Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 175/KH-UBND | Quảng Ninh, ngày 15 tháng 11 năm 2018 |
Căn cứ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tại Thông báo số 371/TB-VPCP ngày 24/9/2018 của Văn phòng Chính phủ;
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh triển khai Kế hoạch Đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hạ Long phù hợp với những định hướng chiến lược của Tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của xã hội, cụ thể như sau:
1. Tập trung mọi nguồn lực để xây dựng Trường Đại học Hạ Long sớm trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và cơ sở đào tạo có uy tín trong nước.
2. Nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hạ Long; góp phần xây dựng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu thực tiễn của xã hội.
1. Mục tiêu tổng quát
Đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học Hạ Long phù hợp với định hướng chiến lược của Tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn xã hội. Phấn đấu đưa Trường Đại học Hạ Long trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đến hết năm 2020:
- 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó có ít nhất 20% giảng viên có trình độ tiến sĩ.
- Chuẩn hóa đầu ra các chương trình đào tạo; rà soát, điều chỉnh 100% chương trình đào tạo các ngành đại học theo hướng mở, linh động; huy động doanh nghiệp tham gia đào tạo ít nhất 10% khối lượng kiến thức chuyên ngành đối với các ngành thuộc lĩnh vực du lịch.
- Mở mới ít nhất 01 ngành đào tạo đại học, 01 ngành thạc sĩ; phấn đấu nâng quy mô đào tạo tất cả các hệ khoảng 6.000 sinh viên, học sinh.
- Đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường đại học theo các tiêu chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Sinh viên ra trường 90% có việc làm, trong đó có 70% làm đúng ngành, lĩnh vực được đào tạo.
- Nghiên cứu và triển khai thành công ít nhất 01 công trình khoa học cho doanh nghiệp, có đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ thuộc Trường Đại học Hạ Long.
- Hoàn thành đầu tư xây dựng Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2 theo dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 74/QĐ-HĐND ngày 26/10/2017 và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 4049/QĐ-UBND ngày 30/10/2017; hoàn thành dự án nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo trường Đại học Hạ Long thuộc đề án triển khai mô hình thành phố thông minh theo Quyết định số 3142/QĐ-UBND ngày 15/8/2018 của UBND tỉnh.
2.2. Giai đoạn 2021 đến 2025:
- Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt từ 25% trở lên, trong đó có 03 phó giáo sư.
- Xây dựng một số ngành đào tạo mũi nhọn và phát triển các chương trình đào tạo chất lượng cao (ít nhất 02 chương trình) trong các lĩnh vực thế mạnh của trường và của tỉnh như Du lịch, Ngoại Ngữ, Thủy sản.
- Đa dạng hóa ngành nghề đào tạo theo nhu cầu xã hội: có ít nhất 15 ngành đào tạo trình độ đại học, 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ. Dự kiến mở thêm các ngành đào tạo trình độ đại học như: Logistics, Quản trị doanh nghiệp, Truyền thông đa phương tiện...
- Ổn định công tác tuyển sinh với quy mô đào tạo tất cả các hệ đạt từ 7.000 đến 10.000 sinh viên, học sinh.
- Phát huy có hiệu quả hoạt động của Trung tâm Khoa học công nghệ, Trung tâm nghiên cứu Vịnh Hạ Long, hằng năm thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học, công nghệ từ cấp tỉnh trở lên.
- Thành lập Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hạ Long.
- Thực hiện mô hình trường học thông minh từ công tác quản trị nhà Trường đến các hoạt động liên quan đến công tác đào tạo.
1. Ưu tiên nguồn lực, tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giảng viên
1.1. Đổi mới chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên
a. Xây dựng thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ giảng viên đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ trong và ngoài nước.
b. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế để tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên được đi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn theo chương trình của Tỉnh và đề xuất của Trường.
1.2. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách của tỉnh để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác tại Trường; về học tại trường để thu hút sau ra trường làm việc tại tỉnh.
a. Kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc ban hành Quy định chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại trường Đại học Hạ Long, giai đoạn 2016-2020 đến năm 2025.
b. Tiếp tục thực hiện thu hút giảng viên chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long theo Nghị quyết số 93/2017/NQ-HĐND ngày của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc kéo dài Nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND.
c. Xây dựng chính sách cho cán bộ, chuyên gia, quản lý giỏi đang công tác tại các đơn vị trong và ngoài nước cùng phối hợp, trực tiếp tham gia quản lý và phát triển chuyên môn, nghiên cứu khoa học tại trường.
d. Xây dựng chính sách hỗ trợ sinh viên học tập tại Trường Đại học Hạ Long nhằm thu hút học sinh trung học phổ thông loại giỏi trong cả nước về Quảng Ninh học tập, công tác lâu dài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
1.3. Xây dựng Đề án vị trí việc làm, bố trí, sắp xếp đội ngũ hợp lí
a. Xây dựng Đề án vị trí việc làm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy mô đào tạo của Trường.
b. Thực hiện điều động, luân chuyển cán bộ, giảng viên, ưu tiên các khoa đào tạo đại học; tổ chức sắp xếp, bố trí vị trí việc làm phù hợp trình độ chuyên môn, năng lực đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.
1.4. Đổi mới công tác đánh giá giảng viên thông qua nhiều hình thức và gắn với sinh viên
a. Thực hiện đánh giá giảng viên theo năng lực làm việc và kết quả thực hiện nhiệm vụ; thực hiện đánh giá giảng viên vào cuối năm học.
b. Thực hiện lấy ý kiến đánh giá của sinh viên với giảng viên. Sử dụng kết quả đánh giá giảng viên để thực hiện quản lí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng và các chính sách đãi ngộ đối với giảng viên.
1.5. Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tăng cường tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của mỗi người lao động
a. Giảm tối đa các vấn đề hành chính hóa trong công việc của cán bộ giảng viên, tạo cho cán bộ giảng viên sự tự tin, chủ động cống hiến.
b. Xây dựng đề án thu nhập tăng thêm vào lương để cán bộ giảng viên yên tâm công tác, có động lực cống hiến và tâm huyết với công việc.
c. Xây dựng hệ thống quy trình nghiệp vụ đối với tất cả các hoạt động của nhà trường.
d. Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường.
2. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội
2.1. Triển khai mô hình đào tạo có sự gắn kết chặt chẽ của 3 nhà: Nhà trường (giảng viên, sinh viên) - Nhà Khoa học - Nhà doanh nghiệp
a. Điều chỉnh các chương trình đào tạo theo hướng mở, linh động, trong đó xác định các môn học cốt lõi và thiết kế nhiều môn học tự chọn để dễ dàng tăng cường khối kiến thức theo thực tiễn phát triển của xã hội.
b. Xây dựng cơ chế để khuyến khích, tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, giảng dạy, đánh giá chuyên môn.
c. Xây dựng các chương trình đào tạo hoặc các khối kiến thức theo yêu cầu và đào tạo theo đơn đặt hàng.
2.2. Tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo đối với những ngành, chuyên ngành nằm trong trọng điểm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực
a. Xây dựng một số chương trình đào tạo chất lượng cao về lĩnh vực du lịch, văn hóa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
b. Tiếp tục mở các ngành, chuyên ngành đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh và khu vực, trong đó trọng tâm là lĩnh vực ngoại ngữ, du lịch.
c. Mở rộng các loại hình, hệ đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng và nhu cầu của người học như: thạc sĩ, văn bằng hai,...
2.3. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của nhà trường
a. Triển khai đồng bộ phần mềm quản trị trường đại học đối với tất cả các đơn vị thuộc trường.
b. Nâng cao chất lượng hệ thống thư viện, đặc biệt là thư viện điện tử.
c. Xây dựng hệ thống quản lý học liệu điện tử, cho phép sinh viên dễ dàng tự học và học từ xa.
d. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác quản lý và khuyến khích sinh viên tích cực tham gia các hoạt động học tập, ngoại khóa, phát triển kỹ năng.
2.4. Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo
a. Phối hợp đào tạo song bằng với các trường quốc tế.
b. Đẩy mạnh các hoạt động trao đổi sinh viên, thực sinh nhằm tạo điều kiện cho sinh viên vận dụng và nâng cao kiến thức, kỹ năng trong môi trường quốc tế.
3.1. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, thí nghiệm, thực hành, kết nối doanh nghiệp, triển khai các dự án và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động đào tạo
a. Tập trung nguồn lực cho nghiên cứu khoa học theo hướng mũi nhọn. Đầu tư phát triển các phòng/khu/trung tâm nghiên cứu chuyên ngành (gắn với đặc thù của các khoa). Các bộ phận này là đầu mối trong việc nghiên cứu, triển khai dự án, kết nối doanh nghiệp và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động đào tạo.
b. Xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp tạo điều kiện cho các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm, thực hành chủ động trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.
3.2. Tăng cường các hoạt động hợp tác theo chiều sâu với các đơn vị nghiên cứu và cơ sở đào tạo trong và ngoài nước trong công tác quản lý, phát triển chuyên môn và nghiên cứu khoa học.
a. Ngoài cơ chế mời thỉnh giảng và thu hút nhân lực chất lượng cao về làm việc hiện có của tỉnh, tiếp tục mở rộng cơ chế cho phép mời các cán bộ quản lý, chuyên gia giỏi đang công tác tại các đơn vị khác trong và ngoài nước cùng phối hợp trực tiếp tham gia quản lý và phát triển chuyên môn tại trường.
b. Đẩy mạnh phối hợp với các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước cùng phối hợp nghiên cứu, triển khai các dự án trong và ngoài tỉnh.
4.1. Ưu tiên bố trí nguồn lực cho dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Hạ Long giai đoạn II, tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí theo hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ cho nhu cầu phát triển của Trường đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 theo dự án đã được Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 74/QĐ-HĐND ngày 26/10/2017 và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 4049/QĐ-UBND ngày 30/10/2017.
4.2. Đầu tư các hạng mục của dự án nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo trường Đại học Hạ Long thuộc đề án triển khai mô hình thành phố thông minh theo Quyết định số 3142/QĐ-UBND ngày 15/8/2018 của UBND tỉnh.
4.3. Nghiên cứu chủ trương và đầu tư giai đoạn III của Trường Đại học Hạ Long tại quỹ đất khu đô thị Chạp Khê, thành phố Uông Bí, từ sau năm 2025 đến 2030.
1. Trường Đại học Hạ Long
- Là cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch.
- Chủ động triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo; mở rộng hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và tổ chức đào tạo.
- Phối hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông triển khai các Đề án, dự án đã được phê duyệt chủ trương và đề xuất các chính sách liên quan đến đội ngũ giảng viên, sinh viên và cơ sở vật chất, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
- Xây dựng trình Bộ Giáo dục và Đào tạo hồ sơ đề nghị các ngành mới phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, triển khai chương trình đào tạo thạc sĩ đối với những ngành có đủ điều kiện về giảng viên.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
Ưu tiên bố trí vốn triển khai các dự án đầu tư xây dựng, bảo đảm đến năm 2020 hoàn thành việc đầu tư dự án Trường Đại học Hạ Long (giai đoạn 1 và giai đoạn 2) và Dự án Nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo của Trường Đại học Hạ Long (thuộc Đề án thành phố thông minh); bố trí ngân sách để triển khai các dự án nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên của Trường Đại học Hạ Long.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ trì phối hợp với Trường Đại học Hạ Long xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ giảng viên đi đào tạo tiến sĩ trong và ngoài nước; kéo dài chính sách hỗ trợ cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại Trường Đại học Hạ Long đến năm 2025; xây dựng chính sách hỗ trợ cho sinh viên; tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách của tỉnh liên quan đến Trường Đại học Hạ Long.
4. Sở Nội vụ
Đề xuất để cán bộ, giảng viên Trường tham gia thường xuyên trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hằng năm của tỉnh. Phối hợp với Trường Đại học Hạ Long để xây dựng các chính sách hỗ trợ thu hút giảng viên, sinh viên, cán bộ chất lượng cao làm việc và hợp tác với Trường.
5. Sở Thông tin truyền thông
Phối hợp với Trường Đại học Hạ Long trong việc xây dựng và triển khai Dự án nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo trường Đại học Hạ Long thuộc đề án triển khai mô hình thành phố thông minh; hỗ trợ và hướng dẫn thủ tục cấp phép mở tạp chí khoa học.
Trường Đại học Hạ Long và các sở, ban, ngành liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch và bám sát các chỉ đạo khác có liên quan, chủ động tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao. Mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 31/2019/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 07/2018/QĐ-UBND “Về kéo dài và điều chỉnh Quyết định 3427/2014/QĐ-UBND quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017 đến hết năm 2020" do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 2Quyết định 4320/QĐ-UBND năm 2019 quy định về thực hiện chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3Nghị quyết 233/2019/NQ-HĐND quy định về chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật Bản và chính sách hỗ trợ người học ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 1Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND về quy định chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại trường Đại học Hạ Long, giai đoạn 2016-2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 2Nghị quyết 93/2017/NQ-HĐND về kéo dài điều chỉnh Nghị quyết 178/2014/NQ-HĐND về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017 đến hết năm 2020 do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 3Thông báo 371/TB-VPCP năm 2018 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 31/2019/QĐ-UBND sửa đổi Quyết định 07/2018/QĐ-UBND “Về kéo dài và điều chỉnh Quyết định 3427/2014/QĐ-UBND quy định chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017 đến hết năm 2020" do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 5Quyết định 4320/QĐ-UBND năm 2019 quy định về thực hiện chính sách thu hút và khuyến khích sinh viên học tập trong một số ngành đào tạo tại Trường Đại học Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- 6Nghị quyết 233/2019/NQ-HĐND quy định về chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật Bản và chính sách hỗ trợ người học ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long do tỉnh Quảng Ninh ban hành
Kế hoạch 175/KH-UBND năm 2018 về đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cấp chất lượng đào tạo của Trường Đào tạo Hạ Long phù hợp với những định hướng chiến lược của tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của xã hội do tỉnh Quảng Ninh ban hành
- Số hiệu: 175/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 15/11/2018
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Vũ Thị Thu Thủy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/11/2018
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra