Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 175/KH-UBND

Cần Thơ, ngày 12 tháng 12 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2025

Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Công văn số 1919/BKNCN-PTTTDN ngày 13 tháng 6 năm 2017 của Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn địa phương triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025.

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức và triển khai thực hiện với các nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (HST KNĐMST) tại thành phố, nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Tuyên truyền, phổ biến các thông tin, kiến thức về HST KNĐMST, KNĐMST đến các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần hình thành văn hóa khởi nghiệp;

b) Đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn và kỹ năng KNĐMST cho các chủ thể trong HST KNĐMST (cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, huấn luyện viên khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm);

c) Hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng dành cho khởi nghiệp của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sẵn có (cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, tổ chức thúc đẩy kinh doanh), tiến tới hình thành Khu tập trung dịch vụ KNĐMST;

d) Kết nối các thành phần trong HST KNĐMST của thành phố Cần Thơ với các tỉnh thành trong nước và quốc tế;

e) Hỗ trợ trực tiếp cho ít nhất 10 cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST, trong đó có ít nhất 20% cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST có khả năng gọi vốn và 10% cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư.

3. Đối tượng hỗ trợ

Cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp KNĐMST; Cố vấn, huấn luyện viên KNĐMST; Nhà đầu tư cho KNĐMST; các cán bộ quản lý, vận hành các tổ chức hỗ trợ KNĐMST; các cán bộ thuộc khối quản lý hoạt động KNĐMST.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Các hoạt động thường xuyên

a) Khảo sát đánh giá thực trạng HST KNĐMST

- Thực hiện 02 đợt khảo sát để đánh giá thực trạng HST KNĐMST của thành phố dựa trên các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Công văn số 1919/BKNCN-PTTTDN ngày 13 năm 6 tháng 2017 hướng dẫn địa phương triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025. Các tiêu chí khảo sát bao gồm môi trường pháp lý, nguồn nhân lực, mật độ, văn hóa và vốn đầu tư;

- Đối tượng và số lượng mẫu khảo sát: Khoảng 1.600 phiếu bao gồm các cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức do nhà nước thành lập và quản lý trực tiếp;

- Hình thức thực hiện: Tiến hành khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường bưu điện, trực tuyến. Sau đó tổng hợp thông tin và phân tích các số liệu để đánh giá thực trạng HST KNĐMST của thành phố Cần Thơ;

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ;

- Cơ quan/đơn vị phối hợp: Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ (CBA), Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Cần Thơ (CADS) và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

b) Truyền thông về HST KNĐMST, KNĐMST

- Tổ chức 03 hội nghị, hội thảo và tọa đàm/năm để giới thiệu về HST KNĐMST, KNĐMST với các Chủ đề như: Tổng quan về HST KNĐMST, KNĐMST; Kinh nghiệm từ các địa phương khác trong triển khai các hoạt động hỗ trợ KNĐMST; Giới thiệu về các nội dung của kế hoạch; Kinh nghiệm hình thành và phát triển của các Startup; Bài học từ thất bại của Startup,…;

- Xây dựng diễn đàn trực tuyến về KNĐMSTcủa thành phố để đăng tải các thông tin/tin tức tổng hợp về KNĐMST, các hoạt động hỗ trợ KNĐMST của thành phố và cả nước, chia sẻ/trao đổi về KNĐMST, đường liên kết đến cổng thông tin KNĐMST quốc gia và quốc tế,…

- Xây dựng và phát hành sản phẩm tuyên truyền về KNĐMST như các hiện vật có thể hiện hình ảnh hoặc thông tin tuyên truyền về KNĐMST (tờ rơi, brochure, túi giấy, …) để phát hành trực tiếp tại các lớp đào tạo tập huấn hoặc qua các sự kiện về KNĐMST của thành phố;

- Thực hiện các bài viết hoặc sưu tầm về HST KNĐMST và KNĐMST để đăng trên các báo giấy, báo điện tử và trên các trang điện tử;

- Xây dựng các phóng sự trao đổi giữa người dẫn chương trình và khách mời để phát trên các trang thông tin điện tử của thành phố và diễn đàn trực tuyến về KNĐMST. Nội dung chia sẻ về các bài học kinh nghiệm từ các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST thành công hoặc thất bại; Chính sách hỗ trợ cho hoạt động KNĐMST; Kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động tư vấn, hỗ trợ, huấn luyện cho KNĐMST,…;

- Truyền thông qua các mạng xã hội bằng cách xây dựng các chuyên trang kết nối các nhóm khởi nghiệp, tạo fanpage, kênh youtube,… về KNĐMST để thông qua đó chia sẻ các bài viết về HST KNĐMST, KNĐMST của thành phố Cần Thơ, các địa phương khác và của quốc tế; thông tin về các ý tưởng, dự án khởi nghiệp cần kết nối, chia sẻ kinh nghiệm hoặc kêu gọi đầu tư của thành phố,…;

- Tham gia ít nhất 01 lần/năm các sự kiện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, khu vực và quốc tế - Techfest) để hỗ trợ và phát triển các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, giới thiệu các kết quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố đến với bạn bè trong và ngoài nước; tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu chia sẻ giữa các thành phần trong HSTKNĐMST; Thông qua hoạt động kết nối có thể giúp các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST thu hút đầu tư trong và ngoài nước;

- Đơn vị chủ trì thực hiện: Sở Khoa học và Công nghệ;

- Cơ quan/đơn vị phối hợp: Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ (CBA), Thành đoàn thành phố Cần Thơ, Sài Gòn Innovation Hub (SIHUB) – Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minhvà các cơ quan, đơn vị khác có liên quan.

c) Đào tạo nâng cao năng lực về KNĐMST

- Tổ chức 06 lớp đào tạo cơ bản (02 lớp/năm) về nhận thức KNĐMST nhằm tạo tâm thế khởi nghiệp cho các đối tượng là học sinh, sinh viên và thanh niên từ các viện, trường để phát triển và hoàn thiện các ý tưởng khởi nghiệp.

- Tổ chức 03 lớp đào tạo nâng cao (01 lớp/năm) năng lực cho các nhà đầu tư cho KNĐMST và các cán bộ quản lý, vận hành các tổ chức hỗ trợ KNĐMST; các cán bộ thuộc khối quản lý hoạt động KNĐMST.

- Giới thiệu tổng quan về HST KNĐMST, giải pháp kết nối hỗ trợ phát triển HST KNĐMST, kỹ năng quản lý và vận hành các tổ chức hỗ trợ hoạt động KNĐMST, cách đánh giá và quản lý một khoản đầu tư tiềm năng thiết kế doanh nghiệp có tiềm năng phát triển cấp số nhân,…;

- Tổ chức 03 lớp đào tạo chuyên sâu (01 lớp/năm) cho các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST (dự kiến 10 nhóm /03 lớp) nhằm giúp hoàn thiện ý tưởng, xây dựng mô hình kinh doanh, phương thức gọi vốn đầu tư và các kỹ năng cần thiết khác trong quá trình KNĐMST.

- Tổ chức 03 chương trình Trải nghiệm gọi vốn và đầu tư (01 chương trình/năm) nhằm tạo điều kiện cho các thành phần trong hệ sinh thái được gặp gỡ, trao đổi và thực hành kỹ năng gọi vốn và cấp vốn đầu tư.

- Cơ quan/đơn vị phối hợp: Saigon Innovation Hub (SIHUB) – Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP VIETNAM Silicon Valley Accelerator (VSV), Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ (CBA), Thành đoàn thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị liên quan khác.

2. Các hoạt động hỗ trợ hình thành và thúc đẩy hoạt động KNĐMST thông qua các nhiệm vụ KH&CN

a) Dự án“Hỗ trợ nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ KNĐMST”

- Trong giai đoạn 2017 - 2020, ưu tiên lựa chọn một đơn vị đầu mối triển khai các hoạt động hỗ trợ KNĐMST để hình thành nên một địa điểm kết nối các hoạt động hỗ trợ KNĐMST của thành phố và vùng;

- Hỗ trợ phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật cho từ 01 đến 03 tổ chức hỗ trợ KNĐMST để hình thành nên các không gian, cổng kết nối (HUB), các khu không gian làm việc chung, không gian tổ chức các sự kiện, không gian gặp mặt và giao lưu cộng đồng khởi nghiệp theo tiêu chí thân thiện, gợi mở; hỗ trợ huấn luyện, đào tạo các kỹ năng, kiến thức vận hành và truyền thông cho KNĐMST;

- Thời gian thực hiện: 2018 –2020;

- Kinh phí dự kiến: 4.000.000.000 đồng (Bằng chữ: Bốn tỷ đồng);

- Hình thức thực hiện: Thông qua tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện dự án KH&CN.

b) Dự án“Hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST (Startup)”

- Hỗ trợ trực tiếp cho các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST để tạo động lực và cung cấp các điều kiện cần thiết cho họ hoàn thiện ý tưởng, sản phẩm và mô hình kinh doanh để bắt đầu quá trình gọi vốn từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm ở các vòng tiếp theo;

- Hỗ trợ một phần kinh phí cho ít nhất 10 cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST (Startup), trong đó có ít nhất 20% Startup có khả năng gọi vốn và 10% Startup gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư;

- Thời gian thực hiện: 2018 - 2020;

- Kinh phí dự kiến: 4.000.000.000 đồng (Bằng chữ: Bốn tỷ đồng);

- Hình thức thực hiện: Thông qua tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện dự án KH&CN.

c) Dự án“Xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết KNĐMST”

- Kết nối giữa các thành phần trong HST KNĐMST của thành phố Cần Thơ với các địa phương khác trong cả nước, khu vực và quốc tế, nhằm tạo cơ hội gặp gỡ, trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và cơ hội đầu tư; hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST tham gia các sự kiện KNĐMST nhằm tiếp cận các nhà đầu tư, quỹ đầu tư,…;

- Thời gian thực hiện: 2018 – 2020;

- Kinh phí dự kiến: 1.000.000.000 đồng(Bằng chữ: Một tỷ đồng);

- Hình thức thực hiện: Thông qua tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện dự án KH&CN.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Tổng kinh phí thực hiện kế hoạch là 14.886.164.000 đồng(Bằng chữ: Mười bốn tỷ, tám trăm tám mươi sáu triệu, một trăm sáu mươi bốn ngàn đồng). Trong đó:

2. Nguồn từ ngân sách nhà nước (Kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ): 13.809.998.000 đồng (Bằng chữ: Mười ba tỷ, tám trăm lẻ chín triệu, chín trăm chín mươi tám ngàn đồng);

3. Nguồn xã hội hóa: 1.076.166.000 đồng (Bằng chữ: Một tỷ không trăm bảy mươi sáu triệu, một trăm sáu mươi sáu ngàn đồng).

4. Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và các hoạt động của kế hoạch, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ lập dự toán gửi Sở Tài chính xem xét, thẩm tra và cân đối nguồn trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt trong dự toán chi hàng năm của Sở Khoa học và Công nghệ.

(Kèm bảng tổng hợp kinh phí)

IV. TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI

Kế hoạch được triển khai trong giai đoạn đến năm 2020, với tiến độ thực hiện từng nội dung như sau:

1. Hoạt động khảo sát được tiến hành trong quý I năm 2018 và quý IV năm 2020;

2. Hàng năm thực hiện các hoạt động truyền thông về HST KNĐMST và KNĐMST từ năm 2017 đến 2020;

3. Thực hiện các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực về KNĐMST từ năm 2018 đến năm 2020;

4. Các hoạt động hỗ trợ hình thành và thúc đẩy hoạt động KNĐMST thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2020.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch;

b) Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn những nội dung thực hiện có liên quan đến việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;

c) Lập hội đồng khoa học và công nghệ để đánh giá, xét chọn các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện các dự án liên quan; ký hợp đồng, cấp kinh phí thực hiện và giám sát quá trình triển khai các dự án và nghiệm thu kết quả thực hiện;

d) Định kỳ hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết vào quý III/2019 để có sự chấn chỉnh kịp thời; tổ chức tổng kết khi kết thúc Chương trình trong quý IV/2020 để đánh giá rút kinh nghiệm và đề xuất thực hiện trong thời gian tới.

2. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành thành phố, quận, huyện:

a) Các Sở, Ban, Ngành thành phố phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tuyên truyền việc hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc phạm vi lĩnh vực của ngành mình.

b) Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hàng năm và các nguồn khác cho hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cơ sở cân đối nguồn ngân sách của địa phương.

c) Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân quận, huyện: tuyên truyền, thông tin việc Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn.

d) Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thông tin, tuyên truyền nội dung và kết quả thực hiện chương trình.

VI. ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025

1. Dựa trên kết quả thực hiện kế hoạch đến năm 2020, tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện cho giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 844/QĐ- TTg ngày 18 tháng 5 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Đối với các hoạt động thường xuyên: Thông qua hoạt động khảo sát về thực trạng HST KNĐMST (quý I năm 2018) và khảo sát kết quả triển khai các hoạt động hỗ trợ (quý VI năm 2020) để đánh giá hiệu quả kế hoạch đã đạt được, trên cơ sở đó xác định các nội dung cần tiếp tục triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2015 đối với các hoạt động về đào tạo và truyền thông HST KNĐMST và KNĐMST;

3. Đối với các hoạt động hỗ trợ thông qua các nhiệm vụ KH&CN (các dự án): tổng kết, nghiệm thu và đánh giá hiệu quả đạt được thông qua các Hội đồng khoa học và công nghệ và đề xuất các mục tiêu, nội dung và hình thức hỗ trợ cho giai đoạn tiếp theo đối với các cá nhân, nhóm cá nhân và doanh nghiệp KNĐMST./.

Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị, nghiêm túc triển khai thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- TT. Thành ủy, TT HĐND TP;
- TV. UBND thành phố;
- Các Sở, Ban, Ngành, Mặt trận, đoàn thể TP;
- UBND quận, huyện;
- VP.UBND TP (3BC);
- Cổng TTĐT thành phố;
- Lưu: VT, HK

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Dũng

 

BẢNG TỔNG HỘP KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

ĐVT: 1.000 đồng

TT

Nội dung hoạt động

Tổng

Năm

2017

2018

2019

2020

I.

Các hoạt động hường xuyên

5.886.164

245.995

2.268.707

1.992.433

1.379.029

1.

Khảo sát đánh giá thực trạng HST KNĐMST

248.178

 

124.089

 

124.089

2.

Truyền thông về HST KNĐMST, KNĐMST

2.409.420

245.995

855.535

703.350

604.540

3.

Đào tạo nâng cao năng lực về KNĐMST

3.228.566

 

1.289.083

1.289.083

650.400

II.

Các hoạt động hỗ trợ hình thành và thúc đẩy hoạt động KNĐMST thông qua các nhiệm vụ KH&CN

9.000.000

 

2.600.000

4.500.000

1.900.000

1.

Dự án “Hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực cho các tổ chức hỗ trợ KNĐMST”

4.000.000

 

1.200.000

2.000.000

800.000

 

Dự án “Hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp KNĐMST (Starup);

4.000.000

 

1.200.000

2.000.000

800.000

 

Dự án“Xây dựng và phát triển mạng lưới liên kết KNĐMST”

1.000.000

 

200.000

500.000

300.000

 

Tổng cộng các mục (I+II)

14.886.164

245.995

4.868.707

6.492.433

3.279.029

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 175/KH-UBND năm 2017 về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025

  • Số hiệu: 175/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/12/2017
  • Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
  • Người ký: Nguyễn Thanh Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/12/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản