ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 198/KH-UBND | Hà Giang, ngày 11 tháng 08 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020
Thực hiện Quyết định số 1028/QĐ-TTg ngày 08/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020, cụ thể như sau:
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG GIÁO DỤC ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH HIỆN NAY
1. Thực trạng đời sống gia đình
Các gia đình hiện nay đều được giáo dục các kỹ năng trong đời sống gia đình. Những giá trị truyền thống quý báu vẫn được bảo tồn và phát huy như: Tình yêu lứa đôi trong sáng; lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng; trách nhiệm và sự hy sinh của cha mẹ với con cái; con cái hiếu thảo với cha mẹ; con cháu kính trọng, biết ơn và quan tâm tới ông bà, tổ tiên; tình yêu thương, chăm lo và đùm bọc anh em, họ hàng; đề cao lợi ích chung của gia đình; tự hào truyền thống gia đình, dòng họ. Đồng thời, gia đình cũng tôn trọng tự do, lợi ích cá nhân; tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người; dân chủ trong mọi quan hệ; bình đẳng giữa nam nữ; bình đẳng trong nghĩa vụ và trách nhiệm; không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, giữa anh và em... ngày càng được củng cố, giáo dục, xây dựng theo xu hướng: Dân chủ, bình đẳng, tự do và tiến bộ.
Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình, đặc biệt là các gia đình sống ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa dẫn đến các mối quan hệ giáo dục đời sống trong gia đình có những thay đổi nhất định như:
- Độ tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nam lẫn nữ có xu hướng được nâng cao lên; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra ở một số địa phương; tình trạng kết hôn không đăng ký, chung sống trước hôn nhân xuất hiện nhiều ở giới trẻ; số vụ ly hôn tăng lên nhanh qua các năm. Tỷ lệ ở góa, ly hôn, ly thân cả nam và nữ tăng cao;
- Tình trạng bạo lực trong gia đình ngày càng gia tăng với nhiều hình thức đa dạng như: Bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần, tình dục và kinh tế;
- Các tệ nạn xã hội thâm nhập vào gia đình, tội phạm là trẻ em có nguyên nhân từ gia đình đang tăng mạnh. Sự giảm sút vai trò của gia đình trong giáo dục trẻ em; truyền thống, kỷ cương nền nếp trong gia đình buông lỏng, đã làm cho chức năng kiểm soát trẻ em mất hiệu lực; kỹ năng sống của trẻ em chưa được chú trọng, nhiều gia đình chỉ có 01 đến 02 con nên nuông chiều con thái quá dẫn đến trẻ em có biểu hiện thiếu tính chia sẻ cả trong gia đình và ngoài xã hội;
- Tâm lý chuộng con trai còn phổ biến, vì khi có con trai đa số các gia đình đều chiều con thái quá, làm cho trẻ trai tự coi mình là trung tâm nên dẫn đến tính ỷ lại ỷ lại, không quan tâm đến người khác, đồng thời thiếu sự đối xử công bằng giữa trẻ em trai và trẻ em gái;
- Các gia đình chưa quan tâm, tránh né, ngại chia sẻ trong việc giới tính cho trẻ. Điều này dẫn đến các em ở tuổi vị thành niên, thanh niên chưa hiểu đúng, đủ các kiến thức trong vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng;
Ngoài ra, có thể kể một số vấn đề như: quy mô gia đình nhỏ với việc bảo đảm cuộc sống của người già, trách nhiệm của bố, mẹ với con cái… Những điều này đều có áp lực rất mạnh đến giáo dục đời sống trong gia đình hiện nay.
2. Nguyên nhân
- Nguyên nhân của tình trạng nói trên có phần do nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình. Các cấp chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo công tác gia đình; chưa gắn việc ổn định và phát triển gia đình với phát triển các cụm dân cư. Công tác quản lý nhà nước về gia đình còn gặp nhiều khó khăn về con người và kinh phí hoạt động. Nhiều vấn đề bức xúc về gia đình chưa được xử lý kịp thời;
- Công tác giáo dục đời sống gia đình, cụ thể là việc giáo dục trước và sau khi kết hôn, việc cung cấp các kiến thức làm cha mẹ, các kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình chưa được coi trọng. Nhiều gia đình do tập trung làm kinh tế đã xem nhẹ việc chăm sóc, giáo dục và bảo vệ các thành viên, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi;
- Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác giáo dục đời sống gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng sẽ tiếp tục tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp và lối sống lành mạnh của mỗi gia đình. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ tiếp tục tác động vào số đông các gia đình nếu không được hỗ trợ, giáo dục đầy đủ, nhiều gia đình sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội.
Phần thứ hai
NỘI DUNG KẾ HOẠCH THỰC HIỆN
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
Giáo dục đời sống gia đình nhằm cung cấp cho các thành viên trong gia đình những kiến thức chung về đời sống gia đình; những điều cần thiết chuẩn bị cho hôn nhân và gia đình; giáo dục đời sống gia đình đối với gia đình trẻ, gia đình độ tuổi trung niên, gia đình người cao tuổi.
2. Mục tiêu cụ thể
Phấn đấu đến năm 2020 thực hiện được các mục tiêu cụ thể sau:
- Có 90% hộ gia đình trở lên được tiếp cận thông tin về giáo dục đời sống gia đình;
- Có 80% học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục tham dự các buổi sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình;
- Trên 60% thanh niên khu vực nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa được tham gia các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình;
- Có 80% cán bộ, công nhân tại các khu công nghiệp được tham gia các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình;
- Đạt 100% cán bộ, chiến sỹ độ tuổi thanh niên trong các lực lượng vũ trang được tham gia các sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình;
- Có 80% đơn vị, tổ chức cấp cơ sở của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ và Công đoàn có tổ chức sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình cho đoàn viên, hội viên và công đoàn viên.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác giáo dục đời sống gia đình
Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đơn vị, tổ chức, cơ sở giáo dục về tầm quan trọng của công tác giáo dục đời sống gia đình. Các cấp cần xác định công tác giáo dục đời sống gia đình là nội dung quan trọng trong các kế hoạch và chương trình phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm và dài hạn. Chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông và giáo dục đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đặc biệt là dịp kỷ niệm các ngày lễ về gia đình. Chỉ đạo xây dựng, ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về nội dung giáo dục đời sống gia đình sau khi có văn bản của Trung ương ban hành.
2. Nâng cao năng lực hiệu quả và trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác giáo dục đời sống gia đình
- Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch, hướng dẫn phát triển giáo dục đời sống gia đình gắn với các thiết chế văn hóa cơ sở và Trung tâm giáo dục tại cộng đồng;
- Thực hiện có hiệu quả việc phối hợp lồng ghép hoạt động giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể, nhân dân, các tổ chức xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác giáo dục đời sống gia đình;
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực về giáo dục đời sống gia đình cho đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cấp tỉnh, huyện và xã, phường, thị trấn;
- Thiết lập hệ thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu về gia đình, thu thập, xử lý và cung cấp kịp thời và chính xác những thông tin cần thiết phục vụ cho việc chỉ đạo, điều phối các hoạt động của công tác giáo dục đời sống gia đình;
- Thực hiện việc kiểm tra, giám sát thường xuyên và đánh giá định kỳ trên cơ sở kế hoạch hoạt động hàng năm.
3. Truyền thông, giáo dục, vận động
- Đẩy mạnh việc cung cấp các nội dung giáo dục đời sống gia đình đồng thời tổ chức các hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình và giáo dục đời sống gia đình vào thời điểm phù hợp đặc biệt là các hình thức truyền thông trực tiếp đến từng đối tượng thành viên gia đình; tập trung ưu tiên đối tượng thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên trong nhà trường, công nhân đang lao động trong các khu công nghiệp, cộng đồng và xã hội;
- Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp trong việc lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình thông qua các hoạt động của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa";
- Tổ chức các hoạt động sinh hoạt theo chuyên đề nội dung giáo dục đời sống gia đình tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh;
- Tổ chức thí điểm việc cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình ở một số địa phương để nhân rộng Chương trình sau năm 2020.
4. Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực
- Tập trung ưu tiên các nguồn lực của nhà nước và xã hội hóa cho công tác giáo dục đời sống gia đình đối với vùng nông thôn, miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số;
- Đẩy mạnh xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho cán bộ, người lao động tham gia, học tập nội dung giáo dục đời sống gia đình.
5. Tăng cường hợp tác quốc tế và nghiên cứu khoa học trong công tác giáo dục đời sống gia đình
Tăng cường và mở rộng hợp tác để trao đổi kinh nghiệm và tranh thủ vận động nguồn lực hỗ trợ thực hiện công tác giáo dục đời sống gia đình. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực nhằm học tập và chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về gia đình.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện chương trình gồm ngân sách nhà nước theo phân cấp và nguồn kinh phí xã hội hóa.
2. Đối với kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước, các huyện, thành phố bố trí trong dự toán được giao hằng năm để thực hiện theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu triển khai thực hiện Kế hoạch trên phạm vi toàn tỉnh;
- Hướng dẫn các Sở, ngành, các huyện, thành phố tổ chức các hoạt động giáo dục đời sống gia đình; lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình trong hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
- In ấn tài liệu hướng dẫn chương trình và nội dung giáo dục đời sống gia đình; tổ chức bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên về kiến thức, kỹ năng trong việc phổ biến, giáo dục đời sống gia đình; hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình trong các buổi sinh hoạt chuyên đề tại các cơ sở giáo dục và đào tạo;
- Tổ chức thí điểm việc cung cấp nội dung giáo dục đời sống gia đình ở một số huyện, thành phố, ưu tiên vùng khó khăn, khu công nghiệp.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố đưa nội dung giáo dục đời sống gia đình vào hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt chuyên đề cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo;
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành liên quan hướng dẫn các hoạt động giáo dục đời sống gia đình tại Trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với các thiết chế văn hóa cơ sở và các tổ chức khuyến học khác để thực hiện Chương trình.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi, người khuyết tật và các đối tượng chính sách xã hội khác tham gia các hoạt động tập huấn và bồi dưỡng về giáo dục đời sống gia đình;
- Hướng dẫn lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình vào chương trình học tập của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh.
4. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh và Công an tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, tổ chức các hình thức truyền thông đa dạng, phong phú về nội dung giáo dục đời sống gia đình; lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình vào các buổi sinh hoạt, sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình tại đơn vị cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang, ưu tiên đối tượng là chiến sỹ mới.
5. Ban Dân tộc tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông và sinh hoạt chuyên đề về nội dung giáo dục đời sống gia đình phù hợp với truyền thống văn hóa của các dân tộc, tôn giáo.
6. Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh: Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức truyền thông về giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn toàn tỉnh.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Giang, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Hội nông dân tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên đoàn Lao động tỉnh và các tổ chức thành viên khác: Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Chương trình; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của các hội viên, công đoàn viên về giáo dục đời sống gia đình; lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình vào các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa“.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương bảo đảm cho việc thực hiện các hoạt động của Chương trình;
- Chỉ đạo việc lồng ghép nội dung sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình tại các cơ sở giáo dục đào tạo và đào tạo, Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm văn hóa; tạo điều kiện để phát triển và duy trì hoạt động của các loại hình Câu lạc bộ về gia đình; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và tuyên truyền viên tuyến quận, huyện, xã, phường, thị trấn về giáo dục đời sống gia đình.
V. THÔNG TIN BÁO CÁO
1. Các Sở, Ban, Ngành, tổ chức Hội, Đoàn thể, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 theo Kế hoạch; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang trước ngày 05 tháng 12 hàng năm.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang có trách nhiệm đôn đốc, tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020 gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước ngày 15 tháng 12 hàng năm.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành, các tổ chức Hội, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố và căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Kế hoạch 270/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020
- 2Kế hoạch 172/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
- 3Kế hoạch 2959/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 1Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 2Quyết định 1028/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Kế hoạch 270/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020
- 4Kế hoạch 172/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
- 5Kế hoạch 2959/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Kế hoạch 198/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình giáo dục đời sống gia đình trên địa bàn đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành
- Số hiệu: 198/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 11/08/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
- Người ký: Trần Đức Quý
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/08/2016
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định