Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1823/KH-BYT

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP

Để triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Ngày 24/9/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1450/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Xác định các nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, kết quả đầu ra và trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các đơn vị thuộc Bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan trong việc tổ chức triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả trong phạm vi lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế. Đồng thời, thể hiện vai trò quản lý nhà nước của Bộ Y tế về lĩnh vực giám định được phân công đối với UBND và Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Yêu cầu

a) Xác định các nội dung công việc triển khai thi hành Luật một cách cụ thể, rõ ràng, đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp bảo đảm chất lượng, tiết kiệm và tiến độ hoàn thành công việc.

b) Bảo đảm sự phối hợp thường xuyên, hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và các đơn vị thực hiện trong việc triển khai thi hành Luật; kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

II. NỘI DUNG

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và việc thi hành Luật bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ người làm giám định, quản lý công tác giám định tư pháp và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

a) Bộ Y tế

- Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế

- Đơn vị phối hợp: Các Vụ, Cục, các tổ chức giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần trực thuộc Bộ.

b) Sở Y tế

- Phối hợp cùng Sở Tư pháp trong tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung và việc thi hành Luật bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ người làm giám định pháp y, quản lý công tác giám định pháp y và các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.

2. Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến giám định pháp y, pháp y tâm thần và các nội dung khác về giám định tư pháp có liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật khác để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật.

- Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp chế

- Đơn vị phối hợp: Các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ trực tiếp thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực do đơn vị mình phụ trách và gửi kết quả rà soát về Vụ Pháp chế trước ngày 30/11/2020.

3. Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp do Bộ Y tế ban hành hoặc trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung (nếu có).

- Đơn vị chủ trì: Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ.

- Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2021.

4. Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Thông tư quy định về trình tự thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp đối với lĩnh vực giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.

- Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức cán bộ

- Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2021.

5. Sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Thông tư quy định về quy trình giám định (trong đó quy định cụ thể thời hạn giám định đối với từng loại việc giám định); ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp theo yêu cầu và đặc thù của từng lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ.

- Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý khám, chữa bệnh

- Thời gian hoàn thành: Năm 2021.

6. Ban hành hướng dẫn về mẫu, thành phần hồ sơ và chế độ lưu trữ hồ sơ giám định từng loại việc giám định.

- Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý khám, chữa bệnh

- Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2021.

7. Sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện giám định tối thiểu cho tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần cho phù hợp với thực tế và bảo đảm hiệu quả đầu tư (nếu có).

- Đơn vị chủ trì: Vụ trang thiết bị và công trình y tế

- Thời gian hoàn thành: Quý I năm 2021.

8. Ban hành hướng dẫn về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện giám định của các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức chuyên môn khi thực hiện giám định ở từng lĩnh vực (nếu có).

- Đơn vị chủ trì: Vụ trang thiết bị và công trình y tế.

- Thời gian hoàn thành: Quý II năm 2021.

9. Củng cố, phát triển đội ngũ cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo hướng gắn với nhu cầu giám định thực tế của hoạt động tố tụng (rà soát, đổi mới quy trình bổ nhiệm, cấp thẻ giám định viên tư pháp và công nhận, đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; rà soát, cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp).

- Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức cán bộ rà soát, củng cố đội ngũ cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo quy định của Luật.

- Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ tháng 01 năm 2021.

10. Làm đầu mối trong việc quản lý chung công tác giám định tư pháp ở từng lĩnh vực giám định (theo Quyết định 3158/QĐ-BYT ngày 24/5/2018 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp)

- Đơn vị chủ trì: Cục Quản lý khám, chữa bệnh.

- Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Vụ Kế hoạch Tài chính và các đơn vị có liên quan.

11. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp và kiến thức pháp lý cho người làm giám định tư pháp; bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về giám định tư pháp cho người tiến hành tố tụng.

a) Rà soát, hoàn thiện nội dung, chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp lý cần thiết trước khi bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần theo quy định tại Thông tư số 06/2019/TT-BYT.

- Đơn vị thực hiện: Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

- Hoàn thành vào tháng 12 năm 2020.

b) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ giám định, kiến thức pháp lý cần thiết và cấp chứng chỉ cho người chuẩn bị được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần; tập huấn, đào tạo lại cho đội ngũ giám định viên pháp y, pháp y tâm thần: hằng năm.

- Đơn vị thực hiện: Viện Pháp y quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa.

- Thời gian hoàn thành: Từ năm 2021 và các năm tiếp theo.

12. Kiểm tra, thanh tra tình hình tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp và thực hiện trách nhiệm về giám định tư pháp của các tổ chức thực hiện giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần trên toàn quốc ít nhất 01 đợt kiểm tra, thanh tra mỗi năm.

- Đơn vị thực hiện: Thanh tra Bộ, Cục Quản lý khám, chữa bệnh.

- Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ và các đơn vị liên quan.

13. Đánh giá công tác giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý, tôn vinh, khen thưởng tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong hoạt động giám định tư pháp.

- Đơn vị thực hiện: Cục Quản lý khám, chữa bệnh.

- Đơn vị phối hợp: Vụ Truyền thông thi đua và khen thưởng và các đơn vị có liên quan.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm thực hiện

a) Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này hoặc lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của đơn vị bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, phù hợp.

b) Cục Quản lý khám, chữa bệnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Kế hoạch theo đúng tiến độ, báo cáo Lãnh đạo Bộ kết quả thực hiện Kế hoạch này.

c) Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này hoặc lồng ghép vào các hoạt động chuyên môn của đơn vị bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả, phù hợp.

2. Kinh phí thực hiện

a) Kinh phí thực hiện Kế hoạch được bố trí từ ngân sách nhà nước trong dự toán chi thường xuyên hàng năm và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

b) Các đơn vị căn cứ Thông tư số 63/2020/TT-BTC ngày 25/6/2020 của Bộ Tài chính về hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp để dự trù kinh phí cho các hoạt động thuộc thẩm quyền.

Các đơn vị được phân công chủ trì thực hiện các nhiệm vụ cụ thể quy định trong Kế hoạch này có trách nhiệm lập dự toán kinh phí bảo đảm việc triển khai thi hành Luật, gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính phê duyệt dự toán ngân sách hàng năm theo quy định của pháp luật.

Đối với các hoạt động trong Kế hoạch được triển khai trong năm 2020, các đơn vị được phân công thực hiện có trách nhiệm dự toán bổ sung (nếu kịp thời gian và thời hạn) và sắp xếp, bố trí trong nguồn ngân sách năm 2020 để tổ chức thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn (để chỉ đạo);
- Bộ Tư pháp (để phối hợp);
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ (để thực hiện);
- Viện PYQG, Viện PYTTTW, Viện PYTTTWBH (để thực hiện);
- Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Lưu: VT, PC(02).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thanh Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1823/KH-BYT năm 2020 về triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp sửa đổi do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 1823/KH-BYT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 24/11/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Thanh Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản