, tín dụng đầu tư cho doanh nghiệp: Kế hoạch năm 2020: 20.419 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 74.663 tỷ đồng, bằng 100% MTĐA.

- Vốn dân cư và vốn khác: Kế hoạch năm 2020: 11.911 tỷ đồng, lũy kế huy động đạt 56.580 tỷ đồng, bằng 195% MTĐA.

 (Chi tiết tại Phụ biểu đính kèm)

III. Một số định hướng trong thu hút vốn đầu tư phát triển năm 2020

Trong năm 2020, tỉnh tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh, cụ thể như sau:

- Tập trung triển khai thực hiện các dự án đầu tư lớn về hạ tầng giao thông với các hình thức đầu tư phù hợp (BOT, BT, PPP,...):

+ Đẩy nhanh công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoàn thiện các thủ tục, phấn đấu để khởi công (hoặc khởi động) Dự án Cảng hàng không Sa Pa. Phối hợp với Nhà đầu tư triển khai thực hiện đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với Sa Pa theo hình thức hợp đồng BOT đảm bảo tiến độ. Đường tránh QL4D đoạn qua thị trấn Sa Pa; Cầu Piềng Láo, Đường Xuân Thượng - Việt Tiến - Minh Chuẩn... Hoàn thành các dự án sửa chữa đường bộ các tuyến Quốc lộ đối với các nguồn vốn được giao; khởi công các dự án mới như: cầu Làng Giàng, cầu Phú Thịnh,…

+ Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các đơn vị liên quan để triển khai dự án xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam) - Bá Sái (Trung Quốc). Tiếp tục đàm phán với Ty Giao thông vận tải tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để triển khai các bước tiếp theo, sớm khởi công xây dựng công trình. Phối hợp chặt chẽ với Cục Đường sắt - Bộ Giao thông vận tải để triển khai đàm phán với phía Trung Quốc xây dựng đường sắt khổ lồng kết nối ga Lào Cai (Việt Nam) đến ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc).

+ Nghiên cứu đầu tư một số bãi đỗ xe tĩnh hiện đại tại thành phố Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà.

- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu: Trên cơ sở quy hoạch chung được phê duyệt, hoàn thành một số quy hoạch phân khu chức năng làm cơ sở để tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ trong Khu kinh tế cửa khẩu và các công trình hạ tầng khác theo Quyết định số 40/2016/QĐ-TTg ngày 22/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ trong Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai như: Hệ thống giao thông, điện nước, thông tin liên lạc, trung tâm thương mại, kho, bãi, hệ thống tài chính - ngân hàng, dịch vụ thông quan, tư vấn pháp lý; chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các phường, xã trong khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai...

- Thực hiện phát triển đô thị: Tập trung đánh giá và rà soát các tiêu chí về đô thị để cân đối bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương nhằm đáp ứng các tiêu chí và tiến độ nâng cấp các đô thị trên địa bàn trong giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Đề án nâng cấp đô thị Bảo Hà; xác định khu vực lõi đô thị của Bảo Thắng, Bắc Hà để đánh giá theo đô thị loại IV; Triển khai thực hiện chương trình phát triển đô thị thành phố Lào Cai, đô thị Sa Pa, Bảo Hà, Phố Lu, Bắc Hà. Tiếp tục triển khai Đề án nâng cấp thành phố Lào Cai là đô thị loại 1. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện các tiêu chí thị xã Sa Pa. Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để đẩy nhanh triển khai đầu tư các dự án quan trọng như: Các tiểu khu 10, 16, 17, 18, 19 tại thành phố Lào Cai; các dự án du lịch, đô thị tại Sa Pa; Dự án Sân Golf Bát Xát...

- Tiếp tục đầu tư chỉnh trang hạ tầng các khu du lịch: Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch có trọng tâm, trọng điểm; Phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp; Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1972/QĐ-TTg ngày 01/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Khu du lịch quốc gia Sa Pa; tiếp tục ưu tiên đầu tư cho đô thị Sa Pa bằng nguồn vốn ODA và các nguồn vốn ngân sách khác để đáp ứng nhu cầu khách du lịch ngày càng tăng. Triển khai quy hoạch đô thị du lịch Bắc Hà; quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết phục vụ mục đích xây dựng khu vực xã Y Tý, huyện Bát Xát thành đô thị loại V, phương án di chuyển trung tâm hành chính mới của huyện Bát Xát;...

- Triển khai thực hiện các dự án công nghiệp: Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và đưa các dự án, công trình sớm vào hoạt động, gồm có: Nhà máy Graphit Nậm Thi; 9 nhà máy thuỷ điện sẽ hoàn thành với tổng công suất lắp máy là 133,1MW (Nậm Phàng B 4,5 MW; Pa Ke 26 MW; Suối Chăn 1 27 MW; Nậm Lúc 24 MW; Ngòi Phát mở rộng 12 MW; Minh Lương Thượng 13,6 MW; Bản Hồ 10 MW; Pờ Hồ 13,2 MW; Bắc Nà 12,8 MW) và sớm triển khai các dự án như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy luyện đồng tại Bản Qua, Graphit Bảo Hà; tuyển quặng Apatit nghèo; sản xuất dây cáp điện công nghệ cao; Xưởng cán kéo thép; Xưởng tuyển quặng sắt Delovin,...

- Tập trung đầu tư cho vùng cao, vùng nông thôn, trọng tâm là cơ sở hạ tầng nông thôn như: Đường giao thông, hệ thống cấp điện cho các thôn bản chưa có điện, trạm y tế xã, xóa phòng học tạm,... Ưu tiên cho các xã phấn đấu đạt xã nông thôn mới năm 2020.

- Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng sắp xếp dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, khắc phục hậu quả thiên tai, trọng tâm tại các huyện Sa Pa, Bát Xát, Bảo Yên, Bắc Hà,…; tiếp tục quan tâm đầu tư kè bảo vệ sông, suối, cột mốc và đường tuần tra, đường ra biên giới.

IV. Một số giải pháp chủ yếu

1. Đẩy mạnh hoàn thành và triển khai thực hiện quy hoạch tạo cơ sở thu hút nguồn lực đầu tư

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì tham mưu triển khai hoàn thành xây dựng Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

- Sở Giao thông vận tải - Xây dựng chủ trì:

+ Phối hợp với các ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp nhu cầu quy hoạch xây dựng trên toàn tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung, quy hoạch mới để triển khai thực hiện. Hoàn thành trong Quý I/2020.

+ Tổ chức lập, thẩm định và trình phê duyệt chương trình phát triển đô thị đối với các đô thị: Mường Khương, Phố Ràng, Khánh Yên, Bát Xát; lập hồ sơ đề xuất khu vực phát triển đô thị đối với đô thị thành phố Lào Cai, đô thị Sa Pa.

+ Tập trung hoàn thiện các quy hoạch như: Quy hoạch chung xây dựng đô thị Y Tý, Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch Quốc gia Sa Pa…

- UBND các huyện, thị xã, thành phố:

+ Tập trung hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết trên địa bàn như: Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị Bắc Hà và Mường Khương, cụ thể hóa các quy hoạch phân khu thuộc Quy hoạch Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Lào Cai và vùng phụ cận đến năm 2040, tầm nhìn 2050…

+ Đề xuất UBND tỉnh lập, điều chỉnh các quy hoạch khác nếu cần thiết nhằm phục vụ phát triển kinh tế xã hội, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, định hướng phát triển đô thị trọng điểm của tỉnh.

- UBND huyện Bát Xát phối hợp Sở Giao thông vận tải - Xây dựng và các cơ quan liên quan đề xuất về phương án Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết phục vụ mục đích xây dựng khu vực xã Y Tý, huyện Bát Xát thành đô thị loại V, phương án di chuyển trung tâm hành chính mới của huyện Bát Xát.

2. Tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhằm thu hút nguồn lực đầu tư phát triển ngoài ngân ngân sách nhà nước

Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tạo mọi điều kiện để phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, kinh tế hợp tác, doanh nghiệp nhỏ và vừa, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng. Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân; hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, dịch vụ thông qua phát triển các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

3. Tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển

3.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì:

- Tham mưu triển khai hợp tác và làm việc chuyên đề với một số nhà đầu tư chiến lược của tỉnh như: Tập đoàn Sungroup, Bitexco, Gleximco, Vingroup, T&T, FLC... Đẩy mạnh và đổi mới phương thức xúc tiến thu hút các dự án FDI đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý nợ công; quản lý sử dụng hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ xây dựng cơ bản.

- Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương phân bổ, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công (sửa đổi năm 2019), Luật Ngân sách Nhà nước; đặc biệt là các quy định về thẩm định nguồn vốn, chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư,...

- Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ các nguồn vốn tập trung đầu tư hoàn thành dự án trọng điểm của tỉnh, các dự án dự kiến hoàn thành chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI...; các dự án đầu tư cho vùng cao, vùng nông thôn trọng tâm là cơ sở hạ tầng nông thôn như: đường giao thông nông thôn, hệ thống cấp điện cho các thôn bản chưa có điện, xóa phòng học tạm, nhà văn hóa thôn, bản...

3.2. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

- Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý dự án đầu tư xây dựng, quản lý chất lượng công trình, quản lý đấu thầu để tránh phải điều chỉnh thời hạn thực hiện hợp đồng; khuyến khích thực hiện lựa chọn nhà thầu qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; đẩy mạnh nghiệm thu khối lượng hoàn thành nhiều lần và thanh, quyết toán dứt điểm cho bên thi công, tránh để dồn vào cuối năm; tập trung đẩy nhanh, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng các khu tái định cư để triển khai các công trình, dự án.

- Xây dựng giải pháp quản lý hiệu quả dự án đầu tư từ ngân sách, kiểm soát chặt chẽ tổng mức đầu tư của dự án, các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả của dự án được giao quản lý.

3.3. Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn được giao quản lý để tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó chú trọng đánh giá nguyên nhân và khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của các quỹ cùng với quỹ ngân sách cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

V. Nhu cầu vốn thực hiện

1. Tổng vốn thực hiện Đề án

- Nhu cầu vốn thực hiện đề án trong năm 2020 dự kiến 40 tỷ đồng.

- Nguồn vốn: Ngân sách tỉnh, Ngân sách trung ương.

2. Nội dung: Chi cho các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch, kế hoạch; các chương trình, tài liệu xúc tiến kêu gọi đầu tư,...

VI. Tổ chức thực hiện

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm chủ trì, Sở Tài chính phối hợp

tham mưu huy động các nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Kế hoạch đề ra.

- Các sở, ban, ngành có liên quan tích cực phối hợp vận động huy động các nguồn vốn theo lĩnh vực quản lý. Căn cứ nội dung của kế hoạch triển khai thực hiện, chủ động huy động mọi nguồn lực của nhà nước, của các tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế... đến đầu tư tại Lào Cai.

- Sở Thông tin và Truyền thông, Đài PTTH tỉnh Lào Cai, Báo Lào Cai tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người dân tích cực tham gia các nội dung trong Kế hoạch.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn đảm bảo phù hợp với Kế hoạch, Đề án và thực tiễn địa phương; đồng thời tích cực huy động các nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện, các nhà tài trợ, các nguồn vốn từ dân cư để hoàn thành Kế hoạch huy động nguồn vốn cả giai đoạn 2016-2020.

VII. Chế độ báo cáo

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các địa phương có liên quan:

1. Định kỳ xây dựng Báo cáo 6 tháng và cả năm hoặc Báo cáo đột xuất theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện Đề án; đồng thời chủ động đề xuất bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Đề án cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.

2. Tổng hợp, xây dựng Báo cáo đánh giá Đề án giai đoạn 2016-2020 và đề xuất việc triển khai Đề án trong giai đoạn 2021-2025.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai năm 2020, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TT. TU, HĐND, UBND tỉnh;
- TT. Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Đài PTTH, Báo Lào Cai;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- BBT Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, QLĐT1, TH1,3,2,

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Xuân Phong

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 20/KH-UBND về thực hiện Đề án Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Lào Cai năm 2020

  • Số hiệu: 20/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 21/01/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
  • Người ký: Đặng Xuân Phong
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản