ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/KH-UBND | Thái Bình, ngày 05 tháng 04 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
TUYÊN TRUYỀN BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO VIỆT NAM
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về "Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020"; Kế hoạch số 799/KH-BCA ngày 02/8/2012 của Bộ Công an về tuyên truyền, phổ biến bản đồ Việt Nam, khẳng định chủ quyền, đấu tranh chống các luận điệu tuyên truyền trái phép chủ quyền biển Đông của Trung Quốc, các thế lực thù địch và phần tử xấu; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch tuyên truyền biển, đảo như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các tài liệu, tư liệu lịch sử, bản đồ, phim ảnh... khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam đến các cấp, các ngành, đoàn thể và toàn dân; làm cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh nhận thức rõ, đầy đủ về tình hình biển, đảo; quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta đối với vấn đề biển Đông; qua đó huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia bảo vệ, đấu tranh lên án các hành vi xâm phạm chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
- Công tác tuyên truyền biển, đảo bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện ở địa phương, gắn công tác tuyên truyền với vận động nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước ở cơ sở.
- Công tác tuyên truyền phục vụ mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đảm bảo yêu cầu đối ngoại; đồng thời duy trì môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
II. QUAN ĐIỂM, TƯ TƯỞNG CHỈ ĐẠO
1. Quan điểm:
- Công tác tuyên truyền bám sát chủ trương, đường lối của Đảng về chủ quyền, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; phù hợp với luật pháp quốc tế và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
- Huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia vào công tác tuyên truyền. Kết hợp có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, của tỉnh với thu hút các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tuyên truyền, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế trong đấu tranh lên án các hành vi xâm phạm chủ quyền, đi ngược lại xu thế hòa bình của quốc tế và khu vực;
- Phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin và truyền thông hiện đại; đặc biệt là Internet, các đài phát thanh, truyền hình, báo viết... để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, tác động sâu rộng, kịp thời và hiệu quả đến cộng đồng xã hội.
2. Tư tưởng chỉ đạo:
- Bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện tuyên truyền về quản lý, bảo vệ, phát triển bền vững biển, đảo; đấu tranh với các hành vi xâm phạm chủ quyền; thường xuyên tổng hợp cung cấp thông tin có định hướng, đảm bảo về nội dung, phù hợp với từng nhóm đối tượng và thời điểm để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền;
- Thực hiện tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với thực hiện các chương trình, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế biển, đảo của tỉnh;
- Công tác tuyên truyền phải chủ động, tích cực và thường xuyên, liên tục; coi trọng việc đổi mới nội dung, tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền; lồng ghép tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chương trình, đề án của các sở, ban, ngành, địa phương;
- Bảo đảm phối hợp tốt và chặt chẽ giữa các lực lượng làm công tác tuyên truyền; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh;
- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo của tỉnh trong tình hình mới.
III. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Những cơ sở pháp lý, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông, như: Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ; An Nam đại quốc họa đồ; Đại Nam nhất thống toàn đồ; bản đồ các đài khí tượng Đông Dương; Đĩa phim tài liệu "Hoàng Sa - Trường Sa nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt"; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký với các nước láng giềng, các nước có liên quan; những kiến thức cơ bản, phổ thông các văn bản pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta và Luật Biển quốc tế năm 1982; các tài liệu, tư liệu pháp lý khác liên quan.
2. Gắn công tác tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam với việc tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng và Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06/3/2009 của Chính phủ về Quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; Quyết định số 373/QĐ-TTg ngày 23/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam; Quyết định số 1959/QĐ-UBND ngày 23/8/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án bảo đảm an ninh trật tự phục vụ phát triển kinh tế biển tỉnh Thái Bình giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên tuyến biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, lồng ghép trong tuyên truyền chương trình kinh tế xã hội trọng điểm của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18.
IV. BIỆN PHÁP TIẾN HÀNH VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Biện pháp tuyên truyền
Công tác tuyên truyền phải được tiến hành với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Các sở, ban, ngành, đoàn thể nhà trường có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, địa phương, để lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp:
- Tổ chức trưng bày cụm bản đồ (mỗi cụm gồm 4 pano) tuyên truyền lưu động: Tại các hội nghị, các buổi sinh hoạt hội họp, ở trường học, ở những nơi có đông người qua lại. Riêng Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt một cụm cố định tại Bảo tàng tỉnh;
- Phát, chiếu đĩa phim tài liệu "Hoàng Sa - Trường Sa nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt" và phổ biến một số tài liệu nghiên cứu về chủ quyền biển đảo Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị, hội họp, nói chuyện thời sự, các buổi sinh hoạt, hoạt động ngoại khóa cho học sinh... Tổ chức hội thảo, tọa đàm, các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác nghệ thuật về chủ quyền biển đảo.
2. Phân công nhiệm vụ
a) Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch tuyên truyền; phối hợp với các ban, ngành chức năng chuẩn bị tư liệu, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền.
b) Các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh căn cứ vào chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức... trong nội bộ cơ quan, đơn vị và cán bộ, nhân dân tại địa phương.
c) Các cơ quan thông tin đại chúng: Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình... biên tập, xây dựng nội dung tuyên truyền, bố trí thời lượng, thời gian hợp lý phát sóng 2 tập phim về chủ quyền biển đảo và các tin bài, phóng sự đăng trên báo và sóng phát thanh, truyền hình.
d) Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp... tổ chức triển khai tuyên truyền đến sinh viên (kể cả số sinh viên nước ngoài) và học sinh.
e) Ban quản lý các khu công nghiệp: Tổ chức triển khai tuyên truyền, trưng bày trong các khu công nghiệp, trọng tâm là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp của các nước có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc như: Nhật Bản, Philippines… (nếu có).
g) Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo Bảo tàng, Trung tâm Triển lãm tỉnh tổ chức trưng bày, tuyên truyền bộ bản đồ khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam; tổ chức tuyên truyền cho khách du lịch vào tỉnh và tại các lễ hội lớn trên địa bàn tỉnh.
h) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kết hợp công tác vận động quần chúng với công tác tuyên truyền biển, đảo trong ngư dân, lực lượng tham gia sản xuất trên biển để nâng cao ý thức chấp hành luật pháp quốc gia, quốc tế về biển; nắm vững cơ sở pháp lý về chủ quyền, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái biển; chủ động bảo vệ tài sản, bám biển sản xuất, phát triển kinh tế.
i) Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng các cấp, thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng kết hợp với tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho các đối tượng; đồng thời lồng ghép tuyên truyền biển, đảo trong Kế hoạch huấn luyện dân quân, tự vệ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học...
k) Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên về biển và hải đảo; hướng dẫn, định hướng công tác tuyên truyền về biển, đảo cho các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí ở địa phương.
m) Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan của Đảng, sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang để cung cấp các tài liệu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác tuyên truyền và đối ngoại của tỉnh.
n) Văn phòng Ủy ban tỉnh chủ trì công tác đối ngoại, định hướng dư luận đấu tranh phản bác yêu sách chủ quyền biển, đảo phi lý cũng như những thông tin tuyên truyền sai sự thật của Trung Quốc về biển Đông; bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của các tổ chức, cá nhân.
o) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chức năng phối hợp với các cơ quan tuyên truyền triển khai thực hiện các nội dung tuyên truyền phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế ở địa phương; chủ động bố trí kinh phí và cán bộ làm công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo; chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền thanh huyện, thành phố và cơ sở chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng thời lượng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương.
p) Sở Tài chính phối hợp với Công an tỉnh dự toán và bố trí ngân sách phục vụ công tác tuyên truyền; có thể huy động từ nguồn vốn khác theo quy định pháp luật để tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch.
u) Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Chủ trì biên tập tài liệu tuyên truyền, cử báo cáo viên trực tiếp tuyên truyền tại một số Đảng bộ, trường đại học lớn trong tỉnh; hướng dẫn, chỉ đạo đội ngũ báo cáo viên các Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, các đoàn thể chính trị tỉnh, Ban Tuyên giáo các huyện, thành phố tổ chức triển khai tuyên truyền khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam tới cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên... trong tỉnh.
q) Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền; đề cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm tham gia đấu tranh các hoạt động xâm phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
t) Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức giáo dục quốc phòng, các hoạt động ngoại khóa cho cán bộ, học sinh gắn với tuyên truyền chủ quyền biển, đảo; chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động tuyên truyền biển, đảo phù hợp.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trên cơ sở Kế hoạch này, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, cơ sở giáo dục có liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện.
2. Thời gian thực hiện:
- Đợt 1, từ nay đến hết năm 2013: Triển khai xong các nội dung đề ra trong kế hoạch và tổ chức Hội nghị sơ kết, rút kinh nghiệm;
- Đợt 2, từ năm 2014 trở đi: Trên cơ sở kết quả sơ kết Đợt 1, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ định hướng, tổ chức công tác tuyên truyền tiếp theo.
3. Giao Công an tỉnh là đơn vị Thường trực, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ báo cáo kết quả về Chính phủ, Bộ Công an và Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc; các sở, ban, ngành, đoàn thể, nhà trường, cơ sở giáo dục có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Công an tỉnh) để chỉ đạo./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2811/QĐ-UBND năm 2012 ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015
- 2Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2011 tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 3Kế hoạch 244/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 930/QĐ-TTg về tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 1Nghị định 25/2009/NĐ-CP về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo
- 2Công ước về Luật biển năm 1982
- 3Quyết định 373/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 2811/QĐ-UBND năm 2012 ban hành Kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, đảo và đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 - 2015
- 5Kế hoạch 57/KH-UBND năm 2011 tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo giai đoạn 2011 - 2015 do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 6Kế hoạch 244/KH-UBND năm 2018 thực hiện Quyết định 930/QĐ-TTg về tuyên truyền bảo vệ chủ quyền và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam giai đoạn 2018-2020 trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Kế hoạch 17/KH-UBND năm 2013 tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam do tỉnh Thái Bình ban hành
- Số hiệu: 17/KH-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 05/04/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Bình
- Người ký: Phạm Văn Sinh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 05/04/2013
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định