Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1679/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 16 tháng 4 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

KHUYẾN NÔNG TỈNH NINH THUẬN NĂM 2024

Triển khai Quyết định số 746/QĐ-UBND ngày 27/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình khuyến nông tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2024-2025; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch khuyến nông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận năm 2024 với những nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, phát huy vai trò định hướng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ theo nhu cầu thực tiễn của các địa phương.

- Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu, mở rộng sản xuất các sản phẩm thiết yếu, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm nông nghiệp.

- Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần ổn định an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay. Nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả nhất là các mô hình ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng nông thôn mới.

- Phấn đấu từng bước mở rộng các mô hình có áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị; các mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và cấp chứng nhận xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp.

- Hỗ trợ nông - ngư dân phát triển sản xuất thông qua việc tiếp cận với các hoạt động khuyến nông, thực hiện các chương trình, dự án (mô hình, tập huấn, tham quan, hội thảo,…).

- Triển khai có hiệu quả chính sách về khuyến nông; lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; mô hình công nghệ cao và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại cây, con giống có chất lượng tốt, năng suất cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, tỷ trọng gia tăng trong sản xuất nông nghiệp; trong đó tập trung giải pháp để xuất khẩu các sản phẩm dê, cừu, nho.

- Xây dựng mô hình theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao phục vụ chương trình chuyển đổi ứng phó với biến đổi khí hậu để nâng giá trị sản xuất/ha đất canh tác.

- Tổ chức tập huấn nhân rộng các mô hình hiệu quả: 4-6 mô hình/năm.

- Các mô hình khuyến nông đạt năng suất, chất lượng và giá trị tăng thêm tối thiểu từ 10-25% so với sản xuất truyền thống và đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Số hộ dân được tập huấn trên 1.000 lượt người/năm.

- Thực hiện công tác thông tin tuyên truyền đối với các nội dung trong chương trình khuyến nông để nông dân có thể nắm bắt thông tin nhanh chóng, kịp thời.

- Phối hợp thành lập từ 5-7 tổ cộng đồng phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện từng vùng, theo hướng ổn định lâu dài, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (chuyển đổi trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả; từ cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả, sản phẩm đặc sản, đặc thù của tỉnh) đạt chỉ tiêu đề ra trong năm.

2. Triển khai mô hình, dự án

a) Mô hình thâm canh cây lúa theo hướng hữu cơ

- Mục tiêu: Đưa giống lúa mới có giá trị kinh tế vào sản xuất; áp dụng quy trình canh tác cây lúa theo hướng hữu cơ nhằm giảm lượng phân hóa học trên đồng ruộng, đồng thời đảm bảo năng suất và chất lượng nông sản.

- Quy mô: 3,5 ha.

- Địa điểm thực hiện: Huyện Bác Ái.

- Dự kiến hiệu quả đạt được: Giảm 20-30% lượng phân bón hóa học. Hiệu quả kinh tế tăng 10-20% so với ngoài mô hình.

b) Mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ

- Mục tiêu: Giúp người dân tiếp cận mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng; Nâng cao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ cho nông dân; Thay đổi dần tập quán canh tác truyền thống của người dân, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân trên cùng một diện tích đất canh tác.

- Quy mô: 1,5 ha.

- Địa điểm thực hiện: Huyện Ninh Phước.

- Dự kiến hiệu quả đạt được: Hiệu quả kinh tế tăng từ 10-20% so với phương thức canh tác truyền thống của bà con. Từ kết quả của mô hình mang lại, qua đó có thể nhân rộng ra trên địa bàn toàn huyện khoảng từ 05-10 ha.

c) San phẳng đồng ruộng bằng tia lazer

- Mục tiêu: Trong sản xuất lúa, việc ứng dụng cơ giới hóa trong xây dựng “Cánh đồng lớn” là một giải pháp quan trọng, lâu dài, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa nói riêng và các loại cây trồng khác nói chung trên địa bàn tỉnh; áp dụng công nghệ san phẳng ruộng điều khiển bằng laser trong điều kiện sản xuất lúa tại cánh đồng mẫu lớn giúp cho nông dân có một thửa ruộng bằng phẳng như mong muốn, kiểm soát được nước cho cây trồng phát triển.

- Quy mô: 09 ha.

- Địa điểm thực hiện: Trên toàn tỉnh.

- Dự kiến hiệu quả đạt được: Thực hiện san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser nhằm tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế/diện tích canh tác cho người nông dân.

d) Hỗ trợ vật tư thiết yếu cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo

- Mục tiêu: Khuyến khích người dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò, đặc biệt là áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo nhằm cải tạo tầm vóc, năng suất, chất lượng và hiệu quả trong chăn nuôi bò. Sử dụng tinh giống bò Brahman ngoại phối cho 400 con bò cái có chửa tại các vùng có thế mạnh chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn tỉnh.

- Quy mô: 400 con.

- Địa điểm thực hiện: Trên toàn tỉnh.

- Dự kiến hiệu quả đạt được: Hiệu quả kinh tế tăng 10% so với các hộ chăn nuôi ngoài mô hình.

đ) Mô hình xử lý, tuần hoàn chất thải trong chăn nuôi heo

- Mục tiêu: Đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp công nghệ và kỹ thuật tiên tiến trong xử lý chất thải, vệ sinh chuồng trại và khí thải bằng men vi sinh đảm bảo vệ sinh môi trường tại trang trại chăn nuôi heo; tái sử dụng chất thải để làm phân bón hữu cơ, xử lý nguồn nước bằng men vi sinh pha vào nước uống tăng khả năng tiêu hóa, đề kháng cho heo và tưới cho cây trồng nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách bền vững và hiệu quả.

- Quy mô: 05 trang trại/cơ sở chăn nuôi heo;

- Thời gian thực hiện: Năm 2024-2025

- Địa điểm thực hiện: Huyện Ninh Sơn.

- Dự kiến hiệu quả đạt được:

+ Mô hình sẽ giúp cho các cơ sở chăn nuôi có điều kiện để xử lý chất thải phù hợp, giảm thiểu tình trạng phát sinh bệnh tật đối với vật nuôi; sử dụng chế phẩm vi sinh do dự án chọn tạo có giá thành thấp (15-20%) sẽ góp phần làm giảm giá thành chăn nuôi và rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

+ Tận dụng nguồn chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ nhằm giảm chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập cho các cơ sở chăn nuôi.

+ Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 15% so với các hộ ngoài mô hình.

e) Dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dê, cừu định hướng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

- Mục tiêu:

+ Hình thành và phát triển chuỗi liên kết giá trị dê, cừu bền vững theo hình thức liên kết sản xuất từ cung cấp vật tư đầu vào đến tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, từ đó giúp ổn định trong quá trình chăn nuôi và nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm dê cừu đặc thù tại địa phương.

+ Phát triển chuỗi liên kết dê cừu góp phần phát triển vùng nguyên liệu, tăng sản lượng và đảm bảo chất lượng các sản phẩm dê, cừu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

+ Mở rộng chuỗi liên kết, đồng thời tìm kiếm và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm dê cừu trong đó có chế biến từ thịt dê cừu, từ đó định hướng đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

- Quy mô: 19 hộ tham gia liên kết.

- Thời gian thực hiện: Năm 2023-2025.

- Địa điểm thực hiện: Tại địa bàn các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.

- Dự kiến hiệu quả đạt được: Hiệu quả kinh tế của các chủ thể liên kết sẽ tăng từ 15-30%.

3. Công tác tập huấn và thông tin tuyên truyền

a) Tập huấn kỹ thuật trồng lúa theo hướng hữu cơ

- Mục tiêu: Nâng cao năng lực, tạo điều kiện tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật cho người nông dân sản xuất lúa nhằm hướng tới nền nông nghiệp sạch, thay đổi canh tác truyền thống hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường.

- Quy mô: 01 lớp/30 học viên tham dự.

- Địa điểm thực hiện: Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

- Dự kiến hiệu quả đạt được: Học viên là nông dân sản xuất lúa nắm được các đặc điểm thực vật học, giai đoạn sinh trưởng phát triển, yêu cầu sinh thái và một số giống lúa mới; áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa theo phương pháp 1 phải 5 giảm giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; có trên 70% học viên đánh giá tốt và 100% học viên đạt yêu cầu.

b) Tập huấn kỹ thuật trồng nho công nghệ cao trong nhà màng

- Mục tiêu: Nâng cao năng lực, tạo điều kiện tiếp cận những tiến bộ kỹ thuật cho người sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thu hoạch và tăng hiệu quả kinh tế.

- Quy mô: 01 lớp/30 học viên tham dự.

- Địa điểm thực hiện: Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

- Dự kiến hiệu quả đạt được: Học viên nắm được các đặc điểm thực vật học, giai đoạn sinh trưởng phát triển, yêu cầu sinh thái và một số giống nho; nhận biết được một số loài sâu bệnh hại chính trên nho và biện pháp phòng trừ; xác định được thời điểm thu hoạch và phương pháp bảo quản nho sau thu hoạch; có trên 70% học viên đánh giá tốt và 100% học viên đạt yêu cầu.

4. Nhân rộng mô hình có hiệu quả

Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình có hiệu quả trên địa bàn toàn tỉnh như: san phẳng ruộng điều khiển bằng tia laser; áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước; trồng dưa lưới trong nhà màng; cải tạo chất lượng và vỗ béo đàn bò; trồng cỏ và chế biến thức ăn cho gia súc.

5. Công tác tư vấn, hoạt động dịch vụ khuyến nông

- Hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật và dịch vụ khuyến nông phù hợp với quy định của pháp luật. Liên kết với các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân, làm cầu nối để xúc tiến tiêu thụ nông sản.

- Xét nghiệm bệnh tôm bảo đảm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân; phấn đấu xét nghiệm 6.000-7.000 mẫu.

(Chi tiết các hoạt động tại Phụ lục kèm theo)

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng kinh phí thực hiện: 4.200.172.000 đồng; trong đó:

1. Kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ: 952.000.000 đồng (đã được phân bổ tại Quyết định số 706/QĐ-UBND ngày 14/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

2. Kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ: 2.056.200.000 đồng (đã được phân bổ tại Quyết định số 704/QĐ-UBND và Quyết định số 706/QĐ-UBND ngày 14/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh).

3. Đối ứng của tổ chức, cá nhân: 1.191.972.000 đồng.

IV. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tăng cường công tác chuyển đổi cây trồng phù hợp; phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; lồng ghép một số chính sách khác để phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.

2. Các địa phương tiếp tục rà soát, nghiên cứu đề xuất đối tượng, vùng chuyển đổi cho phù hợp, mang tính bền vững; trong đó, tập trung xây dựng mô hình cây trồng có giá trị kinh tế, có thị trường tiêu thụ ổn định.

3. Chính quyền địa phương và các đơn vị trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp và phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Nhân rộng một số mô hình sản xuất có hiệu quả về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị, cải thiện thu nhập cho người dân, nhất là việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và công nghệ, thiết bị phù hợp, đặc biệt là công nghệ tưới tiết kiệm nước.

4. Huy động các nguồn lực để xây dựng mô hình trình diễn theo các hướng sau: Phục vụ công tác chuyển đổi cây trồng; cải tiến hợp lý quy trình sản xuất; chú trọng phát triển cây, con chủ lực của tỉnh, phát triển đối tượng cây, con mới có hiệu quả kinh tế cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP; mô hình tưới tiết kiệm, áp dụng công nghệ 4.0; phát triển đánh bắt xa bờ; chuyển đổi đối tượng nuôi thủy sản mới có hiệu quả...

5. Nâng cao năng lực cán bộ khuyến nông, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng khuyến nông cho cán bộ khuyến nông tỉnh, huyện, xã. Cán bộ làm công tác xét nghiệm bệnh tôm được tham gia các lớp tập huấn nâng cao do các Viện, Trường tổ chức.

6. Đổi mới tập huấn kỹ thuật nông nghiệp theo phương pháp FFS (lớp học hiện trường) và phối hợp với các đơn vị khác tổ chức hội nghị, hội thảo, tham quan học tập kinh nghiệm cho nông dân.

7. Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Nhà nước về công tác khuyến nông; các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, thông tin thị trường, giá cả; phổ biến gương điển hình tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình có hiệu quả kinh tế cao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức thông tin tuyên truyền khác.

8. Mở rộng công tác xét nghiệm bệnh tôm, nâng cao chất lượng xét nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của người nuôi tôm.

9. Đẩy mạnh nghiên cứu các đề tài khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và ứng dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch khuyến nông trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục tiêu đề ra. Kịp thời phát hiện, tham mưu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai có hiệu quả chương trình khuyến nông trên địa bàn tỉnh và định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

- Quản lý, sử dụng kinh phí được giao thực hiện Kế hoạch đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có liên quan.

2. Các Sở, ban, ngành và địa phương

- Sở Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao để phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện Kế hoạch khuyến nông theo quy định hiện hành.

- Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện lồng ghép, kết hợp nhiệm vụ ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp với các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch khuyến nông.

- Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mạng lưới liên kết, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cung ứng vật tư; thực hiện hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ.

- Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chuyên mục tuyên truyền về các hoạt động khuyến nông trên toàn tỉnh.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các Tổ chức chính trị- xã hội tỉnh tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tham gia tích cực trong công tác khuyến nông và ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, tổ chức triển khai các hoạt động khuyến nông; theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, hiệu quả các mô hình khuyến nông và sơ kết, tổng kết nhân rộng trên địa bàn. Đồng thời, căn cứ kế hoạch khuyến nông của tỉnh và nhu cầu thực tiễn sản xuất, thị trường, khả năng ngân sách để xây dựng, ban hành kế hoạch khuyến nông của địa phương và tổ chức thực hiện theo quy định.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm Khuyến nông;
- VPUB: LĐ, KTTH;
- Lưu: VT. HC

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Minh Hoàng

 

PHỤ LỤC

NỘI DUNG KẾ HOẠCH KHUYẾN NÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN NĂM 2024
(Kèm theo Kế hoạch số 1679/KH-UBND ngày 16/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

Dự án, mô hình

Kinh phí (đồng)

Dự kiến địa điểm

Kết quả dự kiến

Tổng cộng

NSNN hỗ trợ

Đối ứng của tổ chức, cá nhân

I

CHƯƠNG TRÌNH TRỒNG TRỌT

 

 

 

 

 

1

Mô hình thâm canh cây lúa theo hướng hữu cơ

158.320.000

90.000.000

68.320.000

Huyện Bác Ái

Giảm 20-30% lượng phân bón hóa học.

Hiệu quả kinh tế tăng 10-20% so với ngoài mô hình.

2

Mô hình trồng thâm canh cây măng tây xanh theo hướng hữu cơ

406.087.000

216.000.000

190.087.000

Huyện Ninh Phước

Hiệu quả kinh tế tăng từ 10-20% so với phương thức canh tác truyền thống của bà con. Từ kết quả của mô hình mang lại, qua đó có thể nhân rộng ra trên địa bàn toàn huyện khoảng từ 05-10 ha.

3

San phẳng đồng ruộng bằng tia lazer

88.200.000

88.200.000

0

Toàn tỉnh

Thực hiện san phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser nhằm tăng năng suất lao động, năng suất cây trồng, giảm chi phí đầu tư, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế/diện tích canh tác cho người nông dân.

II

CHƯƠNG TRÌNH CHĂN NUÔI

 

 

 

 

 

1

Hỗ trợ vật tư thiết yếu cải tạo đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo

229.700.000

180.000.000

49.700.000

Toàn tỉnh

- Hiệu quả kinh tế tăng 10% so với các hộ chăn nuôi ngoài mô hình.

2

Mô hình xử lý, tuần hoàn chất thải trong chăn nuôi heo

1.867.000.000

1.680.000.000 (TW: 672 triệu; ĐP: 1.008 triệu)

187.000.000

Huyện Ninh Sơn

- Mô hình sẽ giúp cho các cơ sở chăn nuôi có điều kiện để xử lý chất thải phù hợp, giảm thiểu tình trạng phát sinh bệnh tật đối với vật nuôi; sử dụng chế phẩm vi sinh do dự án chọn tạo có giá thành thấp (15-20%) sẽ góp phần làm giảm giá thành chăn nuôi và rủi ro, nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

- Tận dụng nguồn chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ nhằm giảm chi phí trong sản xuất, tăng thu nhập cho các cơ sở chăn nuôi.

- Hiệu quả kinh tế tăng ≥ 15% so với các hộ ngoài mô hình.

3

Dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dê, cừu định hướng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

1.396.865.000

700.000.000 (TW: 280 triệu; ĐP: 420 triệu)

696.865.000

Huyện Ninh Phước, Ninh Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

Hiệu quả kinh tế của các chủ thể liên kết sẽ tăng từ 15-30%.

III

CHƯƠNG TRÌNH BỒI DƯỠNG, TẬP HUẤN, ĐÀO TẠO VÀ THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN

 

 

 

 

 

1

Tập huấn kỹ thuật trồng lúa theo hướng hữu cơ

18.000.000

18.000.000

0

Trong tỉnh

Học viên là nông dân sản xuất lúa nắm được các đặc điểm thực vật học, giai đoạn sinh trưởng phát triển, yêu cầu sinh thái và một số giống lúa mới; áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa theo phương pháp 1 phải 5 giảm giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế; có trên 70% học viên đánh giá tốt và 100% học viên đạt yêu cầu.

2

Tập huấn kỹ thuật trồng nho công nghệ cao trong nhà màng

36.000.000

36.000.000

0

Trong tỉnh

Học viên nắm được các đặc điểm thực vật học, giai đoạn sinh trưởng phát triển, yêu cầu sinh thái và một số giống nho; nhận biết được một số loài sâu bệnh hại chính trên nho và biện pháp phòng trừ; xác định được thời điểm thu hoạch và phương pháp bảo quản nho sau thu hoạch; có trên 70% học viên đánh giá tốt và 100% học viên đạt yêu cầu.

 

TỔNG CỘNG

4.200.172.000

3.008.200.000

1.191.972.000

 

 

Tổng kinh phí thực hiện: 4.200.172.000 đồng; trong đó:

- Kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ: 952.000.000 đồng.

- Kinh phí ngân sách tỉnh hỗ trợ: 2.056.200.000 đồng.

- Kinh phí đối ứng của tổ chức, cá nhân: 1.191.972.000 đồng.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1679/KH-UBND khuyến nông tỉnh Ninh Thuận năm 2024

  • Số hiệu: 1679/KH-UBND
  • Loại văn bản: Kế hoạch
  • Ngày ban hành: 16/04/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Trịnh Minh Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản