Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 183/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 18 tháng 10 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỢI THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Thực hiện Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Chương trình Quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Mục đích
- Cụ thể hoá các quan điểm, mục tiêu, nội dung và giải pháp chủ yếu của Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030, tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024 của Thủ tướng chính phủ, phù hợp với quy hoạch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và điều kiện thực tế của tỉnh bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
- Cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học, phục hồi những thủy sản bản địa, tăng trữ lượng nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên.
- Từng bước bổ sung vào hệ sinh thái thủy sản của tỉnh những loài thủy sản đặc hữu, có giá trị kinh tế cao[1], từng bước xây dựng thương hiệu ẩm thực địa phương.
- Tạo sự đồng thuận, nhất trí của các cấp, ngành, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
2. Yêu cầu
- Triển khai nghiêm túc, có chất lượng nhằm nâng cao công tác quản lý, điều hành và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện kế hoạch đề ra.
- Các sở, ngành, địa phương xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; xây dựng các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm trong việc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Bảo đảm kế thừa, tích hợp với các Chương trình, Kế hoạch, Đề án hiện có nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo đảm sự thống nhất trong chỉ đạo; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững; chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (gọi tắt là IUU); nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.
2. Mục tiêu cụ thể
- Thực hiện điều tra, đánh giá đa dạng sinh học, nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh; điều tra nghề cá thương phẩm hằng năm trên vùng biển Ninh Bình.
- Xác định các khu vực được quản lý, bảo vệ, quy hoạch thành các bãi đẻ của các loài thủy sản, để lựa chọn các đối tượng thả phù hợp cho sinh sản tự nhiên làm tăng quần đàn trong khu vực[2].
- 100% các hệ thống sông chính được điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của loài thủy sản.
- Sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công và lập hồ sơ giám sát, đánh giá một số loài đặc sản, đặc hữu của tỉnh.
- Tổ chức hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên được duy trì hàng năm.
- Thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch sinh thái.
- Cập nhật hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vào cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản phục vụ công tác quản lý.
III. NỘI DUNG
1. Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản, môi trường sống loài thủy sản
- Thực hiện điều tra, nguồn lợi thủy sản, môi trường sống loài thủy sản tại vùng lộng và vùng biển ven bờ của tỉnh theo định kỳ 5 năm/lần.
- Hàng năm tổ chức Kiểm tra, đánh giá kết quả tại các bãi đẻ, đề xuất đối tượng, chủng loại, kích cỡ, số lượng thả cho năm tiếp theo.
- Hàng năm, điều tra đánh giá nghề cá thương phẩm.
- Phối hợp triểu khai, thực hiện điều tra tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản đến năm 2030 theo Quyết định số 523/QĐ- TTg ngày 27 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
- Cập nhật cơ sở dữ liệu thành phần về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; cập nhật thông tin, công bố kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản.
2. Bảo tồn thủy sản khu vực đất ngập nước
- Thực hiện công tác bảo tồn, tái tạo các loài thủy sản bản địa nguy cấp quý hiếm; đối tượng thủy sản chính cần bảo vệ (cá trèo đồi/cá trầu tiến vua, cá ngạnh; cá bống bớp, cá mòi cờ hoa, tôm he). Nhằm bổ sung, phục hồi nguồn lợi thủy sản bản địa, quý hiếm, có giá trị kinh tế trong các vùng đất ngập nước tự nhiên (đất ngập nước nội địa bao gồm sông, suối có nước thường xuyên, hồ tự nhiên; đất ngập nước ven biển Kim Sơn bao gồm vùng biển ven bờ, bãi triều, vùng nước cửa sông, rừng ngập mặn).
- Xây dựng chính sách chuyển đổi nghề, tạo sinh kế cho cộng đồng dân cư sống quanh khu vực đất ngập nước.
- Thực hiện quan trắc, thu thập thông tin, số liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường nước trong các vùng đất ngập nước.
- Đánh giá hiệu quả lập hồ sơ đánh giá, giám sát, quản lý và bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm trên các vùng đất ngập nước.
3. Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn (vùng ven biển huyện Kim Sơn).
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện một số biện pháp bảo vệ các đối tượng thủy sản chính cần bảo vệ tại các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển cửa sông đáy và khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở thủy vực vùng nội địa sông Hoàng Long (cá chày mắt đỏ, cá bò vàng, cá trầu tiến vua, cá bống bớp, cá mòi cờ hoa, tôm he).
- Kiểm soát hoạt động khai thác, gây nuôi, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
4. Tái tạo, phát triển nguồn lợi thủy sản và phục hồi môi trường sống của loài thủy sản
- Hàng năm thả giống bổ sung một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế, bản địa vào vùng nước tự nhiên để phục hồi và cân bằng sinh thái, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Sinh sản nhân tạo, ương nuôi, thả tái tạo một số loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, bản địa, đặc hữu, loài thủy sản có giá trị kinh tế; tăng cường quản lý các khu vực, loài thủy sản được tái tạo, phục hồi để bảo đảm hiệu quả.
- Thả bổ sung vào các bãi đẻ một số loài thủy sản quý hiếm, đặc hữu, đặc sản để làm tăng tính đa dạng, từng bước làm tăng số lượng, quần đàn trong tự nhiên.
- Sinh sản nhân tạo các loài cá truyền thống và các loài cá bản địa để thả vào nguồn nước tự nhiên.
- Phục hồi và bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, đặc biệt là các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, nơi cư trú và đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản.
5. Cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Rà soát, tổ chức lại các hình thức tổ đội sản xuất trên biển theo hướng khai thác gắn với quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản; hỗ trợ cơ quan chức năng giám sát, thông báo các hành vi khai thác gây hại đến nguồn lợi thủy sản.
- Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển ven bờ, phù hợp với nhu cầu của người dân theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn; đảm bảo sinh kế bền vững và an sinh xã hội.
- Tổ chức đối thoại, hợp tác giữa cấp quản lý với các bên liên quan như: các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội... đặc biệt là cộng đồng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
6. Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản
- Điều chỉnh, cơ cấu lại các nghề khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản theo hướng không phát triển và giảm dần một số loại nghề khai thác không thân thiện với nguồn lợi và môi trường, có tính chọn lọc thấp, khai thác thủy sản còn non ở vùng biển ven bờ và vùng nội địa.
- Thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tập trung tại các khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn. Tăng cường xử lý hoạt động sử dụng xung điện, chất độc, nghề, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt, khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định, khai thác, vận chuyển, mua bán tiêu thụ các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
- Tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên biển và vùng nội địa.
- Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nâng cao năng lực tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phát hiện xử lý vi phạm pháp luật cho lực lượng kiểm ngư.
IV. PHẠM VI THỰC HIỆN
Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
V. CÁC NHIỆM VỤ, CHƯƠNG TRÌNH ƯU TIÊN
1. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Xác định vùng và đối tượng quý hiếm, đặc sản, bản địa để thả làm tăng tính đa dạng sinh học, từng bước xây dựng thương hiệu ẩm thực địa phương.
3. Phối hợp với các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở sản xuất giống để sản xuất các loài thủy sản đặc sản, bản địa để thả vào nguồn nước tự nhiên.
4. Phục hồi, tái tạo, thả bổ sung nguồn lợi thủy sản tại một số lưu vực sông và các cửa sông, rừng ngập mặn, khu vực đất ngập nước vùng biển ven bờ Kim Sơn.
5. Điều tra nghề cá thương phẩm; điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống loài thủy sản vùng nội đồng, vùng biển ven bờ và vùng lộng.
6. Xây dựng mô hình quản lý nguồn lợi thủy sản có sự tham gia của cộng đồng.
7. Triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái.
8. Quan trắc, thu thập thông tin, số liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường nước trong các vùng đất ngập nước tự nhiên.
(Chi tiết có phụ lục kèm theo)
VI. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN
- Từ nguồn ngân sách nhà nước cấp hàng năm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên (vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, sự nghiệp khoa học...) theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành; Nguồn vốn lồng ghép trong các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đầu tư công giai đoạn 2026- 2030, dự án khác;
- Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức Quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; nguồn tài chính khác theo quy định của Pháp luật.
VII. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Về cơ chế, chính sách
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ trong việc chuyển đổi sinh kế cho cộng đồng ngư dân, đặc biệt là ngư dân chủ yếu sống dựa vào khai thác nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ.
2. Công tác tuyên truyền
- Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Hội đồng Liên minh châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
- Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; ý nghĩa của công tác bảo tồn biển; trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm.
- Đa dạng hóa các phương thức truyền thông, lựa chọn các phương thức truyền thông phù hợp với văn hóa, tập quán, điều kiện của địa phương, xác định đúng trọng tâm truyền thông và đối tượng truyền thông để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông; tập trung truyền thông trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vào các dịp thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân ngày truyền thống ngành thủy sản Việt Nam (ngày 01 tháng 4), ngày môi trường thế giới (ngày 05 tháng 6), ngày đại dương thế giới (ngày 08 tháng 6), ngày Quốc tế đa dạng sinh học (ngày 22 tháng 5), Lễ hội vu lan (ngày 15 tháng 7 âm lịch), ngày 23 tháng chạp; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện tháng hành động quốc gia về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Phối hợp các cơ quan truyền thông đại chúng vận động, tuyên truyền sâu rộng, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là có sự hiểu biết đúng về loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; chống khai thác IUU; chủ động, tự giác tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Vận động ngư dân cam kết tuân thủ quy định pháp luật về khai thác và bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản; chủ cơ sở chế biến, kinh doanh thủy sản cam kết không nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; tổ chức cộng đồng tham gia đấu tranh, tố giác hành vi vi phạm pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Lồng ghép nội dung giáo dục về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vào chương trình giảng dạy, học tập trong chương trình ngoại khóa ở trường đại học, phổ thông nhằm cung cấp thông tin, kiến thức cơ bản về quản lý, bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản cho các tầng lớp học sinh, sinh viên.
3. Nâng cao năng lực quản lý và phát triển nguồn nhân lực trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản
- Kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, lực lượng Kiểm ngư, thanh tra đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các lực lượng chức năng (thanh tra, kiểm lâm, kiểm ngư, cảnh sát giao thông đường thủy, bộ đội biên phòng, công an địa phương) trong công tác thực thi pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
4. Triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Tuyên truyền, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức giám sát, đánh giá thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định.
- Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với khai thác, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn.
- Hỗ trợ, hướng dẫn cộng đồng khảo sát, đánh giá nguồn lợi thủy sản, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thành lập quỹ cộng đồng; xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng, trang thiết bị thiết yếu cho tổ chức cộng đồng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
5. Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế
- Đề xuất, đặt hàng dự án, đề án nghiên cứu, lựa chọn giống bố mẹ, hoàn thiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật, công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm, thả giống tái tạo một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, loài thủy sản bản địa, đặc hữu, loài nguy cấp, quý, hiếm, bổ sung nguồn giống thủy sản phục vụ công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái thủy sinh.
- Khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và khối tư nhân, thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào công tác phát triển khoa học công nghệ trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, khai thác nguồn lợi thủy sản hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường.
6. Phối hợp trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức hoạt động thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
- Tham quan, học tập, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý các khu bảo tồn, về điều tra, nghiên cứu nguồn lợi với các tỉnh.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Xây dựng và tổng hợp kinh phí sự nghiệp để triển khai thực hiện kế hoạch dự toán được giao hằng năm gửi Sở Tài Chính để trình UBND tỉnh.
- Định kỳ hằng năm tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả triển khai Kế hoạch, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh. Kịp thời đề xuất với UBND tỉnh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm tại các thủy vực tự nhiên; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhấn chìm ở biển để hạn chế tối đa tác động, ảnh hưởng xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong hoạt động thủy sản; đặc biệt là việc xử lý chất thải, nước thải, khí thải trong quá trình sản xuất kinh doanh.
3. Sở Tài chính
Căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương Tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí chi thường xuyên để thực hiện Kế hoạch theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, trình UBND tỉnh bố trí vốn từ ngân sách nhà nước đầu tư cho các dự án bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm theo quy định của Luật đầu tư công.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tổ chức phổ biến, tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành.
- Thực hiện lồng ghép các nội dung về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên trong các hoạt động giáo dục theo quy định.
6. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh
- Phối hợp triển khai công tác quản lý hoạt động nghề cá, công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại nguồn lợi, môi trường thủy sản, khai thác bất hợp pháp; phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, quản lý, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn ANCT, TTATXH ở khu vực biên giới biển của tỉnh.
- Tăng cường và duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho ngư dân. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá ra, vào các cửa sông, bãi ngang; chủ động và phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát nghiêm ngặt vùng ven biển, vùng cửa sông và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhất là việc tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản.
7. Công an tỉnh
- Chỉ đạo phòng Cảnh sát Giao thông, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, phòng An ninh kinh tế, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp tuyên truyền, phổ biến các quy định của Pháp luật về khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội biên phòng và Ủy ban nhân dân các huyện tổ chức các đợt tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm về khai thác, bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản; các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi Thủy sản.
8. Đài Phát thanh và truyền hình Ninh Bình, báo Ninh Bình
Phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng và định kỳ hàng tháng phát sóng các phóng sự, đăng các tin bài các ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân; hàng năm, phát động và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về các quy định của Nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, về tác hại của việc khai thác thủy sản bằng phương pháp tận diệt, hủy diệt, vi phạm về bảo vệ nguồn lợi và môi trường thủy sản.
9. Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình
- Thực hiện có hiệu quả kế hoạch 952/KH-SNN-GHPG ngày 09/5/2022 giữa Sở Nông nghiệp và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2022-2025.
- Tuyên truyền cho bà con nhân dân, các Tăng ni, Phật tử những quy định của nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là những quy định về việc không thả phóng sinh các loài thủy sản ngoại lại xâm hại ra môi trường tự nhiên.
- Vận động các Tăng ni, Phật tử tham gia thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trong đợt thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản hàng năm.
10. Ủy ban nhân các huyện, thành phố
- Chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phù hợp với đặc điểm của địa phương, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và giải pháp của Kế hoạch; phối hợp chặt chẽ với các ngành thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, phối hợp triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
- Hàng năm báo cáo kết quả tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/11 để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
11. Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, thực hiện đầy đủ và có hiệu quả các nội dung của kế hoạch.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, ngành chức năng có liên quan, đôn đốc, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn và triển khai thực hiện tốt nội dung kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
PHỤ LỤC
CÁC NHIỆM VỤ, CHƯƠNG TRÌNH ƯU TIÊN
(Kèm theo Kế hoạch số: 183/KH-UBND ngày 18/10/2024 của UBND tỉnh Ninh Bình)
STT | Nội dung | Cơ quan chủ trì | Cơ quan phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan | Thường xuyên |
2 | Xác định vùng và đối tượng quý hiếm, đặc sản, bản địa để thả làm tăng tính đa dạng sinh học, từng bước xây dựng thương hiệu ẩm thực địa phương. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan | Thường xuyên |
3 | Phối hợp với các cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở sản xuất giống để sản xuất các loài thuỷ sản đặc sản, bản địa để thả vào nguồn nước tự nhiên. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan | Thường xuyên |
4 | Phục hồi, tái tạo, thả bổ sung nguồn lợi thủy sản tại một số lưu vực sông và các cửa sông, rừng ngập mặn, khu vực đất ngập nước vùng biển ven bờ Kim Sơn. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện, thành phố và các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan | Thường xuyên |
5 | Điều tra nghề cá thương phẩm; điều tra đánh giá nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống loài thủy sản vùng nội đồng, vùng biển ven bờ và vùng lộng. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các viện nghiên cứu và tổ chức liên quan | 2024 - 2030 |
6 | Xây dựng mô hình quản lý nguồn lợi thuỷ sản có sự tham gia của cộng đồng. | UBND huyện Kim Sơn | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | 2024 - 2030 |
7 | Triển khai thực hiện kế hoạch chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND huyện Kim Sơn và các đơn vị liên quan | 2024 - 2030 |
8 | Quan trắc, thu thập thông tin, số liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản, chất lượng môi trường nước trong các vùng đất ngập nước tự nhiên. | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Tài nguyên và Môi trường. | UBND huyện Kim Sơn, các Trung tâm, Viện nghiên cứu, các đơn vị liên quan | Thường xuyên |
[1] một số đối tượng thủy sản đặc sản như cá rầm xanh, anh vũ, lăng chấm, bỗng, chiến, chạch sông, ngạnh, bò vàng, chày mắt đỏ….
[2] Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long; khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc Bích Động; một số khu vực trên sông Hoàng Long, sông Vạc và một số Hồ lớn trên địa bàn tỉnh; rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn.
- 1Luật Thủy sản 2017
- 2Luật Đầu tư công 2019
- 3Quyết định 523/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 76/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Kế hoạch 183/KH-UBND năm 2024 bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Số hiệu: 183/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 18/10/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Trần Song Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra