Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

Tiền Giang, ngày 01 tháng 02 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI-RÚT CORONA (nCoV) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rut Corona (nCoV) là dịch bệnh mới nổi với số ca mắc tính đến 17 giờ 30, ngày 01/02/2020, là 12.022 ca, tại 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng ở Trung Quốc, đã ghi nhận có 11.860 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó 259 người đã tử vong (chưa có trường hợp tử vong bên ngoài Trung Quốc). Tại Việt Nam, ngành Y tế cũng đã ghi nhận 06 trường hợp nhiễm nCoV (trong đó có 02 người Trung Quốc).

Ngày 30/01/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng nCoV là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe công cộng, còn gọi là Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC), để cảnh báo toàn cầu về sự nguy hiểm của loại dịch bệnh mới do nCoV gây ra.

Căn cứ:

- Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ,

- Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ,

- Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ,

- Chỉ thị số 03/CT-BYT ngày 23/01/2020 của Bộ Y tế,

Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (nCoV) trên địa bàn tỉnh, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

Chủ động phòng ngừa, kiên quyết không để dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Nếu có dịch bệnh xảy ra, nhanh chóng phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để xử lý kịp thời, không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện

- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó có bộ phận giúp việc để giúp Ban Chỉ đạo tổng hợp thông tin và điều hành hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thành lập các Tổ giám sát, Đoàn kiểm tra liên ngành, Đội cơ động chống dịch để:

+ Giám sát đối tượng người nước ngoài đang làm việc và có các hoạt động tại tỉnh (nhất là đối với người nước ngoài đến từ vùng có nguy cơ lây nhiễm cao).

+ Kiểm tra việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch.

+ Cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến.

- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra ở cấp huyện, xã.

- Xây dựng, ban hành văn bản, kế hoạch chỉ đạo, thực hiện về phòng, chống dịch bệnh do nCoV gây ra.

2. Các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ

a) Các giải pháp phòng, chống

- Tăng cường năng lực giám sát, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm nhanh, tổ chức cách ly, xử trí ban đầu, thu dung, điều trị kịp thời đúng quy định các trường hợp viêm phổi cấp, các trường hợp mắc bệnh.

- Nắm chắc thông tin tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước, đẩy mạnh việc kiểm soát dịch bệnh, giám sát viêm phổi nặng, giám sát dựa vào sự kiện tại các bệnh viện và cộng đồng.

- Xây dựng và thường xuyên cập nhật hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra; thực hiện điều tra dịch tễ trường hợp bệnh, điều tra người tiếp xúc và nguồn lây truyền để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp.

- Thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng hộ cá nhân cho cán bộ y tế trong khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm.

- Củng cố và duy trì hoạt động của Đội cơ động chống dịch tại đơn vị y tế các tuyến. Tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.

- Thành lập các Đoàn công tác kiểm tra việc sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương trước, trong và sau thời gian xảy ra dịch.

- Dự trù kinh phí, hóa chất, thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời và đảm bảo cho các địa phương, đơn vị triển khai các biện pháp chống dịch.

- Tăng cường năng lực xét nghiệm: Tổ chức tập huấn các phương pháp lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển và thông báo kết quả xét nghiệm.

b) Các giải pháp xử trí khi có ca bệnh

- Xây dựng các kịch bản để chủ động xử lý các tình huống khi có dịch bệnh xảy ra.

- Xây dựng mạng lưới các bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do nCoV; có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch để tránh hiện tượng quá tải.

- Thực hiện nghiêm việc phân luồng khám bệnh, cách ly điều trị; thực hiện triệt để công tác chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.

- Xây dựng, rà soát, cập nhật hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

- Xây dựng cơ số dự trữ về trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất, phương tiện bảo hộ...

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các bệnh viện trong công tác chuẩn bị phòng, chống dịch.

- Tăng cường năng lực cho bệnh viện các tuyến, bệnh viện tuyến tỉnh điều trị các trường hợp nặng, bệnh viện huyện điều trị các trường hợp thông thường; hạn chế chuyển viện để tránh lây lan.

- Tập huấn cho cán bộ y tế tại các bệnh viện về chẩn đoán, điều trị các trường hợp viêm phổi nặng và sử dụng các trang thiết bị hồi sức cấp cứu, phòng tránh lây nhiễm trong bệnh viện.

- Trang bị bổ sung phương tiện chẩn đoán, điều trị, cấp cứu bệnh nhân để đạt mục tiêu giảm tử vong.

3. Hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe

- Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người dân để người dân không hoang mang; từ đó người dân chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Tuyên truyền đến các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm từ khách nhập cảnh, người nước ngoài vào Việt Nam cũng như người Việt Nam đi du lịch tới vùng có dịch.

- Nâng cao khả năng đáp ứng của hệ thống cán bộ truyền thông trong và ngoài ngành Y tế về trình độ, phương tiện, nhân lực. Huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh.

- Thông báo diễn biến, tình hình dịch bệnh hàng ngày của các nước đang có dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí với ngành Y tế để triển khai hoạt động truyền thông phòng, chống dịch bệnh. Phối hợp các cơ quan liên quan trong quản lý thông tin về tình hình dịch bệnh để xử lý kịp thời, chính xác, định hướng dư luận. Kịp thời xử lý các thông tin sai lệch, gây hoang mang trong nhân dân.

4. Hoạt động phối hợp

- Có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Trước mắt, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh... dự trù hóa chất, phương tiện phun xịt khử trùng các trường học, các chợ, các doanh trại quân đội, các cơ quan, nhà máy xí nghiệp, nơi công cộng...

- Kịp thời thực hiện công tác bảo hộ lãnh sự, bảo hộ công dân đối với người Tiền Giang bị nhiễm bệnh ở nước ngoài và đối với người nước ngoài phát hiện nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh.

- Các sở, ban, ngành chỉ đạo các đơn vị thuộc lĩnh vực quản lý chủ động xây dựng các kế hoạch, dự trù kinh phí phòng, chống dịch đặc biệt có kế hoạch duy trì các hoạt động thiết yếu trong trường hợp dịch bùng phát rộng,

- Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội ở các cấp (Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ...) trong việc vận động nhân dân triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

- Thành lập Tổ giám sát liên ngành để kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương, doanh nghiệp...

5. Hoạt động kiểm tra, giám sát

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người cấp tỉnh phân công thành viên thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân cấp huyện. Sau đó, báo cáo kết quả cho Thường trực Ban Chỉ đạo (Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế.

- Ban Chỉ đạo 389/TG triển khai các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn triệt để đối với động vật hoang dã, gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

- Ban Chỉ đạo cấp huyện về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona xây dựng Kế hoạch và phân công thành viên thực hiện kiểm tra, giám sát các hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp xã. Các thành viên báo cáo kết quả cho thường trực Ban Chỉ đạo (Trung tâm y tế cấp huyện) để tổng hợp báo cáo bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế.

6. Hoạt động hội họp và thông tin, báo cáo

- Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona cấp tỉnh xây dựng Quy chế làm việc, trong đó có quy định về chế độ hội họp. Khi cần thiết, UBND tỉnh sẽ triệu tập họp đột xuất để xử lý các tình huống khẩn cấp.

- Báo cáo tình hình phòng, chống dịch theo quy định. Trước mắt, thực hiện báo cáo hàng ngày cho đến khi có chỉ đạo mới; trong đó, Ban Chỉ đạo cấp xã tổng hợp báo cáo về cấp huyện; cấp huyện báo báo về Ban Chỉ đạo cấp tỉnh (thông qua Sở Y tế) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế. Số điện thoại đường dây nóng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người tỉnh (Sở Y tế): 0964941212; địa chỉ email: sdsxhdtg@gmail.com.

- Tăng cường thông tin, trao đổi trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động; đặc biệt là trong các tình huống cần thiết, khẩn cấp.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Tham mưu thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra cấp tỉnh, trong đó có Tổ giúp việc và các Tổ giám sát liên ngành.

- Xây dựng kế hoạch của ngành Y tế về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra; trong đó, xây dựng các tình huống và các kịch bản với biện pháp đáp ứng phù hợp đối với từng giai đoạn của dịch bệnh.

Triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, đáp ứng ngay, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

Tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong ở người do dịch bệnh.

Kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, phù hợp với diễn biến dịch tễ của bệnh dịch tại địa phương.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để thông tin kịp thời, chính xác diễn biến dịch, triển khai các hoạt động truyền thông phòng, chống dịch tại cộng đồng. Hướng dẫn nội dung tuyên truyền cho các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan.

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh cho Ban Chỉ đạo cấp tỉnh; hướng dẫn nội dung kiểm tra, giám sát cho các thành viên biết, thực hiện và tổng hợp, báo cáo. Tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên giám sát đánh giá, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Tổng hợp tình hình dịch bệnh báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Hướng dẫn, truyền thông cho thầy cô giáo, học sinh, sinh viên, phụ huynh về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành có liên quan tổ chức phun xịt, khử trùng trong các trường học.

- Chỉ đạo các trường học báo cáo kịp thời các trường hợp sinh viên, học sinh nghi ngờ nhiễm bệnh cho các cơ quan y tế để được kiểm tra, xác định bệnh và xử trí phù hợp.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình, đề nghị Báo Ấp Bắc

- Hướng dẫn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

- Xác định đối tượng và xử lý các trường hợp lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt về dịch bệnh, gây hoang mang trong nhân dân.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các địa phương triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có nhiều lao động, có lao động là người nước ngoài (nhất là người Trung Quốc). Hướng dẫn, truyền thông cho người lao động về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

- Phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Sở Y tế... để cung cấp danh sách người lao động nước ngoài làm việc tại tỉnh cho các cơ quan chức năng quản lý, theo dõi và giám sát tình trạng sức khỏe.

- Cử người tham gia Tổ giám sát liên ngành để theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh và sức khỏe của người lao động nước ngoài tại các khu, cụm công nghiệp (nhất là người Trung Quốc).

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật có khả năng lây nhiễm sang người, xử lý triệt để ổ dịch, thông báo kịp thời cho ngành Y tế để phối hợp các biện pháp phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.

6. Sở Tài chính

- Thẩm định, cấp, bổ sung kinh phí theo đề xuất của Sở Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo nhu cầu về phương tiện, vật tư, hóa chất, cơ số thuốc, trang thiết bị... cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

- Hướng dẫn việc thực hiện mua sắm khẩn cấp cho phòng, chống dịch.

- Hướng dẫn thực hiện các chế độ cho cán bộ tham gia chống dịch hoặc trực phòng, chống dịch.

7. Công an tỉnh

- Hỗ trợ ngành Y tế cung cấp thông tin, cung cấp danh sách người nước ngoài từ vùng dịch bệnh, hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh đến Tiền Giang để được theo dõi, xử trí.

- Phối hợp và hỗ trợ xác minh ca bệnh nhất là các trường hợp mắc bệnh là người nước ngoài; tham gia điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch.

- Đảm bảo tình hình an ninh chính trị, an toàn trật tự khi có dịch bệnh xảy ra tại các cơ sở y tế và cộng đồng.

- Cử người tham gia Tổ giám sát liên ngành để theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh và sức khỏe những lao động nước ngoài tại các khu, cụm công nghiệp (nhất là người Trung Quốc).

8. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị Biên phòng phối hợp kiểm soát, phòng, chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra trên địa bàn biên phòng.

9. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh

- Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp mua hóa chất phun xịt khử trùng tại doanh nghiệp mình để phòng chống các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh viêm hô hấp cấp do nCoV gây ra.

- Phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp.

- Cử người tham gia Tổ giám sát liên ngành để theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh và sức khỏe người lao động nước ngoài tại các khu, cụm công nghiệp (nhất là người Trung Quốc).

10. Sở Công Thương

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Hải quan và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, ngăn chặn triệt để động vật hoang dã, gia cầm, sản phẩm gia cầm bị bệnh, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

11. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Tổ chức quản lý nghiêm túc các hoạt động lễ hội, vui chơi giải trí, du lịch theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Công điện số 389/CĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2020, Công điện số 393/CĐ-BVHTTDL ngày 31/01/2020.

12. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Chỉ đạo lực lượng Quân y sẵn sàng tham gia, phối hợp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

13. Sở Ngoại vụ

Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời thực hiện công tác bảo hộ lãnh sự, bảo hộ công dân đối với người Tiền Giang bị nhiễm bệnh ở nước ngoài và đối với người nước ngoài phát hiện nhiễm bệnh trên địa bàn Tiền Giang; kịp thời thông báo đến cơ quan đại diện ngoại giao các nước về công dân nước ngoài phát hiện nhiễm bệnh trên địa bàn Tiền Giang (nếu có).

14. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona gây ra, do Chủ tịch UBND cấp huyện làm Trưởng ban chỉ đạo.

- Xây dựng kế hoạch, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, chú trọng triển khai công tác phòng chống dịch bệnh tại những nơi có người từ vùng dịch trở về hoặc những trường hợp tiếp xúc với người bệnh.

- Phối hợp với ngành Y tế và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các hoạt động phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

- Chỉ đạo UBND các xã (phường, thị trấn) xây dựng kế hoạch và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Tổ chức kiểm tra công tác phòng chống dịch tại địa bàn quản lý.

- Báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Trước mắt, thực hiện báo cáo hoạt động hàng ngày về bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Sở Y tế) đến khi có chỉ đạo mới.

15. Đề nghị Cục Quản lý thị trường

Tổ chức công tác kiểm soát, xử lý đối với hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc; kiểm soát, xử lý hành vi găm hàng, nâng giá quá mức trục lợi bất chính trong việc cung cấp các trang thiết bị y tế, các sản phẩm hàng hóa có liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh.

16. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh

- Chỉ đạo, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên ở các cấp đẩy mạnh phối hợp và tham gia với ngành Y tế thực hiện tuyên truyền trong công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra.

- Dự trù kinh phí về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra, báo cáo về bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (Sở Y tế) để được tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Thực hiện chế độ báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra. Trước mắt, thực hiện báo cáo hoạt động hàng ngày về bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh (qua Sở Y tế) đến khi có chỉ đạo mới.

IV. KINH PHÍ

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và các đơn vị liên quan chủ động đề xuất cơ quan có thẩm quyền cấp, bổ sung kinh phí, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện cần thiết, kịp thời, chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Sở Tài chính phối hợp Sở Y tế, thẩm định kinh phí trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

Trên đây là Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (nCoV) trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các địa phương; đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các đoàn thể thành viên tổ chức triển khai thực hiện. Trường hợp có ghi nhận khó khăn, vướng mắc, báo cáo đề xuất về UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- TT TU, TT HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành, thị;
- Báo Ấp Bắc, Đài PT&TH tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- VP: CVP, các PVP, Các phòng nghiên cứu;
- Lưu: VT, VHXH (Việt).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 18/KH-UBND năm 2020 về phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Corona (nCoV) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

  • Số hiệu: 18/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 01/02/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Văn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản