Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THANH TRA CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1871/KH-TTCP | Hà Nội, ngày 27 tháng 07 năm 2017 |
TỔNG KẾT 3 NĂM THỰC HIỆN LUẬT TIẾP CÔNG DÂN
Luật tiếp công dân đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2013 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2014. Để đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập của Luật tiếp công dân, theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ xây dựng Kế hoạch tổng kết 3 năm thực hiện Luật tiếp công dân như sau:
1. Mục đích
a) Đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn 3 năm thực hiện Luật tiếp công dân, qua đó xác định những kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong tổ chức thi hành Luật tiếp công dân.
b) Đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật tiếp công dân và những văn bản pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân (nếu cần thiết).
2. Yêu cầu
a) Việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng Bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm.
b) Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức.
II. PHẠM VI, NỘI DUNG TỔNG KẾT
1. Phạm vi tổng kết
Tổng kết, đánh giá các quy định của Luật tiếp công dân và thực tiễn 3 năm thực hiện kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 đến ngày 01 tháng 7 năm 2017 trong phạm vi cả nước.
2. Nội dung tổng kết
Tổng kết thực hiện Luật tiếp công dân tập trung vào các nội dung cơ bản sau:
- Tình hình triển khai thực hiện Luật (công tác chỉ đạo của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai; ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành, việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định...);
- Tình hình công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và kết quả xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh từ khi Luật tiếp công dân có hiệu lực thi hành.
- Đánh giá tình hình, kết quả của hoạt động tiếp công dân và những thuận lợi, hạn chế khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Luật tiếp công dân:
+ Về quyền, nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trách nhiệm của người tiếp công dân.
+ Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và hiệu quả hoạt động của Ban tiếp công dân các cấp.
+ Trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân; trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân thường xuyên.
+ Hoạt động tiếp công dân trong trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.
+ Hoạt động phân loại và xử lý khiếu nại, to cáo, kiến nghị, phản ánh trong quá trình tiếp công dân.
+ Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân.
- Đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật tiếp công dân.
1. Đối với Bộ, ngành Trung ương
Các Bộ, cơ ngang ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiến hành tổng kết đánh giá việc thực hiện Luật tiếp công dân theo Đề cương tổng kết và các biểu số liệu kèm theo Kế hoạch này. Xây dựng Báo cáo tổng kết theo Đề cương gửi về Thanh tra Chính phủ (hoàn thành trước ngày 15/10/2017).
2. Đối với Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước
- Đề nghị Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật tiếp công dân trong phạm vi các cơ quan của Quốc hội; xây dựng Báo cáo tổng kết theo Đề cương và các biểu số liệu kèm theo Kế hoạch này và gửi về Thanh tra Chính phủ (trước ngày 15/10/2017).
- Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật tiếp công dân trong phạm vi ngành mình; xây dựng Báo cáo tổng kết theo Đề cương và các biểu số liệu kèm theo Kế hoạch này và gửi về Thanh tra Chính phủ (trước ngày 15/10/2017).
3. Đối với địa phương
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tiến hành tổng kết đánh giá 3 năm thi hành Luật tiếp công dân trên địa bàn quản lý của mình; hướng dẫn các sở, ngành và cấp huyện tổng kết việc thực hiện Luật tiếp công dân. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể tổ chức hội nghị tổng kết việc thực hiện Luật tiếp công dân trên địa bàn.
- Xây dựng Báo cáo tổng kết 3 năm thực hiện Luật theo Đề cương tổng kết và các biểu số liệu kèm theo Kế hoạch này gửi về Thanh tra Chính phủ (trước ngày 15/10/2017).
4. Đối với Thanh tra Chính phủ
Thanh tra Chính phủ là cơ quan chủ trì tiến hành việc tổng kết, có trách nhiệm hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết. Trên cơ sở Báo cáo của các bộ ngành, địa phương gửi về, Thanh tra Chính phủ xây dựng Báo cáo tổng kết trình Thủ tướng Chính phủ và tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết 3 năm thi hành Luật tiếp công dân. Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu các cục, vụ, đơn vị thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Vụ Pháp chế có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các vụ, cục, đơn vị có liên quan thuộc Thanh tra Chính phủ triển khai thực hiện Kế hoạch này;
- Xây dựng đề cương báo cáo tổng kết, công văn hướng dẫn bộ, ngành, địa phương và các cục, vụ, đơn vị có liên quan thuộc Thanh tra Chính phủ để tiến hành tổng kết việc thực hiện Luật tiếp công dân;
- Tham mưu giúp Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn, đôn đốc bộ, ngành, địa phương tổng kết thực hiện Luật tiếp công dân;
- Tổng hợp các Báo cáo tổng kết của bộ, ngành, địa phương và các cục, vụ, đơn vị có liên quan thuộc Thanh tra Chính phủ; xây dựng Báo cáo tổng kết 3 năm việc thực hiện Luật tiếp công dân và trình Tổng Thanh tra Chính phủ ký, ban hành gửi Thủ tướng Chính phủ.
b) Ban tiếp công dân Trung ương có trách nhiệm xây dựng Báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương; gửi Báo cáo về Vụ Pháp chế (trước ngày 15/10/2017).
c) Trung tâm Thông tin có trách nhiệm đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Thanh tra Chính phủ các nội dung, tài liệu liên quan đến việc tổng kết Luật tiếp công dân để phục vụ cho việc tổng kết được kịp thời, đạt hiệu quả.
d) Văn phòng chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế tham mưu với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ triển khai Hội nghị tổng kết thực hiện Luật tiếp công dân trong phạm vi toàn quốc, tổ chức tại Hà Nội trong tháng 12 năm 2017 (thành phần tham dự là đại diện các Bộ, ngành, địa phương).
1. Kinh phí thực hiện tổng kết Luật tiếp công dân của các Bộ, ngành, địa phương được bảo đảm từ ngân sách của Bộ, ngành, địa phương.
2. Kinh phí tổ chức thực hiện tổng kết Luật tiếp công dân đối với các hoạt động thuộc trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ lấy từ nguồn ngân sách nhà nước.
3. Vụ Pháp chế phối hợp với Văn phòng Thanh tra Chính phủ xây dựng dự trù kinh phí cho việc tổng kết 3 năm thực hiện Luật tiếp công dân./.
| TỔNG THANH TRA |
(Kỳ báo cáo: từ ngày 01/7/2014 đến 01/7/2017)
I. VIỆC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT TIẾP CÔNG DÂN
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện Luật tiếp công dân.
2. Việc ban hành các văn bản để tổ chức triển khai Luật tiếp công dân.
3. Hoạt động quán triệt Luật tiếp công dân cho cán bộ, công chức, viên chức; tuyên truyền, phổ biến đối với các tầng lớp nhân dân.
4. Việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.
II. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG TIẾP CÔNG DÂN TỪ 01/7/2014 ĐẾN 01/7/2017
1. Bối cảnh và tình hình chung về công tác tiếp công dân của địa phương từ ngày 01/7/2014 đến 01/7/2017.
2. Thống kê và phân loại khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo nội dung, tính chất vụ việc và theo thẩm quyền giải quyết:
- Theo nội dung, tính chất vụ việc: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đông người, phức tạp.
- Theo thẩm quyền giải quyết: khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước; Hội đồng nhân dân các cấp; Đảng bộ các cấp; Đoàn đại biểu Quôc hội cấp tỉnh.
3. Tổng hợp và phân tích kết quả xử lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh: chuyển cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; hướng dẫn cho công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; thụ lý để giải quyết theo thẩm quyền.
III. ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA LUẬT TIẾP CÔNG DÂN
Nêu thực trạng công tác tiếp công dân và đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Luật tiếp công dân qua các nội dung sau:
1. Quyền, nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trách nhiệm của người tiếp công dân
a) Thực trạng thực hiện các quy định về:
- Quyền, nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
- Trách nhiệm của cán bộ tiếp công dân.
b) Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các quy định trên.
2. Tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, Trụ sở tiếp công dân cấp huyện, việc tiếp công dân ở cấp xã
a) Thực trạng thực hiện các quy định về:
- Việc thành lập Ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện (cơ cấu, số lượng, trình độ công chức được bố trí tại Ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay).
- Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện.
- Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng ban tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện.
- Việc tiếp công dân của đại diện các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.
- Mối quan hệ phối hợp giữa Ban tiếp công dân cấp tỉnh với các cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh; với Thanh tra tỉnh, với các cơ quan, tổ chức khác của tỉnh, với Ban tiếp công dân Trung ương.
- Việc xây dựng Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh, cấp huyện. Điều kiện làm việc, trang thiết bị tại Trụ sở tiếp công dân.
- Việc tiếp công dân ở cấp xã; trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong công tác tiếp công dân.
b) Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các quy định trên.
3. Tiếp công dân tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị
a) Thực trạng thực hiện các quy định về:
- Việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất của Chủ tịch UBND các cấp và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trong việc tiếp công dân; việc trả lời các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh khi tiếp công dân.
- Việc kiểm tra, đôn đốc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và người đứng đầu các cơ quan trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân.
- Việc bố trí công chức làm công tác tiếp công dân tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tại UBND cấp xã.
- Việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội, của Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương.
- Việc bố trí địa điểm tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Hoạt động tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, cá nhân: công bố thông tin về việc tiếp công dân; việc tiếp nhận và xử lý bước đầu khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc phân loại và chuyển đơn; trách nhiệm thông báo cho Ban tiếp công dân, người tiếp công dân về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được chuyển đến; việc thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
b) Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các quy định trên.
4. Việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung
a) Thực trạng thực hiện các quy định về:
- Số lượng đoàn đông người đến Trụ sở, địa điểm tiếp công dân tại địa phương.
- Việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung tại nơi tiếp công dân.
- Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và sự phối hợp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
b) Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các quy định trên.
5. Điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân
a) Thực trạng thực hiện các quy định về:
- Các điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân (kinh phí, trang thiết bị, việc áp dụng công nghệ thông tin...).
- Chế độ, chính sách đối với cán bộ tiếp công dân.
b) Đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong việc thực hiện các quy định trên.
6. Việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật tiếp công dân
- Tình hình vi phạm pháp luật của công dân khi đến Trụ sở, địa điểm tiếp công dân.
- Việc xử lý đối với những hành vi vi phạm đó.
- Sự phối hợp của cơ quan Công an trong việc xử lý hành vi vi phạm.
- Đánh giá những thuận lợi, khó khăn.
1. Về các quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trách nhiệm của người tiếp công dân.
2. Về tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; việc tiếp công dân tại cấp xã.
- Về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Ban tiếp công dân, Trưởng Ban tiếp công dân.
- Về mối quan hệ, sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân.
- Việc xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân.
- Về việc tiếp công dân tại cấp xã.
3. Về hoạt động tiếp công dân tại các Cơ quan, tổ chức, đơn vị
- Về trách nhiệm tiếp công dân định kỳ, đột xuất; trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc hoạt động tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Việc bố trí công chức làm công tác tiếp công dân.
- Việc tiếp nhận, xử lý đơn tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
4. Về trách nhiệm tiếp và xử lý trường hợp nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung.
5. Về điều kiện đảm bảo cho hoạt động tiếp công dân
- Về kinh phí, trang thiết bị tại Trụ sở, địa điểm tiếp công dân.
- Về chế độ bồi dưỡng, trang phục... đối với cán bộ tiếp công dân;
- Về việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ tiếp công dân.
6. Việc xử lý đối với các hành vi vi phạm
7. Các vấn đề khác.
Lưu ý:
Báo cáo tổng kết thực hiện Luật tiếp công dân và các biểu số liệu thống kê đề nghị gửi về Thanh tra Chính phủ trước ngày 15/10/2017, kèm theo bản mềm về địa chỉ email phamphuongttcp@gmail.com.
- 1Quyết định 2988/QĐ-BTC năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW; Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP; Kế hoạch 2343/KH-TTCP do Bộ Tài chính ban hành
- 2Kế hoạch 2343/KH-TTCP năm 2014 thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 3Công văn 2826/TTCP-BTCDTW năm 2014 thực hiện Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 4Công văn 2240/TTCP-PC năm 2020 về trả lời phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy định của Luật tiếp công dân, Luật tố cáo do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 1Luật tiếp công dân 2013
- 2Quyết định 2988/QĐ-BTC năm 2014 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW; Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP; Kế hoạch 2343/KH-TTCP do Bộ Tài chính ban hành
- 3Kế hoạch 2343/KH-TTCP năm 2014 thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân, Nghị định 64/2014/NĐ-CP do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 4Công văn 2826/TTCP-BTCDTW năm 2014 thực hiện Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành do Thanh tra Chính phủ ban hành
- 5Công văn 2240/TTCP-PC năm 2020 về trả lời phản ánh, kiến nghị liên quan đến quy định của Luật tiếp công dân, Luật tố cáo do Thanh tra Chính phủ ban hành
Kế hoạch 1871/KH-TTCP năm 2017 về tổng kết 03 năm thực hiện Luật Tiếp công dân do Thanh tra Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 1871/KH-TTCP
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 27/07/2017
- Nơi ban hành: Thanh tra Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Sáu
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra