Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 178/KH-UBND

Kon Tum, ngày 18 tháng 01 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG, CHỐNG MA TÚY ĐẾN NĂM 2020

Triển khai Quyết định số 424/QĐ-TTg ngày 07/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện Kế hoạch số 245/KH-UBQG-BCA ngày 18/8/2017 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020, cụ thể như sau:

1. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU.

1. Phát huy vai trò và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, hiệu lực quản lý điều hành của các cấp chính quyền; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy. Lồng ghép việc thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội khác trên địa bàn tỉnh.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương để thống nhất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, đảm bảo đạt mục tiêu Chương trình đề ra.

II. NỘI DUNG, PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM.

1. Công an tỉnh:

- Chủ trì triển khai thực hiện các Chương trình phòng, chống và kiểm soát ma túy theo hướng dẫn của Bộ Công an; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo lồng ghép thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình với việc thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/3/2008 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới; đồng thời, tham mưu tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.

- Đẩy mạnh công tác phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn với các tội phạm về ma túy; nâng cao hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh trật tự; xây dựng kế hoạch mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm; không để phát sinh, hình thành các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; điều tra, xử lý triệt để các băng nhóm, đường dây tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy. Chủ trì, phối hợp kiểm soát chặt chẽ, không để các tiền chất, các dược phẩm có chứa chất ma túy, chất hướng thần thất thoát, sử dụng sai mục đích; phòng ngừa, phát hiện và xử lý triệt để việc trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy.

- Xây dựng kế hoạch tổng rà soát, phân loại người sử dụng, người nghiện ma túy. Chủ trì, phối hợp chỉ đạo thực hiện các giải pháp giữ vững số xã, phường, thị trấn không có ma túy, giảm số xã, phường, thị trấn có ma túy và trọng điểm về ma túy; lập hồ sơ đề nghị áp dụng các hình thức cai nghiện theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các cơ quan, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy; thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy.

- Chủ trì xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo quy định của pháp luật; tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ sau cai nghiện (tư vấn phòng, chống tái nghiện, tránh kỳ thị, thực hiện dạy nghề, giải quyết việc làm cho các đối tượng). Thực hiện chính sách hỗ trợ cán bộ làm công tác cai nghiện. Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở rà soát, đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của pháp luật.

3. Sở Y tế:

- Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện quy định của pháp luật về xác định tình trạng nghiện ma túy. Tiếp tục đào tạo, tập huấn bổ sung và hoàn thiện việc cấp chứng chỉ cho cán bộ có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy; chỉ đạo đội ngũ cán bộ y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy nâng cao ý thức, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là tuyến xã, phường, thị trấn.

- Chỉ đạo, hướng dẫn đội ngũ cán bộ y tế tại các bệnh viện, phòng khám đa khoa khu vực, các bệnh xá tham gia điều trị hành vi loạn thần do sử dụng ma túy tổng hợp và hỗ trợ điều trị cai nghiện ma túy cho người nghiện tại gia đình và cộng đồng.

- Xây dựng kế hoạch đánh giá hiệu quả tác động việc triển khai thực hiện Chương trình điều trị nghiện các dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh; tiếp tục mở rộng chương trình điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.

- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền chất, thuốc chất gây nghiện, thuốc hướng thần sử dụng trong y học và trong cai nghiện.

4. Sở Thông tin - Truyền thông:

- Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra giám sát các cơ quan làm công tác thông tin; lồng ghép công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm với các hoạt động phát thanh, truyền hình, các chương trình văn hóa, nghệ thuật; định hướng dư luận lên án những hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời biểu dương, khen ngợi, khích lệ các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác phòng, chống ma túy.

- Chủ trì triển khai thực hiện Đề án "Truyền thông về phòng, chống ma túy trên các phương tiện thông tin đại chúng" theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống ma túy thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; lồng ghép tuyên truyền phòng chống ma túy với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền về phòng, chống ma túy thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao tại các địa phương trọng điểm về ma túy" theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6. Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ, học sinh, sinh viên trong các trường học; đưa nội dung giáo dục pháp luật và các quy định về phòng, chống ma túy vào chương trình giáo dục chính ở các trường học, cấp học phù hợp với quy định; tiếp tục triển khai có hiệu quả các kế hoạch về công tác bảo vệ an ninh, trật tự trong trường học, cơ sở giáo dục.

- Phối hợp với Công an, Tỉnh đoàn Kon Tum và các đơn vị liên quan tổ chức tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy và các vi phạm pháp luật trong học sinh, sinh viên; tổ chức các cuộc giao lưu, thi tìm hiểu về công tác phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội.

- Tổ chức triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học tại các khu vực phức tạp về ma túy" theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

7. Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh:

- Tăng cường các biện pháp công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về ma túy khu vực biên giới, cửa khẩu.

- Tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế, kế hoạch về công tác phòng, chống ma túy đã được ký kết giữa các lực lượng thuộc Công an tỉnh và Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh; phối hợp tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới thực hiện tuyên truyền, phát động phong trào quần chúng phòng, chống ma túy tại địa bàn biên giới gắn với xây dựng nâng cao dân trí, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội và các chương trình dân sinh khác.

- Chủ động quan hệ phối hợp với các đồn biên phòng của Lào và Campuchia thực hiện trao đổi thông tin tội phạm ma túy; điều tra xác minh các đối tượng phạm tội bỏ trốn; giải quyết các phức tạp liên quan đến ma túy ở hai bên biên giới... nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn ma túy ngay tại địa bàn biên giới và ngoại biên.

8. Sở Công Thương: Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Theo dõi, quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc bảo quản, sử dụng các hóa chất là tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

9. Sở Tài chính: Có trách nhiệm cân đối đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh; tham mưu, đề xuất hỗ trợ thêm các nguồn kinh phí, các chế độ liên quan để phục vụ việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống ma túy đến năm 2020. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc sử dụng và thanh quyết toán các nguồn kinh phí phục vụ công tác phòng, chống ma túy theo quy định của Nhà nước.

10. Các sở, ban, ngành: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ động phối hợp với Công an tỉnh và các ngành liên quan, tăng cường công tác phòng, chống ma túy thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị phụ trách.

11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Có trách nhiệm chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy thuộc phạm vi, địa bàn quản lý; căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và các nội dung chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện nghiêm túc Chương trình, gắn với việc triển khai thực hiện các chương trình đề án, dự án khác về phát triển kinh tế, xã hội.

12. Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị:

a) Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử kịp thời và nghiêm minh các tội phạm về ma túy. Tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra vụ án nhằm đề cao tác dụng tuyên truyền giáo dục pháp luật trong nhân dân. Phối hợp chặt chẽ trong việc áp dụng thống nhất pháp luật, một số điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật phòng, chống ma túy... nhằm giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.

b) Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội:

- Lồng ghép thực hiện Đề án "Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư đến năm 2020" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình hành động, Nghị quyết liên tịch đã được ký kết về phòng, chống ma túy; phối hợp chặt chẽ với các ngành và các cấp chính quyền trong việc vận động, giáo dục đoàn viên, hội viên, Nhân dân tích cực tham gia công tác phòng, chống tội phạm về ma túy có kết quả.

- Tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân về công tác phòng, chống ma túy; gắn giáo dục phòng, chống ma túy với phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; xây dựng các mô hình tự quản về an ninh, trật tự ở các cấp hội, cấp đoàn.

- Liên đoàn lao động tỉnh triển khai thực hiện Đề án "Phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Căn cứ nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu phát sinh vướng mắc, bất cập, kịp thời phản ánh về Công an tỉnh để hướng dẫn giải quyết.

2. Công an tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Công an về tình hình thực hiện Kế hoạch./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công an (để b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (để b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (để b/cáo);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ VN tỉnh và các Đoàn thể;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- Viện KSND tỉnh, TAND tỉnh;
- Lưu: VT-NC2.

CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hòa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 178/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 do tỉnh Kon Tum ban hành

  • Số hiệu: 178/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 18/01/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Văn Hòa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản