Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 179/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 15 tháng 01 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN Y TẾ BIỂN, ĐẢO TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe quân và dân khu vực biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2025

- Củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển, đảo.

- Phát triển nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển, đảo.

- Tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển, đảo.

- Thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế và của Nhà nước Việt Nam về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển.

- 70% Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở y tế quân đội có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

- 70% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định.

- 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

b) Đến năm 2030

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 100% Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở y tế quân đội có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo.

- 100% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định.

- 100% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.

II. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THỰC HIỆN

1. Đối tượng và phạm vi kế hoạch

a) Đối tượng

Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 mang lại lợi ích cho quân dân, ngư dân địa phương, nhân viên y tế, du khách và các cơ sở y tế trong phạm vi triển khai Kế hoạch.

b) Phạm vi

Triển khai tại 07 huyện, thị xã, thành phố có biển thuộc tỉnh, bao gồm: Phú Quý, Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết.

2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2024 đến năm 2030.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác y tế biển, đảo

- Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên đưa nội dung phát triển y tế biển, đảo vào Nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển y tế biển, đảo.

- Các sở, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ các địa phương có biển thực hiện hiệu quả công tác y tế biển, đảo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng tại địa phương.

- Tại các địa phương có biển cần phân công cán bộ chuyên trách về y tế biển, đảo; có chức năng quản lý nhà nước về y tế biển, đảo và làm đầu mối phối hợp để giải quyết công việc thường xuyên và các tình huống cấp cứu khẩn cấp trên biển, đảo.

2. Củng cố và tăng cường năng lực y tế dự phòng khu vực biển, đảo

- Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và kiện toàn biên chế, tổ chức, nhân lực cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố, cơ sở y tế của bộ đội biên phòng có biển đủ năng lực khám dự phòng, phòng chống dịch bệnh khu vực biển, đảo.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức dự phòng các vấn đề về sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích cho cán bộ, nhân viên y tế, Nhân dân và người lao động khu vực biển, đảo.

- Hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến và chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc sức khỏe, vệ sinh an toàn lao động, an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, tai nạn thương tích; quản lý chất thải y tế, ứng phó biến đổi khí hậu và các sự cố liên quan đến y tế trên khu vực biển, đảo.

3. Củng cố, tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh

- Tiếp tục đầu tư đồng bộ các nguồn lực cho Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý để bảo đảm triển khai thực hiện trên 90% kỹ thuật ngoại khoa của bệnh viện hạng 3; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố bảo đảm đủ năng lực cấp cứu, thu dung, điều trị phù hợp đặc thù cho các cơ sở y tế vùng ven biển.

- Đầu tư nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ việc cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho vùng biển đảo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh để bảo đảm việc tăng cường hỗ trợ, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố có biển.

- Xây dựng các mô hình trợ giúp y tế từ xa từ các bệnh viện tuyến trên đến Trung tâm Y tế Quân dân y Phú Quý, bệnh xá quân y để thực hiện nhiệm vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh trên khu vực biển, đảo.

- Trang bị tủ thuốc và trang thiết bị y tế cho tàu biển, lực lượng dân quân tự vệ biển, tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo các quy định quốc gia và quốc tế.

- Trang bị kiến thức sơ cấp cứu trên biển và liên hệ với Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố, lực lượng Hải quân, Bộ đội Biên phòng để được trợ giúp y tế khi có nhu cầu.

4. Nâng cao năng lực cấp cứu, vận chuyển người bệnh

- Trang bị đồng bộ trang thiết bị y tế cấp cứu đầu tiên và thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển cho tàu làm nhiệm vụ thuộc Bộ Chỉ huy bộ đội Biên phòng và lực lượng kiểm ngư của tỉnh.

- Trang bị đủ phương tiện cấp cứu, vận chuyển cho Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố có biển; cải tạo, nâng cấp một số phương tiện hiện có của các sở, ngành, địa phương để có khả năng cấp cứu, vận chuyển người bệnh.

- Tổ chức, huấn luyện các đội y tế cơ động các huyện, thị xã, thành phố có biển, lực lượng dân quân tự vệ biển, lực lượng bán chuyên trách, lực lượng huy động ở các sở, ngành kinh tế biển sẵn sàng tham gia cấp cứu, vận chuyển người bệnh.

5. Phát triển nguồn nhân lực y tế cho khu vực biển, đảo

- Đảm bảo định mức biên chế tại các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố có biển; các trạm Y tế thuộc huyện đảo Phú Quý, đội cơ động cấp cứu, làm cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho vùng biển, đảo. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ thu hút, đào tạo đối với viên chức ngành y tế được bố trí công tác trên biển, đảo.

- Tiếp tục tăng cường đào tạo bác sỹ chuyên khoa sơ bộ hoặc chuyên khoa cấp I về y học biển, y học gia đình cho Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố có biển.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về y học biển.

- Nâng cao chất lượng công tác huấn luyện cấp cứu biển; đào tạo kiến thức y học đặc thù biển, đảo cho lực lượng quân y, nhân viên y tế thay phiên làm nhiệm vụ tại các vùng ven biển và các tàu làm nhiệm vụ trên biển.

6. Xây dựng các định mức, tiêu chuẩn đặc thù cho y tế biển, đảo

- Thực hiện chính sách đầu tư và tài chính phù hợp với quy mô dân số, diện tích và điều kiện khí hậu biển, đảo để thực hiện hoạt động khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, công tác vận chuyển người bệnh... tại vùng biển, đảo.

- Nghiên cứu, xây dựng và ban hành các quy định về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển, thời gian khấu hao, điều kiện bảo quản trên biển, đảo; danh mục, phương thức đóng gói các cơ số chuyên dụng phục vụ cấp cứu, điều trị, vận chuyển người bệnh phù hợp với đặc thù biển, đảo.

- Cập nhật quy định về tiêu chuẩn sức khỏe cho các đối tượng làm việc trong các ngành nghề, hoạt động đặc thù khu vực biển, đảo.

7. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân khu vực biển, đảo

- Tiếp tục đầu tư nhân lực, trang thiết bị, phương tiện truyền thông để thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe cho Nhân dân trên vùng biển, đảo.

- Ban hành tài liệu, tổ chức các sự kiện truyền thông và các hoạt động truyền thông cho người dân làm việc và sinh sống trên khu vực biển, đảo.

- Truyền thông trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có kiến thức cơ bản để tự bảo vệ sức khỏe; biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo và các kiến thức pháp luật về y tế biển đảo.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn ngân sách nhà nước, gồm: Nguồn chi thường xuyên, nguồn vốn đầu tư, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, nguồn kinh phí các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phân cấp ngân sách và theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Nguồn xã hội hóa và huy động khác.

3. Đối với những hoạt động, nhiệm vụ có tính chất đặc thù, ưu tiên hoặc chưa có trong các chương trình, dự án, đề án khác thì các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ động lập kế hoạch, xây dựng dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp trong kế hoạch dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng, lồng ghép nội dung Kế hoạch này vào các kế hoạch, chương trình, dự án triển khai thực hiện tại địa phương; phê duyệt hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo thẩm quyền đối với các nhiệm vụ được giao Sở Y tế thực hiện.

- Hàng năm phối hợp với các sở, ngành liên quan lập dự toán ngân sách triển khai thực hiện Kế hoạch gắn với lập dự toán kinh phí sự nghiệp của ngành y tế gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

- Chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch này cho Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức vận chuyển cấp cứu và tổ chức chỉ huy tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo khi có sự cố xảy ra.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc triển khai thực hiện; chỉ đạo lực lượng quân y kết hợp chặt chẽ với lực lượng dân y làm nòng cốt phát triển y tế biển, đảo.

- Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch.

3. Công an tỉnh

Chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí kinh phí cho công tác y tế biển, đảo của các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn vốn đầu tư công để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.

5. Sở Tài chính

Trên cơ sở dự toán của Sở Y tế, các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tại thời điểm lập dự toán hàng năm, Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh giao dự toán để thực hiện phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

6. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Y tế tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, trang bị kiến thức cho người dân vùng biển, đảo có kiến thức cơ bản để tự bảo vệ sức khỏe; biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo và các kiến thức pháp luật về y tế biển, đảo.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan tuyên truyền và hệ thống thông tin cơ sở trên địa bàn tỉnh triển khai tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Kế hoạch đến với người dân, nhất là Nhân dân sinh sống và làm việc ở vùng biển, đảo được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ tủ thuốc, trang thiết bị y tế cho các tàu cá khai thác hải sản xa bờ theo các quy định quốc gia và quốc tế.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện việc tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho ngư dân làm việc trên các tàu biển, tàu cá.

8. Các sở, ngành liên quan

- Phối hợp với Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch.

- Chủ động lồng ghép các nội dung của Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo vào các kế hoạch hoạt động tại cơ quan, đơn vị.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 trong phạm vi thẩm quyền; cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo triển khai tốt các hoạt động tại địa phương.

- Lồng ghép nội dung Kế hoạch thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo tỉnh Bình Thuận đến năm 2030 vào các quy hoạch, chương trình, dự án, kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương.

- Tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện gửi Sở Y tế để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo tỉnh Bình Thuận đến năm 2030, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các sở, ngành và địa phương liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) để xem xét, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCT.UBND tỉnh - Nguyễn Minh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- Công an tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh;
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh;
- Báo Bình Thuận;
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, TTTT, KGVXNV. Việt.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh

 

PHỤ LỤC

DANH MỤC MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
(Kèm theo Kế hoạch số 179/KH-UBND ngày 15 tháng 01 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Stt

Nhiệm vụ

Cơ quan chỉ trì

Cơ quan phối hợp

Thời gian

1

Đầu tư, nâng cấp cho Trạm Y tế xã và Phòng khám đa khoa khu vực vùng biển, đảo, ven biển đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Sở Y tế

Các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển.

2024 - 2030

2

Trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế cho tàu cá khai thác hải sản xa bờ.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển

Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2024 - 2030

3

Đầu tư, nâng cấp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố thuộc có biển; tăng cường năng lực dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho Nhân dân và người lao động vùng biển, đảo, ven biển

Sở Y tế

Các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển.

2024 - 2030

4

Triển khai nền tảng hỗ trợ, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.

Sở Y tế

Các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển.

Hàng năm

5

Truyền thông về y tế biển, đảo

Sở Y tế

Các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có biển.

Hàng năm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 179/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chương trình Phát triển y tế biển, đảo tỉnh Bình Thuận đến năm 2030

  • Số hiệu: 179/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 15/01/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản