Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1982/KH-UBND | Bình Thuận, ngày 29 tháng 5 năm 2024 |
GIÁM SÁT, PHÂN TÍCH NGUY CƠ AN TOÀN THỰC PHẨM, NGĂN NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thực hiện Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, Công điện số 50/CĐ-TTg ngày 15/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý vụ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Vĩnh Phúc và Công văn số 2487/BYT-ATTP ngày 11/5/2024 của Bộ Y tế về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; nhằm ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra, đồng thời, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch giám sát, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh như sau:
1. Mục đích
- Tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đang sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu tác hại do thực phẩm không đảm bảo an toàn gây ra, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và cảnh báo đến người tiêu dùng.
2. Yêu cầu
- Tập trung đánh giá nhóm thực phẩm có nguy cơ cao như: Thịt và sản phẩm thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản, trứng và sản phẩm trứng, sữa và sản phẩm sữa, nước đá dùng liền, nước uống đóng chai đang sản xuất, kinh doanh và lưu thông trên thị trường. Đặc biệt là các sản phẩm thực phẩm được bày bán, kinh doanh, phục vụ ăn uống trong các khu du lịch, lễ hội, các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, các hàng, quán trước các khu công nghiệp, trường học và bệnh viện.
- Phân tích, đánh giá các chỉ tiêu ô nhiễm thực phẩm theo các quy chuẩn kỹ thuật và các quy định về an toàn thực phẩm hiện hành.
- Đề ra các giải pháp hữu hiệu trong công tác quản lý về an toàn thực phẩm nhằm cảnh báo, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm xảy ra, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN
1. Phạm vi thực hiện: Trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Đối tượng: Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên các sản phẩm nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, bày bán, kinh doanh, phục vụ trong các khu du lịch, lễ hội, các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố, các hàng, quán trước các khu công nghiệp, trường học và bệnh viện.
3. Thời gian thực hiện: Quý III năm 2024.
1. Lấy mẫu
Mỗi loại mẫu thực phẩm giám sát đánh giá nguy cơ được lấy ít nhất 01 phần đảm bảo đủ khối lượng để kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Mẫu thực phẩm giám sát cần ghi đầy đủ các thông tin trên nhãn (tên mẫu, ngày sản xuất, hạn sử dụng, quy cách đóng gói, lô sản phẩm, đơn vị sản xuất hoặc đơn vị phân phối/nhập khẩu,...), địa điểm lấy mẫu, thời gian lấy mẫu, tình trạng mẫu theo nội dung biên bản lấy mẫu được quy định tại Thông tư số 01/2024/TT- BKHCN ngày 18/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.
2. Kiểm nghiệm mẫu
Mẫu sản phẩm thực phẩm sau khi lấy phải được bảo quản theo yêu cầu của nhà sản xuất, chế biến và được chuyển đến đơn vị kiểm nghiệm trong thời gian sớm nhất. Mẫu được kiểm nghiệm tại các đơn vị có đủ năng lực theo quyết định chỉ định của Bộ Y tế và các bộ quản lý chuyên ngành có liên quan. Tiêu chuẩn đánh giá theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm hiện hành.
3. Xử lý mẫu có kết quả kiểm nghiệm không đạt
- Tiến hành truy xuất nguồn gốc những sản phẩm có kết quả mẫu giám sát không đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Tổ chức kiểm tra, hậu kiểm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có kết quả mẫu giám sát không đạt, lấy mẫu sản phẩm thực phẩm theo quy trình kiểm tra, hậu kiểm để kiểm nghiệm lại các chỉ tiêu không đạt.
- Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định, đồng thời công khai thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.
Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp kinh phí chi sự nghiệp y tế, dân số và gia đình - nhiệm vụ không thường xuyên năm 2024 của ngành y tế đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán tại Quyết định số 2587/QĐ-UBND ngày 13/12/2023 về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024 (trong đó có nội dung thực hiện các hoạt động về an toàn thực phẩm).
- Chủ trì, phối hợp với các sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Xây dựng kế hoạch chi tiết về số lượng, chủng loại, sản phẩm mẫu cần đánh giá nguy cơ dựa trên các mối nguy an toàn thực phẩm, bảo đảm cho phép trong nguồn kinh phí đã được cấp, không làm phát sinh tăng thêm chi phí.
- Chủ trì tổ chức 01 đoàn lấy mẫu giám sát mối nguy, đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Thành phần đoàn có sự tham gia phối hợp của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Tổng hợp kết quả, đánh giá các chỉ tiêu, mối nguy an toàn thực phẩm, nguy cơ mất an toàn thực phẩm, từ đó triển khai các biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Thông báo kết quả mẫu giám sát đánh giá nguy cơ không đạt đến cơ quan quản lý theo phân công, phân cấp để tiến hành kiểm tra, xử lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm gây mất an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng theo quy định.
- Thông tin cảnh báo kết quả giám sát đối với các mẫu không đạt để nâng cao ý thức của cộng đồng, giảm bớt mối nguy mất an toàn thực phẩm.
- Tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm đối với những vụ việc cần phối hợp liên ngành.
2. Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp đề xuất các sản phẩm, cơ sở thực hiện lấy mẫu giám sát đánh giá mối nguy an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực theo phân công, phân cấp quản lý.
- Cử thành viên có chuyên môn, nghiệp vụ tham gia đoàn lấy mẫu giám sát mối nguy, đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm do Sở Y tế chủ trì.
- Tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở thực phẩm, sản phẩm không đạt theo phân công, phân cấp quản lý.
- Tổng hợp kết quả, đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành theo phân công, phân cấp quản lý, từ đó triển khai các biện pháp ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp cơ sở cung cấp đầy đủ hồ sơ, thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm có nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, phối hợp với Sở Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ mất an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm theo phân cấp quản lý, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Y tế và các cơ quan liên quan tổ chức tốt công tác giám sát, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm; có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, cảnh báo sự cố mất an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn thuộc lĩnh vực phân công, quản lý theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch giám sát, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ tại Kế hoạch này khẩn trương triển khai thực hiện. Giao Sở Y tế theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, tổng hợp kết quả báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Thông tư 01/2024/TT-BKHCN quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành
- 2Công điện 44/CĐ-TTg năm 2024 ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm do Thủ tướng Chính phủ điện
- 3Công văn 2487/BYT-ATTP năm 2024 ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm do Bộ Y tế ban hành
Kế hoạch 1982/KH-UBND năm 2024 về giám sát, phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bình Thuận
- Số hiệu: 1982/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 29/05/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Nguyễn Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra