Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 188/KH-UBND

Hà Tĩnh, ngày 09 tháng 6 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 16/CT-TTG NGÀY 04/5/2017 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC TIẾP CẬN CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ 4 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (sau đây gọi là Chỉ thị); Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các cơ hội và thách thức.

2. Tăng cường sự chủ động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện và phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng lần thứ 4 theo Chỉ thị đề ra.

3. Xác định các nội dung trọng tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận cho các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm chủ động tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

4. Cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường khởi nghiệp sáng tạo và thị trường khoa học công nghệ của tỉnh nhằm chủ động tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

II. CÁC NHIỆM VỤ CHỦ YẾU

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền về nội dung, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; những lợi thế và các tác động của cuộc Cách mạng đến đời sống kinh tế - xã hội và môi trường sản xuất, kinh doanh.

- Thường xuyên cập nhật xu hướng phát triển công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phục vụ công tác tuyên truyền và định hướng đầu tư cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Điều tra, khảo sát nắm bắt tình hình phát triển khoa học công nghệ ở cơ sở và các doanh nghiệp để có định hướng đầu tư hiệu quả.

2. Xác định công nghệ thông tin và hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông là trọng tâm phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

- Tập trung thúc đẩy phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông.

- Tích cực triển khai một số nội dung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin theo Quyết định số 391/QĐ-UBND ngày 17/02/2011, Quyết định số 714/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 của UBND tỉnh; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Hà Tĩnh.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nhà nước, cải cách hành chính và quản trị kinh doanh; theo dõi, kiểm tra, đánh giá, xếp loại mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai có hiệu quả kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hà Tĩnh phiên bản 1.0 (đã được phê duyệt tại Quyết định số 420/QĐ-UBND ngày 02/2/2017 của UBND tỉnh); Đẩy nhanh việc triển khai phần mềm một cửa gắn với dịch vụ công trực tuyến dùng chung đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố và một số xã, phường, thị trấn.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động của đời sống và sản xuất kinh doanh để nâng cao năng lực tiếp cận với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

3. Hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp và thị trường khoa học công nghệ

- Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp thu và phát triển các công nghệ sản xuất mới.

- Tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và phát triển thị trường khoa học công nghệ cho các doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 18/2016/NQ-HĐND ngày 24/9/2016 về Phát triển thị trường khoa học công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 141/2015/NQ-HĐND ngày 17/7/2015 về Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020; Quyết định số 1740/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2016-2020.

- Tiếp tục tham mưu các chính sách đổi mới cơ chế đầu tư, tài trợ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là cơ chế tài chính về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

4. Ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới

- Đẩy mạnh việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ, tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, phát triển mạnh ngành công nghiệp sinh học trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm cạnh tranh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng.

- Áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, năng lượng tái tạo; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện Đề án nâng cao năng suất, chất lượng, đề án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Xây dựng những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực: công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới.

5. Đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực

- Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin. Thực hiện nghiêm Quyết định số 99/QĐ-TTg ngày 14/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020".

- Tiếp tục tham mưu các chính sách về đào tạo nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì tham mưu phát triển hạ tầng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, phát triển, kinh doanh công nghệ mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công nghệ thông tin - truyền thông, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng.

- Định hướng phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông; Chú trọng phát triển nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là nhân lực về an toàn, an ninh thông tin.

- Theo chức năng nhiệm vụ, có giải pháp để các cơ quan thông tin báo chí trên địa bàn thực hiện công tác truyền thông nhằm giúp cho các tổ chức và người dân, có nhận thức đúng về của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tập trung thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Phối hợp các Sở, ngành, địa phương triển khai có kết quả Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 18/5/2016; Đề án Phát triển thị trường khoa học công nghệ và doanh nghiệp khoa học công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020 và những năm tiếp theo, Đề án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015-2020 và các giải pháp phát triển công nghệ sinh học tỉnh Hà Tĩnh.

- Ưu tiên các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới.

- Chủ trì kết nối các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia; xây dựng kế hoạch và các nhiệm vụ KHCN trọng tâm để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, tham mưu xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Hà Tĩnh

- Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo khoa học kỹ thuật trong các cơ sở giáo dục; tăng cường giáo dục và tạo môi trường để học sinh, sinh viên có những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

- Tiếp tục nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy tại trường Đại học Hà Tĩnh.

5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chỉ đạo các trường đào tạo nghề theo hướng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tổ chức đào tạo các ngành nghề liên quan đến những tiến bộ công nghệ của Cách mạng công nghiệp thứ 4 nhằm thuận lợi cho việc tiếp thu, làm chủ và khai thác vận hành hiệu quả công nghệ.

- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách, giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tới cơ cấu thị trường lao động, an sinh xã hội của tỉnh.

6. Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh

Chủ trì, tham mưu, triển khai các hoạt động sáng tạo trong cộng đồng thanh, thiếu niên. Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ, triển khai Chương trình thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.

7. Sở Tài chính

- Phối hợp tham mưu các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các hoạt động đổi mới công nghệ, nghiên cứu phát triển và đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các công nghệ tiên tiến khác

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ và các đơn vị liên quan tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí triển khai các nội dung mới mang tính đột phá, đặc thù nhằm nâng cao năng lực tiếp cận của Cách mạng công nghiệp thứ 4.

8. Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và Xúc tiến đầu tư

Chủ trì tổ chức các hoạt động quảng bá, kêu gọi để thu hút các dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; lĩnh vực năng lượng, vật liệu mới.

9. Các tổ chức liên quan khác

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tham mưu, bố trí kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch đảm bảo hiệu quả.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, đơn vị có văn bản gửi về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp, tham mưu đề xuất phương án giải quyết, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- TTr. Tỉnh ủy, TTr. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP, các PVP UBND tỉnh;
- Các phòng chuyên môn VP UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm Công báo - Tin học;
- Lưu: VT, KT1.
- Gửi:
+ VB giấy: TP không nhận VBĐT;
+ VB điện tử: Các TP còn lại

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Quốc Vinh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 188/KH-UBND năm 2017 thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh Hà tĩnh

  • Số hiệu: 188/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/06/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Đặng Quốc Vinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản