Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1728/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 11 tháng 5 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN KH&CN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016-2020

Thực hiện Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/12/2012 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 1318/QĐ-KHCN ngày 05/6/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND ngày 28/02/2012 của UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII.

UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020 với các nội dung chủ yếu sau:

Phần thứ nhất

ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAI ĐOẠN 2011-2015

I. Thực hiện các chỉ tiêu phát triển khoa học và công nghệ

- Bám sát các mục tiêu, nội dung phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2011-2020, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và đạt được các kết quả chủ yếu sau:

+ Số doanh nghiệp công nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 12,1%/năm; số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 2,9%/năm.

+ Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của Quốc tế và khu vực là 24%; 100% sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, ô nhiễm môi trường hoặc có yêu cầu đặc thù về quá trình sản xuất, tiềm ẩn khả năng gây mất an toàn được sản xuất trên địa bàn tỉnh được quản lý về chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và được đăng ký bản công bố hợp quy tại các Sở quản lý chuyên ngành.

+ Số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 2,1 lần so với năm 2010; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của tỉnh đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và quản lý, phát triển thương hiệu bằng các hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đạt 50% .

+ Cơ bản hoàn thành mạng viễn thông băng rộng đến các xã, phường trên cả tỉnh; 100% các trường học trên địa bàn tỉnh được kết nối Internet; 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh phủ sóng thông tin di động băng rộng; Số thuê bao Internet đạt 60 thuê bao/100 dân; 100% doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.

+ Đến 2015, tổng diện tích của các mô hình sản xuất nông nghiệp cận đô thị trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới, đạt giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích cao gấp 2 lần mức bình quân chung của cả tỉnh là 410,82 ha.

+ Hình thành 02 doanh nghiệp KH&CN

+ Đến năm 2015, tổng đầu tư từ NSNN của tỉnh cho KH&CN đạt 0,484%.

II. Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

- Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia: triển khai 22 ĐT/DA, thu hút được gần 110 tỷ đồng từ ngân sách KHCN Trung ương và các nguồn vốn khác, được đánh giá cao về hiệu quả khoa học và hiệu quả KT-XH, góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo sản phẩm mới, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái đồng thời xây dựng và tạo lập các nhãn hiệu đối với các sản phẩm có lợi thế của tỉnh như: bưởi Đoan Hùng, lúa nếp gà gáy Mỹ Lung, sơn đỏ Tam Nông, chè Chùa Tà, các đề tài, dự án về Cá Lăng chấm, cá Anh vũ, sản xuất rau an toàn, nấm ăn, nấm dược liệu, hoa lan Hồ điệp…

- Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh: Triển khai 125 ĐT/DA cấp tỉnh, tập trung cho lĩnh vực phát triển lâm nghiệp (38 ĐT/DA, chiếm tỷ lệ 30,4%), lĩnh vực y tế, giáo dục cộng đồng (23 ĐT/DA, chiếm tỷ lệ 18,4%), ứng dụng CNTT, truyền thông (16 ĐT/DA, chiếm tỷ lệ 12,8%),.., hướng vào thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp ưu tiên các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế lai cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng chống dịch bệnh tốt, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch; Đẩy mạnh phát triển các giống cây con đặc trưng, có lợi thế của tỉnh... ; Lĩnh vực KHXH&NV, khoa học quản lý tập trung cho các nghiên cứu cung cấp luận cứ khoa học, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc truyền thống; Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hướng vào tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; Lĩnh vực phục vụ lợi ích cộng đồng, giáo dục, y dược học chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác y tế dự phòng, chẩn đoán điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo,... Điển hình là các kết quả nghiên cứu: khảo nghiệm chọn lọc tập đoàn các giống lúa, ngô mới phù hợp trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu biện pháp kỹ thuật để tăng khả năng ra hoa, đậu quả, nâng cao năng suất, chất lượng giống bưởi đặc sản Đoan Hùng, quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương phẩm cá Chạch sông, sản xuất chế phẩm sinh học từ chè xanh phế loại để bảo quản rau, quả; phục dựng hát Xoan theo nghi thức truyền thống; nghiên cứu tín ngưỡng Hùng Vương; Thiết kế, chế tạo thử nghiệm thiết bị chiếu sáng công cộng theo nhiều cấp độ với hệ thống điện thông minh sử dụng sóng điện thoại để điều khiển, quy trình sản xuất phèn sunfat nhôm và phèn kép từ cao lanh, chế tạo thiết bị xử lý một số rác thải rắn thành sản phẩm dầu đốt công nghiệp và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ...

III. Thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ

1. Đã đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách nhà nước cho KH&CN; Thành lập và đưa vào hoạt động Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh; Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án kế hoạch về phát triển KH&CN; Ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đời sống và các dự án có sự tham gia của doanh nghiệp tạo liên kết 4 nhà.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực quản lý công nghệ, an toàn bức xạ hạt nhân, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Công tác thông tin, thống kê KH&CN được tăng cường.

2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc phục vụ cho hoạt động KH&CN từng bước được đầu tư thông qua các dự án đầu tư : mua sắm trang thiết bị tăng cường khả năng kiểm định phương tiện đo lường thử nghiệm chất lượng hàng hóa cho Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm”, xây dựng trại thực nghiệm của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, công trình các Trung tâm KH&CN tỉnh Phú Thọ. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư đổi mới trang thiết bị, xây dựng các phòng thí nghiệm đạt chuẩn LAS, VILAS

3. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ. Thúc đẩy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN.

4. Tăng cường các hoạt động hợp tác về KH&CN thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ KH&CN,…; Hợp tác thường xuyên và chặt chẽ với các cơ quan KH&CN của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh.

IV. Đánh giá chung

1. Ưu điểm

Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống được các cấp, các ngành, người dân và doanh nghiệp quan tâm thực hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường và sức cạnh tranh của các sản phẩm hang hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh

Các đề tài, dự án khoa KH&CN đã bám sát các chủ trương, chính sách, các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Nhiều đề tài, dự án đã cung cấp những luận cứ, giải pháp khoa học cho việc hoạch định, xây dựng chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Bước đầu đã thực hiện đa dạng hóa được nguồn vốn đầu tư cho hoạt động KH&CN, qua đó đã tranh thủ thu hút được nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương 54 tỷ đồng, từ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác trên 130 tỷ đồng.

Hoạt động KH&CN đã triển khai đồng bộ trên tất cả các mặt hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng, quản lý công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, thông tin KHCN. Hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoa học được nâng lên. Tiềm lực khoa học công nghệ của tỉnh được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quản lý, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từng bước được quan tâm đầu tư, trang bị. Nhân lực khoa học có trình độ cao ngày càng tăng.

2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu

2.1. Tồn tại, hạn chế

- Một số chỉ tiêu KH&CN đề ra cho giai đoạn 2011-2015 đạt thấp, nhất là chỉ tiêu hình thành doanh nghiệp KH&CN, đầu tư tài chính cho hoạt động KH&CN,...

- Đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý còn có những hạn chế như: Ngân sách nhà nước đầu tư cho KH&CN còn ở mức thấp; Chưa có tổ chức KH&CN công lập thực hiện chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm; Hoạt động KH&CN ở cấp huyện còn yếu, đặc biệt là việc triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước và chưa thực hiện bố trí nguồn kinh phí cho triển khai các hoạt động về KH&CN trên địa bàn huyện..

- Tiềm lực KH&CN của tỉnh mặc dù được nâng lên song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều dự án đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN chưa được ưu tiên nguồn lực để thực hiện. Chưa thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học giỏi về công tác trên địa bàn tỉnh.

- Thiếu các ĐT/DA có hàm lượng khoa học cao, có tính chất đột phá và sức lan tỏa lớn. Việc ứng dụng và triển khai nhân rộng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường KH&CN phát triển chậm.

2.2. Nguyên nhân

a) Khách quan:

- Luật KH&CN được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/10/2014, song nhiều văn bản thi hành Luật chưa được ban hành hoặc thay đổi thường xuyên gây khó khăn cho công tác tổ chức triển khai của địa phương.

- Chính sách khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi và thành lập doanh nghiệp KH&CN và chính sách khuyến khích, ưu đãi, sử dụng đối với các cán bộ KH&CN giỏi về tỉnh chưa đủ sức hấp dẫn. Các đơn vị sở hữu kết quả nghiên cứu có khả năng thương mại hóa, hoặc có quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm và kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước còn ít.

- Là một tỉnh miền núi còn nghèo, mức thu nhập và trình độ dân trí của nhân dân còn hạn chế nên việc huy động các nguồn lực đầu tư cho KH&CN gặp nhiều khó khăn. Phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, tài sản, nguồn vốn và nguồn nhân lực còn hạn chế nên khó khăn trong đổi mới, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ

b) Chủ quan

- Nhận thức về vai trò, vị trí của KH&CN ở một số cấp uỷ đảng, chính quyền chưa thực sự đầy đủ, chưa coi KH&CN là một nhiệm vụ quan trọng gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong các hoạt động KH&CN chưa chặt chẽ, thường xuyên. Công tác tuyên truyền nhận thức, phổ biến thông tin KH&CN còn nhiều hạn chế. Việc đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình tiên tiến trong hoạt động KH&CN chưa kịp thời

- Chưa có cơ chế thống nhất về sử dụng vốn đầu tư phát triển cho KH&CN tạo tính ưu tiên đối với các dự án đầu tư tiềm lực của ngành KH&CN và các dự án đầu tư phát triển cho các tổ chức KH&CN.

- Ở cấp huyện: cán bộ theo dõi hoạt động KH&CN ở cấp huyện hoạt động kiêm nhiệm, năng lực quản lý, nghiệp vụ chuyên môn còn hạn chế; chưa bố trí kinh phí chi triển khai các hoạt động KH&CN ở cấp huyện.

Phần thứ hai

PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU GIAI ĐOẠN 2016-2020

I. Phương hướng

Phát triển mạnh mẽ KH&CN, làm cho KH&CN thực sự là động lực để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN; Tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực KH&CN của tỉnh; Phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN và các hoạt động dịch vụ KH&CN; Đẩy mạnh hoạt động hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN; Nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH&CN; Đẩy mạnh đổi mới công nghệ, sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường, ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống góp phần thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020 được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII.

II. Mục tiêu cụ thể

1. Số doanh nghiệp công nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15%/năm. Số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 5% đến 8%.

2. Tỷ lệ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của Quốc tế và khu vực từ 30% - 35% vào năm 2020.

Xây dựng được từ 5-7 doanh nghiệp nhỏ và vừa sản xuất các sản phẩm chủ lực trở thành mô hình điểm về năng suất và chất lượng.

3. Số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 2,5 lần trong giai đoạn 2011 - 2020. Đến năm 2020 có 90% các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp và quản lý, phát triển thương hiệu bằng các hình thức nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể.

4. Về doanh nghiệp KH&CN: Phấn đấu hình thành từ 7-10 doanh nghiệp KH&CN.

5. Đảm bảo 100% các kết quả nghiên cứu KH&CN trên địa bàn tỉnh được đăng ký, lưu giữ trên hệ thống thông tin KH&CN.

III. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trọng tâm

1. Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN; tăng cường hoạt động KH&CN cấp huyện.

2. Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ KH&CN, các kết quả nghiên cứu vào sản xuất đời sống; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tăng tỷ lệ các nhiệm vụ KH&CN dưới dạng dự án ứng dụng, triển khai, được phát triển từ kết quả của các đề tài đã được nghiên cứu thành công.

3. Chú trọng phát triển các sản phẩm đặc trưng và có lợi thế của tỉnh, trong đó đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm hàng hóa; xây dựng và ban hành mới các chương trình: Hỗ trợ, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN và các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất và đời sống của tỉnh và Hỗ trợ xây dựng bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, hàng hóa, đặc trưng và có lợi thế của tỉnh nhằm thúc đẩy việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới vào sản xuất và đời sống, đẩy mạnh phát triển sở hữu trí tuệ, tăng sức cạnh tranh đối với các sản phẩm có lợi thế của tỉnh.

4. Nâng cao tiềm lực KH&CN, trong đó ưu tiên đầu tư các các dự án đầu tư phát triển tiềm lực khoa học của các tổ chức KH&CN, các dự án đầu mua sắm trang thiết bị kiểm định, kiểm nghiệm của các Trung tâm, phòng thí nghiệm trên địa bàn tỉnh; trọng dụng và thu hút cán bộ KH&CN có trình độ cao trong hoạt động KH&CN.

IV. Những giải pháp chủ yếu

1. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ về tổ chức và cơ chế quản lý và hoạt động khoa học và công nghệ, trong đó:

a) Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức. Rà soát, xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý về KH&CN đối với lực lượng cán bộ quản lý KH&CN cấp tỉnh và huyện, đảm bảo 100% cán bộ quản lý KH&CN cấp tỉnh và huyện được bồi dưỡng, chuẩn hóa theo quy định.

Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN trên các lĩnh vực thông tin, TCĐLCL, an toàn bức xạ hạt nhân, công nghệ, sở hữu trí tuệ, .... trên địa bàn các huyện, thành, thị.

b) Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách mới về hoạt động KH&CN đối với các tổ chức KH&CN, trong đó hoàn thành việc chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đổi mới phương thức cấp kinh phí thường xuyên cho các tổ chức KH&CN công lập thông qua các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng và nhiệm vụ KH&CN.

c) Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách mới về quản lý, phương thức đầu tư và cơ chế tài chính theo quy định, trong đó:

Thực hiện đầy đủ các quy định, quy trình xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách đối với hoạt động KH&CN hàng năm của tỉnh; Tăng cường phân công, phân cấp quyền chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch và đề xuất phân bổ ngân sách nhà nước cho KH&CN đối với cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN theo quy định; Bố trí trong mục lục dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh, có mục dự toán riêng kinh phí sự nghiệp và kinh phí đầu tư phát triển cho KH&CN; Cân đối trong dự toán NSNN hàng năm của cấp huyện nguồn kinh phí chi hoạt động KH&CN cấp huyện; Ban hành quy định sử dụng vốn đầu tư phát triển cho KH&CN.

Thực hiện nghiêm túc cơ chế đặt hàng, tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thực hiện nhiệm vụ KH&CN; Đẩy mạnh việc áp dụng triệt để cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc khoán chi từng phần đối với các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh; Triển khai quy định về việc trích lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra về KH&CN; Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên quan, các huyện, thành, thị tổ chức thanh, kiểm tra định kỳ, chuyên đề, đột xuất về tình hình thực thi pháp luật về KH&CN; Phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ, Liên hiệp các hội KHKT tỉnh để tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với các hoạt động KH&CN.

2. Tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng phát triển khoa học và công nghệ chủ yếu

a) Tiếp tục triển khai thực hiện 8 chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh trọng tâm ưu tiên giai đoạn 2012-2020 đã đề ra trong Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh; Ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, đưa nhanh tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ; Hàng năm thực hiện việc rà soát các kết quả nghiên cứu KH&CN, tìm hiểu, lựa chọn các tiến bộ KH&CN mới trong cả nước phù hợp với điều kiện của tỉnh để đề xuất nhân rộng, phát triển trên địa bàn tỉnh.

b) Đẩy mạnh việc khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các chương trình KH&CN cấp quốc gia; Hàng năm dành một phần kinh phí từ ngân sách tỉnh để đối ứng cho thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã được tỉnh đặt hàng và được Bộ KH&CN phê duyệt hỗ trợ thực hiện.

Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh.

3. Ưu tiên nguồn lực để nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của tỉnh

a) Tập trung đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN đặc biệt là Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Tin học và Thông tin KH&CN, Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm theo Quyết định số 317/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Ưu tiên từ nguồn vốn đầu tư phát triển cho KH&CN hàng năm được Trung ương giao cân đối qua ngân sách địa phương cho các dự án đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN đã được phê duyệt như: Xây dựng các trung tâm KH&CN; Xây dựng trại thực nghiệm của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN; Đầu tư mua sắm trang thiết bị tăng cường khả năng kiểm định phương tiện đo lường, thử nghiệm chất lượng hàng hóa.

b) Cụ thể hóa và thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ KH&CN theo tinh thần Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Rà soát, thực hiện các chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài, trí thức KHCN trong và ngoài nước về công tác tại tỉnh; Thống kê, đánh giá trình độ nhân lực trên địa bàn tỉnh.

c) Tăng cường tiềm lực thông tin KH&CN của tỉnh; Triển khai nhiệm vụ kết nối với mạng VinaREN nhằm khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Thực hiện việc lưu trữ các kết quả nghiên cứu KH&CN của tỉnh trên mạng thông tin KH&CN quốc gia. Đánh giá toàn diện kết quả và hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh.

4. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ và các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ

a) Chú trọng thực hiện việc hình thành và phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ KH&CN đặc biệt là các tổ chức dịch vụ chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng.

b) Xúc tiến, thúc đẩy hoạt động ươm tạo và phát triển doanh nghiệp KH&CN; Đẩy mạnh thực hiện công nhận kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và thương mại hóa. Chủ động tìm kiếm, lựa chọn, hướng dẫn các doanh nghiệp có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp KH&CN. Thực hiện việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách nước cho cơ quan chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo quy định.

c) Thực hiện hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp thành lập các tổ chức nghiên cứu và phát triển, Quỹ phát triển KH&CN, trong đó ưu tiên hỗ trợ các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm các sản phẩm chủ lực, lợi thế, các sản phẩm mới có triển vọng phát triển

d) Đẩy mạnh hỗ trợ, xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với các sản phẩm đặc trưng; Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện các dự án phát triển tài sản trí tuệ từ các văn bằng, sáng chế, giải pháp hữu ích đã được bảo hộ.

Tham gia hiệu quả các hoạt động kết nối cung cầu, chợ công nghệ thiết bị để trình diễn, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của tỉnh.

e) Triển khai đầu tư phát triển hệ thống chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Đầu tư tăng cường năng lực đo lường thử nghiệm cho Trung tâm kỹ thuật đo lường thử nghiệm của tỉnh đáp ứng yêu cầu quản lý trong nước và hội nhập quốc tế; Thực hiện hiệu quả dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2014-2020” thông qua các hoạt động: tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất chất lượng; tư vấn áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Từng bước triển khai các nội dung của dự án bằng các nhiệm vụ KH&CN cụ thể; Tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động thông báo và hỏi đáp hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT).

5. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ

a) Tăng cường đề xuất nhiệm vụ KH&CN để tham gia Đề án Hội nhập quốc tế về KH&CN đến năm 2020, các chương trình hợp tác về KH&CN của Nhà nước.

b) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác về KH&CN giữa UBND tỉnh với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ KH&CN và các chương trình hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị trong tỉnh: Chương trình phối hợp giám sát thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XI về phát triển KH&CN; Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở KH&CN tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015-2020...

c) Xây dựng Kế hoạch hợp tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên sâu cho cán bộ KH&CN; Phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc đào tạo cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN.

d) Phối hợp chặt chẽ với các Viện nghiên cứu, Trường đại học, các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

6. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về khoa học và công nghệ

a) Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi với các hình thức đa dạng về chính sách, pháp luật về KH&CN trên địa bàn tỉnh; Phổ biến kiến thức, các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào đời sống, sản xuất kinh doanh.

b) Phát triển dịch vụ cung cấp thông tin, tổng hợp, phân tích thông tin, số liệu thống KH&CN đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường KH&CN.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành thị và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của Kế hoạch này.

- Hàng năm, xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán ngân sách thực hiện, thông qua Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Triển khai, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện hoạt động KH&CN ở cơ sở, đặc biệt chú trọng hướng dẫn các huyện, thành, thị xây dựng dự toán kinh phí chi hoạt động KH&CN cấp huyện để đề xuất trong kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm của cấp huyện.

- Phối hợp với Sở Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN cấp tỉnh và cấp huyện.

- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động thông tin, phổ biến pháp luật, chính sách, các hoạt động ứng dụng chuyển giao KH&CN.

- Đình kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh, đồng thời đề xuất, kiến nghị bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch.

2. Sở Nội vụ

- Chủ trì, phối hợp với Sở KH&CN và các ngành, đơn vị liên quan: Rà soát, xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng quản lý về KH&CN đối với lực lượng cán bộ quản lý KH&CN cấp tỉnh và huyện.

- Đề xuất thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng cán bộ KH&CN theo tinh thần Nghị định 40/2014/NĐ-CP ngày 12/5/2014 của Chính phủ quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động KH&CN. Rà soát, thực hiện các chính sách trọng dụng và thu hút nhân tài, trí thức KHCN trong và ngoài nước về công tác tại tỉnh.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở KH&CN thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng Kế hoạch và dự toán kinh phí chi sự nghiệp KH&CN theo quy định; tham mưu cho UBND tỉnh cân đối nguồn lực và điều kiện cần thiết cho thực hiện các kế hoạch hàng năm về phát triển KH&CN của tỉnh.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Phối hợp với Sở KH&CN thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng kế hoạch, lập dự toán chi đầu tư phát triển cho KH&CN hàng năm; nghiên cứu, xây dựng quy định về sử dụng vốn đầu tư phát triển KH&CN của tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh cân đối nguồn lực cho ưu tiên triển khai các dự án đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh.

5. UBND các huyện, thành, thị

Đẩy mạnh việc triển khai hoạt động KH&CN cấp huyện, đặc biệt là đối với việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, các hoạt động thanh tra, kiểm tra, thông tin phổ biến pháp luật về KH&CN, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trên địa bàn huyện. Hàng năm, bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước của cấp huyện có mục chi riêng cho hoạt động KH&CN.

Trên đây là Kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016- 2020, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện qua Sở Khoa học và Công nghệ, đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hoạt động KH&CN của ngành, địa phương, đơn vị./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ KH&CN;
- TT TU, HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh; các Sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị;
- CVP, các PCVP;
- Lưu: VT, VX5 (100b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hà Kế San

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1728/KH-UBND năm 2016 phát triển khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020

  • Số hiệu: 1728/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 11/05/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Hà Kế San
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản