Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1967/KH-UBND

Hải Dương, ngày 30 tháng 5 năm 2024

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ DINH DƯỠNG VÀ TRIỂN KHAI HOẠT ĐỘNG CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẾN NĂM 2025

I. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính về việc Quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 1294/QĐ-BYT ngày 19/5/2022 của Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025; Quyết định số 3452/QĐ-BYT ngày 06/09/2023 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện nội dung cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025;

Quyết định số 1858/QĐ-BYT ngày 06/7/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Quyết định số 4505/QĐ-BYT ngày 14/12/2023 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn nội dung chi cho các hoạt động về y tế dự phòng, y tế cơ sở thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025;

Kế hoạch số 3071/KH-UBND ngày 26/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025;

Kế hoạch số 1290/KH-UBND ngày 11/5/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 61/TTr-SYT ngày 23/5/2024 về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2025; Kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, cụ thể như sau:

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 của Bộ Y tế và các dự án liên quan hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (sau đây viết tắt là Chương trình GNBV), Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (sau đây viết tắt là Chương trình NTM) trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) 100% các huyện, thị xã, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng; triển khai hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình GNBV và Chương trình NTM, đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó, can thiệp dinh dưỡng trong các tình huống khẩn cấp.

b) Phấn đấu 100% các cơ sở khám chữa bệnh thành lập khoa hoặc bộ phận dinh dưỡng phù hợp với quy mô giường bệnh; 75% bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý cho người bệnh; 50% cán bộ làm công tác dinh dưỡng trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu, năng lực triển khai hoạt động dinh dưỡng; 75% cán bộ tuyến tỉnh, tuyến huyện và 50% cán bộ tuyến xã phụ trách công tác dinh dưỡng được đào tạo, cấp chứng chỉ theo quy định.

c) 50% Trạm Y tế triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe.

d) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi xuống dưới 12%, thể gầy còm xuống dưới 2%.

e) Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em từ 5-18 tuổi xuống ≤ 18,5%. f) Tỷ lệ trẻ có cân nặng sơ sinh dưới 2500 gram ≤ 2,5%; tỷ lệ trẻ được bú mẹ trong vòng 1 giờ đầu sau sinh đạt ≥ 75%; tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ đạt ≥ 50%.

g) Giảm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở mức dưới 5%; trẻ từ 5-18 tuổi dưới mức 24%; người trưởng thành từ 19-64 tuổi ở mức dưới 20%.

h) Giảm lượng muối tiêu thụ trung bình của người dân trong độ tuổi từ 15-49 tuổi xuống dưới 8 gam/ngày.

i) Duy trì tỷ lệ phụ nữ có thai được uống bổ sung viên sắt trong thời kỳ mang thai đạt trên 80%; tỷ lệ thiếu kẽm huyết thanh ở trẻ em từ 6-59 tháng tuổi xuống giảm xuống dưới 50%; > 90% hộ gia đình sử dụng muối Iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hoặc gia vị mặn có Iốt hằng ngày.

III. NỘI DUNG VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và thực thi chính sách

- Đẩy mạnh việc lồng ghép; đánh giá kết quả, hiệu quả; kịp thời điều chỉnh, bổ sung giải pháp, nguồn ngân sách triển khai các Chương trình, dự án, đề án tại địa phương liên quan đến hoạt động dinh dưỡng như Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; Chương trình sức khỏe học đường nhằm nâng cao tầm vóc người Việt Nam; hoạt động cải thiện dinh dưỡng trong Chương trình GNBV, Chương trình NTM; sức khỏe học đường; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam; nuôi con bằng sữa mẹ; Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025; Kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2022-2025...Trong đó chú trọng kết hợp với các biện pháp bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo.

- Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả trong việc chỉ đạo triển khai Kế hoạch này tại địa phương. Chú trọng triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi, nhẹ cân, đồng thời kiểm soát tỷ lệ thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường và người trưởng thành. Đưa một số chỉ tiêu dinh dưỡng gắn với chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương bao gồm: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em 0 tháng tuổi 5 tuổi, từ 5 -18 tuổi (trong đó đặc biệt chú ý đến các đối tượng thuộc hộ nghèo và cận nghèo); khống chế thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường, giảm tỷ lệ thiếu năng lượng trường diễn ở các nhóm đối tượng.

- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá tình hình tuân thủ các quy định của Nghị định số 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2021 của Chính phủ quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ; Nghị định số 09/2016/NĐ-CP ngày 28/01/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất vào thực phẩm; Thông tư số 18/2020/TT-BYT ngày 12/11/2020 của Bộ Y tế quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện (sau đây viết tắt là Thông tư số 18/2023/TT-BYT). Kịp thời phát hiện, xử lý hoặc tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công tác dinh dưỡng (nếu có).

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu về dinh dưỡng tại các cơ sở giáo dục và cơ sở y tế. Đẩy mạnh việc giám sát việc thực hiện các chính sách, chế độ liên quan đến công tác dinh dưỡng, như: thực hiện chế độ thai sản, tăng cường vi chất và thực phẩm, nuôi con bằng sữa mẹ, phòng ngừa suy dinh dưỡng cấp tính,… Tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát các quy định về sản xuất và kinh doanh thực phẩm, sản phẩm dinh dưỡng đúng quy định.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, xã hội hóa công tác dinh dưỡng; huy động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng chung tay triển khai hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của các Kế hoạch liên quan đến dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng cộng cộng; khuyến khích các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp tham gia thông qua hỗ trợ, tài trợ đảm bảo nguồn dinh dưỡng bằng cách đa dạng hóa thực phẩm sẵn có tại địa phương.

- Tiếp tục rà soát, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với thực tế tại địa phương; kịp thời bổ sung chế độ, chính sách hỗ trợ cho bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi, người lao động trực tiếp ở các ngành nghề đặc thù bị suy dinh dưỡng, đặc biệt là nhóm thuộc các đối tượng chính sách xã hội và đối tượng tác động của Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng dẫn của Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, đánh giá hoặc triển khai một số mô hình điểm về truyền thông thay đổi hành vi ở cộng đồng, bệnh viện, trường học và trên một số nhóm đối tượng ưu tiên để đảm bảo xây dựng mục tiêu, giải pháp, kế hoạch hành động phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

2. Triển khai các hoạt động truyền thông và vận động hiệu quả

- Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông, nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp về đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước thông qua việc triển khai tổ chức các Hội nghị, hội thảo, các buổi tổng kết đánh giá kết quả, hiệu quả của việc triển khai các Chương trình, dự án can thiệp dinh dưỡng trên địa bàn tỉnh.

- Tùy vào tình hình thực tế tại địa phương, lựa chọn nội dung truyền thông theo chuyên đề cho hiệu quả, phù hợp, đặc biệt chú trọng nhóm đối tượng phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú, bà mẹ đang nuôi con dưới 24 tháng tuổi, bà mẹ có con bị suy dinh dưỡng, người trưởng thành có các yếu tố nguy cơ cao mắc các bệnh liên quan đến dinh dưỡng. Trong đó xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai các chiến dịch truyền thông vào các ngày, như: Ngày Vi chất dinh dưỡng (01/6 và 01/12), Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (01-07/8), Tuần lễ Dinh dưỡng và Phát triển (16-23/10) hoặc tham gia hưởng ứng các chiến dịch truyền thông nhân các ngày, như: Ngày béo phì Thế giới (04/3), Ngày Sức khỏe thế giới (07/4), Ngày Thế giới phòng chống tăng huyết áp (17/5), Ngày đái tháo đường Thế giới (14/11), Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10),…

- Đa dạng hóa các loại hình, phương thức, nội dung truyền thông phù hợp với nhóm đối tượng. Chú ý xây dựng các chương trình giáo dục sức khỏe trên kênh phát thanh truyền hình địa phương và các chương trình truyền thông trực tiếp kết hợp khai thác có hiệu quả nội dung truyền thông về: Nuôi dưỡng trẻ nhỏ, dinh dưỡng lứa tuổi học đường, dinh dưỡng phòng chống bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng trong tình trạng khẩn cấp, dịch bệnh; cách đọc và hiểu về nhãn dinh dưỡng trên nền tảng internet, mạng xã hội: tiktok, instagram, zalo…

- Tổ chức phổ biến Tháp dinh dưỡng hợp lý đến các cơ quan, đơn vị đặc biệt đến các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng truyền thông, giáo dục, tư vấn về thực hành dinh dưỡng theo vòng đời: Hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, nuôi con bú, bữa ăn sam cho trẻ nhỏ; nuôi con bằng sữa mẹ,…Tăng cường phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để hình thành lối sống, thói quen lành mạnh về dinh dưỡng hợp lý.

- Xây dựng các nền tảng triển khai các hoạt động truyền thông, thực hành dinh dưỡng lồng ghép với các can thiệp định hướng dinh dưỡng bao gồm sinh kế bảo đảm dinh dưỡng và nước sạch vệ sinh môi trường như Câu lạc bộ dinh dưỡng, nhóm phát triển cộng đồng. Xây dựng và triển khai các mô hình can thiệp dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời phù hợp với thực tế của địa phương dựa theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng và các tổ chức quốc tế.

- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động xã hội để nhận biết về ghi nhãn dinh dưỡng; về sử dụng thực phẩm lành mạnh, góp phần tăng cường sức khỏe cộng đồng và giảm thiểu tác hại cho môi trường; các thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; giảm tiêu thụ đường tự do, muối, transfat; về quy định tiếp thị các sản phẩm dinh dưỡng.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Đảm bảo tuyển đúng, tuyển đủ vị trí việc làm người làm công tác chuyên môn về dinh dưỡng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn tại điểm b khoản 4 Điều 41 Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là Nghị định số 96/2023/NĐ-CP).

- Kiện toàn, củng cố và phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng thuộc lĩnh vực dự phòng, bao gồm cả mạng lưới cán bộ chuyên trách tuyến tỉnh, tuyến huyện và nhân viên y tế thôn, đội. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành các chương trình hoạt động dinh dưỡng cho cán bộ ở các cấp và các sở, ngành liên quan. Trong đó chú trọng củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại cộng đồng, dinh dưỡng lâm sàng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc tham mưu, ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là các ưu đãi, hỗ trợ trong đào tạo cho người làm công tác dinh dưỡng tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội.

- Tăng cường tập huấn, đào tạo, cập nhật kiến thức, cấp chứng chỉ về dinh dưỡng cơ sở, dinh dưỡng cộng đồng; khám tư vấn dinh dưỡng; dinh dưỡng và bệnh không lây nhiễm; dinh dưỡng điều trị,…cho cán bộ trực tiếp tham gia chương trình. Tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn về chăm sóc dinh dưỡng cho các đối tượng ưu tiên như phụ nữ mang thai, trẻ em và người cao tuổi để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh tật.

- Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị, các sở ngành liên quan triển khai đánh giá nhu cầu đào tạo, xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo, tập huấn cấp chứng chỉ để đảm bảo chuẩn năng lực cho cán bộ làm công tác dinh dưỡng tại các ngành liên quan như: dinh dưỡng học đường, dinh dưỡng ngành nghề,…

4. Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động can thiệp dinh dưỡng

4.1. Đảm bảo triển khai hoạt động dinh dưỡng tại các cơ sở y tế

- Xây dựng, chuẩn hóa, phổ biến quy trình, hướng dẫn kỹ thuật các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu. Tiếp tục thực hiện việc đánh giá hoạt động dinh dưỡng tại cơ sở khám chữa bệnh trong tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.

- Rà soát cơ sở vật chất, quy mô giường bệnh và điều kiện của các cơ sở khám bệnh chữa bệnh để triển khai công tác dinh dưỡng bệnh viện đảm bảo theo đúng quy định. Tham mưu xây dựng và ban hành Đề án, Dự án, Kế hoạch xây mới, cải tạo, sửa chữa các căng tin, khu chế biến dinh dưỡng phù hợp với mô hình tổ chức của từng bệnh viện, hạn chế thấp nhất tình trạng người bệnh, người nhà người bệnh tự đảm bảo dinh dưỡng trong thời gian nằm viện. Tổ chức tham quan, học tập hoạt động dinh dưỡng ở các bệnh viện tuyến Trung ương để triển khai mô hình khoa dinh dưỡng điểm ở ít nhất một bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện, sau đó đánh giá, rút kinh nghiệm và áp dụng triển khai toàn tỉnh. Nâng cao năng lực xét nghiệm liên quan đến dinh dưỡng và thực phẩm, phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng.

- Xây dựng các công cụ hỗ trợ tư vấn dinh dưỡng, ứng dụng các kết quả nghiên cứu chuyên sâu về dinh dưỡng điều trị và dự phòng cho người bệnh, người cao tuổi tại các cơ sở y tế (ưu tiên nhóm đối tượng bị suy dinh dưỡng, đái tháo đường, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì).

- Quản lý và điều trị suy dinh dưỡng cấp tính nặng ở trẻ em dưới 6 tuổi; Phòng chống thiếu vi chất cho trẻ em và phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ theo phác đồ của Bộ Y tế; Quản lý các bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng và dinh dưỡng cho người cao tuổi.

- Các cơ sở y tế thực hiện cung ứng các dịch vụ tư vấn, phục hồi dinh dưỡng, phối hợp với ngành giáo dục thực hiện mô hình can thiệp phòng chống thừa cân béo phì, dự phòng bệnh mạn tính không lây ở trẻ em lứa tuổi học đường. Tăng cường triển khai can thiệp dinh dưỡng hợp lý cho người trưởng thành, người cao tuổi, dinh dưỡng trong các ngành nghề.

- Tăng cường quảng bá, hướng dẫn sử dụng phần mềm "Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7-60 tháng tuổi" ban hành theo Quyết định số 4976/QĐ-BYT ngày 30/11/2020 của Bộ Y tế (sau đây viết tắt là Quyết định số 4876/QĐ-BYT) tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng trên các kênh truyền thông để người dân tiếp cận, xây dựng thực đơn theo đúng hướng dẫn.

- Tiếp tục quan tâm, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn. Tổ chức đào tạo, tập huấn, phổ biến chuyên môn kỹ thuật về dinh dưỡng cho nhân viên y tế tại các Trạm Y tế để đảm bảo triển khai tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, bà mẹ có con dưới 2 tuổi trong gói dịch vụ cơ bản phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe.

- Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong việc triển khai các hoạt động dinh dưỡng tại cơ sở khám chữa bệnh và cộng đồng, trong đó chú trọng triển khai đánh giá biến động tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, học sinh và các giải pháp can thiệp; nghiên cứu các mô hình và ứng dụng mô hình phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em, dinh dưỡng tối ưu 1.000 ngày đầu đời; nghiên cứu về thực trạng và can thiệp cải thiện tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng; nghiên cứu và ứng dụng mô hình phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng có nguy cơ; nghiên cứu các giải pháp phòng chống thừa cân, béo phì, rối loạn chuyển hóa và yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng trên các nhóm đối tượng; nghiên cứu giải pháp can thiệp về chế độ ăn, hoạt động thể lực, sản phẩm giàu hoạt tính sinh học hỗ trợ kiểm soát các yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm.

- Triển khai việc triệt để việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành các hoạt động phòng, chống dinh dưỡng, trong đó chú trọng việc theo dõi có hệ thống cân nặng của trẻ nhỏ, học sinh và các nhóm đối tượng chịu tác động chính của chương trình để đảm bảo cảnh báo, phòng ngừa sớm, phát hiện và xử kịp thời các nguy cơ liên quan đến tình trạng dinh dưỡng.

4.2. Lồng ghép triển khai các chương trình, dự án dinh dưỡng tại cộng đồng

- Đẩy mạnh việc triển khai các can thiệp dinh dưỡng thiết yếu tại cộng đồng, như: Sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng của trẻ em từ 0-18 tuổi thông qua việc tổ chức điều tra 30 cụm tại các địa phương; Tư vấn dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý, dinh dưỡng dự phòng thừa cân béo phì, dinh dưỡng phòng bệnh không lây nhiễm.

- Tăng cường hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thuộc đối tượng tác động chủ yếu theo quy định của Chương trình GNBV và Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng việc hỗ trợ can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi; Can thiệp trực tiếp cho trẻ em từ 5- dưới 16 tuổi cải thiện bữa ăn học đường, theo dõi tình trạng dinh dưỡng định kỳ và tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng, giáo dục cho trẻ về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực.

- Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Kế hoạch của UBND tỉnh, như: Chương trình chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời (chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục bú mẹ cho trẻ em dưới 2 tuổi)[1]; Chương trình sữa học đường[2]. Triển khai xây dựng, thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án và mô hình can thiệp dinh dưỡng thiết yếu như: theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ em thông qua hoạt động điều tra 30 cụm để đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi tại cộng đồng; duy trì hoạt động cân đo cho trẻ dưới 05 tuổi, đồng thời triển khai mở rộng hoạt động cân đo cho trẻ 05-16 tuổi; quản lý và điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, triển khai hoạt động bổ sung Vitamin A cho trẻ trong độ tuổi, bổ sung viên sắt cho phụ nữ có thai trong thời kỳ mang thai; bảo đảm nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

- Tổ chức các can thiệp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và các cơ sở y tế thông qua các buổi hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, truyền thông nhóm nhỏ, câu lạc bộ dinh dưỡng và các loại hình khác để phổ biến về khuyến nghị dinh dưỡng, tháp dinh dưỡng, lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, thực đơn, khẩu phần, chế độ dinh dưỡng và hoạt động thể lực phù hợp cho mọi đối tượng.

- Khuyến khích sản xuất, sử dụng các sản phẩm thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng trên địa bàn. Nâng cao năng lực giám sát thực thi các quy định về thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tại các cơ sở sản xuất, chế biến, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.

4.3 Thực hiện hoạt động dinh dưỡng học đường tại trường học

- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục dinh dưỡng học đường, giáo dục thể chất và hoạt động thể thao, lồng ghép trong các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa và triển khai các mô hình truyền thông phù hợp về dinh dưỡng và vận động thể chất hợp lý trong trường học.

- Tổ chức truyền thông cho giáo viên, cha mẹ học sinh và cả học sinh về dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi, theo tình trạng dinh dưỡng, các thực phẩm có lợi và an toàn cho sức khỏe trong phòng, chống bệnh không lây nhiễm bên cạnh tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh. Đặc biệt quan tâm đến dinh dưỡng cho lứa tuổi tiền dậy thì và dậy thì.

- Xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết giữa nhà trường, cơ sở y tế và gia đình trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh; thông tin cho phụ huynh về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, học sinh trong trường học.

- Triển khai chương trình bữa ăn học đường và giáo dục dinh dưỡng tại các trường học. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn bán trú. Tổ chức kết hợp gia đình và nhà trường trong bảo đảm dinh dưỡng và vận động thể lực hợp lý. Đảm bảo việc triển khai các quy định về môi trường dinh dưỡng lành mạnh tại trường học bao gồm cả hạn chế tiếp thị các sản phẩm thực phẩm và nước uống không có lợi cho sức khỏe tại trường học và các khu vực lân cận các trường học.

4.4. Đảm bảo công tác theo dõi, giám sát, đánh giá và đáp ứng kịp thời với các tình huống dinh dưỡng khẩn cấp

- Triển khai áp dụng bộ chỉ tiêu giám sát, đánh giá các lĩnh vực dinh dưỡng đặc thù: dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; bệnh không lây nhiễm và các yếu tố nguy cơ; vi chất; dinh dưỡng học đường và ngành nghề; dinh dưỡng tiết chế; dinh dưỡng cho người cao tuổi; dinh dưỡng khẩn cấp nhằm phục vụ cho các cuộc điều tra định kỳ và điều tra chuyên biệt theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Thường xuyên tổ chức cân, đo đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi và học sinh từ 5-16 tuổi theo định kỳ. Thực hiện giám sát, báo cáo số liệu tình trạng dinh dưỡng trẻ em 0-16 tuổi theo quy định tại Chương trình GNBV giai đoạn 2021-2025.

- Tổ chức triển khai điều tra đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em thông qua điều tra định kỳ hằng năm, trong đó chú trọng triển khai thực hiện điều tra 30 cụm tại các tỉnh, thành phố định kỳ hằng năm; đánh giá nhanh tại các địa phương khi có tình trạng khẩn cấp về dinh dưỡng trong năm.

- Bố trí cán bộ, tham gia các cuộc điều tra đánh giá tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng quốc gia cũng như các cuộc điều tra chuyên môn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng chính sách, chương trình can thiệp dinh dưỡng phù hợp theo đề xuất của Bộ Y tế.

- Đảm bảo công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát liên ngành hoạt động các tuyến; giám sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng học đường cho các cấp học; giám sát đánh giá tình trạng dinh dưỡng người lao động; đánh giá tỷ lệ thiếu kẽm huyết thanh ở trẻ em từ 6-59 tháng tuổi; giám sát tỷ lệ hộ gia đình sử dụng muối Iốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh hoặc gia vị mặn có Iốt hằng ngày; giám sát thu thập số liệu quan trắc điểm về dinh dưỡng tại những khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai.

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức diễn tập nâng cao khả năng ứng phó với các tình tình huống dinh dưỡng khẩn cấp cho cán bộ các cấp và các ban, ngành liên quan, trong đó chú trọng quan tâm đảm bảo lương thực, thực phẩm khi xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; đảm bảo lương thực, thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm với các tình huống xảy ra thiên tai, thảm họa. Thiết lập hệ thống giám sát, cảnh báo sớm mất an ninh thực phẩm để có kế hoạch đáp ứng kịp thời trong tình trạng khẩn cấp như: biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh.

IV. KINH PHÍ

Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp hiện hành; huy động nguồn xã hội hóa, nguồn tài trợ, viện trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định hiện hành

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan hướng dẫn tổ chức triển khai Kế hoạch đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tổ chức sơ kết, tổng kết kết quả triển khai thực hiện theo từng Chương trình, dự án, kế hoạch, báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định hiện hành.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp thực trạng, nhu cầu đầu tư, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách để đảm bảo thực hiện được hoạt động dinh dưỡng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến tỉnh xuống đến tuyến huyện, tuyến xã theo đúng quy định. Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh bố trí nguồn nhân lực có đủ năng lực, trình độ chuyên môn để triển khai hoạt động dinh dưỡng tiết chế, dinh dưỡng trong phòng và điều trị các bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đúng quy định tại Nghị định số 96/2023/NĐ-CP, Thông tư số 18/2020/TT-BYT và Quyết định số 4876/QĐ-BYT.

- Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho một cơ quan, đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc; phối hợp với các sở, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn các địa phương triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật. Hàng năm, căn cứ các nhiệm vụ được giao chỉ đạo xây dựng và phê duyệt kế hoạch, dự toán kinh phí triển khai các hoạt động chuyên môn thuộc lĩnh vực quản lý; đồng thời tổng hợp kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí tổ chức thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

- Chỉ đạo xây dựng nội dung thông tin, truyền thông về các hoạt động triển khai và kết quả thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh và chủ động cung cấp cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các cơ quan báo chí để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền đảm bảo hiệu quả.

- Chỉ đạo, ban hành các hướng dẫn chi tiết về chuyên môn, kỹ thuật; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng đến năm 2025 của Bộ Y tế, hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc các Kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2026-2030 lồng ghép với việc triển khai các kế hoạch khác liên quan đến hoạt động cải thiện dinh dưỡng theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan.

- Duy trì, đẩy mạnh các các biện pháp triển khai nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục bú mẹ cho trẻ em dưới 2 tuổi); theo dõi tăng trưởng và phát triển của trẻ em; quản lý và điều trị cho trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính; phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em; bảo đảm nước sạch, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường; phòng chống thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học đường và người trưởng thành dự phòng bệnh mạn tính không lây; đẩy mạnh triển khai công tác dinh dưỡng tiết chế trong các bệnh viện.

- Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị; các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội và các ban, ngành, đoàn thể, địa phương để cập nhật, nâng cao nhận thức, thực hành đảm bảo triển khai các hoạt động vận động, tuyên truyền và can thiệp dinh dưỡng tại cộng đồng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Chủ động thực hiện hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục, các địa phương triển khai công tác giám sát, điều tra về tình trạng dinh dưỡng của các đối tượng theo quy định của chương trình; kịp thời đưa ra các cảnh báo, khuyến nghị, giải pháp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại cộng đồng phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Tiếp tục triển khai các kế hoạch liên quan đến hoạt động dinh dưỡng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định hiện hành.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục dinh dưỡng, tăng cường giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong các hoạt động giáo dục, hướng dẫn thực hành về dinh dưỡng và hoạt động thể lực phù hợp với trẻ em, học sinh.

- Chủ trì, phối hợp với ngành y tế tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát các hoạt động về dinh dưỡng hợp lý, quản lý căng tin các cơ sở giáo dục; xây dựng bữa ăn học đường theo thực đơn khuyến cáo phù hợp, an toàn thực phẩm; đánh giá tình trạng dinh dưỡng của học sinh; phòng chống thừa cân, béo phì; bổ sung vi chất dinh dưỡng; tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh; ban hành các quy định về quảng cáo và kinh doanh thuốc lá và đồ uống có cồn, đồ uống có đường và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong các cơ sở giáo dục; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp bày, bán các sản phẩm vi phạm an toàn thực phẩm hoặc các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe cho trẻ nhỏ và học sinh trong khuôn viên hoặc các khu vực lân cận cơ sở giáo dục.

- Tiếp tục triển khai các hoạt động dinh dưỡng hợp lý cho học sinh trong Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025; đảm bảo dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học viên, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng các bệnh, như: bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2019-2025.

- Chủ trì, phối hợp với ngành y tế nghiên cứu triển khai mô hình điểm phòng chống thừa cân, béo phì trong trường học, tổ chức đánh giá và nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh. Phối hợp, liên kết giữa nhà trường và gia đình trong chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em, học sinh; thông tin cho phụ huynh về tình trạng dinh dưỡng của trẻ em, học sinh trong trường học.

3. Sở Tài chính

Căn cứ theo quy định hiện hành, khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và kế hoạch hoạt động hàng năm, phối hợp với Sở Y tế thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để đảm bảo an ninh, an toàn lương thực, thực phẩm; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản an toàn, giàu dinh dưỡng và bổ sung vi chất dinh dưỡng; tuyên truyền, phổ biến các kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, phát triển mô hình nông sản sạch, an toàn.

- Phối hợp với các Sở, ngành tiếp tục triển khai chương trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng của người dân; phối hợp với Sở Y tế theo dõi, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện, kịp thời điều chỉnh các giải pháp để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Chủ động phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền và chỉ đạo việc thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người lao động, nhất là lao động nữ, lao động nữ đang mang thai, đang nuôi con nhỏ, người lao động tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Tổ chức chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ dinh dưỡng tại các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp; xử lý hoặc đề xuất các biện pháp xử lý với cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

- Phối hợp với các sở, ngành có liên quan đề xuất và hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội theo đúng quy định của pháp luật. Tổng hợp báo cáo kết quả của ngành y tế về việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của hoạt động cải thiện dinh dưỡng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025.

6. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh

Tổ chức chỉ đạo triển khai đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình cung ứng, chế biến, bảo quản thực phẩm và cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người lao động; chủ động phối hợp với ngành y tế địa phương và các sở, ngành có liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các vụ ngộ độc thực phẩm hoặc các vi phạm trong quá trình cung ứng, chế biến, bảo quản thực phẩm và cung cấp xuất ăn cho người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

7. Sở Công thương

Phối hợp với Sở Y tế triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm thực phẩm tăng cường bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm lành mạnh theo quy định của pháp luật.

8. Sở Khoa học và Công nghệ

Khuyến khích và tạo điều kiện triển khai thực hiện các nghiên cứu khoa học cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học về dinh dưỡng. Phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn đăng ký, bố trí kinh phí, tổ chức nghiệm thu các nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh về dinh dưỡng, thực phẩm, an ninh lương thực.

9. Sở Thông tin và Truyền thông

Phối hợp Sở Y tế và các sở, ngành đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh tích cực thông tin, tuyên truyền kiến thức về dinh dưỡng hợp lý cho người dân, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực và trí tuệ của người dân.

10. Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch

Lồng ghép nội dung tuyên truyền dinh dưỡng hợp lý vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các hoạt động cổ động tuyên truyền trực quan, tổ chức các hội thi, phong trào thể dục, thể thao, văn hóa quần chúng liên quan tới hoạt động thể lực và dinh dưỡng hợp lý

11. Các sở, ban, ngành khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tham gia phối hợp tổ chức triển khai kế hoạch, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý phù hợp lứa tuổi. Vận động, khuyến khích đoàn viên, hội viên và cộng đồng thực hiện tốt bữa ăn gia đình góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng người dân nhất là đối với phụ nữ có thai, phụ nữ trong tuổi sinh đẻ, kết hợp tăng cường hoạt động thể lực phòng chống thừa cân, béo phì và các bệnh mạn tính không lây.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp vào tình hình thực tế tại địa phương. Đưa mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Thực hiện lồng ghép Kế hoạch với các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình giảm nghèo bền vững nhằm cải thiện dinh dưỡng cho cộng đồng, nâng cao tầm vóc, thể chất người dân trên địa bàn.

- Chủ động bố trí các nguồn lực để triển khai các hoạt động thực hiện kế hoạch nhằm giải quyết các vấn đề suy dinh dưỡng trẻ em, dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời, phòng chống thừa cân béo phì, dinh dưỡng trong phòng chống bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng đối người lao động tại các khu công nghiệp, với các nhóm có nguy cơ cao. Huy động nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo nhân lực cho hoạt động về dinh dưỡng trên địa bàn.

- Chỉ đạo các xã, phường triển khai có hiệu quả các hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại cộng đồng. Đẩy mạnh hoạt động giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm của các cửa hàng kinh doanh ăn uống gần trường học, quản lý, giám sát chặt chẽ các quán bán đồ ăn vỉa hè ngoài cổng các trường học.

- Phối hợp với các sở, ngành, giám sát, đôn đốc, kiểm tra và thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.

Trên đây là Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế; (để b/c)
- Thường trực Tỉnh ủy; (để b/c)
- Thường trực HĐND tỉnh; (để b/c)
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Các cơ sở y tế trong tỉnh (do SYT chuyển gửi);
- Lưu: VT, KGVX(01), P(5).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Hùng

 

 



[1] Theo Kế hoạch số 1371/KH-UBND ngày 27/4/2020 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình “Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời nhằm phòng chống suy dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em, nâng cao tầm vóc người Việt Nam” tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

[2] Kế hoạch số 1275/KH-UBND ngày 23/6/2020 của UBND tỉnh về thực hiện chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1967/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng và triển khai hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Hải Dương đến năm 2025

  • Số hiệu: 1967/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 30/05/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Nguyễn Minh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản