Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1798/KH-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 7 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM ĐẾN NĂM 2025

Căn cứ Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 15/2017/TT-BCT ngày 31 tháng 8 năm 2017 của Bộ Công Thương quy định, hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ về Quản lý, phát triển cụm công nghiệp;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 32/TTr-SCT ngày 27 tháng 6 năm 2019; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Đến năm 2020: Hoàn thành công tác thực hiện quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp (sau đây viết tắt là CCN) giai đoạn 2017-2020[1]. Hoàn thiện một phần kết cấu hạ tầng trong CCN, đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt 75%.

- Đến năm 2025: Hoàn thành công tác thực hiện quy hoạch phát triển CCN giai đoạn 2020-2025. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong các CCN, đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 79%.

2. Mục đích

- Đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các CCN, tập trung sắp xếp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh tại các CCN; tận dụng tối đa giá trị lợi thế, chính sách ưu đãi của Nhà nước để đẩy nhanh tiến độ thu hút đầu tư các dự án vào các CCN , làm đòn bẩy phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ then chốt có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao của tỉnh.

- Phát triển các CCN trên cơ sở sử dụng có hiệu quả các lợi thế về tài nguyên, lao động của địa phương, gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển công nghiệp hợp lý, phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư và ưu tiên phát triển các CCN đã thành lập.

3. Yêu cầu

Quán triệt quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp trong việc phát triển CCN trên địa bàn toàn tỉnh. Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tích cực nghiên cứu, chủ động phối hợp triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách, cơ chế nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện; tham mưu đề xuất cơ chế, giải pháp mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương.

II. THỰC TRẠNG CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

1. Tình hình các cụm công nghiệp

Theo điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020 định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 780/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum), đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh có 19 CCN với tổng diện tích 613,425 ha.

Năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1487/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2018 về điều chỉnh mở rộng CCN-TTCN Thanh Trung, nâng diện tích CCN Thanh trung từ 36,685 ha lên 70,285 ha. Như vậy theo quyết định trên, đến năm 2025 tổng diện tích quy hoạch 19 CCN đạt 647,025 ha.

Hiện đang có 14 CCN được thành lập, trong đó có 08 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 303,725 ha. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đã đi vào hoạt động đạt 74%.

2. Việc huy động các nguồn lực đầu tư vào cụm công nghiệp

Tổng vốn đã đầu tư cho các CCN: 87.071 triệu đồng (Ngân sách Trung ương: 30.925 triệu đồng; Vốn khác: 56.146 triệu đồng).

Là một địa phương có cơ sở hạ tầng còn yếu kém và không đồng bộ nên việc kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các CCN trên địa bàn tỉnh là hết sức khó khăn. Tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng CCN còn rất chậm, nhất là chưa đầu tư hệ thống xử lý môi trường, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút đầu tư.

Chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư hạ tầng CCN, việc huy động vốn đầu tư hạ tầng CCN còn trông chờ vào ngân sách nhà nước.

III. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP

1. Giai đoạn từ nay đến năm 2020

1.1. Công tác quản lý hoạt động

- Thực hiện tốt Quy chế phối hợp quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 30 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

- Tuyên truyền, phổ biến các Văn bản, Nghị định, cơ chế chính sách của Trung ương và địa phương về CCN đến các đơn vị, địa phương liên quan. Tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phối hợp quản lý nhà nước về CCN, tiếp cận các chính sách hỗ trợ.

- Việc phối hợp quản lý nhà nước về CCN thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các sở, ban , ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Trong quá trình phối hợp, tránh chồng chéo nhiệm vụ, không làm giảm vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền và không cản trở công việc của mỗi cơ quan.

1.2. Công tác quy hoạch

a. Lập và điều chỉnh một số quy hoạch CCN

- Triển khai lập Quy hoạch chi tiết điều chỉnh cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (sau đây viết tắt là CCN-TTCN) phía Tây thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô).

- Lập Quy hoạch điều chỉnh chi tiết đồ án CCN-TTCN Đăk Xú mở rộng với quy mô gần 20 ha từ phần diện tích của CCN-TTCN Đăk Xú của huyện Ngọc Hồi (hiện tại có quy mô quy hoạch 06 ha, với tỷ lệ lấp đầy đến năm 2018 đạt 71%).

- Lập Quy hoạch điều chỉnh chi tiết đồ án CCN-TTCN Thanh Trung mở rộng với quy mô 70,285 ha.

- Điều chỉnh quy hoạch CCN - TTCN xã Đăk Nông, vị trí tại thôn Nông Nhầy II, xã Đăk Nông với diện tích khoảng 75 ha (theo Quy hoạch là 50 ha) từ giai đoạn 2021-2025 về giai đoạn 2017-2020.

Kinh phí thực hiện tạm tính như sau:

ĐVT: triệu đồng

STT

Tên CCN

Lập QH chi tiết

Ghi chú

Vốn ngân sách

Vốn khác

1

CCN-TTCN phía Tây thị trấn Đăk Tô

1.300

325

Kinh phí dự kiến lập QHCT bình quân 1 ha CCN  khoảng 32,5 triệu đồng

2

CCN-TTCN Đăk Xú mở rộng

500

150

3

CCN-TTCN Thanh Trung mở rộng

1.800

484

4

CCN-TTCN xã Đăk Nông

1.900

500

Tổng cộng

6.959

b. Công tác giải phóng mặt bằng

Thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch và môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng CCN, sản xuất, kinh doanh trong CCN.

1.3. Đầu tư hạ tầng

- Tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, chủ động bố trí một phần vốn ngân sách tỉnh, vốn ngân sách huyện, thành phố, vận động vốn của nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cơ sở hạ tầng các CCN, tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào CNN.

- Tập trung kêu gọi đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý môi trường, giao thông nội bộ CCN, hệ thống điện, cấp nước, thoát nước, thu gom chất thải rắn.

- Phấn đấu đến năm 2020: Hoàn thiện một phần kết cấu hạ tầng trong CCN, trong đó tập trung đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung của các CCN theo thứ tự ưu tiên vốn cho các CCN gắn với làng nghề; các CCN sử dụng nhiều lao động; các CCN có tỷ lệ lấp đầy cao. Đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 đạt 75%.

2. Giai đoạn 2020 - 2025

2.1. Công tác quản lý hoạt động

- Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị, tổ chức có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước đối với CCN; đảm bảo sự thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong CCN.

- Các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, các cơ quan, đơn vị được giao trách nhiệm chủ trì hoặc tham gia phối hợp phải đảm bảo thực hiện tốt nội dung công việc được phân công.

2.2. Công tác quy hoạch

- Lập Quy hoạch chi tiết, thiết kế phương án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư và quản lý đối với các CCN-TTCN thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi với quy mô 11 ha.

- Lập Quy hoạch chi tiết, mở rộng diện tích CCN thị trấn Sa Thầy lên 50 ha.

- Lập Quy hoạch chi tiết CCN-TTCN (ngành nghề phân loại, làm sạch và tái chế phế liệu) tại 01 xã của thành phố Kon Tum với quy mô 25 ha.

Kinh phí thực hiện tạm tính như sau:

ĐVT: triệu đồng

STT

Tên CCN

Lập QH chi tiết

Ghi chú

Vốn ngân sách

Vốn khác

1

CCN-TTCN thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi

300

100

Kinh phí dự kiến lập QHCT bình quân 1 ha CCN khoảng 32,5 triệu đồng

2

Mở rộng CCN thị trấn Sa Thầy

500

300

3

CCN-TTCN (ngành nghề phân loại, làm sạch và tái chế phế liệu)

500

300

Tổng cộng

2.000

2.3. Đầu tư hạ tầng

Tập trung đầu tư hạ tầng các CCN, tăng hiệu quả thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy các CCN. Các ngành chức năng, chủ đầu tư hạ tầng CCN xem xét tham mưu việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng các CCN. Thực hiện cắm mốc ngoài thực địa đối với các CCN chưa cắm mốc (08 CCN). Xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (08 CCN đã đi vào hoạt động). Phấn đấu đến năm 2025: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng trong các CCN, đưa tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 đạt 79%.

Kinh phí thực hiện tạm tính như sau:

ĐVT: triệu đồng

STT

Danh mục đầu tư

Nguồn vốn

Ghi chú

Vốn ngân sách

Vốn khác

1

Kinh phí cắm mốc

2.000

500

Kinh phí dự kiến đầu tư hạ tầng bình quân 1 ha CCN khoảng 1,3 tỷ đồng.

2

Hệ thống xử lý nước thải chung

120.000

70.000

3

Đầu tư hạ tầng khác

250.000

100.000

Tổng cộng

542.500

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Xây dựng, trình và tổ chức thực hiện quy hoạch, quy định, quy chế, các chính sách, chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, dự toán kinh phí hoạt động phát triển CCN trên địa bàn sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về CCN theo quy định; phối hợp cơ quan có thẩm quyền tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN, các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo quy định (gồm: Thu hồi đất, cho thuê đất, phê duyệt quy hoạch chi tiết, phê duyệt dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chấp thuận phương án phòng cháy, chữa cháy).

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá thực hiện quy hoạch, hiệu quả hoạt động của CCN; xử lý hoặc đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý vi phạm, giải quyết vấn đề phát sinh về CCN.

- Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình CCN; đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhu cầu sử dụng đất của CCN trong từng giai đoạn; xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu CCN trên địa bàn.

- Chủ trì, theo dõi, đôn đốc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng năm vào tháng 12 tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo theo quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tổng hợp, tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên cơ sở đề xuất của Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện đảm bảo phù hợp nhu cầu thực tế và khả năng cân đối nguồn vốn.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh, bổ sung danh mực dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh; tổ chức kêu gọi, thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh có hiệu quả, bao gồm đầu tư phát triển CCN, ưu tiên thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến vào CCN.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, các cơ quan chức năng và địa phương liên quan tổ chức thẩm định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền, trình Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định chủ trương đầu tư; cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) đối với các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN.

3. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương trong việc cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh hàng năm hỗ trợ công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng CCN.

4. Sở Nội vụ

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức bộ máy, nhân sự và kinh phí cho việc thành lập và hoạt động của Trung tâm phát triển các CCN ở cấp huyện.

5. Sở Xây dựng

Hướng dẫn nội dung về quy hoạch chi tiết và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình xây dựng trong CCN.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai trong các CCN.

- Hướng dẫn việc quản lý, bảo vệ môi trường CCN; phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn việc thu phí bảo vệ môi trường trong CCN.

- Nắm tình hình sử dụng đất trong các CCN, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý những trường hợp vi phạm về lĩnh vực đất đai trong CCN theo quy định.

- Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản ở các CCN và kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện tốt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 568/QĐ-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2017, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

7. Sở Giao thông vận tải

Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh hạ tầng CCN thực hiện đấu nối với các tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh, cấp phép đấu nối với các tuyến đường do Sở quản lý.

8. Ban quản lý Khu kinh tế, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Tổ chức, quản lý CCN theo quy định.

- Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc hỗ trợ thực hiện công tác thu hồi đất, thuê đất, đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư, nhà ở công nhân, thủ tục triển khai đầu tư vào CCN theo quy định.

- Đầu mối tiếp nhận, giải quyết hoặc phối hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư vào trong CCN theo quy định (gồm: Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng, chấp thuận phương án phòng cháy, chữa cháy, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường).

- Có giải pháp kêu gọi thu hút đầu tư CCN, đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định và khai thác có hiệu quả CCN do địa phương, đơn vị mình quản lý.

- Thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành pháp luật, chính sách về CCN theo thẩm quyền; định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Công Thương về tình hình CCN trên địa bàn.

9. Thủ trưởng các sở, ban ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung theo Kế hoạch; định kỳ vào ngày 15 tháng 12 hàng năm báo cáo tình hình thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương để tổng hợp).

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh Kế hoạch; các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kịp thời phản ánh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Công Thương) xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Chánh Văn phòng, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, KTTH, NNTN, HTKT7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tháp

 

 



[1] Theo Quyết định 780/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công Thương tỉnh Kon Tum giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1798/KH-UBND năm 2019 về phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025

  • Số hiệu: 1798/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/07/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Hữu Tháp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản