Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 20/KH-UBND | Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG BÌNH ĐẲNG GIỚI VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ GIAI ĐOẠN 2019-2025” TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Bình đẳng giới ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 48/2009/NĐ-CP ngày 19/5/2009 của Chính phủ quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới;
Căn cứ Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”;
Thực hiện văn bản số 39/UBDT-DTTS ngày 16/01/2018 của Ủy ban Dân tộc về việc hướng dẫn triển khai thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ;
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
- Tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới.
- Thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2025, phấn đấu đạt:
- 100% cán bộ làm công tác dân tộc ở địa phương, 70% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, cấp xã và người có uy tín, trưởng thôn vùng dân tộc thiểu số có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới và tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
- 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi.
- Phấn đấu 80% số hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về giới và pháp luật về bình đẳng giới.
II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI, THỜI GIAN
1. Đối tượng: Đồng bào các dân tộc thiểu số, người có uy tín, cán bộ thôn, và các tổ chức đoàn thể ở thôn, cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn huyện, xã có đồng bào dân tộc thiểu số sống tập trung.
2. Phạm vi: Vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội: Các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.
3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2019-2025.
III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới bằng nhiều hình thức phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của các vùng có đồng bào dân tộc sinh sống tập trung; lồng ghép các nội dung hoạt động của Đề án vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực trong các trường học, nhất là các trường, lớp bán trú, trường dân tộc nội trú và các cơ sở đào tạo nghề có đông học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, các tiểu phẩm tuyên truyền về pháp luật bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và các nội dung liên quan đến yếu tố giới, chú trọng các đối tượng tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế kém phát triển thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
- Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, các hoạt động giao lưu văn hóa, lễ hội, hoạt động hòa giải tại các cộng đồng, các cuộc họp, hội nghị, sinh hoạt của chính quyền đoàn thể, các tổ, đội, nhóm; các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Tuyên truyền biểu dương khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tại các vùng dân tộc thiểu số và các cơ sở giáo dục.
2. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới
- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, ban giám hiệu các trường trung học phổ thông nội trú, bán trú, các cơ sở đào tạo nghề, bí thư chi bộ, trưởng ban, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
- Cung cấp tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn và các sản phẩm truyền thông, tài liệu pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới
- Tổ chức các hội nghị, tọa đàm, giao lưu, thăm quan, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến bình đẳng giới.
3. Tổ chức biên soạn, cung cấp các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền, hỗ trợ đưa các quy định liên quan đến bình đẳng giới vào hương ước, quy ước của thôn, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa
- Căn cứ Luật Bình đẳng giới, các văn bản pháp luật hiện hành liên quan, các sản phẩm truyền thông của Trung ương để biên soạn, tài liệu hướng dẫn, tìm hiểu hỏi - đáp, băng đĩa CD, VCD, tờ rơi, panô, áp phích, tranh cổ động, khẩu hiệu... phù hợp với văn hóa, ngôn ngữ và các phong tục, tập quán trình độ dân trí của các dân tộc thiểu số từng địa phương.
- Cung cấp các sản phẩm truyền thông cho tuyến huyện, xã, thôn, bản và các đối tượng cụ thể để cung cấp thông tin, thực hiện tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật liên quan về bình đẳng giới đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
- Hỗ trợ các thôn, bản đưa các quy định liên quan đến bình đẳng giới vào trong hương ước, quy ước, tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa của từng thôn bản để mọi người dân cùng thực hiện.
4. Hỗ trợ xây dựng, phát triển dịch vụ tư vấn và hỗ trợ về bình đẳng giới
- Xây dựng tài liệu tập huấn cho cán bộ tư vấn, báo cáo viên về kiến thức kỹ năng để cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới theo các chủ đề và lĩnh vực khác nhau.
- Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới. Tăng cường sự tham gia của nam giới vào việc thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Mở rộng các hoạt động truyền thông đối với người chưa thành niên về sức khỏe tình dục, tránh thai an toàn.
- Thực hiện lồng ghép giới trong các chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành y tế, các ban ngành liên quan và các huyện, xã vùng đồng bào dân tộc
5. Hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá thực hiện Đề án
- Định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tại các địa phương.
- Tăng cường quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ bất bình đẳng giới tại các vùng dân tộc thiểu số để có biện pháp tuyên truyền, vận động kịp thời.
- Tổ chức hướng dẫn, thực hiện thống kê, báo cáo kết quả triển khai.
- Định kỳ tổ chức đánh giá sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm quá trình tổ chức thực hiện Đề án.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các đơn vị được giao thực hiện theo phân cấp hiện hành; huy động các nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân và nguồn hợp pháp khác (nếu có).
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Dân tộc Thành phố (cơ quan Thường trực)
- Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND Thành phố tổ chức triển khai các hoạt động theo Kế hoạch được phê duyệt để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án giai đoạn 2019-2025.
- Hàng năm lập dự toán, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu UBND Thành phố bố trí kinh phí để triển khai thực hiện Đề án.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các hoạt động của Kế hoạch, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 2019-2025; định kỳ báo cáo về UBND Thành phố và Ủy ban Dân tộc kết quả thực hiện Đề án theo quy định.
2. Sở Tài chính
- Tham mưu báo cáo UBND Thành phố cân đối, bố trí vốn sự nghiệp ngân sách Thành phố để thực hiện Đề án hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019-2025 theo nội dung Kế hoạch này.
- Kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.
3. Sở Lao động Thương binh và Xã hội
Phối hợp Ban Dân tộc Thành phố tổ chức lồng ghép triển khai các hoạt động liên quan thuộc Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2019-2025, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách về bình đẳng giới quốc gia và hoạt động hỗ trợ; tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực học đường tại các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn Thành phố có đông học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp Ban Dân tộc Thành phố tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực học đường tại các trường dân tộc nội trú, các trường học trên địa bàn Thành phố có đông học sinh dân tộc thiểu số tham gia học tập.
5. Sở Tư pháp
Phối hợp Ban Dân tộc Thành phố mở các lớp tập huấn tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia tuyên truyền; cung cấp tài liệu, văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bình đẳng giới để đưa vào nội dung tuyên truyền.
6. Sở Tư pháp
Phối hợp Ban Dân tộc Thành phố mở các lớp tập huấn tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình, tình trạng mất cân bằng về giới tính ở trẻ sơ sinh tại vùng dân tộc thiểu số.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị, Báo Pháp luật và Xã hội tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới và tình hình thực hiện các hoạt động hỗ trợ bình đẳng giới ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số.
Xây dựng phóng sự, tăng cường tuyên truyền về bình đẳng giới ở vùng dân tộc thiểu số với các hình thức phong phú, đa dạng phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số.
8. Công an Thành phố
Phối hợp triển khai các hoạt động phòng chống bạo lực, xâm hại thân thể, áp lực tinh thần liên quan giới.
9. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố
Phối hợp tổ chức tuyên truyền vận động, hỗ trợ cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức pháp luật, giải quyết vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phối hợp triển khai các nội dung của Kế hoạch.
10. Ủy ban nhân dân các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức
- Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025”.
- Chủ động bố trí kinh phí đảm bảo triển khai thực hiện Kế hoạch theo quy định.
- Lựa chọn nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phù hợp với đồng bào dân tộc nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về vấn đề bình đẳng giới, tuyên truyền bãi bỏ hủ tục lạc hậu trọng nam khinh nữ ở một số vùng dân tộc thiểu số.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Yêu cầu các sở, ngành, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo hiệu quả, theo đúng quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 8157/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 1898/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 2Quyết định 1525/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năm 2018
- 3Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 4Quyết định 4137/QĐ-UBND năm 2018 sửa đổi Kế hoạch 1134/KH-UBND thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020
- 5Kế hoạch 1436/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2019 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 6Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020
- 7Quyết định 1843/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022
- 1Luật Bình đẳng giới 2006
- 2Nghị định 48/2009/NĐ-CP về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới
- 3Quyết định 1898/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Kế hoạch 8157/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 1898/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 5Quyết định 1525/QĐ-UBND về Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năm 2018
- 6Kế hoạch 104/KH-UBND năm 2018 thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 7Quyết định 4137/QĐ-UBND năm 2018 sửa đổi Kế hoạch 1134/KH-UBND thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020
- 8Kế hoạch 1436/KH-UBND thực hiện Chương trình quốc gia bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ năm 2019 do tỉnh Hải Dương ban hành
- 9Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2019 thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016-2020
- 10Quyết định 1843/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2022
Kế hoạch 20/KH-UBND năm 2019 thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Số hiệu: 20/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 12/01/2019
- Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
- Người ký: Nguyễn Văn Sửu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra