Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1979/KH-UBND

 Bến Tre, ngày 20 tháng 5 năm 2011

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN NGOẠI GIAO VĂN HÓA TỈNH BẾN TRE ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ tình hình thực tế địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Ngoại giao Văn hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2020 như sau:

I. TÌNH HÌNH CHUNG

Ngoại giao văn hóa của địa phương gần như rất hạn chế và còn thụ động:

- Chưa có chương trình giới thiệu văn hóa xứ cù lao ra nước ngoài do chưa chủ động, việc tạo ra các sản phẩm văn hóa đặc trưng, đặc sắc để giới thiệu với nước ngoài còn rất nhiều hạn chế. Các hoạt động giới thiệu văn hóa chỉ ở giới hạn thông qua việc trao đổi thông tin, quà tặng, hoặc khách du lịch nước ngoài đến Bến Tre tham quan di tích lịch sử, tìm hiểu về vùng đất sông nước, thưởng thức nghệ thuật (ca nhạc tài tử) ở các điểm du lịch.

- Hiện nay tỉnh có 32 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại tỉnh Bến Tre, tuy nhiên việc giới thiệu văn hóa địa phương thông qua các loại hình văn hóa, nghệ thuật cho các doanh nhân, người nước ngoài sinh sống ở Bến Tre gần như rất hạn chế.

- Hoạt động biểu diễn nghệ thuật hầu như chưa có đoàn, hoặc nghệ sỹ, nghệ nhân của tỉnh đi biểu diễn, trình diễn một loại hình văn hóa nào. Năm 2009, nhân dịp đoàn ca múa nhạc dân tộc Sola Hàn Quốc đến biểu diễn ở Bến Tre chúng ta có tổ chức một số tiết mục giao lưu nhưng chưa thể hiện được nét đặc trưng của nghệ thuật, văn hóa Bến Tre.

II. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

- Góp phần thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa của Chính phủ nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước con người Việt Nam nói chung, tỉnh Bến Tre nói riêng.

- Chủ động trong việc xây dựng và phát triển văn hóa ngang tầm với tiềm năng và thực lực của tỉnh song song với hợp tác phát triển kinh tế, để khi có điều kiện thuận lợi giới thiệu văn hóa Bến Tre cho bạn bè quốc tế.

- Cán bộ, nhân dân có ý thức trong việc bảo tồn và truyền bá văn hóa Việt Nam, những đặc trưng văn hóa Bến Tre không chỉ giới thiệu khi du khách đến Bến Tre mà còn để khi có điều kiện sẽ giới thiệu cho bạn bè quốc tế biết về văn hóa Bến Tre thông qua các chương trình hợp tác kinh tế - xã hội của tỉnh với các đối tác nước ngoài, các hoạt động giao lưu văn hóa ngoài lãnh thổ Việt Nam.

III. NỘI DUNG

1. Công tác tuyên truyền:

Làm cho cán bộ, đảng viên, các tổ chức kinh tế - xã hội, công dân nhận thức việc ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của chiến lược ngoại giao toàn diện và hiện đại của Việt Nam thông qua việc tuyên truyền nội dung Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, để từ đó có ý thức trong việc học tập, nghiên cứu về văn hóa dân tộc, để khi có điều kiện giới thiệu cho bè bạn quốc tế biết về văn hóa Việt Nam nói chung và những nét văn hóa riêng của tỉnh Bến Tre. Có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc thông qua việc bảo vệ tiếng nói, chữ viết, di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, nghệ thuật truyền thống dân tộc. Nâng cao lòng tự hào dân tộc trong mỗi cá nhân, tổ chức về truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Phát triển Website của Ủy ban nhân dân tỉnh có thêm phần giới thiệu văn hóa địa phương bằng tiếng Anh. Khuyến khích các cơ quan, đơn vị, các hội văn học nghệ thuật xây dựng trang Web để phổ biến văn hóa địa phương, các tác phẩm văn học nghệ thuật, giới thiệu phong tục tập quán, di tích lịch sử, ngành nghề truyền thống...

Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất và người Bến Tre, các danh nhân văn hóa, những nhân vật lịch sử tiêu biểu.

2. Xây dựng và phát triển văn hóa truyền thống:

Giữ gìn và phát huy các văn hóa truyền thống địa phương.

2.1. Di tích lịch sử văn hóa và bảo tàng:

Đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử tương xứng với ý nghĩa lịch sử của các di tích trong đó chú trọng các di tích lịch sử văn hóa như: Phát triển di tích Đồng Khởi gắn với việc xây dựng Làng du kích; di tích đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam với dự án Công viên nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển; căn cứ Khu ủy Sài Gòn - Gia Định; di tích Mộ và Đền thờ nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu; các di tích văn hóa đặc sắc như đình Bình Hoà, đình Phú Lễ, nhà cổ Hương Liêm… để vừa bảo tồn, vừa giới thiệu cho du khách đến Bến Tre.

Đối với các hoạt động bảo tàng tập trung xây dựng các bộ sưu tập văn hóa dân gian để khi có điều kiện trưng bày giao lưu với nước ngoài; đầu tư quy hoạch Bảo tàng tỉnh và trưng bày lại nội dung tạo nét mới và tiên tiến trong hoạt động bảo tàng. Xem đây là điểm đến và là nơi cung cấp nguồn tư liệu lịch sử quan trọng khi khách nước ngoài muốn tìm hiểu về lịch sử vùng đất và con người Bến Tre.

2.2. Dân ca, ca nhạc tài tử:

Bến Tre có nhiều làn điệu dân ca đặc sắc, phong trào sưu tầm và hát dân ca được chú trọng và tổ chức thường xuyên. Đã xuất bản sách dân ca Bến Tre và phổ biến nhiều làn điệu dân ca trong phạm vi toàn quốc. Khuyến khích các trường dạy hát dân ca cho học sinh mầm non và tiểu học để bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, phát huy truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ, để làm cơ sở phát huy tinh thần dân tộc. Giới thiệu những làn điệu dân ca khi các em tham gia các hoạt động mang tính quốc tế hoặc đi du học ở nước ngoài.

Ca nhạc tài tử là sản phẩm văn hóa phi vật thể được giới thiệu nhiều cho khách nước ngoài khi đến Bến Tre. Tổ chức các cuộc liên hoan ca nhạc tài tử theo định kỳ nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật, qua đó phát hiện những tài năng mới để có chính sách đào tạo bồi dưỡng.

2.3. Cải lương:

Đầu tư cho Đoàn cải lương Bến Tre để bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống mang tính đặc trưng Nam bộ. Đầu tư để nâng cao chất lượng nghệ thuật, đội ngũ diễn viên phục vụ cho nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân trong tỉnh và có khả năng biểu diễn phục vụ khách nước ngoài cho công tác đối ngoại của tỉnh.

2.4. Lễ hội:

Từng bước nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội như lễ hội truyền thống văn hóa 1/7 (kỷ niệm ngày sinh nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu); lễ hội truyền thống cách mạng 17/01 (kỷ niệm ngày Bến Tre Đồng Khởi) để tác động đến niềm tự hào về quê hương xứ dừa và giới thiệu cho bè bạn gần xa truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng của người dân Bến Tre. Quan tâm và tập trung đầu tư cho lễ hội Dừa tổ chức hai năm một lần với quy mô ngày càng được nâng cao về tầm vóc và chất lượng, mở rộng đối tượng khách mời không chỉ trong phạm vi tỉnh, các tỉnh bạn trong nước mà còn mời gọi một số nước lân cận có trồng, chế biến và kinh doanh dừa để qua đó vừa giới thiệu hình ảnh vùng đất Bến Tre, đồng thời tác động đến sự phát triển ngành dừa Bến Tre một cách bền vững.

Đầu tư cho văn hóa truyền thống làm cơ sở cho việc phát triển ngoại giao văn hóa.

Tăng cường đầu tư trên lĩnh vực văn hóa, đào tạo nguồn nhân lực để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

3. Khai thác và phát huy các thế mạnh của tỉnh về du lịch sinh thái, sông nước, làng nghề truyền thống:

Tập trung khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái nhất là những vùng chưa bị tác động nhiều bởi các hoạt động công nghiệp và ô nhiễm môi trường. Khai thác và phát huy tính đặc sắc, độc đáo của các làng nghề để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của tỉnh, thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Bến Tre.

4. Đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa, đối ngoại:

Nâng cao kiến thức về ngoại giao văn hóa cho cán bộ làm công tác văn hóa, ngoại vụ của tỉnh. Cử cán bộ tham gia các lớp về ngoại giao nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng, kiến thức về tổ chức sự kiện văn hóa có yếu tố nước ngoài tại địa phương. Hàng năm, có chương trình đưa cán bộ đi tham quan và học tập ở nước ngoài.

Tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa giữa học sinh, sinh viên, thanh niên của tỉnh với các nước trong khu vực và quốc tế.

5. Đấu tranh chống lại văn hóa không lành mạnh của nước ngoài:

Tăng cường hợp tác nghiên cứu học tập và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những sản phẩm văn hóa không lành mạnh xâm nhập vào địa phương; kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá đất nước, con người Việt Nam.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch cụ thể và dành một phần ngân sách cho hoạt động ngoại giao văn hóa.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các kế hoạch ngắn hạn và trung hạn nhằm thực hiện các nội dung nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, sản phẩm văn hóa phục vụ cho công tác đối ngoại văn hóa của tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân về việc giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc, truyền bá văn hóa dân tộc trong các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế.

Các sở ngành, đoàn thể tỉnh lồng ghép nội dung văn hóa đối ngoại vào chương trình hoạt động hàng năm của đơn vị./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Nghĩa

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1979/KH-UBND năm 2011 thực hiện Ngoại giao văn hóa tỉnh Bến Tre đến năm 2020

  • Số hiệu: 1979/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 20/05/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Trương Văn Nghĩa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/05/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản