Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH CÀ MAU
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1795/KH-SGDĐT

Cà Mau, ngày 22 tháng 08 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

XÓA MÙ CHỮ ĐẾN NĂM 2020 TỈNH CÀ MAU

Căn cứ Quyết định số 692/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020";

Căn cứ Hướng dẫn số 3428/BGDĐT-XHHT ngày 22/5/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc triển khai thực hiện Đề án "Xóa mù chữ đến năm 2020";

Thực hiện Công văn số 2375/UBND-VX ngày 16/5/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch "Xóa mù chữ đến năm 2020", Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng Kế hoạch "Xóa mù chữ đến năm 2020 tỉnh Cà Mau" cụ thể như sau:

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Nhà nước có trách nhiệm xóa mù chữ cho những người chưa biết chữ. Mọi công dân có trách nhiệm học để biết chữ. Các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia công tác chống mù chữ.

- Các địa phương sử dụng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên hiện có để thực hiện công tác chống mù chữ, đồng thời huy động các lực lượng xã hội tham gia dạy xóa mù chữ theo phương châm người biết chữ dạy người chưa biết chữ.

- Mở rộng độ tuổi xóa mù chữ. Chú trọng xóa mù chữ cho các đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái; người khuyết tật; người dân tộc thiểu số và những người sinh sống ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

2. Mục tiêu

2.1. Đến năm 2015

- Độ tuổi 15 - 60: Tỷ lệ biết chữ đạt 96%, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 86%.

- Độ tuổi 15 - 35: Tỷ lệ biết chữ đạt 98%, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 88%.

- Có 80%, số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ.

- Có 85% huyện, thành phố; 80% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ.

2.2. Đến năm 2020

- Độ tuổi 15 - 60: Tỷ lệ biết chữ đạt 98%, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 90%.

- Độ tuổi 15 - 35: Tỷ lệ biết chữ đạt 99%, trong đó tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ đạt 92%.

- Có 90% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ.

- Có 100% huyện, thành phố; 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao nhận thức về công tác chống mù chữ

- Tổ chức tuyên truyền rộng rãi đến mọi người dân, ở mọi địa bàn dân cư trong tỉnh, nhất là các địa bàn còn nhiều người mù chữ về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc đảm bảo quyền được biết chữ của mọi người đối với sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng. Biết chữ quan hệ mật thiết với xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các quyền cơ bản khác, góp phần xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới.

- Kết hợp giữa tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng với tuyên truyền miệng, khẩu hiệu, biểu ngữ, pa nô, áp phích, phát động thi đua… Biên soạn, in ấn, phát hành các tài liệu tuyên truyền về công tác chống mù chữ (sách mỏng, tờ gấp, áp phích, băng rôn…).

- Đề cao trách nhiệm tuyên truyền của các tổ chức, hội, đoàn thể đến các hội viên, đoàn viên tự giác xóa mù chữ và vận động người chưa biết chữ đi học xóa mù chữ. Xóa mù chữ là giải pháp quan trọng để nâng cao trình độ và chất lượng tổ chức, hội viên, đoàn viên của các đoàn thể và lực lượng lao động xã hội.

- Gắn kết tuyên truyền chống mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua của địa phương.

- Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong công tác chống mù chữ.

2. Đổi mới công tác quản lý, tổ chức lớp học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục các cấp, kịp thời bổ sung nhân sự khi có sự thay đổi các thành viên trong Ban chỉ đạo; tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục với các ngành, các tổ chức có liên quan trong công tác chống mù chữ.

- Tổ chức điều tra, khảo sát cụ thể, đánh giá khách quan thực trạng người mù chữ, tái mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi (mù chữ hoàn toàn; mù chữ lớp 1, lớp 2, lớp 3) và người chưa học hết lớp 5. Trên cơ sở đó có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp huyện, xã; phân công cán bộ chủ chốt của các xã vận động từng người mù chữ ra lớp học.

- Tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; phù hợp với đối tượng người học. Phát huy vai trò của các trưởng khóm/ấp trong việc vận động người mù chữ đến lớp học. Tổ chức lớp xóa mù chữ tập trung, mỗi lớp khoảng 5 học viên ở các địa bàn thuận lợi hoặc phân công xóa mù chữ kèm cặp cho 1 - 2 người ở địa bàn khó khăn và người mù chữ không có điều kiện học tập trung; lực lượng xóa mù chữ để thực hiện theo phương châm "Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ".

- Bố trí giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục - chống mù chữ ở các xã, phường, thị trấn.

- Thực hiện quy trình kiểm tra, đánh giá, công nhận đạt chuẩn chống mù chữ theo tiêu chuẩn mới giai đoạn 2013 - 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Xây dựng hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về công tác phổ cập giáo dục - chống mù chữ thống nhất trong toàn tỉnh. Thực hiện chế độ báo cáo đầy đủ, chính xác theo quy định.

3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia công tác chống mù chữ

- Tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục tham gia công tác xóa mù chữ.

- Bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số, văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số cho giáo viên và cán bộ làm công tác xóa mù chữ cho người dân tộc thiểu số. Bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng giáo dục hòa nhập cho giáo viên dạy xóa mù chữ cho người khuyết tật.

- Triển khai thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính về chính sách hỗ trợ đối với những người tham gia dạy xóa mù chữ ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ đối với những người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước tham gia dạy xóa mù chữ.

4. Xây dựng chương trình, tài liệu xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng

- Đổi mới Chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ phù hợp với chương trình phổ thông sau năm 2015. Hướng dẫn thực hiện chương trình phù hợp với từng vùng, nhóm đối tượng.

- Biên soạn các tài liệu hướng dẫn dạy và học xóa mù chữ phù hợp với nhóm đối tượng người học.

- Biên soạn học liệu nghe nhìn và ứng dụng cho các phương tiện công nghệ thông tin truyền thông hỗ trợ dạy, học xóa mù chữ.

5. Củng cố bền vững kết quả chống mù chữ, hạn chế mù chữ

- Tăng cường tổ chức các lớp học chuyên đề về y tế, văn hóa, kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt… tại các trung tâm học tập cộng đồng nhằm củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù chữ.

- Biên soạn tài liệu chuyên đề theo Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ nhằm giúp người mới biết chữ có tài liệu đọc hấp dẫn, thiết thực. Trên cơ sở đó, duy trì, củng cố kết quả xóa mù chữ, đồng thời áp dụng những kiến thức vào thực tế cuộc sống, vào thực tế sản xuất.

- Tăng cường hoạt động của các thư viện xã; tổ chức mô hình thư viện di động để phục vụ người dân ở các vùng sâu, vùng xa.

- Tổ chức các lớp học nghề truyền thống, nghề ngắn hạn cho những người mới biết chữ.

6. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác xóa mù chữ

- Tăng cường huy động giáo viên các trường tiểu học, cán bộ hưu trí, bộ đội biên phòng, các hội viên, đoàn viên các hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Khuyến học, Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức tham gia dạy xóa mù chữ. Đẩy mạnh hoạt động tình nguyện dạy xóa mù chữ của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

- Huy động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí, sách, vở hỗ trợ cho người dạy, người học xóa mù chữ.

7. Thực hiện chế độ chính sách cho người tham gia công tác chống mù chữ đảm bảo theo đúng quy định

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo thực hiện công tác chống mù chữ.

- Xây dựng nội dung chi, mức chi hỗ trợ cho công tác chống mù chữ theo Thông tư liên tịch số 40/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 10/4/2013 của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thực hiện việc chi trả kinh phí cho người tham gia công tác chống mù chữ theo đúng quy định.

III. KINH PHÍ

1. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch: dự kiến 7,7 tỷ đồng (từ năm 2014 đến năm 2020), chi cho các nội dung sau:

- Công tác điều tra (in phiếu, tổ chức điều tra, tổng hợp số liệu, nhập phần mềm quản lý, tập huấn điều tra).

- Chi mua phần mềm, nâng cấp phần mềm quản lý.

- Chi giáo viên dạy xóa mù chữ và giáo viên tiếp tục sau khi biết chữ.

- Chi mua vở ghi, cấp cho học viên có hoàn cảnh khó khăn.

- Chi mua sách giáo khoa cho giáo viên và học viên có hoàn cảnh khó khăn mượn.

- Chi cho hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp (họp, tổng kết, kiểm tra, khen thưởng).

- Chi tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chi khác (theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính)

2. Nguồn kinh phí thực hiện

- Kinh phí thực hiện Đề án chủ yếu từ Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo: 7,0 tỷ đồng.

- Huy động thêm nguồn lực của các tổ chức trong và ngoài nước, hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng để bổ sung cho việc thực hiện Đề án: 0,7 tỷ đồng.

3. Quản lý và sử dụng kinh phí

Việc quản lý và sử dụng kinh phí được thực hiện theo quy định về sử dụng kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục đào tạo và quản lý tài chính hiện hành.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Là cơ quan thường trực, có trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban, ngành, các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chống mù chữ.

- Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể xây dựng các Chương trình phối hợp hành động để triển khai thực hiện công tác chống mù chữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính xây dựng hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ người dạy và người học xóa mù chữ.

- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên dạy xóa mù chữ.

- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể kiểm tra, giám sát tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch; định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan biên soạn tài liệu học tập chuyên đề về nông nghiệp và nông thôn để cung cấp cho các trung tâm học tập cộng đồng.

- Chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân và các cơ quan liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích những người chưa biết chữ ở nông thôn tích cực học xóa mù chữ.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành liên quan xây dựng chính sách đối với người khuyết tật học xóa mù chữ.

- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo nghề tổ chức các lớp học nghề đơn giản cho người mới biết chữ.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền về công tác chống mù chữ lồng ghép với việc tuyên truyền về xây dựng xã hội học tập.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo cấp huyện.

- Chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo, các ban ngành chức năng của địa phương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch xóa mù chữ đến năm 2020 trên địa bàn.

- Chủ động nghiên cứu, áp dụng những giải pháp chống mù chữ mang tính đặc thù của địa phương, phù hợp với các nhóm đối tượng.

- Theo dõi, đôn đốc, tổ chức kiểm tra, đánh giá và tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch tại địa phương; định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác chống mù chữ tại các xã đặc biệt khó khăn.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông địa phương tuyên truyền về công tác chống mù chữ, xây dựng xã hội học tập.

- Chỉ đạo điều tra, thống kê, cập nhật số liệu, duy trì hoạt động của hệ thống thông tin quản lý dữ liệu về phổ cập giáo dục - chống mù chữ.

- Chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các chế độ, chính sách đối với những người tham gia công tác chống mù chữ và hỗ trợ người học xóa mù chữ.

- Căn cứ vào khả năng ngân sách của địa phương để quyết định việc hỗ trợ ngân sách cho công tác chống mù chữ.

6. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các huyện, thành phố: Phân công trách nhiệm và hướng dẫn các tổ chức thành viên xây dựng các chương trình, kế hoạch phối hợp hành động để triển khai thực hiện công tác chống mù chữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đưa nội dung xóa mù chữ vào phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

- Hội Khuyến học tỉnh, huyện, thành phố

+ Phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo nâng cao chất lượng hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng, tổ chức các lớp học xóa mù chữ và các lớp chuyên đề để củng cố kết quả biết chữ.

+ Tổ chức vận động các gia đình và cộng đồng dân cư tích cực vận động người chưa biết chữ tham gia các lớp xóa mù chữ.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, huyện, thành phố

+ Chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ và trẻ em gái về sự cần thiết phải biết chữ. Phối hợp với ngành giáo dục tổ chức điều tra, thống kê số phụ nữ, trẻ em gái không biết chữ; nghiên cứu các biện pháp vận động, tổ chức các hình thức học xóa mù chữ phù hợp với các nhóm đối tượng.

+ Đề xuất với các cơ quan chức năng xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái học xóa mù chữ; tạo cơ hội, điều kiện cho phụ nữ, trẻ em gái sau khi học chữ được học nghề, làm nghề để củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tình trạng tái mù chữ và ổn định cuộc sống của gia đình.

- Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Chủ trì, phối hợp với ngành giáo dục và các ban, ngành liên quan, vận động thanh, thiếu niên chưa biết chữ tham gia học xóa mù chữ; tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện dạy xóa mù chữ cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ.

- Hội Nông dân tỉnh, huyện, thành phố

+ Phối hợp với ngành giáo dục, chính quyền địa phương tổ chức điều tra, khảo sát thực trạng người mù chữ ở nông thôn, vận động và tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho nông dân.

+ Phối hợp với ngành nông nghiệp biên soạn tài liệu liên quan đến chuyên đề nông nghiệp và nông thôn để giảng dạy trong các trung tâm học tập cộng đồng, nhằm củng cố kết quả xóa mù chữ. Động viên nông dân học xóa mù chữ. Tổ chức các lớp học nghề đơn giản hỗ trợ nông dân học Chương trình giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ.

Trên đây là Kế hoạch xóa mù chữ đến năm 2020 tỉnh Cà Mau, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo để hoàn thành mục tiêu theo Kế hoạch đã đề ra./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Thành viên BCĐ;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT.

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Lê Thanh Liêm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1795/KH-SGDĐT năm 2013 về xóa mù chữ đến năm 2020 tỉnh Cà Mau

  • Số hiệu: 1795/KH-SGDĐT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 22/08/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Cà Mau
  • Người ký: Lê Thanh Liêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/08/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản