Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 182/KH-UBND

Bạc Liêu, ngày 08 tháng 11 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI TỈNH BẠC LIÊU GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

Căn cứ Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải

Tỉnh Bạc Liêu thuộc vùng đồng bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2.669km². Có bờ biển dài 56km từ xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu đến thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải; có 3 cửa sông chính chảy ra biển, thuận tiện cho khai thác đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề chế biến thủy, hải sản dẫn đến lượng nước thải nhiều trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, đời sống, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển nên lượng phế phẩm như rác thải được thu gom về các khu vực đốt rác tập trung; lượng khí thải các khu vực đốt rác từ các bệnh viện, trung tâm y tế và từ các công ty trong khu công nghiệp có lượng khí thải lớn,... nếu bị tác động từ thiên nhiên như mưa, bão dài ngày dễ gây nguy ngập ứ, nguy cơ tràn, vỡ các hồ chứa tràn ra bên ngoài gây ô nhiễm môi trường, sinh thái và đời sống dân cư xung quanh. Đồng thời, trong những năm qua, nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện. Số lượng các khu, cụm công nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tăng nhanh chóng, quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, tình trạng chất thải ngày càng gia tăng.

2. Tính chất, quy mô đặc điểm của các cơ sở trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 51 cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo quy định tại Phụ lục II, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó:

- Cơ sở thuộc loại hình chế biến thủy, hải sản: 37 cơ sở.

- Cơ sở thuộc loại hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt: 05 cơ sở.

- Cơ sở thuộc loại hình chăn nuôi gia súc quy mô công nghiệp: 04 cơ sở.

- Cơ sở thuộc loại hình sản xuất phân bón: 02 cơ sở.

- Cơ sở thuộc loại hình sản xuất sợi: 01 cơ sở.

- Cơ sở thuộc loại hình sản xuất bia, nước giải khát có gas: 01 cơ sở.

- Cơ sở thuộc loại hình sản xuất nhựa gia dụng các loại; Hạt keo nhựa tái chế; thu mua và bán phế liệu: 01 cơ sở.

Ngoài ra còn có chất thải là dung dịch rửa, tráng phim X-quang có chứa kim loại nặng độc hại và nhiễm phóng xạ từ các cơ sở chụp X-quang. Do đó nguy cơ rò rỉ, tràn đổ gây ô nhiễm môi trường bên ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống con người và hoạt động kinh doanh, sản xuất.

3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó chất thải cấp tỉnh

a) Lực lượng, phương tiện chuyên trách (chưa có)

b) Lực lượng, phương tiện kiêm nhiệm

Lực lượng kiêm nhiệm của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Ban Chỉ huy Quân sự, Công an, các Đồn Biên phòng (nếu có) của các huyện, thị xã, thành phố; xã, phường, thị trấn; lực lượng của các Sở, Ban, Ngành cùng lực lượng địa phương nơi xảy ra sự cố.

Ngoài các trang thiết bị, phương tiện như máy bơm, xe chữa cháy, các xe chuyên dụng và một số trang bị khác hiện có của các cơ quan, địa phương. Căn cứ mức độ của sự cố, UBND tỉnh trưng dụng một số phương tiện trong dân để tham gia khắc phục sự cố. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của từng Sở, Ban, Ngành có liên quan đến ứng phó sự cố chất thải để xác định lực lượng, phương tiện trong kế hoạch của cơ quan mình.

4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao

a) Chất thải rắn

- Khu vực 1: Bãi rác tập trung thành phố Bạc Liêu tại ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi. Công suất 100 tấn/ngày đêm.

- Khu vực 2: Bãi rác tập trung huyện Phước Long (bao gồm lò đốt rác) tại ấp Long Thành, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long. Công suất 22 tấn/ngày đêm.

- Khu vực 3: Bãi rác tập trung huyện Đông Hải (bao gồm lò đốt rác) tại ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải. Công suất 20 tấn/ngày đêm.

b) Chất thải lỏng

- Khu vực 1: Công ty Cổ phần Việt Úc Nhà Mát - Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao (xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu) 17.000 m³/ngày.

- Khu vực 2: Nhà máy CBTS Âu Vững II (Lô A1, đường số 3, Khu Công nghiệp Láng Trâm, ấp Xóm Mới, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai) 11.000 m³/ngày.

c) Chất thải khí

- Khu vực 1: Công ty bao bì cổ phần dầu khí Việt Nam Khu CN Trà Kha (phường 8, thành phố Bạc Liêu) 8.370 m³/giờ.

- Khu vực 2: Công ty TNHH MTV nhựa Tý Liên (Ấp Long Hòa, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) 5.970 m³/giờ.

5. Kết luận

Trên cơ sở lực lượng, phương tiện hiện có, với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các Sở, Ban, Ngành, địa phương, chủ cơ sở có liên quan và các đơn vị đứng chân trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu có khả năng ứng phó sự cố chất thải có quy mô vừa và nhỏ.

II. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo

Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải;

- Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó;

- Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố;

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải;

- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả

a) Biện pháp phòng ngừa

- Kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đi đôi với kiện toàn lực lượng kiêm nhiệm, thực hiện nhiệm vụ quản lý, phòng ngừa ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.

- Rà soát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu, cụm công nghiệp, nhà máy, làng nghề... vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải. Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố trên địa bàn tỉnh.

- Tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.

- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng tham gia ứng phó.

- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải sát thực tế. Tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng kiêm nhiệm, tổ chức diễn tập, hội thao; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành và cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa chất thải.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các Sở, Ban, Ngành và địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố, thảm họa chất thải.

b) Biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả

- Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn; các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn quản lý.

- Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường (như: Sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn chặn..., không cho chất thải, lỏng phát tán ra môi trường; sử dụng phương tiện chuyên dụng, hệ thống bơm để thu chất thải về bể chứa, hồ chứa...).

- Xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng công nghệ, như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại... ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường (đối với chất thải khí).

4. Tổ chức sử dụng lực lượng

Tổ chức sử dụng lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố, cụ thể:

a) Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động

Văn phòng cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh sau khi tiếp nhận thông tin xảy ra sự cố nhanh chóng báo cáo Trưởng ban, Phó Trưởng ban Chỉ chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh để chỉ đạo và trực ban tác chiến Quân khu.

b) Lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả

- Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn:

+ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh: Sử dụng lực lượng, phương tiện của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố, Trung đoàn 894 và các đơn vị trực thuộc. Khi vượt quá khả năng của đơn vị đề nghị lực lượng chuyên trách của Quân khu 9; lực lượng Trung tâm ứng cứu sự cố hóa chất độc, phóng xạ hạt nhân khu vực miền Nam.

+ Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Sử dụng lực lượng, phương tiện của đơn vị sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có tình huống.

+ Sở Tài nguyên và Môi trường: Lực lượng cụ thể do Sở tự xác định báo cáo và đưa vào kế hoạch của Sở. Khi vượt quá khả năng của đơn vị đề nghị lực lượng chuyên trách của Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ.

+ Sở Khoa học và Công nghệ: Lực lượng cụ thể do Sở tự xác định báo cáo và đưa vào kế hoạch của Sở. Khi vượt quá khả năng của đơn vị, đề nghị Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân; Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ.

+ Sở Công Thương: Lực lượng cụ thể do Sở Công Thương tự xác định báo cáo và đưa vào kế hoạch của Sở. Khi vượt quá khả năng của đơn vị, đề nghị Cục Kỹ Thuật an toàn và Môi trường công nghiệp; Trung tâm y tế môi trường lao động Công Thương và Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất hỗ trợ.

+ Sở Giao Thông vận tải: Lực lượng cụ thể do Sở Giao thông vận tải tự xác định báo cáo và đưa vào kế hoạch của Sở. Khi vượt quá khả năng, đề nghị lực lượng Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam; Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng không Việt Nam hỗ trợ.

+ Sở Y tế: Các Bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố; các đội y tế cơ động...(Giao Sở Y tế xác định lực lượng cụ thể đưa vào kế hoạch của Sở).

+ UBND các huyện, thị xã, thành phố gồm các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Kinh tế hạ tầng, Y tế và các Bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn nơi xảy ra sự cố.

b) Lực lượng ứng phó tại chỗ

Sử dụng lực lượng, tại chỗ: Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện, thị xã, thành phố, Biên phòng (nếu có), các Phòng, Ban, Ngành, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn huy động xe cuốc, sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ bao, đào rãnh ngăn chặn không cho chất thải lỏng chảy ra kênh rạch, khu vực nuôi trồng thủy sản và địa hình xung quanh. Sử dụng phương tiện chuyên dụng, máy bơm chất thải về hồ chứa, thu gom rác thải về khu vực tập trung để xử lý.

c) Lực lượng tăng cường, phối hợp

Lực lượng tăng cường Lữ đoàn 25, Tiểu đoàn Phòng hóa, Bệnh viện Quân y 121 Quân khu 9.

d) Lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực sự cố

Lực lượng của Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với lực lượng Công an đảm bảo an ninh, an toàn khu vực xảy ra sự cố.

đ) Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế

Phòng Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Phối hợp với lực lượng hậu cần của Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố; Trạm y tế, Trung tâm y tế nơi xảy ra sự cố để bảo đảm hậu cần, y tế cho lực lượng bị thiệt hại và lực lượng tham gia khắc phục hậu quả.

III. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG, BIỆN PHÁP XỬ LÝ

A. TÌNH HUỐNG 1 (CHẤT THẢI RẮN)

1. Tình huống

Do thời tiết mưa lớn kéo dài, kết hợp triều cường dâng cao bất thường, gây sập đổ tường bao khu bãi rác tập trung thành phố Bạc Liêu tại ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, bị trôi lượng lớn rác thải ra môi trường bên ngoài, làm ô nhiễm môi trường thiệt hại đến sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản khoảng 200 hộ dân trong khu vực, vượt quá khả năng ứng phó của thành phố Bạc Liêu.

2. Biện pháp xử lý

Khi nhận được thông tin về sự cố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ tổ chức ứng phó thành các bước sau:

a) Bước 1: Tiếp nhận thông tin, đánh giá kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó

- Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Văn phòng cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) nhận báo cáo tình hình xảy ra sự cố của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Bạc Liêu và các đề nghị của UBND thành phố Bạc Liêu về tăng cường lực lượng chi viện xử lý khắc phục hậu quả.

- Nhận định đây là sự cố nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại về người và tài sản. Căn cứ tình hình tai khu vực xảy ra sự cố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) xác định phương án ứng phó: Nhanh chóng sơ tán dân bị ảnh hưởng ra khu vực an toàn; sử dụng lực lượng tại chỗ sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ bao, đào rãnh ngăn chặn không cho chất thải phát tán ra môi trường; cơ động lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến hiện trường phối hợp với thành phố Bạc Liêu tổ chức thu gom chất thải khu vực xung quanh về khu tập trung, nhanh chóng gia cố, vá lại tường bị vỡ.

b) Bước 2: Vận hành cơ chế

Họp Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh đánh giá cấp độ sự cố, thông báo cho các đơn vị làm công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó, đồng thời báo cáo tình hình với Tư lệnh Quân khu và các cơ quan chức năng Quân khu, sẵn sàng tăng cường lực lượng, phương tiện.

c) Bước 3: Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường

Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh ra Quyết định thành lập Sở Chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng tại hiện trường: Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mời Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố Bạc Liêu và huyện Vĩnh Lợi.

- Phó Chỉ huy trưởng tại hiện trường: Phó Tham mưu trưởng (phụ trách Tác chiến) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mời Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

- Thành viên: Thủ trưởng các cơ quan thuộc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và lãnh đạo địa phương nơi xảy ra sự cố.

d) Bước 4. Tổ chức ứng phó sự cố

- Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: Sử dụng lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Công Thương của địa phương khoanh vùng đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường.

- Lực lượng sơ tán phương tiện và người dân ra khỏi khu vực sự cố: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Bạc Liêu, phối hợp với Biên phòng, Công an, các Ban, Ngành, Đoàn thể thành phố Bạc Liêu nhanh chóng sơ tán các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến khu vực an toàn.

- Lực lượng ứng phó tại chỗ: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện, đồn Biên phòng, các Phòng, Ban, Ngành, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn huy động xe cuốc, sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ bao, đào rãnh ngăn chặn không cho chất thải tràn ra khu vực xung quanh. Sử dụng phương tiện chuyên dụng thu gom rác thải về khu vực tập trung để xử lý.

- Lực lượng tăng cường, phối hợp: Lực lượng Lữ đoàn 25 và Tiểu đoàn Phòng hóa Quân khu 9.

- Lực lượng khắc phục hậu quả: Sử dụng lực lượng, phương tiện của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an, Biên phòng) và các Đoàn thể, Nhân dân địa bàn nơi xảy ra sự cố. Lữ đoàn 25 sử dụng lực lượng, xe chuyên dụng phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu vá tường bao bị vỡ, khơi thông dòng chảy, Tiểu đoàn Phòng hóa Quân khu 9 tăng cường hỗ trợ phương tiện, khí tài chuyên dụng, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng địa phương tiến hành tiêu tẩy làm sạch môi trường bị ô nhiễm. Các đội Y tế dự phòng, Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu kịp thời cấp cứu, thu dung điều trị ban đầu cho các nạn nhân bị nhiễm độc (nếu có).

- Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực sự cố: Sử dụng lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với lực lượng Quân sự tỉnh, thành phố Bạc Liêu, cơ quan chức năng của địa phương nắm tình hình, ngăn chặn không cho người và phương tiện không có phận sự vào khu vực sự cố; tổ chức lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự tại khu sơ tán dân. Lực lượng 35, 47 đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá trên không gian mạng xã hội.

- Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Sử dụng lực lượng Sở Công Thương, Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Bạc Liêu, Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu và các Ban, Ngành, Đoàn thể bảo đảm ăn, nghỉ, sinh hoạt tạm thời cho các hộ dân sơ tán và lực lượng tham gia khắc phục sự cố. Thành lập Tổ y tế cơ động phối hợp với Trung tâm y tế thành phố Bạc Liêu bảo đảm sức khỏe cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả.

e) Bước 5: Tổng hợp tình hình báo cáo theo quy định

B. TÌNH HUỐNG 2 (CHẤT THẢI LỎNG)

1. Tình huống

Do mưa lớn kéo dài ngày, chất đất mềm gây sụp lún làm sạt lở bể chứa chất thải chưa qua xử lý tại công ty chế biến thủy sản Quốc Việt (Phường 1, thị xã Giá Rai) chất thải ô nhiễm tràn ra sông, rạch và khu dân cư xung quanh, gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt của khoảng 100 hộ dân xung quanh, vượt quá khả năng ứng phó của Công ty, Ban Quản lý Khu công nghiệp và thị xã Giá Rai.

2. Biện pháp xử lý

a) Bước 1: Tiếp nhận thông tin, đánh giá kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó

- Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Văn phòng cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) nhận báo cáo tình hình xảy ra sự cố của Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Giá Rai và đề nghị của UBND thị xã Giá Rai về tăng cường lực lượng chi viện xử lý khắc phục hậu quả.

- Nhận định đây là sự cố nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại về người và tài sản. Căn cứ tình hình tại khu vực xảy ra sự cố, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) xác định phương án ứng phó: Nhanh chóng sơ tán dân bị ảnh hưởng ra khu vực an toàn; sử dụng lực lượng tại chỗ sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ bao, đào rãnh ngăn chặn không cho chất thải phát tán ra môi trường; cơ động lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đến hiện trường phối hợp với thị xã Giá Rai sử dụng phương tiện, hệ thống bơm để thu chất thải chảy ra môi trường, xử lý môi trường ô nhiễm.

b) Bước 2: Vận hành cơ chế

Họp Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh đánh giá cấp độ sự cố, thông báo cho các đơn vị làm công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó, đồng thời báo cáo tình hình với Tư lệnh Quân khu và các cơ quan chức năng Quân khu, sẵn sàng tăng cường lực lượng, phương tiện.

c) Bước 3: Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường

Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh ra Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng tại hiện trường: Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mời Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thị xã Giá Rai.

- Phó Chỉ huy trưởng tại hiện trường: Phó Tham mưu trưởng (phụ trách Tác chiến) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mời Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

- Thành viên: Thủ trưởng các cơ quan thuộc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và lãnh đạo địa phương nơi xảy ra sự cố.

d) Bước 4: Tổ chức ứng phó sự cố

- Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: Sử dụng lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Công Thương của địa phương khoanh vùng đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường.

- Lực lượng sơ tán phương tiện và người dân ra khỏi khu vực sự cố: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Giá Rai phối hợp với Công an, các Ban, Ngành, Đoàn thể huyện nhanh chóng sơ tán các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng đến khu vực an toàn.

- Lực lượng ứng phó tại chỗ: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Ban Chỉ huy Quân sự, Công an thị xã, các Phòng, Ban, Ngành, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn huy động xe cuốc, sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ bao, đào rãnh ngăn chặn không cho chất thải lỏng chảy ra kênh rạch, khu vực nuôi trồng thủy sản và địa hình xung quanh. Sử dụng phương tiện chuyên dụng, máy bơm chất thải về hồ chứa, thu gom rác thải về khu vực tập trung để xử lý.

- Lực lượng tăng cường, phối hợp: Lực lượng Lữ đoàn 25 và Tiểu đoàn Phòng hóa Quân khu 9.

- Lực lượng khắc phục hậu quả: Sử dụng lực lượng, phương tiện của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) và các Đoàn thể, Nhân dân địa bàn nơi xảy ra sự cố. Lữ đoàn 25 sử dụng lực lượng, xe chuyên dụng phối hợp với Ủy ban nhân dân thị xã Giá Rai vá tường bao bị vỡ, khơi thông dòng chảy, Tiểu đoàn Phòng hóa Quân khu 9 tăng cường hỗ trợ phương tiện, khí tài chuyên dụng, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng địa phương tiến hành tiêu tẩy làm sạch môi trường bị ô nhiễm. Các đội Y tế dự phòng, Trung tâm y tế thị xã Giá Rai kịp thời cấp cứu, thu dung điều trị ban đầu cho các nạn nhân bị nhiễm độc.

- Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực sự cố: Sử dụng lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với lực lượng Quân sự tỉnh, thị xã, cơ quan chức năng của địa phương nắm tình hình, ngăn chặn không cho người và phương tiện không có phận sự vào khu vực sự cố; điều tiết giao thông trên tuyến tỉnh lộ 1A; tổ chức lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự tại khu sơ tán dân. Lực lượng 35, 47 đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá trên không gian mạng xã hội.

- Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Sử dụng lực lượng Sở Công Thương, Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự, Ủy ban nhân dân thị xã Giá Rai và các Ban, Ngành, Đoàn thể bảo đảm ăn, nghỉ, sinh hoạt tạm thời cho các hộ dân sơ tán và lực lượng tham gia khắc phục sự cố. Thành lập Tổ y tế cơ động phối hợp với Trung tâm y tế thị xã Giá Rai bảo đảm sức khỏe cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả.

e) Bước 5: Tổng hợp tình hình báo cáo theo quy định

C. TÌNH HUỐNG 3 (CHẤT THẢI KHÍ)

1. Tình huống

Tại Công ty cổ phần Bao bì dầu khí Việt Nam (sản xuất bao bì và phân bón) tại khu Công nghiệp Trà Kha (phường 8, thành phố Bạc Liêu); trong quá trình nhập hóa chất Amoniac (NH3) từ xe bồn vào bồn chứa, xảy ra sự cố mối nối đường ống và bồn chứa bị ăn mòn khiến mặt bích bật ra, làm khoảng 02 tấn NH3 thoát ra môi trường tạo ra khu vực nguy hiểm có bán kính khoảng 100m, vùng nhiễm độc lan truyền theo hướng gió khoảng 200m (tính từ tâm sự cố). Sự cố xảy ra trong lúc nhà máy đang vận hành sản xuất phân bón. Theo thống kê ban đầu có khoảng 15 công nhân trong nhà máy bị hôn mê, ngất xỉu, khu vực trong nhà máy và xung quanh xuất hiện mùi khai, sốc, khó ngửi bị nhiễm độc nặng ảnh hưởng khoảng 200 hộ dân, lực lượng tại chỗ đang nỗ lực ứng cứu nhưng vượt quá khả năng.

Nhận thấy sự cố xảy ra vượt quá tầm kiểm soát, Ban Giám đốc Công ty báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố Bạc Liêu, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Bạc Liêu, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh đề nghị tăng cường lực lượng, phương tiện chi viện, phối hợp tham gia ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả.

2. Biện pháp xử lý

a) Bước 1: Tiếp nhận thông tin, đánh giá kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó

- Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Văn phòng cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) nhận báo cáo tình hình xảy ra sự cố của Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Bạc Liêu và đề nghị của UBND thành phố Bạc Liêu về tăng cường lực lượng chi viện xử lý khắc phục hậu quả.

- Nhận định đây là sự cố vượt quá tầm nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời có thể gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại về người và tài sản. Căn cứ tình hình tại khu vực xảy ra sự cố, Bộ CHQS tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) xác định phương án ứng phó: Nhanh chóng sơ tán dân bị ảnh hưởng ra khu vực an toàn; sử dụng lực lượng tại chỗ dùng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng than hoạt tính, geolit, xử lý chất thải bằng công nghệ UV để xử lý khí độc Amoniac hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại, ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường. Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Bạc Liêu sử dụng lực lượng, phương tiện, tham gia xử lý môi trường ô nhiễm.

b) Bước 2: Vận hành cơ chế

Họp Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh đánh giá cấp độ sự cố, thông báo cho các đơn vị làm công tác chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng phó, đồng thời báo cáo tình hình với Tư lệnh Quân khu và các cơ quan chức năng Quân khu, sẵn sàng tăng cường lực lượng, phương tiện.

c) Bước 3: Thiết lập Sở Chỉ huy tại hiện trường

Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh ra Quyết định thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường, thành phần gồm:

- Chỉ huy trưởng tại hiện trường: Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mời Trưởng ban Chỉ huy phòng thủ dân sự thành phố Bạc Liêu.

- Phó Chỉ huy trưởng tại hiện trường: Phó Tham mưu trưởng (phụ trách Tác chiến) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mời Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

- Thành viên: Thủ trưởng các cơ quan thuộc các Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và lãnh đạo địa phương nơi xảy ra sự cố.

d) Bước 4: Tổ chức ứng phó sự cố

- Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: Sử dụng lực lượng của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Công Thương của địa phương khoanh vùng đánh giá mức độ ảnh hưởng, tác động đến môi trường.

- Lực lượng sơ tán phương tiện và người dân: Lực lượng Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Bạc Liêu, phối hợp với Đồn Biên phòng Nhà Mát, Công an thành phố, các Ban, Ngành, Đoàn thể thành phố nhanh chóng sơ tán các hộ dân khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn.

- Lực lượng ứng phó tại chỗ: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Ban Chỉ huy Quân sự, Công an thành phố, các Phòng, Ban, Ngành, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn lực lượng của Công ty cổ phần Bao bì dầu khí Việt Nam nhanh chóng khóa van xả, huy động xe cuốc, sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ bao, đào rãnh ngăn chặn NH3 lỏng chảy tràn ra môi trường, đưa người bị nhiễm độc đến bệnh viện Quân dân y để cấp cứu, dùng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước để tẩy rửa làm giảm độc tính của khí độc. Phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an tỉnh tiếp cận bịt, lấp, khắc phục đường ống bị rò rỉ. Thực hiện các biện pháp phòng chống cháy nổ trong ứng phó sự cố hóa chất độc.

- Lực lượng tăng cường, phối hợp: Lực lượng Lữ đoàn 25 và Tiểu đoàn Phòng hóa Quân khu 9.

- Lực lượng khắc phục hậu quả: Sử dụng lực lượng, phương tiện của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) và các Đoàn thể, Nhân dân địa bàn nơi xảy ra sự cố. Lữ đoàn 25 sử dụng lực lượng, xe chuyên dụng phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố đắp bờ bao, đào rãnh ngăn chặn NH3 lỏng chảy tràn ra môi trường, Tiểu đoàn Phòng hóa Quân khu 9 tăng cường hỗ trợ phương tiện, khí tài chuyên dụng, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan chức năng địa phương tiến hành tiêu tẩy làm sạch môi trường bị ô nhiễm. Các đội Y tế dự phòng, Trung tâm y tế thành phố kịp thời cấp cứu, thu dung điều trị ban đầu cho các nạn nhân bị nhiễm độc.

- Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực sự cố: Sử dụng lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với lực lượng Quân sự tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng của địa phương nắm tình hình, ngăn chặn không cho người và phương tiện không có phận sự vào khu vực sự cố; điều tiết giao thông trên tuyến tỉnh lộ 1A và đường 23/8; tổ chức lực lượng giữ gìn an ninh, trật tự tại khu sơ tán dân. Lực lượng 35, 47 đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, chống phá trên không gian mạng xã hội.

- Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Sử dụng lực lượng Sở Công Thương, Y tế chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự, Ủy ban nhân dân thành phố và các Ban, Ngành, Đoàn thể bảo đảm ăn, nghỉ, sinh hoạt tạm thời cho các hộ dân sơ tán và lực lượng tham gia khắc phục sự cố. Thành lập Tổ y tế cơ động phối hợp với Bệnh viện Quân dân y, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Thanh vũ bảo đảm sức khỏe cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả.

e) Bước 5: Tổng hợp tình hình báo cáo theo quy định

IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1. Nhiệm vụ chung

- Đảm bảo sự chỉ đạo tập trung, thống nhất trong quản lý nhà nước về ứng phó khắc phục sự cố chất thải; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ứng phó, khắc phục hậu quả kịp thời; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng từ tỉnh đến địa phương trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực ứng phó, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố chất thải.

- Vận dụng, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhanh; xây dựng hệ thống tổ chức đủ năng lực ứng phó, khắc phục hậu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về con người, kinh tế, xã hội và môi trường;

- Tăng cường chỉ đạo việc phối hợp, trao đổi về cảnh báo sớm, phòng ngừa các sự cố chất thải.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1 Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh

- Chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành và địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở trên cơ sở kế hoạch ứng phó sự cố chất thải của tỉnh; kiểm tra đôn đốc việc chuẩn bị và sẵn sàng tổ chức ứng phó sự cố chất thải.

- Tham mưu UBND tỉnh về việc đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư chuyên dụng và chỉ đạo công tác tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập ứng phó sự cố chất thải.

- Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của các lực lượng, UBND tỉnh đề nghị các Bộ, Ngành Trung ương và các địa phương giúp đỡ.

2.2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh)

- Giúp Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh hướng dẫn xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở.

- Chủ trì phối hợp các Sở, Ban, Ngành và địa phương hướng dẫn xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng ứng phó; tham mưu đề xuất UBND tỉnh đầu tư mua sắm trang thiết bị, vật tư chuyên dụng để nâng cao năng lực ứng phó cho các lực lượng kiêm nhiệm và các đơn vị có liên quan, sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.

- Chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND cùng cấp thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải. Xem xét lồng ghép nội dung ứng phó sự cố chất thải vào kế hoạch phòng thủ dân sự các cấp.

- Hàng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng lực lượng kiêm nhiệm; phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

2.3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Hàng năm tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng lực lượng kiêm nhiệm; phối hợp và làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

2.4. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải theo yêu cầu của cơ quan, cấp có thẩm quyền.

- Bảo đảm an ninh trật tự khu vực xảy ra sự cố; phối hợp với các cơ quan có liên quan điều tra, làm rõ nguyên nhân gây ra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm ứng phó sự cố chất thải (có thể lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, huấn luyện, diễn tập trong các kế hoạch khác của Công an tỉnh); phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì tham mưu UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về ứng phó sự cố chất thải theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn, triển khai có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

- Phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức hoạt động ứng phó sự cố môi trường cấp tỉnh, do chất thải gây ra; hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn khắc phục hậu quả, phục hồi môi trường sau sự cố theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về sự cố chất thải, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

- Phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tập huấn, diễn tập, đào tạo lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm theo chức năng nhiệm vụ được giao.

- Tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường theo quy định. Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo sự cố, thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn, hải văn trên địa bàn tỉnh cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh, các Sở, Ban, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

- Đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư, cơ sở xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở đảm bảo phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền quản lý.

- Định kỳ hàng năm báo cáo công tác quản lý, phòng ngừa ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải thuộc lĩnh vực quản lý về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

2.6. Sở Công Thương

- Chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố hóa chất tổ chức hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải do rò rỉ, phát tán hóa chất độc trong lĩnh vực công nghiệp.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành tổ chức đào tạo, huấn luyện, tập huấn, diễn tập cho lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm (lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong kế hoạch khác của sở); phối hợp và làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương hướng dẫn các cơ quan, đơn vị và địa phương về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải do rò rỉ, phát tán hóa chất độc trong lĩnh vực công nghiệp.

2.7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị chức năng có liên quan hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương khắc phục hậu quả sự cố chất thải trong phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn, diễn tập, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về ứng phó, khắc phục sự cố chất thải và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2.8. Sở Giao thông vận tải

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các Sở, Ban, Ngành, địa phương triển khai các phương án về sử dụng hạ tầng giao thông, các trang thiết bị, phương tiện, vật tư vận tải trong phạm vi phụ trách, tham gia ứng phó sự cố chất thải theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường với các phương tiện tham gia giao thông.

- Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải.

2.9. Sở Y tế

- Hướng dẫn chi tiết việc phân loại, thu gom, lưu giữ và quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

- Chỉ đạo, tăng cường công tác phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

- Nghiên cứu, đánh giá các nguy cơ lây nhiễm đối với chất thải y tế và xây dựng các biện pháp phòng ngừa tương ứng.

- Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải.

2.10. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh tổ chức hoạt động, tham gia ứng phó sự cố liên quan đến chất thải phóng xạ, rò rỉ chất phóng xạ.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, địa phương hướng dẫn công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả; tổ chức nghiên cứu đề xuất ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải phóng xạ, rò rỉ chất phóng xạ.

- Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ứng phó sự cố chất thải phóng xạ.

2.11. Sở Thông tin và Truyền thông

- Hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin cơ sở thực hiện tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho toàn dân về phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức bảo đảm thông tin liên lạc, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành các hoạt động ứng phó, tìm kiếm cứu nạn.

2.12. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và địa phương trong công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với các dự án đầu tư công phục vụ nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải theo quy định của pháp luật.

- Hướng dẫn các Sở, Ban, Ngành và địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, làm cơ sở để các Sở, Ban, Ngành và địa phương triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố chất thải.

2.13. Sở Tài chính

Trên cơ sở đề xuất của các Sở, Ban, Ngành và địa phương có liên quan, tổng hợp tham mưu trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố chất thải theo phân cấp ngân sách, quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành trên cơ sở khả năng cân đối nguồn vốn của ngân sách tỉnh.

2.14. Sở Xây dựng

- Tham mưu UBND tỉnh ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý của Sở có liên quan đến bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải đô thị và khu công nghiệp; quản lý xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải rắn trong lĩnh vực thuộc Sở quản lý.

- Cử cán bộ tham gia tập huấn, diễn tập nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác ứng phó sự cố chất thải thuộc phạm vi quản lý của Sở.

2.15. Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bạc Liêu

Rà soát các cơ sở theo ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trong các khu công nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý để thông báo, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở.

2.16. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 của Ủy ban nhân dân tỉnh; xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp huyện theo hướng dẫn tại Phụ lục I.

- Rà soát các cơ sở theo ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố thuộc thẩm quyền quản lý để thông báo, hướng dẫn xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải theo thẩm quyền đối với các cơ sở này.

- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, phổ biến kiến thức phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại địa phương.

- Xây dựng lực lượng ứng phó sự cố chất thải, bảo đảm nguồn nhân lực, phương tiện, trang thiết bị ứng phó sự cố và sẵn sàng tham gia ứng phó sự cố chất thải tại địa phương. Tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập về ứng phó sự cố chất thải tại địa phương (cho phép việc lồng ghép xây dựng kế hoạch, tập huấn, diễn tập ứng phó sự cố chất thải trong các kế hoạch khác của địa phương).

- Định kỳ (một năm một lần) sơ kết, tổng kết đánh giá công tác quản lý, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải báo cáo về Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh.

2.17. Các cơ sở (Chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh)

- Chủ dự án đầu tư, cơ sở có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải cấp cơ sở (các dự án đầu tư, các cơ sở phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố cấp cơ sở) theo Phụ lục 2 phù hợp với nội dung phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc giấy phép môi trường (theo mục 1 Điều 109 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 10/01/2022).

- Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư và chuẩn bị lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải tại cơ sở, thực hiện chế độ kiểm tra thường xuyên, áp dụng phương án, biện pháp quản lý, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố.

- Định kỳ tổ chức tập huấn, huấn luyện và diễn tập ứng phó sự cố chất thải và đầu tư trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng ứng phó sự cố chất thải.

3. Tổ chức thực hiện

- Căn cứ nội dung và nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch này, các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở có hoạt động liên quan đến chất thải tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh – cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) trước ngày 15 tháng 12 để tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia theo quy định.

- Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, Ban, Ngành, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Thông tin liên lạc

- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh): Sử dụng hệ thống thông tin VTĐ, HTĐ và mạng thông tin di động bảo đảm thông tin cho chỉ huy, chỉ đạo.

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố, phục hồi môi trường sau sự cố: Tổ chức mạng thông tin liên lạc VTĐ, HTĐ bảo đảm cho chỉ huy, chỉ đạo và báo cáo tình hình.

2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải

Sử dụng trang thiết bị lưỡng dụng hiện có của các cơ quan, đơn vị và các phương tiện chuyên dụng của lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng để khắc phục sự cố.

3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục sự cố; phục hồi môi trường sau sự cố

Căn cứ tình hình, chức năng, nhiệm của từng Sở, Ban, Ngành để chuẩn bị, bảo đảm vật chất, phương tiện và xác định cụ thể trong kế hoạch của đơn vị mình khi tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.

4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn

Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện, Trung tâm y tế nơi xảy ra sự cố bảo đảm y tế cho lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục sự cố và nhân dân khu sơ tán; thiết lập Bệnh viện dã chiến để thu dung sơ cứu cấp, cấp cứu, điều trị nạn nhân kịp thời (nếu cần thiết).

VI. TỔ CHỨC CHỈ HUY

1. Sở Chỉ huy thường xuyên (cơ bản)

- Địa điểm: Tại Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh. Địa chỉ: Số 5D, đường Nguyễn Tất Thành, Phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

- Thành phần: Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh.

- Nhiệm vụ:

+ Chỉ huy, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả lãnh đạo trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 9 về kết quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải.

+ Đánh giá, nhận định tình hình, khả năng diễn biến sự cố xảy ra, đề ra phương án, biện pháp ứng phó, điều động bổ sung nguồn lực nếu cần thiết. Báo cáo kết quả thực hiện về Tỉnh ủy, UBND tỉnh và cơ quan chức năng của Quân khu để chỉ đạo, theo dõi, tổng hợp.

+ Theo dõi, chỉ đạo việc tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố theo phương án đã được xác định.

2. Sở chỉ huy tại hiện trường

- Địa điểm: Tại hiện trường nơi xảy ra sự cố.

- Thành phần: Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh; do lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy.

- Nhiệm vụ:

+ Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, Ngành chức năng và địa phương nơi xảy ra sự cố, tổ chức huy động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để tham gia ứng phó, khắc phục sự cố.

+ Chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố chất thải có hiệu quả, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng phó.

+ Chủ động hiệp đồng, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu tăng cường, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức khắc phục hậu quả và xử lý ô nhiễm môi trường sau sự cố theo quy định.

+ Thường xuyên báo cáo kết quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố hoặc sự cố phát sinh về Sở Chỉ huy thường xuyên để cập nhật tình hình để kịp thời chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Ban Chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia;
- Ủy ban QGƯPSC, thiên tai và TKCN;
- Bộ Quốc phòng;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Thành viên BCH PTDS tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành tỉnh;
- Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Các Cơ sở theo Phụ lục 1;
- TT CB-TH, Cổng TTĐT tỉnh;
- Tr.P Nội chính;
- Lưu: VT, (KH546).

CHỦ TỊCH




Phạm Văn Thiều

 

PHỤ LỤC 1

DANH SÁCH CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ CÓ NGUY CƠ GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẠC LIÊU
(Kèm theo Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Tên dự án

Tên cơ sở/chủ đầu tư/đơn vị vận hành

Địa chỉ

I

Cơ sở thuộc loại hình chế biến thủy, hải sản

01

Xí nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu Trà Kha F69 - Công ty Cổ phần thủy sản Minh Hải

Công ty Cổ phần thủy sản Minh Hải

Km 2185, khóm Trà Kha, phường 8, thành phố Bạc Liêu.

02

Dự án Nhà máy chế biến thủy sản Việt Úc

Công ty Cổ phần Việt Úc Nhà Mát

Ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu (trong khuôn viên Dự án Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao của Công ty cổ phần Việt Úc Nhà Mát, thuộc khu nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu)

03

Nhà máy chế biến xuất khẩu Tôm Việt

Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Tôm Việt

Số 99, ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu.

04

Dự án đầu tư di dời Nhà máy chế biến thủy sản Trường Phú

Công ty Cổ phần thủy sản Trường Phú

Ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu.

05

CN 1 - Công ty TNHH CBTS và XNK Trang Khanh

CN 1 - Công ty TNHH CBTS và XNK Trang Khanh

Ấp Kim Cấu, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu.

06

Nhà máy chế biến thủy sản Ngọc Trinh

Công ty TNHH MTV Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Ngọc Trinh Bạc Liêu

Số 99, đường Lò Rèn, P5, thành phố Bạc Liêu.

07

Nhà máy chế biến thủy sản Trang Khanh

Công ty TNHH CBTS và XNK Trang Khanh

Đường Lò Rèn, phường 5, thành phố Bạc Liêu.

08

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản Thanh Phu

Công ty TNHH MTV Thanh Phu

Số 39, ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình.

09

Dự án đầu tư xây dựng Nhà Máy CBTS Phước Đạt

Công ty TNHH Phước Đạt

Ấp Thị trấn B1, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình.

10

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu Tân Phong Phú

Công ty TNHH Một thành viên thủy sản Tân Phong Phú

Ấp Thị trấn A, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình.

11

Dự án đầu tư Nhà máy chế biến thủy sản Công ty cổ phần Tôm miền Nam

Công ty Cổ phần Tôm miền Nam

Ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.

12

Dự án đầu tư xây dựng mới Nhà máy chế biến tôm giá trị gia tăng

Công ty Cổ phần Nha Trang Seafood - F89

Số 68, đường tránh Quốc lộ 1A, khóm 1, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai.

13

Dự án đầu tư kho lạnh và Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu

Công ty TNHH thủy sản Thái Minh Long

Khóm 5, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai.

14

Xí nghiệp chế biến thủy sản Láng Trâm - Công ty cổ phần thủy sản Minh Hải

Công ty Cổ phần thủy sản Minh Hải

Km 2231, Quốc lộ 1A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.

15

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến thủy sản chất lượng cao Bạch Linh 2

Chi nhánh Bạch Linh 2 - Công ty TNHH MTV KD CBTS XNK Bạch Linh

Số 398, ấp Khúc Tréo A, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.

16

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến tôm giá trị gia tăng

Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Châu Cẩm

Khóm 3, phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai.

17

Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng nhà máy chế biến thực phẩm thủy sản Minh Bạch

Công ty TNHH thực phẩm thủy sản Minh Bạch

Quốc lộ 1A, ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.

18

Công ty TNHH NIGICO

Công ty TNHH thủy sản NIGICO

Phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai.

19

Dự án nhà máy CBTS Bạch Linh

Công ty TNHH MTV KD - CBTS XNK Bạch Linh

Ấp Khúc Tréo, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.

20

Dự án nhà máy chế biến thủy sản Quốc Lập

Công ty cổ phần CBTS Quốc Lập

Ấp Khúc Tréo B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.

21

Dự án XD Nhà máy chế biến tôm giá trị gia tăng

Công ty cổ phần Nha Trang Seafoods F.89

Số 97, Quốc lộ 1A, khóm 1, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai.

22

Nhà máy CBTS XK Âu Vững I

Công ty cổ phần CBTS XNK Âu Vững

ấp Xóm Mới, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai.

23

Nhà máy CBTS Âu Vững II

Công ty cổ phần thủy sản Âu Vững II

Lô A1, đường số 3, Khu Công nghiệp Láng Trâm, ấp Xóm Mới, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai.

24

Nhà máy, CBTS Bạc Liêu - Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu

Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu

Số 89, ấp 2, quốc lộ 1A, phường 1, thị xã Giá Rai.

25

Nhà máy CBTS Girimex

Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu tổng hợp Giá Rai

QL 1A, ấp 5, phường Hộ Phòng, thị xã Giá Rai.

26

Nhà máy CBTS Thiên Phú

Công ty TNHH CBTS Thiên Phú

Ấp Xóm Mới, xã Tân Thạnh, thị xã Giá Rai.

27

Nhà máy chế biến thủy sản chi nhánh Công ty TNHH Thực phẩm đông lạnh Việt IMEI

Công ty TNHH Thực phẩm đông lạnh Việt IMEI

ấp Nhàn Dân B, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.

28

Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh Huy Minh

Công ty TNHH Huy Minh

Khóm 2, phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai.

29

Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu

Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Ngọc Trí

Phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai.

30

Nhà máy chế biến thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu

Công ty cổ phần thủy sản Minh Hiếu Bạc Liêu

Phường 1, thị xã Giá Rai.

31

Nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu

Chi nhánh Bạc Liêu - Công ty cơ điện lạnh Lộc Phát

Số 222, ấp Nhân dân, xã Tân Phong, thị xã Giá Rai.

32

Dự án đầu tư mở rộng, nâng công suất Nhà máy sản xuất bột cá Tân Gành Hào

Công ty TNHH Tân Gành Hào

Khu vực 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải.

33

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản Phương Anh

Công ty cổ phần chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Phương Anh

Ấp Lung Sình, xã Định Thành, huyện Đông Hải.

34

Dự án nâng cấp Nhà máy sản xuất bột cá Dương Lộc Tiến

Công ty TNHH Dương Lộc Tiến

Ấp 4, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải.

35

Cơ sở nhà máy chế biến thủy sản Cà Mau chi nhánh Bạc Liêu

Công ty Cổ phần chế biến và dịch vụ thủy sản Cà Mau

Ấp 3, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải.

36

Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến chả cá và sản xuất bột cá

Công ty TNHH MTV thủy sản Trường Phúc

Ấp Canh Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải.

37

Dự án đầu tư xây dựng phân xưởng sơ chế, chế biến tôm kết hợp với sản xuất muối tôm

Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu

Quốc lộ 1A, xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi.

II

Cơ sở thuộc loại hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt

38

Bãi rác tập trung thành phố Bạc Liêu

Trung tâm Dịch vụ đô thị tỉnh

ấp Tân Tạo, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi.

39

Bãi rác tập trung huyện Hòa Bình

Trung tâm Dịch vụ đô thị huyện Hòa Bình

ấp 14, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình.

40

Bãi rác tập trung huyện Phước Long (bao gồm lò đốt rác)

Trung tâm Dịch vụ đô thị huyện Phước Long

ấp Long Thành, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long.

41

Bãi rác tập trung huyện Hồng Dân

Trung tâm Dịch vụ đô thị huyện Hồng Dân

ấp Kinh Xáng, xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân.

42

Bãi rác tập trung huyện Đông Hải (bao gồm lò đốt rác)

Trung Tâm Dịch Vụ Đô Thị Huyện Đông Hải

ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải.

III

Cơ sở thuộc loại hình chăn nuôi gia súc quy mô công nghiệp

43

Dự án đầu tư xây dựng Trang trại nuôi heo thịt Tuấn Anh

Ông Trương Công Đạt - Chủ trang trại

ấp Long Hải, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long.

44

Dự án đầu tư xây dựng Trang trại nuôi heo thịt Trường Son

Ông Trần Tử Sơn - Chủ trang trại

ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long.

45

Dự án đầu tư xây dựng Trang trại nuôi heo gia công CP

Bà Hồ Hoàng Mai - Chủ trang trại

Ấp Bình Lễ, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long

46

Trang trại nuôi heo thịt

Hợp tác xã kinh tế xanh

ấp An Trạch Đông, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu

IV

Cơ sở thuộc loại hình sản xuất phân bón

47

Dự án bổ sung sản phẩm phân bón mới cho Nhà máy sản xuất phân bón dầu khí Bạc Liêu

Công ty Cổ phần bao bì Dầu khí Việt Nam

Khu công nghiệp Trà Kha, phường 8, thành phố Bạc Liêu.

48

Dự án điều chỉnh, mở rộng quy mô sản xuất nhà máy sản xuất, gia công phân bón NPK

Công ty cổ phần đầu tư phát triển nông nghiệp - thủy sản Bạc Liêu

Khu công nghiệp Trà Kha, phường 8, thành phố Bạc Liêu.

V

Cơ sở thuộc loại hình sản xuất sợi

49

Nhà máy sợi Đông Nam - Bạc Liêu

Công ty Cổ phần dệt Đông Nam

Khu công nghiệp, phường 8, thành phố Bạc Liêu.

VI

Cơ sở thuộc loại hình sản xuất bia, nước giải khát có gas

50

Nhà máy bia Sài Gòn - Bạc Liêu công suất 50 triệu lít/năm

Công ty Cổ phần bia Sài Gòn - Bạc Liêu

Khu công nghiệp, phường 8, thành phố Bạc Liêu.

VII

Cơ sở thuộc loại hình sản xuất nhựa gia dụng các loại; Hạt keo nhựa tái chế; thu mua và bán phế liệu

51

Công ty TNHH MTV nhựa Tý Liên

Công ty TNHH MTV nhựa Tý Liên

ấp Long Hòa, thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

 

PHỤ LỤC 2

ĐỀ CƯƠNG BỐ CỤC, NỘI DUNG KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI CẤP HUYỆN THỊ XÃ, THÀNH PHỐ.......
(Kèm theo Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

ỦY BAN NHÂN DÂN
HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ....
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:       /KH-UBND

Bạc Liêu, ngày    tháng    năm 2024

KẾ HOẠCH

Ứng phó sự cố chất thải huyện, thị xã, thành phố ........

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải

(Nêu ngắn gọn địa hình, địa lý cấp huyện, thị xã, thành phố và các vấn đề có liên quan đến chất thải).

2. Tính chất, quy mô đặc điểm của các cơ sở trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố

Tính chất, quy mô của các cơ sở trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo 17 loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Quy định tại Phụ lục II Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

3. Thực trạng lực lượng, phương tiện ứng phó chất thải cấp huyện, thị xã, thành phố

a) Lực lượng, phương tiện chuyên trách

Số lượng trang, thiết bị ứng phó sự cố chất thải hiện có của địa phương và các Trung tâm khu vực, các đơn vị có khả năng ứng phó sự cố chất thải theo kế hoạch hiệp đồng của từng địa phương.

b) Lực lượng, phương tiện kiêm nhiệm

Các cơ sở có khả năng tham gia ứng phó sự cố chất thải; số lượng trang, thiết bị của các lực lượng kiêm nhiệm và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao

a) Chất thải rắn

Dự kiến từ 2 - 3 khu vực.

b) Chất thải lỏng

Dự kiến từ 2 - 3 khu vực.

c) Chất thải khí

Dự kiến từ 2 - 3 khu vực.

5. Kết luận

Khả năng ứng phó của địa phương ở mức độ nào.

II. TỔ CHỨC, LỰC LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo

Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải;

- Tổ chức tiếp nhận, xử lý kịp thời thông tin sự cố chất thải, ưu tiên bảo đảm thông tin cho hoạt động ứng phó, báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền khi vượt khả năng ứng phó;

- Ứng phó sự cố chất thải được thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng” quy định tại pháp luật phòng, chống thiên tai; phối hợp, huy động mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động chuẩn bị và ứng phó sự cố;

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải;

- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả

a) Biện pháp phòng ngừa

- Xây dựng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm, tăng cường hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; trao đổi thông tin, học tập kinh nghiệm về dự báo, cảnh báo, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải. Đầu tư mua sắm trang, thiết bị, vật tư để nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó cho các lực lượng của địa phương.

- Nâng cao năng lực quan trắc, cảnh báo, thông báo, báo động sự cố tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề...vi phạm quy định về quản lý, xử lý chất thải.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.

b) Biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả

- Xác định và đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố môi trường trên địa bàn; các kịch bản ứng phó với từng loại sự cố có thể xảy ra gây nguy hại cho con người, môi trường trên địa bàn quản lý.

- Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường (như: sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn chặn..., không cho chất thải, chất lỏng phát tán ra môi trường; sử dụng phương tiện chuyên dụng, hệ thống bơm để thu chất thải về bể chứa, hồ chứa...).

- Xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng công nghệ, như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại... ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường (đối với chất thải khí).

4. Tổ chức sử dụng lực lượng

Tổ chức sử dụng lực lượng chuyên trách, lực lượng kiêm nhiệm ứng phó sự cố, cụ thể:

- Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động.

- Lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả:

+ Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn.

+ Lực lượng ứng phó tại chỗ (sử dụng lực lượng nào? phương tiện gì để ngăn chặn phát tán, thu gom, xử lý...).

+ Lực lượng tăng cường, phối hợp.

+ Lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực sự cố.

+ Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế.

III. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG, BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Tình huống

Dự kiến tình huống ở đâu; xảy ra sự cố gì; mức độ ảnh hưởng.

2. Biện pháp xử lý

Khi nhận được thông tin về sự cố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo lực lượng, phương tiện tại chỗ tổ chức ứng phó thành các bước sau:

Bước 1. Tiếp nhận thông tin, đánh giá, kết luận tình hình, xác định phương án ứng phó.

Bước 2. Vận hành cơ chế.

Bước 3. Thiết lập Sở chỉ huy.

Bước 4. Tổ chức ứng phó sự cố:

- Lực lượng quan sát, giám sát, tiếp nhận thông tin và cảnh báo, thông báo, báo động: Sử dụng lực lượng của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Công thương của địa phương.

- Lực lượng sơ tán phương tiện và người dân ra khỏi khu vực sự cố: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Ban chỉ huy Quân sự, Công an huyện, thị xã, thành phố, nhân dân địa phương.

- Lực lượng ứng phó tại chỗ: Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ, gồm: Ban chỉ huy Quân sự, Công an huyện, thị xã, thành phố, các Phòng, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn.

- Lực lượng tăng cường, phối hợp: Lực lượng của trên, các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn và các địa phương lân cận.

- Lực lượng khắc phục hậu quả: Sử dụng lực lượng, phương tiện của lực lượng vũ trang (Quân đội, Công an) và các đoàn thể, nhân dân địa bàn nơi xảy ra sự cố.

- Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực sự cố: Sử dụng lực lượng Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương.

- Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Sử dụng lực lượng Công Thương, Y tế chủ trì, phối hợp với các lực lượng thực hiện nhiệm vụ ứng phó.

IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ

1. Nhiệm vụ chung

2. Nhiệm vụ cụ thể

a) Ban chỉ huy thủ dân sự

Nêu các nhiệm vụ trong chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó.

b) Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện, thị xã, thành phố

c) Đồn Biên phòng (nếu có)

d) Công an huyện, thị xã, thành phố

đ) Các Phòng, Ban cấp huyện, thị xã, thành phố (nêu nhiệm vụ cụ thể từng Phòng, Ban)

e) Ủy ban nhân dân cấp xã

g) Các cơ sở

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Thông tin liên lạc

- Bảo đảm thông tin cho chỉ huy, chỉ đạo.

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố, phục hồi môi trường sau sự cố.

2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải

3. Bảo đảm vật chất cho các đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục sự cố phục hồi môi trường sau sự cố

4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn

VI. TỔ CHỨC CHỈ HUY

1. Sở chỉ huy thường xuyên (cơ bản)

- Địa điểm: Trụ sở Ủy ban nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố.

- Thành phần:

- Nhiệm vụ:

2. Sở chỉ huy tại hiện trường

- Địa điểm: Tại hiện trường nơi xảy ra sự cố.

- Thành phần.

- Nhiệm vụ.

 


Nơi nhận:
- Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh;
- TT Huyện, thị ủy, thành ủy, HĐND huyện, thị xã, thành phố;
- CT, các PCT UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự huyện, thị xã, thành phố;
- Ban CHQS, Công an huyện, thị xã, thành phố, Đồn Biên phòng;
- Các Phòng, Ban: ...........;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Văn phòng UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Ban quản lý dự án huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT,

CHỦ TỊCH

 

PHỤ LỤC 3

ĐỀ CƯƠNG BỐ CỤC, NỘI DUNG KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHẤT THẢI CẤP CƠ SỞ
(Kèm theo Kế hoạch số 182/KH-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

CHỦ CƠ SỞ ..........
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /KH-.........

Bạc Liêu, ngày      tháng      năm 2024

KẾ HOẠCH

Ứng phó sự cố chất thải của ..........

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Đặc điểm tình hình có liên quan đến chất thải

Nêu ngắn gọn địa hình, địa lý của huyện, thị xã, thành phố (cơ sở hoạt động).

2. Tính chất, quy mô đặc điểm của cơ sở

Tính chất, quy mô, công nghệ của cơ sở.

3. Lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó sự cố chất thải hiện có của cơ sở

Lực lượng, trang thiết bị ứng phó, lực lượng, phương tiện ứng phó của cơ sở, lực lượng, phương tiện hợp đồng, phối hợp.

4. Dự kiến các khu vực nguy cơ cao

Dự kiến khu vực có nguy cơ cao xảy ra sự cố.

5. Kết luận

Khả năng ứng phó của cơ sở ở mức độ nào.

II. TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG, PHƯƠNG TIỆN ỨNG PHÓ

1. Tư tưởng chỉ đạo

“Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả”.

2. Nguyên tắc ứng phó

- Tích cực phòng ngừa, chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các nguồn lực, các phương án hiệp đồng để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra sự cố chất thải.

- Duy trì ứng trực 24/24, chủ động ứng phó, báo cáo kịp thời.

- Chủ động phối hợp, huy động mọi nguồn lực để phòng ngừa, ứng phó, không để bị động, bất ngờ.

- Phối hợp và hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, phương tiện, thiết bị tham gia hoạt động ứng phó sự cố chất thải.

- Tổ chức, cá nhân gây sự cố chất thải chịu trách nhiệm chi trả chi phí tổ chức ứng phó sự cố, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố, bồi thường thiệt hại và các chi phí khác do sự cố gây ra theo quy định của pháp luật.

3. Biện pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả

a) Biện pháp phòng ngừa

- Công khai kết quả quan trắc chất thải tự động, liên tục (bao gồm so sánh với giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm đã được cấp phép) trên trang thông tin điện tử của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc công khai trên bảng thông tin điện tử đặt tại cổng dự án, cơ sở.

- Công khai phiếu kết quả quan trắc chất thải của kỳ quan trắc gần nhất trên trang thông tin điện tử của chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoặc công khai trên bảng thông tin điện tử đặt tại cổng dự án, cơ sở. Thời điểm công khai chậm nhất là 10 ngày sau khi có kết quả quan trắc chất thải định kỳ cho đến thời điểm công khai kết quả quan trắc định kỳ mới theo quy định.

- Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố chất thải.

b) Biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả

- Sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ để ngăn chặn, hạn chế chất thải phát tán ra môi trường (như: sử dụng bao cát, vật liệu có sẵn tại chỗ kịp thời triển khai đắp bờ, đào rãnh ngăn chặn..., không cho chất thải, lỏng phát tán ra môi trường; sử dụng phương tiện chuyên dụng, hệ thống bơm để thu chất thải về bể chứa, hồ chứa...).

- Xử lý chất thải bằng phương pháp sử dụng công nghệ, như: Hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ tương ứng phù hợp như dung dịch kiềm, nước; hấp thụ bằng các vật liệu hấp thụ như than hoạt tính, geolit...; xử lý khí thải bằng công nghệ UV để xử lý các loại khí độc (Hydrogen sulfide, Mercaptans, Sulfide, Amoniac) hoặc xử lý khí thải bằng công nghệ Plasma nhằm giảm nồng độ bụi trong không khí, loại bỏ khí độc hại... ngăn chặn, dừng phát tán chất thải ra môi trường (đối với chất thải khí).

4. Tổ chức sử dụng lực lượng

- Lực lượng quan sát, thông báo, báo động.

- Lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả:

+ Lực lượng sơ tán người, tài sản đến nơi an toàn;

+ Lực lượng ứng phó tại chỗ (sử dụng lực lượng nào? phương tiện gì? để ngăn chặn phát tán, thu gom, xử lý...);

+ Lực lượng tăng cường, phối hợp (cơ sở phải có kế hoạch hiệp đồng hoặc thuê khoán với các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm trên địa bàn);

+ Lực lượng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực sự cố;

+ Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế.

III. DỰ KIẾN TÌNH HUỐNG, BIỆN PHÁP XỬ LÝ

1. Tình huống

Dự kiến tình huống ở đâu? xảy ra sự cố gì? mức độ ảnh hưởng.

2. Biện pháp xử lý

- Lực lượng thông báo, báo động: Khi sự cố xảy ra, cơ sở nhanh chóng triển khai biện pháp ứng phó, đồng thời báo cáo ngay đến các cơ quan chức năng của địa phương.

- Lực lượng sơ tán phương tiện và người dân ra khỏi khu vực sự cố: Sử dụng lực lượng của cơ sở phối hợp với lực lượng tăng cường của địa phương (nếu có).

- Lực lượng ứng phó tại chỗ: Lực lượng của cơ sở, phối hợp với lực lượng tại chỗ theo kế hoạch đã hiệp đồng.

- Lực lượng tăng cường, phối hợp: Lực lượng của địa phương nơi xảy ra sự cố.

- Lực lượng khắc phục hậu quả, cải tạo, phục hồi môi trường: Lực lượng của cơ sở, phối hợp với lực lượng cơ quan chức năng của địa phương.

- Lực lượng bảo đảm an ninh, an toàn khu vực sự cố: Lực lượng an ninh của cơ sở phối hợp với công an, cơ quan chức năng địa phương.

- Lực lượng bảo đảm hậu cần, y tế: Lực lượng của cơ sở phối hợp với lực lượng của địa phương.

IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC BỘ PHẬN

1. Nhiệm vụ chung

2. Nhiệm vụ cụ thể

V. CÔNG TÁC BẢO ĐẢM

1. Thông tin liên lạc

- Bảo đảm thông tin cho chỉ huy, chỉ đạo.

- Bảo đảm thông tin liên lạc cho lực lượng ứng phó, khắc phục hậu quả.

2. Bảo đảm trang thiết bị ứng phó sự cố chất thải

- Do đơn vị tự trang bị.

- Ký kết, hợp đồng với các đơn vị có năng lực về ứng phó sự cố.

3. Bảo đảm vật chất cho đơn vị tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả

4. Tổ chức y tế, thu dung cấp cứu người bị nạn

VI. TỔ CHỨC CHỈ HUY

1. Vị trí chỉ huy thường xuyên

- Địa điểm

- Thành phần

- Nhiệm vụ

2. Vị trí chỉ huy tại hiện trường

- Địa điểm: Tại hiện trường nơi xảy ra sự cố

- Thành phần

- Nhiệm vụ

 


Nơi nhận:
- Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Lưu: VT,

CHỦ CƠ SỞ


 

QUYỀN HẠN, CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI KÝ
(Chữ ký, đóng dấu)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 182/KH-UBND năm 2024 ứng phó sự cố chất thải tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2023-2030

  • Số hiệu: 182/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 08/11/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bạc Liêu
  • Người ký: Phạm Văn Thiều
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản