Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1811/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 19 tháng 6 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

Thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng giai đoạn 2018 - 2020 như sau:

I. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tuyên truyền, quảng bá toàn diện về miền đất, con người, bản sắc văn hóa, sản phẩm, tiềm năng du lịch Cao Bằng đến đông đảo du khách trong và ngoài nước, thông qua tuyên truyền tạo dựng được hình ảnh, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của Cao Bằng, qua đó thu hút du khách và nhà đầu tư đến Cao Bằng tham quan du lịch, đầu tư xây dựng phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Cao Bằng.

- Khẳng định vai trò của du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng đối với vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tuyên truyền khơi dậy và phát huy trong cán bộ, đảng viên và nhân dân niềm tự hào về quê hương Cao Bằng; từ đó tích cực tham gia xây dựng du lịch Cao Bằng trở thành điểm đến có chất lượng cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường, văn minh, lịch sự; nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Cao Bằng ở trong nước và thế giới, bảo đảm cho du lịch tỉnh phát triển bền vững.

2. Yêu cầu

- Công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch được thực hiện thường xuyên, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, chiến lược cụ thể; nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng, có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, tạo ấn tượng sâu sắc, đáp ứng sự phát triển của tỉnh và nhu cầu của người dân, cộng đồng, xã hội.

- Từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp trong các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, thu hút vốn đầu tư theo các dự án trọng điểm.

- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, địa phương; thường xuyên có sự giám sát, đánh giá việc thực hiện trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch để kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế.

II. THỰC TRẠNG TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ VỀ DU LỊCH

Những năm qua, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Cao Bằng đã bước đầu được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các cơ quan báo chí đã tập trung tuyên truyền các chương trình phát triển du lịch của tỉnh, các loại hình du lịch đang phát triển trên địa bàn; thông tin đầy đủ cho du khách trong và ngoài nước về những nét đẹp văn hóa của tỉnh, giới thiệu những làng nghề truyền thống, lễ hội đặc trưng, những quy định của pháp luật về hoạt động du lịch... các hoạt động xúc tiến du lịch, tour, tuyến du lịch, hợp tác phát triển du lịch, các hoạt động sự kiện liên quan đều được tuyên truyền quảng bá một cách kịp thời, thường xuyên; tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về hình ảnh, con người Cao Bằng trên các ấn phẩm với nhiều hình thức phong phú.

Báo Cao Bằng mở và duy trì thường xuyên 9 chuyên mục với trên 350 tin, bài, ảnh, clip... trên các ấn phẩm: Du lịch, Văn hóa, Phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống, Non nước Cao Bằng, Nét đẹp quê hương, Ẩm thực, Hồ sơ - Tư liệu, Đất nước - Con người, phóng sự ảnh... Đặc biệt, năm 2017, Báo Cao Bằng mở chuyên mục “Cao Bằng phát triển du lịch bền vững” gồm 19 chuyên đề tuyên truyền tương đối toàn diện về công tác du lịch: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giới thiệu miền đất giàu truyền thống cách mạng, tập trung xây dựng và quảng bá du lịch Cao Bằng gồm: du lịch lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng, làng nghề; du lịch mạo hiểm; các sản phẩm đặc sản, đặc hữu, các dịch vụ du lịch...

Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng duy trì chuyên mục “Du lịch qua màn ảnh nhỏ” phát sóng 02 lần/tuần, thời lượng phát sóng 15 phút vào thứ năm hằng tuần và phát lại vào các khung giờ khác trong các ngày. Nội dung: Tuyên truyền, quảng bá du lịch, giới thiệu hình ảnh con người, truyền thống lịch sử, văn hóa Cao Bằng, các phong tục tập quán thuần hậu của cộng đồng dân tộc, các di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh khác, các lễ hội văn hóa truyền thống, văn hóa ẩm thực, các làn điệu dân ca, nhạc cụ dân tộc độc đáo trong tỉnh Cao Bằng. Tuyên truyền định hướng về khôi phục, bảo tồn phát triển và phát huy giá trị nghề thủ công truyền thống gắn với hoạt động du lịch, quảng bá các sản phẩm từ nghề thủ công truyền thống,...

Một số chương trình tuyên truyền và quảng bá về Cao Bằng được phát sóng trên kênh truyền hình Trung ương: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện các nội dung xây dựng và phát sóng trên kênh VTV2 phóng sự giới thiệu văn hóa, du lịch Cao Bằng trong chuyên mục "Đi đâu? Ăn gì? Bánh ngon Cao Bằng" phát sóng 24 phút vào 21h ngày 31/3/2017, giới thiệu về các địa danh du lịch nổi tiếng của Cao Bằng như: Thác Bản Giốc, Phia Oắc, Phia Đén, Khu rừng Trần Hưng Đạo..., quy trình làm các món "bánh cuốn, bánh khảo, coóng phù"; Chương trình tuyên truyền về địa danh du lịch nổi tiếng Thác Bản Giốc do Biên tập viên nổi tiếng Long Vũ (Đài Truyền hình Việt Nam) thực hiện phát ngày mùng 1 Tết mậu Tuất 2018; Album ca nhạc của ca sỹ Bích Phương quay tại Thác Bản Giốc...

Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch; bảo tồn, phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Cao Bằng, làm cho hình ảnh Cao Bằng trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn, gìn giữ được những vẻ đẹp, tinh hoa văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo “sức hút” đối với du khách đến Cao Bằng; tạo sự chuyển biển về nhận thức trong các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về vai trò, vị trí của di tích lịch sử, văn hóa, du lịch - dịch vụ trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng còn nhiều hạn chế. Công tác tuyên truyền của các cơ quan báo chí mới dừng lại ở mức độ phản ánh, nội dung của một số chuyên mục chưa thực sự phong phú, chưa lôi cuốn công chúng bạn đọc; chưa có sự phối hợp trong tuyên truyền về du lịch; chưa có sự trao đổi, gắn kết với các cơ quan báo chí Trung ương và các tỉnh bạn; chưa khai thác lợi thế của mạng xã hội. Hiện nay, tỉnh đang có một trang thông tin điện tử (website) cung cấp các thông tin quảng bá du lịch do Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng quản lý (địa chỉ: http://dulichcaobang.vn/), tuy nhiên thông tin về website này chưa nhiều người biết đến, việc tiếp cận, tìm hiểu các thông tin về du lịch Cao Bằng trên website này chưa thật sự thuận tiện, vì khi người dùng tìm kiếm các thông tin liên quan đến du lịch Cao Bằng (với các từ khóa phổ biến như: Du lịch Cao Bằng; di tích lịch sử Cao Bằng; danh lam thắng cảnh Cao Bằng; thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hang Pác Bó, suối Lê Nin, cổng Trời...) trên công cụ tìm kiếm google đều không cho ra địa chỉ liên kết đến website để cho những người đang quan tâm có thể được cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất.

Thông tin quảng bá giới thiệu về non nước, văn hóa, con người Cao Bằng cũng đã được một số cá nhân, doanh nghiệp quan tâm cung cấp trên mạng xã hội, một số trang mạng xã hội (fanpage facebook) đáng chú ý như: “Cao Bằng” có 56.941 người theo dõi; “Cao Bang today” có 21.966 người theo dõi; “Cao Bằng Discovery” có 15.341 người theo dõi; “Phượt Cao Bằng” có 9.589 người theo dõi; “Cao Bằng quê tôi” có 8.186 người theo dõi; “Cao Bằng quê hương tôi” có 6.453 người theo dõi; “Du Lịch Cao Bằng” có 3.360 người theo dõi;... tuy vậy thông tin trên những trang mạng xã hội này chưa có sự định hướng, thiếu tính đồng nhất, thông tin dàn trải, các bài viết chưa thu hút được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng xã hội

Mặt khác, phát triển hạ tầng du lịch tại địa phương chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có; cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng ở địa phương còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thu hút khách. Đáng quan tâm là nhận thức của chính cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về phát triển du lịch còn hết sức hạn hẹp, theo kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2017, số người quan tâm đến Chương trình phát triển du lịch mới đạt 34%, số người biết nguồn gốc tất cả địa điểm du lịch tại địa phương sinh sống và các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh chiếm tỷ lệ rất thấp 11% (trên tổng số 1.592 phiếu hỏi).

Từ thực trạng nêu trên, cần có một kế hoạch chiến lược tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về hình ảnh và con người Cao Bằng, khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

III. NỘI DUNG, HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung tuyên truyền

1.1. Tuyên truyền thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương liên quan đến phát triển du lịch trong thời kỳ mới; việc thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch số 2295/KH-BCĐ, ngày 19/8/2016 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và hằng năm.

Tuyên truyền toàn diện các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh về phát triển du lịch, về chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành du lịch địa phương; tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

1.2. Tuyên truyền, quảng bá theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, thân thiện, về những đặc trưng du lịch mang đậm bản sắc của miền đất và con người Cao Bằng, như: Du lịch lịch sử - về nguồn, Du lịch tâm linh, Du lịch thắng cảnh, Du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề, Du lịch mạo hiểm, khám phá, Du lịch khám phá văn hóa bản địa và du lịch cửa khẩu... các lễ hội truyền thống của Cao Bằng, trang phục, văn hóa, phong tục, tập quán dân tộc, Du lịch địa chất,...

Giới thiệu ẩm thực và sản phẩm du lịch qua các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện, các hội chợ ẩm thực (các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương: Bánh khảo, chè lam, lạp sườn, hạt dẻ, lê, miến dong; lúa nếp Hương, nếp Pì Pất, nếp Ong...).

Tuyên truyền về Công viên địa chất non nước Cao Bằng; các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo tổ chức định kỳ hằng năm của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các sự kiện lớn hằng năm của tỉnh và các địa phương trong khu vực.

1.3. Tuyên truyền tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền quảng bá các hoạt động hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh và các hoạt động chính trị, ngoại giao, cụ thể:

* Các hoạt động trong nước: Hội thảo khoa học “Phát triển du lịch Cao Bằng trong tình hình mới”; Chương trình du lịch ‘“Qua những miền di sản Việt Bắc” lần 10 - Cao Bằng năm 2018; Hội nghị liên kết, phát triển du lịch vùng Đông Bắc.

* Các hoạt động ngoài nước: Họp định kỳ với Ủy ban phát triển Du lịch thành phố Bách Sắc, Sùng Tả; huyện biên giới Long Châu; thành phố Tịnh Tây, huyện Nà Po (Quảng Tây, Trung Quốc); Tham gia Kỳ họp Đại hội đồng mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO tại Pháp; Tham gia Hội nghị mạng lưới CVĐC toàn cầu tại Italia.

2. Hình thức tuyên truyền: Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng thông qua các hình thức chủ yếu như:

- Thông qua công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên; các cơ quan báo chí; tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Cao Bằng, Cụm thông tin đối ngoại thác Bản Giốc và các trang thông tin điện tử, tạp chí, đặc san, bản tin của các địa phương, đơn vị.

- Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá du lịch Cao Bằng qua các kênh truyền hình Trung ương, website Tổng cục Du lịch, mạng xã hội.

- Tuyên truyền quảng bá thông qua các chương trình, lễ hội, hội chợ, cuộc thi, hội thảo; các hoạt động hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh và các hoạt động chính trị, ngoại giao, phát triển kinh tế - xã hội.

- Tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu lưu trú, qua các sản phẩm du lịch (ẩm thực, sản vật địa phương...).

- Tuyên truyền trực quan qua hệ thống các pa nô, khẩu hiệu, băng rôn, áp phích, tranh cổ động, bảng điện tử; các chương trình văn hóa - văn nghệ,...

IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về hình ảnh và con người Cao Bằng trên các ấn phẩm của các cơ quan báo chí. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền căn cứ vào các chương trình phát triển du lịch của tỉnh và chương trình công tác của cấp ủy, chính quyền, tình hình thực hiện phát triển du lịch tại các địa phương, ngành, lĩnh vực. Mở thêm các chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục định kỳ tuyên truyền du lịch của tỉnh toàn diện, có chiều sâu.

1.1. Đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu hình ảnh, con người, giá trị văn hóa và các sản phẩm du lịch đặc trưng của Cao Bằng trên các ấn phẩm của Báo Cao Bằng, cụ thể:

- Báo thường kỳ: Mở thêm chuyên mục “Du lịch Cao Bằng” (trước đây đã đăng các bài liên quan đến du lịch, tuy nhiên chưa thành chuyên mục), duy trì mỗi tháng 4 chuyên mục giới thiệu về các điểm du lịch, các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống, sản phẩm du lịch đặc trưng, phong tục tập quán... trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền về những lợi ích mà ngành du lịch mang lại cho kinh tế địa phương và cộng đồng dân cư. Đấu tranh, phê phán các hành vi tiêu cực trong hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, dịch vụ lưu trú đối với du khách. Biểu dương gương người tốt, việc tốt; cách thức kinh doanh mới, hiệu quả trong ngành du lịch,...

Hằng năm xây dựng từ 1 - 2 chuyên trang nhân Ngày Truyền thống ngành Du lịch Việt Nam (9/7) hoặc các ngày lễ, sự kiện du lịch lớn của tỉnh (Nội dung đề xuất mới).

- Báo Cao Bằng điện tử: Duy trì các chuyên mục: Du lịch, Văn hóa, Phát huy và bảo tồn văn hóa truyền thống, Non nước Cao Bằng, Nét đẹp quê hương, Ẩm thực, Hồ sơ - Tư liệu, Đất nước - Con người, Du lịch, Phóng sự ảnh, Công viên địa chất non nước Cao Bằng.

Cập nhật liên tục, thường xuyên các sự kiện du lịch, quảng bá những danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Hằng tháng có ít nhất 1-2 clip truyền hình, chương trình đối thoại hoặc phóng sự ảnh giới thiệu về hình ảnh, con người và các sản phẩm du lịch Cao Bằng (Nội dung đề xuất mới).

- Tờ Tin ảnh Vùng cao: Mỗi số duy trì 01 phóng sự ảnh và 01 bài viết giới thiệu về hình ảnh, con người và các sản phẩm du lịch Cao Bằng (Nội dung đề xuất mới).

- Chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Cuộc thi “Qua miền non nước Cao Bằng” trên Báo Cao Bằng với những bài viết chia sẻ cảm nhận về cảnh đẹp, các điểm du lịch của Cao Bằng; những kinh nghiệm, thông tin, hướng dẫn độc đáo về các điểm du lịch, những sáng kiến phát triển du lịch; sản phẩm, thương hiệu du lịch; nhận thức và ý thức về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các nội dung khác liên quan đến du lịch của tỉnh (Nội dung đề xuất mới).

Đơn vị thực hiện: Báo Cao Bằng

1.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên sóng phát thanh và truyền hình thông qua các chương trình Thời sự hằng ngày, các chuyên mục như: Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn (giới thiệu các làng nghề truyền thống; các sản phẩm đặc trưng); Sắc màu Văn hóa (giới thiệu phong tục tập quán, những nét đẹp văn hóa truyền thống...); Thông tin đối ngoại; Văn hóa - Thể thao; Môi trường và Phát triển; Doanh nghiệp giới thiệu,...

Xây dựng Chuyên mục “Du lịch Non nước Cao Bằng”, duy trì phát sóng trên sóng phát thanh, sóng truyền hình của Đài, thời lượng 15-20 phút/chuyên mục; phát sóng Thứ Năm hằng tuần, sau chương trình Thời sự tối (khoảng 20h30’) và phát lại vào các khung giờ khác trong các ngày (tần suất chuyên mục: 01 chuyên mục/tuần, tăng 02 chuyên mục/tháng so với từ tháng 02/2018 trở về trước). Nội dung một chuyên mục gồm: Phần tin tức hoạt động chỉ đạo, quảng bá du lịch; Phóng sự tuyên truyền, quảng bá du lịch Cao Bằng; sổ tay du lịch; điểm đến du lịch; Clip hình ảnh du lịch.

Trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài kịp thời cập nhật những thông tin hoạt động chỉ đạo về phát triển du lịch Cao Bằng; tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, con người, du lịch Cao Bằng; chuyển tải toàn bộ chương trình chuyên mục “Du lịch Non nước Cao Bằng” lên Trang thông tin điện tử của Đài (Nội dung thực hiện mới từ tháng 3/2018).

- Tham gia phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện xã hội hóa, mời các đơn vị tư vấn truyền thông để hỗ trợ xây dựng một số chương trình để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch Cao Bằng trên các kênh truyền hình Trung ương, Website của Tổng cục Du lịch, một số tỉnh, mạng xã hội.

Đơn vị thực hiện: Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng

2. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch trên Internet, các website, mạng xã hội; tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin tuyên truyền về du lịch của các cơ quan báo chí, các bản tin, trang tin điện tử...trên địa bàn tỉnh.

- Tối ưu hóa kỹ thuật các website thuộc tỉnh giúp cải thiện kết quả tìm kiếm của google và các công cụ tìm kiếm khác trên Internet, nhằm đưa kết quả tìm kiếm các từ khóa liên quan đến Cao Bằng lên thứ hạng cao. Tập trung cho các trang gồm: Cổng thông tin điện tử tỉnh, Báo điện tử Cao Bằng, Website Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng, trang thông tin điện tử UBND các huyện và thành phố.

- Trao đổi liên kết giữa các trang thông tin, website quảng bá của tỉnh với cổng thông tin điện tử của các tỉnh bạn và các trang mạng khác (các bên đặt liên kết của nhau); trước các sự kiện lớn, đề nghị đặt banner liên kết trên cổng thông tin điện tử của các tỉnh bạn.

- Đôn đốc các sở, ngành, cơ quan Báo, Đài tạo các kênh thông tin trên Internet để tương tác với du khách.

- Tham mưu mời các đơn vị tư vấn xây dựng chiến lược truyền thông để quảng bá hình ảnh Cao Bằng.

- Triển khai chương trình quảng bá hình ảnh Cao Bằng thông qua mạng xã hội. Theo đó tổ chức trao thưởng cho các tài khoản, trang mạng xã hội đăng các tin bài về quảng bá hình ảnh Cao Bằng có số lượng người tiếp cận, số lượng tương tác lớn.

- Triển khai hệ thống đèn LED tại các khu du lịch, cửa khẩu của tỉnh để giới thiệu, hiển thị các thông tin quảng bá hình ảnh Cao Bằng.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thực hiện đăng tải các thông tin quảng bá về hình ảnh Cao Bằng thông qua các cuộc giao ban báo chí định kỳ. Theo dõi, giám sát hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng trên mạng Internet.

Đơn vị thực hiện: Sở Thông tin và Truyền thông

3. Tham mưu thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các đơn vị trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch.

- Chủ trì tham mưu tổ chức thực hiện và cung cấp thông tin tuyên truyền các hoạt động hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch của tỉnh. Tổ chức các hội thảo, chương trình tọa đàm giới thiệu du lịch Cao Bằng để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, chất lượng và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch.

- Chủ trì phối hợp tổ chức việc tuyên truyền, quảng bá du lịch đến nhân dân trong tỉnh và khách du lịch thông qua các cơ sở lưu trú, hệ thống nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ về du lịch cho đội ngũ quản lý, lễ tân, hướng dẫn viên du lịch; chỉ đạo phát hành các ấn phẩm, tổ chức các lễ hội, hội chợ, cuộc thi tuyên truyền, quảng bá du lịch Cao Bằng (lễ hội Thanh Minh, lễ hội về nguồn Pác Bó, lễ hội Bản Giốc, lễ hội Lê Đông Khê, cuộc thi về ảnh đẹp du lịch Cao Bằng).

- Tăng cường nội dung quảng bá hình ảnh Cao Bằng thông qua các kênh thông tin truyền thông đa phương tiện trong Chương trình phát triển Du lịch Cao Bằng giai đoạn năm 2016 - 2020. Lập danh mục từ khóa liên quan đến quảng bá hình ảnh Cao Bằng phục vụ cho việc tối ưu khả năng tìm kiếm của Cổng thông tin điện tử, Báo điện tử Cao Bằng, website Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng, website của Ban quản lý CVĐC non nước Cao Bằng... tích hợp trong Cổng du lịch thông minh, ứng dụng du lịch thông minh trên Smartphone (khi người dùng gõ các từ khóa này trên các công cụ tìm kiếm sẽ hiển thị các liên kết đến các thông tin quảng bá hình ảnh của tỉnh).

- Chỉ đạo Ban quản lý các di tích, khu, điểm du lịch xây dựng các trang fanpage trên mạng xã hội facebook. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các đơn vị chức năng trong lĩnh vực du lịch, quảng bá, lữ hành, truyền thông tạo lập các kênh quảng bá chính thức của tỉnh trên mạng xã hội, trên đó đăng tải, phổ biến các thông tin, hình ảnh về di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, văn hóa, con người Cao Bằng (trước mắt xây dựng trang fanpage trên Facebook về tỉnh Cao Bằng và các trang theo từng thế mạnh, khu vực, phân công các đơn vị chuyên nghiệp phụ trách trang, thực hiện các giải pháp để thu hút sự quan tâm và lượng truy cập từ trang này. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên bao gồm các chủ tài khoản mạng xã hội, quản trị các trang mạng xã hội đang có lượng người theo dõi lớn để cùng tham gia đăng tải, chia sẻ tin bài về Cao Bằng. Tạo cơ chế khuyến khích, chi trả thù lao cho các bài đăng có số lượng người tiếp cận và số lượng tương tác lớn).

- Chỉ đạo Đoàn Nghệ thuật tỉnh xây dựng Chương trình nghệ thuật “Về miền Non nước”, dựa trên các bài hát ca ngợi về quê hương và các danh lam thắng cảnh của tỉnh Cao Bằng. Giới thiệu các làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc nhằm quảng bá hình ảnh và các sinh hoạt trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng. Dàn dựng và biên đạo các tiết mục trên nền các bài hát để tạo hiệu ứng hình ảnh mang đậm nét bản sắc văn hóa của các dân tộc tỉnh Cao Bằng.

- Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, cổ động trực quan qua hệ thống các pa nô, bảng điện tử,... tại trung tâm các huyện, thành phố, các trục đường phố chính, các khu, điểm du lịch, các công sở, trường học, khu dân cư trong toàn tỉnh; các hoạt động văn hóa - văn nghệ thông tin, tuyên truyền về du lịch Cao Bằng.

- Chủ trì thực hiện việc biên tập tài liệu ngắn gọn giới thiệu về nguồn gốc, ý nghĩa của các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh; cung cấp cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy theo định kỳ hằng tháng để phục vụ công tác định hướng tuyên truyền tại các Hội nghị Báo cáo viên và giao ban báo chí thường kỳ. Bắt đầu thực hiện từ quý III/2018.

- Tham gia phối hợp với Báo Cao Bằng, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức Cuộc thi “Qua miền non nước Cao Bằng” trên Báo Cao Bằng.

- Tham gia phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện xã hội hóa, mời các đơn vị tư vấn truyền thông để hỗ trợ xây dựng một số chương trình để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch Cao Bằng trên các kênh truyền hình Trung ương, Website của Tổng cục Du lịch, một số tỉnh, mạng xã hội.

Đơn vị thực hiện: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

4. Thực hiện một số giải pháp đột phá về mở rộng tuyên truyền quảng bá du lịch Cao Bằng ra bên ngoài (Nguồn tư liệu tuyên truyền sử dụng từ nguồn Ban quản lý dự án xây dựng và điều phối hoạt động của Ban tư vấn chính sách cấp tỉnh; dự án VIE 036)

Chủ động thực hiện xã hội hóa, mời các đơn vị tư vấn truyền thông để hỗ trợ xây dựng một số chương trình để tuyên truyền, quảng bá tiềm năng phát triển du lịch Cao Bằng trên các kênh truyền hình Trung ương, Website của Tổng cục Du lịch, một số tỉnh, mạng xã hội. Cụ thể:

- Xây dựng 02 clip ngắn giới thiệu về Cao Bằng với tên gọi: "Cao Bằng- Miền cổ tích". Đơn vị thực hiện: Đoàn quay phim của Đạo diễn Vũ Nam Dương, Thành phố Hà Nội. Đơn vị hỗ trợ: Ban quản lý dự án xây dựng và điều phối hoạt động của Ban tư vấn chính sách cấp tỉnh; dự án VIE036; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan. Thời lượng: 01 clip 10 phút; 01 clip 02 phút.

Nội dung clip giới thiệu về non nước và con người Cao Bằng, được tái hiện như một vùng đất cổ tích, thần tiên, giữ được nguyên sơ cảnh đẹp thiên nhiên với những giá trị lịch sử-văn hóa đậm nét. Clip hướng đến quảng bá các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch khám phá trải nghiệm, gắn du lịch với phát triển các sản phẩm nông nghiệp sạch; giữ gìn, phát huy các nét văn hóa truyền thống, sản phẩm đặc trưng của 13 huyện, thành phố.

Dự kiến clip sẽ được chuyển đến hãng hàng không VietnamAirlines và một số cơ quan truyền thông trong nước và nước ngoài (các kênh VTV của đài truyền hình Việt Nam; kênh truyền hình Nhật Bản NHK World, kênh mạng xã hội như Youtube, facebook, instagram,...) để quảng bá.

- In sách ảnh “Cao Bằng 04 sản vật”: Là cẩm nang du lịch, giới thiệu cảnh đẹp, lễ hội văn hóa, con người và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của Cao Bằng theo chu kỳ 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông với các bài bình ngắn của một số nhà văn, nhà báo đã từng gắn bó, yêu mến quê hương Cao Bằng như Lê Chí Thanh, Hồng Cư, Phan Huế,...mỗi sản phẩm gắn với một địa danh, vùng khí hậu đặc trưng tạo nên các chất lượng và hương vị riêng biệt, đi kèm là các câu chuyện kể của người dân địa phương, hướng dẫn cách thu hoạch, chế biến,... nhằm khơi dậy niềm tự hào, tình yêu hương nguồn cội, giữ gìn và phát huy hơn nữa lợi thế, tiềm năng các sản vật đặc trưng, văn hóa bản địa của các địa phương trong tỉnh. Bao gồm các sản phẩm sự kiện như: mùa Xuân (miến Dong, chè Đoỏng Pán, lạp sườn, bò Mông), mùa Hạ (Bí thơm, thạch Mác Púp, Thạch đen, Lạc đỏ), mùa Thu (Hà Thủ ô, hạt Dẻ, Lê vàng, Trám đen), mùa Đông (Gạo nếp Pì Pất, gạo nếp Ong Khẩu Pấng, gạo nếp cẩm, quýt).

Dự kiến giai đoạn 1 cuốn sách ảnh sẽ được sử dụng phục vụ cho các hoạt động lớn của tỉnh, làm quà tặng cho khách đến làm việc tại tỉnh, hoặc các đoàn công tác của tỉnh đến các địa phương khác; giai đoạn 2 tiếp tục hoàn thiện, dịch ra tiếng Anh, tiếng Trung, sử dụng làm tư liệu quảng bá trên các trang mạng xã hội, tạp chí trong và ngoài nước, làm tờ rơi giới thiệu cảnh đẹp, sản vật địa phương đặt tại một số điểm nhà hàng, khách sạn, khu trung tâm của tỉnh, cung cấp thông tin cho khách du lịch.

- Thực hiện Chương trình “A street food tour” (Quán ngon hè phố) (Đoàn làm phim của đạo diễn Vũ Nam Dương - đơn vị được giao thực hiện serie chương trình)

Là serie chương trình đầu tiên về món ngon đường phố trên hệ thống kênh VTV của đài truyền hình Việt Nam. Nhân vật trải nghiệm là các đầu bếp nổi tiếng trong nước và nước ngoài. Chương trình sẽ tái hiện sinh động nền ẩm thực vỉa hè phong phú, giàu bản sắc trên sóng truyền hình; mỗi ngày 01 món ăn đặc sắc, phát sóng cố định vào khung giờ đẹp trên VTV3 (VTV3: 18h53-18h55 từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần; VTV1: từ 22h30' - 22h32' từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần).

Chương trình sẽ thực hiện kết nối truyền thông đa phương tiện đến các kênh, mạng xã hội như Youtube, facebook, instagram,...nhằm kết nối khán giả và mở rộng cộng đồng yêu thích ẩm thực đường phố, lồng ghép quảng bá các thông điệp du lịch văn minh, du lịch bền vững, giữ gìn các giá trị văn hóa ẩm thực truyền thống của các địa phương trên cả nước.

Tỉnh Cao Bằng là địa phương thực hiện 10 series đầu tiên của chương trình, giới thiệu 10 món ăn đặc trưng, trải dài trên các huyện, thành phố (bắt đầu quay vào cuối tháng 3/2018).

Đơn vị thực hiện: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh là đầu mối phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện.

5. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ cán bộ, nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh chuyên đề về tuyên truyền du lịch.

Tham gia phối hợp với Báo Cao Bằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Cuộc thi “Qua miền non nước Cao Bằng” trên Báo Cao Bằng.

Đơn vị thực hiện: Hội Nhà báo tỉnh

6. Tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ, nhạc; xuất bản các ấn phẩm sách nhạc, đĩa nhạc về chủ đề du lịch Cao Bằng (Nội dung đề xuất mới). Duy trì thực hiện tốt công tác xuất bản và phát hành tạp chí Non nước Cao Bằng, bố trí thời lượng hợp lý để đăng tin, bài về du lịch Cao Bằng; xuất bản sách nhạc, đĩa nhạc (gồm album ca khúc mới và album chọn lọc dân ca các dân tộc Cao Bằng) về chủ đề du lịch Cao Bằng.

Đơn vị thực hiện: Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Kinh phí thực hiện được từ nguồn Ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa và các nguồn kinh phí hợp pháp khác (nếu có).

(Có dự kiến kinh phí kèm theo).

- Các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá chủ động thực hiện từ nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước đã được cấp có thẩm quyền giao hàng năm. Các nhiệm vụ có dự toán kinh phí lớn vượt quá khả năng ngân sách của các cơ quan, đơn vị, đề nghị lập dự toán gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định theo chế độ quy định, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách địa phương tài chính cùng cấp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cơ quan, đơn vị: Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo, Hội Văn học - Nghệ thuật, Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng căn cứ các nội dung tại phần III, theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch thực hiện; xác định lộ trình thực hiện, kinh phí và các điều kiện để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra.

2. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

- Tăng cường hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tuyên truyền về chủ trương, chỉ đạo của tỉnh về phát triển du lịch, về chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển du lịch và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành du lịch địa phương.

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tham mưu chỉ đạo, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được vị trí, vai trò, tiềm năng, thế mạnh của du lịch trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm; khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước, gắn bó với quê hương, tích cực tham gia tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng Cao Bằng phát triển.

- Xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền hằng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, cả năm; duy trì thực hiện tốt và tăng cường tuyên truyền du lịch Cao Bằng tại hội nghị báo cáo viên thường kỳ các cấp. Tăng cường phối hợp với các huyện, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy viết tin, bài tuyên truyền kết quả thực hiện Chương trình Phát triển du lịch của địa phương, đơn vị; tăng cường tin, bài tuyên truyền du lịch Cao Bằng trên Bản tin Thông báo nội bộ (Bản tin phục vụ sinh hoạt chi bộ).

- Chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí thực hiện đăng tải các thông tin quảng bá về hình ảnh Cao Bằng thông qua các cuộc giao ban báo chí định kỳ. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan quản lý Cụm thông tin đối ngoại thác Bản Giốc; Cổng thông tin điện tử tỉnh; Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Cao Bằng; các trang thông tin điện tử của các địa phương, đơn vị và các tạp chí, đặc san, bản tin của các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, quảng bá du lịch Cao Bằng. Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường phối hợp và liên kết với Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân thường trú tại Tỉnh Cao Bằng; các cơ quan báo chí, thông tấn Trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Đảng, Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh để tuyên truyền, quảng bá toàn diện hình ảnh của trên các phương tiện truyền thông của mình, nhất là chương trình phát triển du lịch.

3. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội cấp tỉnh

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thực hiện Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 29/4/2016 của Tỉnh ủy Cao Bằng về Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch số 2295/KH-BCĐ, ngày 19/8/2016 của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng về thực hiện Chương trình Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và hằng năm qua hệ thống website, mạng xã hội của tổ chức đoàn thể, sinh hoạt chi đoàn, chi hội... Tổ chức và phối hợp với các đơn vị hữu quan đẩy mạnh việc xây dựng các sản phẩm tuyên truyền trực quan (infographic, tờ gấp, các MV...); tổ chức các cuộc thi trong đối tượng đoàn viên, hội viên gắn với giới thiệu, quảng bá về hình ảnh, đất nước, con người Cao Bằng...nhằm góp phần nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc tham gia tuyên truyền, quảng bá, xây dựng hình ảnh con người, mảnh đất Cao Bằng thân thiện, mến khách; khẳng định vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tỉnh Đoàn thanh niên xây dựng và triển khai Chương trình "Thanh niên tham gia phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng" giai đoạn 2018 - 2022, Đề án quản lý, phát huy giá trị của Khu di tích lịch sử Kim Đồng trong giáo dục truyền thống cho thanh thiếu nhi. Chỉ đạo thực hiện phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên trong phối hợp xây dựng cảnh quan, cây xanh tại các khu di tích, địa chỉ đỏ.

4. Các sở, ban, ngành của tỉnh

Khuyến khích, vận động cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên theo dõi trang mạng xã hội chính thức của tỉnh, tích cực “Thích”, “Chia sẻ”, từ đó làm cầu nối đến bạn bè người dùng mạng xã hội khác; vận động chung sức đóng góp tư liệu, hình ảnh cho trang mạng xã hội chính thức của tỉnh để góp phần lan tỏa hình ảnh Cao Bằng đến bạn bè trong nước và quốc tế.

- Các cơ quan, đơn vị có tạp chí, đặc san, bản tin: duy trì thực hiện tốt công tác xuất bản và phát hành tạp chí, đặc san, bản tin của cơ quan, đơn vị; bố trí thời lượng hợp lý để đăng tin, bài về du lịch Cao Bằng; khuyến khích, động viên cán bộ, công chức, hội viên sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề du lịch Cao Bằng.

- Sở Tài chính: chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình cấp có thẩm quyền bố trí bổ sung kinh phí sự nghiệp hằng năm để thực hiện Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá du lịch Cao Bằng giai đoạn 2018 - 2020.

- Sở Ngoại vụ: chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và truyền thông vận hành và quản lý hiệu quả Cổng thông tin đối ngoại tỉnh Cao Bằng. Duy trì xuất bản nâng cao chất lượng Bản tin Đối ngoại Cao Bằng gửi các cơ quan đại diện nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các bộ ngành Trung ương, các sở, ban, ngành và các huyện, xã biên giới trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, phổ biến về đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; giới thiệu về những nét đẹp văn hóa truyền thống, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, làm việc tại tỉnh Cao Bằng. Phối hợp tốt với các cơ quan trung ương quản lý, hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện đối với các đoàn phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp, viết bài, xây dựng phóng sự, phim ảnh... về văn hóa, con người, du lịch Cao Bằng, góp phần quảng bá hình ảnh Cao Bằng ra thế giới.

5. UBND các huyện, thành phố

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn trong tham gia tuyên truyền, quảng bá về xây dựng hình ảnh con người, mảnh đất Cao bằng thân thiện, mến khách, đậm đà bản sắc.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện khai thác, biên tập các thông tin, hình ảnh tiêu biểu gắn với địa danh, bản sắc văn hóa của địa phương cung cấp thông tin cho công tác thông tin, tuyên truyền của tỉnh về du lịch.

Tích cực đăng tải, trích dẫn các thông tin quảng bá hình ảnh Cao Bằng trên trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước qua đó duy trì được một lượng lớn thông tin, hình ảnh Cao Bằng trên môi trường mạng Internet. Sau khi hình thành các kênh thông tin quảng bá, tiếp tục xây dựng các chiến dịch, chương trình quảng bá có lộ trình, có trọng tâm./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ Chương trình PTDL;
- Các huyện ủy, thành ủy;
- UBND các huyện, thành phố;
- MTTQ và các đoàn thể cấp tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Các cơ quan báo chí, Hội VHNT, Hội Nhà báo;
- Ban Tuyên giáo các huyện, thành ủy, Tuyên huấn các Đảng ủy trực thuộc;
- LĐVP UBND tỉnh;
- CV: TH, VX, Phòng QT-TV VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX (G).

CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Ánh

 

DỰ TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN GIẢI PHÁP CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, QUẢNG BÁ VỀ HÌNH ẢNH CAO BẰNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

STT

Thời kỳ thực hiện

Nội dung giải pháp cụ thể

Tổng số kinh phí thực hiện dự kiến

Trong đó

Ghi chú

Từ nguồn xã hội hóa

Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước

 

 

CẢ GIAI ĐOẠN 2018 - 2020

18.288.864.000

13.005.049.000

5.283.815.000

 

1

Văn phòng UBND tỉnh

900.000.000

500.000.000

400.000.000

Xã hội hóa từ nguồn của ban quản lý dự án XD&ĐP HĐ BTVCS cấp tỉnh và một số các tổ chức khác

 

 

Xây dựng clip chung của tỉnh để quảng bá tiềm năng, lợi thế về đầu tư, thương mại, nông nghiệp xanh, du lịch bền vững,...Trong đó nêu bật được các giá trị văn hóa lịch sử, cảnh vật và vẻ đẹp con người, sự hấp dẫn của ẩm thực truyền thống địa phương.

500.000.000

300.000.000

200.000.000

Xây dựng kế hoạch hằng năm sử dụng, tuyên truyền và quảng bá Clip trên các kênh truyền hình của VTV, trên các chuyến bay của Việt Nam Airlines; hỗ trợ xúc tiến trên sóng của đài NHK Nhật Bản, đài truyền hình Quảng Tây (Trung Quốc); các trang mạng xã hội như Youtube, facebook, instagram

400.000.000

200.000.000

200.000.000

2

Báo Cao Bằng

570.200.000

 

570.200.000

Xã hội hóa trao đổi thông tin

 

 

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển du lịch của tỉnh trên cả 3 ấn phẩm: Báo thường kỳ, Báo Cao Bằng điện tử và Tờ Tin ảnh Vùng cao.

2. Chủ trì phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Cuộc thi “Qua miền non nước Cao Bằng” trên Báo Cao Bằng.

3. Tăng cường phối hợp và liên kết với các cơ quan báo chí, thông tấn Trung ương và địa phương, Báo Đảng các tỉnh trong khu vực tuyên truyền, quảng bá toàn diện hình ảnh của địa phương.

 

 

 

 

 

 

4. Phối hợp với Hội Nhà báo tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên trên địa bàn tỉnh chuyên đề về TT, quảng bá du lịch.

 

 

Kinh phí do Hội Nhà báo xây dựng

 

3

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh

1.965.664.800

35.049.000

1.930.615.800

 

 

 

1.Xây dựng và duy trì chuyên mục“Du lịch Non nước Cao Bằng” phát trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Cao Bằng. (136 chuyên mục TH + 136 chuyên mục PT).Thời lượng chuyên mục 15 phút. Tần suất chuyên mục 4 chuyên mục/tháng (1 chuyên mục/tuần).

 

 

 

 

 

 

2. Sản xuất các phóng sự, ký sự: Giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hóa Cao Bằng, lễ hội văn hóa truyền thống, các làn điệu dân
ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, giới thiệu làng nghề truyền thống...

3. Sản xuất các clips quảng bá hình ảnh con người, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa Cao Bằng.

4. Tổ chức “Thi ảnh đẹp qua màn ảnh nhỏ”, “Liên hoan phát thanh - truyền hình”.

 

 

 

 

4

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1.860.000.000

470.000.000

1.390.000.000

 

 

 

- Xây dựng Kế hoạch tham gia các hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng tại một số tỉnh, thành.

- Tổ chức cuộc thi ảnh đẹp du lịch Cao Bằng hằng năm;

- Tổ chức lễ hội du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm.

 

 

 

 

5

Sở Thông tin và Truyền thông

12.513.000.000

12.000.000.000

513.000.000

12.000.000.000 Kinh phí từ DA Bộ TT&TT

 

 

- Triển khai các biện pháp kỹ thuật trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin của các cơ quan nhà nước, Báo điện tử Cao Bằng, Website Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng nhằm tối ưu khả năng tìm kiếm trên Internet (thể hiện lên nhóm đầu của công cụ tìm kiếm khi gõ từ khóa liên quan đến Cao Bằng.

- Mời tư vấn xây dựng chiến lược truyền thông để quảng bá hình ảnh Cao Bằng.

- Tổ chức chương trình quảng bá hình ảnh Cao Bằng thông qua các tài khoản, trang mạng xã hội.

- Lắp đặt Cụm thông tin tuyên truyền (màn hình LED) tại các cửa khẩu.

 

 

 

 

6

Hội Văn học - Nghệ thuật

430.000.000

 

430.000.000

 

 

 

Cuộc thi sáng tác thơ và xuất bản tập thơ về chủ đề du lịch Cao Bằng; Cuộc thi sáng tác ca khúc và xuất bản đĩa nhạc DVD và sách nhạc về chủ đề du lịch Cao Bằng; Xuất bản đĩa DVD dân ca chọn lọc về chủ đề du lịch Cao Bằng.

 

 

 

 

7

Hội Nhà báo tỉnh

50.000.000

 

50.000.000

 

 

 

Tổ chức 01 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên trên địa bàn tỉnh chuyên đề về TT, quảng bá du lịch (thực hiện năm 2019).

 

 

 

 

 

LỘ TRÌNH TỪNG NĂM

 

 

 

 

I

NĂM 2018

 

6.245.696.000

4.503.820.000

1.741.876.000

 

1

Văn phòng UBND tỉnh

700.000.000

400.000.000

300.000.000

 

 

 

Mời Đoàn làm phim Nam Dương, thành phố Hà Nội lên Cao Bằng tiếp tục thực hiện các cảnh quan để hoàn thiện Clip (Kinh phí cho Đạo diễn, đoàn làm phim, hậu cần phục vụ Đoàn, làm hậu cần tại Thái Lan,...)

500.000.000

300.000.000

200.000.000

 

 

 

Xây dựng kế hoạch sử dụng, tuyên truyền và quảng bá Clip năm 2018

200.000.000

100.000.000

100.000.000

 

2

Báo Cao Bằng

115.000.000

 

115.000.000

 

 

 

1. Phát động cuộc thi “Qua miền non nước Cao Bằng” trên Báo Cao Bằng” trong quý II/2018.

12.000.000

 

12.000.000

 

 

 

2. Xuất bản 1 chuyên trang: Chào mừng chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc” lần thứ X tổ chức tại Cao Bằng và Công bố Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng

20.000.000

 

20.000.000

 

 

 

• Mở chuyên mục “Du lịch Cao Bằng” 24 chuyên mục báo in; Tờ tin ảnh vùng cao 6 chuyên mục, 6 phóng sự ảnh; Báo Điện tử (6 phóng sự ảnh, 6 clip, 2 đối thoại, duy trì chuyên mục, baner....)

83.000.000

 

83.000.000

 

3

Đài PT-TH tỉnh

595.696.000

13.820.000

581.876.000

 

 

 

1.Mở chuyên mục“Du lịch Non nước Cao Bằng” và tuyên truyền trên các chương trình, chuyên mục khác của Đài, như “Sắc màu dân tộc”, “Dân tộc và phát triển”, “Đối ngoại”... (40 chuyên mục TH + 40 chuyên mục PT)

526.592.000

 

526.592.000

 

 

 

2. Sản xuất 4 phóng sự, ký sự:
- Ký sự- Tỏa sáng cội nguồn Pác Bó (10 tập);

- Ký sự-Phia Oắc - Phia Đén- Báu vật thiên nhiên (5 tập);

- Ký sự nghề truyền thống (10 tập).

- Phóng sự 3 tuyến du lịch về Công viên địa chất Non nước Cao Bằng (3 tập).

3. Sản xuất các clips quảng bá hình ảnh người, các danh lam thắng cảnh, các di tích sử, văn hóa Cao Bằng.

69.104.000

13.820.000

55.284.000

 

4

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

420.000.000

90.000.000

330.000.000

 

 

 

- Xây dựng Kế hoạch tham gia các hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng

300.000. 000

50.000. 000

250.000.000

 

- Tổ chức cuộc thi ảnh đẹp du lịch Cao Bằng

120.000.000

40.000.000

80.000.000

5

Sở Thông tin & Truyền thông

4.325.000.000

4.000.000.000

325.000.000

 

 

 

Triển khai các biện pháp kỹ thuật trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin của các cơ quan nhà nước, Báo điện tử Cao Bằng, Website Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng nhằm tối ưu khả năng tìm kiếm trên Internet (thể hiện lên nhóm đầu của công cụ tìm kiếm khi gõ từ khóa liên quan đến Cao Bằng. Quý III/2018).

125.000.000

 

125.000.000

 

 

 

Mời tư vấn xây dựng chiến lược truyền thông để quảng bá hình ảnh Cao Bằng (Quý II/2018)

200.000.000

 

200.000.000

 

 

 

Lắp đặt Cụm thông tin tuyên truyền (màn hình LED) tại cửa khẩu Tà Lùng (Quý IV/2018)

4.000.000.000

4.000.000.000

 

Kinh phí từ DA Bộ TT&TT

6

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh

90.000.000

 

90.000.000

 

 

 

Cuộc thi sáng tác thơ và xuất bản tập thơ về chủ đề du lịch Cao Bằng.

 

 

 

 

II

NĂM 2019

 

6.166.810.400

4.252.340.000

1.914.470.000

 

1

Văn phòng UBND tỉnh

100.000.000

50.000.000

50.000.000

 

 

 

Xây dựng kế hoạch sử dụng, tuyên truyền và quảng bá Clip năm 2019

 

 

 

 

2

Báo Cao Bằng

269.200.000,đ

 

269.200.000,đ

 

 

 

1. Duy trì chuyên mục “Du lịch Cao Bằng” 48 chuyên mục báo in; Tờ tin ảnh vùng cao (12 chuyên mục, 12 phóng sự ảnh); Báo Điện tử (12 phóng sự ảnh, 12 clip, 4 đối thoại, duy trì chuyên mục, baner....)

166.000.000,đ

 

166.000.000, đ

 

 

 

2. Xuất bản 1 chuyên trang Liên hoan hát then, đàn tính

20.000.000,đ

 

20.000.000,đ

 

 

 

3. Tổng kết cuộc thi “Qua miền non nước Cao Bằng” trên Báo Cao Bằng” trong quý IV/2019.

83.200.000đ

 

83.200.000đ

 

3

Đài Phát thanh -Truyền hình tỉnh

693.610.400đ

12.340.000đ

681.270.400đ

 

 

 

1. Duy trì chuyên mục “Du lịch Non nước Cao Bằng” và tuyên truyền trên các chương trình, chuyên mục khác của Đài, như “Sắc màu dân tộc”, “Dân tộc và phát triển”, “Đối ngoại”... (48 chuyên mục TH + 48 chuyên mục PT)

631.910.400đ

 

631.910.400đ

 

 

 

2. Sản xuất 4 phóng sự, ký sự:

- Ký sự Rừng Trần Hưng Đạo (5 tập)
- Ký sự chiến thắng Chiến dịch Biên giới 1950 (10 tập).

- Dân ca, dân nhạc. (5 tập)

- Trải nghiệm ẩm thực Cao Bằng (5 tập).

3. Sản xuất các clips quảng bá hình ảnh con người, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa Cao Bằng.

4. Tổ chức “Thi ảnh đẹp trên màn ảnh nhỏ”

61.700.000đ

12.340.000đ

49.360.000đ

 

4

Sở VH, TT&DL

720.000.000

190.000.000

530.000.000

 

 

 

- Xây dựng Kế hoạch tham gia các hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng.

300.000.000

50.000.000

250.000.000

 

 

 

- Tổ chức Lễ hội về nguồn Pác Bó

300.000.000

100.000.000

200.000.000

 

 

 

- Tổ chức cuộc thi ảnh đẹp du lịch Cao Bằng

120.000.000

40.000.000

80.000.000

 

5

Sở TT&TT

4.144.000.000

4.000.000.000

144.000.000

 

 

 

Duy trì thứ hạng của Cổng thông tin điện tử, trang thông tin của các cơ quan nhà nước, Báo điện tử Cao Bằng, Website Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng trên công cụ tìm kiếm google (nằm trong top 3 của công cụ tìm kiếm khi gõ từ khóa liên quan đến Cao Bằng. Quý I/2019)

44.000.000

 

44.000.000

 

 

 

Tổ chức chương trình quảng bá hình ảnh Cao Bằng thông qua các tài khoản, trang mạng xã hội (Quý II/2019).

100.000.000

 

100.000.000

 

 

 

Lắp đặt Cụm thông tin tuyên truyền (màn hình LED) tại cửa khẩu Hùng Quốc (Quý IV/2019).

4.000.000.000

4.000.000.000

 

Kinh phí từ DA Bộ TT&TT

6

Hội VH-NT tỉnh

190.000.000

 

190.000.000

 

 

 

Cuộc thi sáng tác ca khúc và xuất bản đĩa nhạc DVD và sách nhạc về chủ đề du lịch Cao Bằng.

 

 

 

 

7

Hội Nhà báo tỉnh

50.000.000

 

50.000.000

 

 

 

- Mở lớp tập huấn cho các học viên đang công tác tại Báo Cao Bằng, Đài PT-TH Cao Bằng, Đài TTTH các huyện, thành phố; Các cơ quan, đơn vị có tạp chí, đặc san, bản tin, và các cơ quan liên quan;

+ Thời gian tổ chức lớp học: 3 ngày;

 

 

 

 

III

NĂM 2020

 

5.876.358.400

4.248.889.000

1.627.469.400

 

1

Văn phòng UBND tỉnh

100.000.000

50.000.000

50.000.000

 

 

 

Xây dựng kế hoạch sử dụng, tuyên truyền và quảng bá Clip năm 2020

 

 

 

 

2

Báo Cao Bằng

186.000.000,đ

 

186.000.0004

 

 

 

1. Duy trì chuyên mục “Du lịch Cao Bằng” 48 chuyên mục báo in; Tờ tin ảnh vùng cao (12 chuyên mục, 12 phóng sự ảnh); Báo Điện tử (12 phóng sự ảnh, 12 clip, 4 đối thoại, duy trì chuyên mục, baner....)

166.000.000

 

166.000.000

 

 

 

2. Xuất bản chuyên trang Lễ hội về nguồn tại Pác Bó

20.000.000

 

20.000.000

 

3

Đài PT-TH tỉnh

676.358.400

8.889.000

667.469.400

 

 

 

1. Duy trì chuyên mục “Du lịch Non nước Cao Bằng” và tuyên truyền trên các chương trình, chuyên mục khác của Đài, như “Sắc màu dân tộc”, “Dân tộc và phát triển”, “Đối ngoại”... (48 chuyên mục TH + 48 chuyên mục PT)

631.910.400

 

631.910.400

 

 

 

2. Sản xuất 4 phóng sự, ký sự:

- Văn hóa Cao Bằng - vẻ đẹp lan tỏa (10 tập)

- Lễ hội Cao Bằng (5 tập)

- Phóng sự -Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với du lịch (2 tập).

- Phóng sự- Hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2016 - 2020 (1 tập).

3. Sản xuất các clips quảng bá hình ảnh con người, các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, văn hóa Cao Bằng

4. Tổ chức Liên hoan Phát thanh - Truyền hình

44.448.000

8.889.000

35.559.000

 

4

Sở VH, TT & DL

720.000.000

190.000.000

530.000.000

 

 

 

- Xây dựng Kế hoạch tham gia các hoạt động thông tin, xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng

300.000.000

50.000.000

250.000.000

 

 

 

- Tổ chức Lễ hội Lê Đông Khê

300.000.000

100.000.000

200.000.000

 

 

 

- Tổ chức cuộc thi ảnh đẹp du lịch Cao Bằng

120.000.000

40.000.000

80.000.000

 

5

Sở TT&TT

4.044.000.000

4.000.000.000

44.000.000

 

 

 

Duy trì thứ hạng của Cổng thông tin điện tử, trang thông tin của các cơ quan nhà nước, Báo điện tử Cao Bằng, Website Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Cao Bằng trên công cụ tìm kiếm google (nằm trong top 3 của công cụ tìm kiếm khi gõ từ khóa liên quan đến Cao Bằng. Quý I/2020).

44.000.000

 

44.000.000

 

 

 

Lắp đặt Cụm thông tin tuyên truyền (màn hình LED) tại cửa khẩu Sóc Giang (Quý II/2020).

4.000.000.000

4.000.000.000

 

Kinh phí từ DA Bộ TT&TT

6

Hội VH-NT

150.000.000

 

150.000.000

 

 

 

Xuất bản đĩa DVD dân ca chọn lọc về chủ đề du lịch Cao Bằng.

 

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1811/KH-UBND năm 2018 về tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Cao Bằng giai đoạn 2018-2020

  • Số hiệu: 1811/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 19/06/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng
  • Người ký: Hoàng Xuân Ánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản