- 1Kế hoạch 44/KH-UBND năm 2022 về phòng chống mù lòa giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 2Kế hoạch 324/KH-UBND năm 2022 về phòng chống mù lòa đến năm 2026 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 3Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng, chống mù lòa đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 166/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 06 tháng 9 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG MÙ LÒA GIAI ĐOẠN 2025-2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống mù lòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh Ninh Bình xây dựng kế hoạch phòng chống mù lòa giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, như sau:
Phần I
ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÒNG CHỐNG MÙ LOÀ GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 VÀ ĐẾN NĂM 2024
1. Kết quả đạt được
Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa mắt đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc mắt và phòng chống mù lòa cho nhân dân trong tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở nhãn khoa công lập (gồm Bệnh viện Mắt tỉnh, bệnh viện hạng II với quy mô 80 giường bệnh; khoa Mắt của Bệnh viện đa khoa tỉnh và khoa Mắt Bệnh viện Quân y 5); 01 Bệnh viện Mắt ngoài công lập (Bệnh viện Mắt Hoa Lư) và 10 phòng khám Mắt tư nhân.
Hàng năm, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực làm công tác chăm sóc mắt được các cơ sở y tế quan tâm, tạo điều kiện tham gia các lớp học nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, điều trị, tư vấn các bệnh về mắt cho nhân dân. Tính đến nay, có hơn 100 bác sĩ, điều dưỡng tuyến tỉnh và huyện; gần 2000 cán bộ y tế xã, y tế thôn bản, y tế học đường được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ.
Cùng với đó, bằng các nguồn kinh phí khác nhau các bệnh viện và các cơ sở nhãn khoa đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, chuyên sâu như tại Bệnh viện Mắt tỉnh, Bệnh viện Mắt Hoa Lư đã có hệ thống trang thiết bị nhãn khoa hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh về mắt cho nhân dân, trong đó Bệnh viện Mắt Ninh Bình đã thực hiện được một số kỹ thuật chuyên sâu như: tiêm nội nhãn, phẫu thuật glocom, laser võng mạc…
- Trong giai đoạn từ 2017-2024: Ngành Y tế đã phối hợp với hội người cao tuổi của tỉnh tổ chức khám mắt, kết hợp truyền thông tư vấn tại cộng đồng và đã khám cho gần 18.262 lượt người cao tuổi từ 55 tuổi trở lên tại 117 xã, phường của 8 huyện/thành phố trong tỉnh phát hiện được 7.749 các bệnh về mắt như đục thuỷ tinh thể, glocom, mộng, quặm,... và hướng dẫn người bệnh đi khám và điều trị kịp thời. Số ca phẫu thuật các bệnh lý về mắt hàng năm đạt 14.259 ca, trong đó số ca phẫu thuật thủy tinh thể đạt 2.500 ca, tương đương chỉ số CSR đạt 2,6 ca/1.000 dân vượt chỉ tiêu đề ra, điều trị bệnh lý đáy mắt thành công cho gần 500 bệnh nhân mắc bệnh võng mạc đái tháo đường.
- Tật khúc xạ trường học: Ngành y tế đã phối hợp với các phòng khám mắt, các đơn vị liên quan tổ chức khám mắt tại các trường học để phát hiện các trường hợp cận thị học đường, tư vấn, hướng dẫn phụ huynh cho trẻ đi khám và cắt kính kịp thời. Tính đến năm 2020 có 10.540/202.800 học sinh có các bệnh lý về mắt (chiếm 5,2%), đến năm 2023 có 14.919/189.482 học sinh mắc các bệnh về mắt (chiếm 7,9%).
2. Ưu điểm
Các hoạt động phòng chống mù lòa được triển khai sâu rộng đến tận tuyến y tế cơ sở với nhiều hoạt động đa dạng, hiệu quả. Các Bệnh viện mắt trên địa bàn đã làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đảm bảo cung cấp dịch vụ khám và điều trị hiệu quả cho người bệnh.
3. Khó khăn
- Tại Bệnh viện Mắt, chuyên khoa mắt tuyến tỉnh thiếu các trang thiết bị chuyên sâu như máy phẫu thuật cắt dịch kính, hệ thống máy gây mê, máy chụp đáy mắt cầm tay,... thiếu nhân lực nên việc cử đi đào tạo cho cán bộ gặp nhiều khó khăn.
- Tại các Bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện hiện chưa có khoa mắt riêng biệt mà chung trong khối chuyên khoa Mắt - Răng hàm mặt - Tai mũi họng hoặc chung với khoa Ngoại, nên hoạt động khám chữa bệnh về mắt còn hạn chế, chủ yếu khám, điều trị các bệnh về mắt thông thường mức độ nhẹ và khám phát hiện những bệnh nặng hoặc có chỉ định phẫu thuật (đục thể thuỷ tinh, glocom, mộng, quặm,...) để chuyển lên tuyến trên.
- Một số địa phương ở xa trung tâm gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận các cơ sở y tế tuyến trên.
- Một bộ phận không nhỏ người dân nhất là người cao tuổi và trẻ em còn thiếu kiến thức về chăm sóc, phòng chống các bệnh về mắt dẫn đến việc chậm trễ đi khám và điều trị.
Phần II
KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG MÙ LOÀ GIAI ĐOẠN 2025 - 2030
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tăng cường cơ hội tiếp cận của người dân với dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, điều trị và phục hồi chức năng mắt (phòng chống mù lòa), giảm tỷ lệ các bệnh gây mù lòa có thể phòng chống được, phấn đấu nhằm loại trừ các nguyên nhân chính gây mù lòa cho mọi người dân.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người từ 50 tuổi trở lên xuống dưới 12 người/1.000 dân.
- Tăng tỷ lệ phẫu thuật đục thủy tinh thể lên trên 3,5 người/1.000 dân, trong đó: Tăng tỷ lệ phẫu thuật thay thủy tinh thể ở người mù do đục thủy tinh thể lên trên 95%.
- Tăng tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt trên 75%.
- Tăng tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và kính chỉnh tật khúc xạ đạt trên 95%.
II. CÁC GIẢI PHÁP
1. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các cấp
- Xây dựng và ban hành các văn bản, chính sách chỉ đạo, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các cơ sở y tế trong và ngoài công lập,... tham gia vào công tác phòng, chống mù lòa.
- Xác định trách nhiệm cụ thể đối với mỗi sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; chính quyền các cấp và các tổ chức xã hội liên quan trong công tác phòng chống, giảm thiểu tỷ lệ mù lòa.
- Tăng cường sự hợp tác thông qua các cam kết phối hợp giữa các đơn vị, địa phương liên quan trong quá trình triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống mù lòa.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành Y tế, Giáo dục, Hội Người cao tuổi trong công tác phòng chống mù loà; giữa chuyên ngành Nhãn khoa với các chuyên ngành, đơn vị, tổ chức liên quan trong việc chăm sóc, nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh lý về mắt cho người dân trên địa bàn tỉnh.
- Triển khai chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa,… dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám
phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng các bệnh về mắt.
2. Củng cố và kiện toàn hệ thống chăm sóc mắt ở các tuyến
Nâng cao số lượng và kỹ năng cho các cơ sở chăm sóc mắt tại tuyến tỉnh, tuyến huyện và tuyến cơ sở nhằm cải thiện phạm vi, chất lượng và tính bền vững của các dịch vụ chăm sóc mắt.
2.1. Tuyến tỉnh
- Bệnh viện Mắt:
+ Nâng số giường bệnh lên 100 giường vào năm 2030.
+ Thành lập mới một số khoa chuyên sâu để nâng cao chất lượng khám, chữa các bệnh về mắt trên địa bàn: khoa nhãn nhi, khoa khúc xạ,...
+ Đào tạo cán bộ chuyên sâu ở một số lĩnh vực như: bệnh glôcôm, bệnh võng mạc đái tháo đường, tật khúc xạ, chuyên khoa mắt trẻ em, chấn thương - tạo hình,...
+ Phát triển các kỹ thuật khám và điều trị các bệnh lý bán phần sau, khám và điều trị bệnh mắt trẻ em, phẫu thuật tật khúc xạ, phẫu thuật dịch kính - võng mạc, phẫu thuật ghép giác mạc,...
- Các khoa Mắt của Bệnh viện tuyến tỉnh: đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ khoa Mắt để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của từng Bệnh viện như: hội chẩn, giải quyết các chấn thương mắt, khám bệnh nhân bị bệnh võng mạc cao huyết áp, bệnh võng mạc tiểu đường, khám trẻ em đẻ non tháng phát hiện bệnh võng mạc trẻ đẻ non,...
2.2. Tuyến huyện: Căn cứ các quy định hiện hành và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền, thành lập khoa Mắt hoặc Liên chuyên khoa trong các cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện, đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống mù lòa và chăm sóc Mắt. Phấn đấu đến 2030, tất cả bệnh viện huyện có ít nhất 01 bác sỹ, 01 điều dưỡng nhãn khoa và 01 kỹ thuật viên khúc xạ để có thể mổ được từ trung phẫu trở lên, có phòng khám khúc xạ và quầy kính thuốc.
2.3. Tuyến xã: Xây dựng, tập huấn và bồi dưỡng để hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về chương trình phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt ban đầu tại địa phương.
Xây dựng và nhân rộng mô hình phòng chống mù lòa và chăm sóc mắt tại cộng đồng, khuyến khích tạo điều kiện để các địa phương xây dựng cơ sở chăm sóc người khiếm thị lồng ghép vào trong các cơ sở bảo trợ xã hội.
3. Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn
- Đào tạo chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho các tuyến, cập nhật kiến thức về chăm sóc mắt ban đầu cho y tế cơ sở, tăng cường phát
triển nguồn nhân lực chuyên khoa Mắt. Đặc biệt chú ý đào tạo chuyên sâu các lĩnh vực có xu thế ngày càng nhiều như dịch kính võng mạc, tật khúc xạ...; mở lớp đào tạo nhân viên y tế học đường để khám sàng lọc tật khúc xạ cho học sinh.
- Phối hợp với Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức chuyển giao kỹ thuật theo Đề án 1816, đầu tư trang thiết bị để thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như ghép giác mạc, phẫu thuật dịch kính - võng mạc, phẫu thuật tạo hình,...
- Bố trí, sắp xếp cán bộ, đảm bảo 100% cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện có bác sỹ và điều dưỡng chuyên khoa Mắt làm việc.
- Trạm Y tế xã có 100% cán bộ chuyên trách Mắt đã được đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng tiêu chuẩn theo đúng quy định hiện hành. Tăng cường công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến xã.
4. Kiểm soát các nguyên nhân chính gây mù lòa
4.1. Kiểm soát mù lòa do bệnh đục thủy tinh thể
- Là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phòng chống mù lòa. Bảo đảm định kỳ khám phát hiện sớm và can thiệp điều trị hiệu quả cho người dân, đặc biệt là người trên 50 tuổi.
- Tiếp tục duy trì tỷ lệ mổ đục thể thủy tinh khoảng 2,6 người/1.000 dân vào năm 2025 và trên 3,5 người/1.000 dân vào năm 2030, trong đó tỷ lệ phẫu thuật thay thuỷ tinh thể ở người mù do đục thuỷ tinh thể lên 95%.
- Tăng cường tiếp cận, hỗ trợ đi lại cho người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa để đảm bảo người bệnh được tiếp cận dễ dàng với dịch vụ và nhanh chóng giải quyết số người đục thủy tinh thể gây mù lòa còn tồn đọng ở các khu vực này.
4.2. Kiểm soát bệnh võng mạc đái tháo đường
- Phối hợp trong chương trình công tác tuyến và điều tra tỷ lệ mù lòa để khám sàng lọc bệnh võng mạc trong cộng đồng để từ đó đánh giá được tỷ lệ, kế hoạch điều trị và biện pháp phòng bệnh đối với các tổn thương võng mạc dịch kính có thể gây mù như bệnh võng mạc tiểu đường, bệnh võng mạc do cao huyết áp, bệnh võng mạc do các bệnh toàn thân khác,...
- Phối hợp chặt chẽ giữa chuyên khoa nội tiết và chuyên khoa mắt để phát hiện sớm và quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường.
- Định kỳ mỗi năm bệnh nhân đái tháo đường được khám mắt 1-2 lần.
- 100% bệnh nhân đái tháo đường có thị lực thấp dưới 3/10 phải được tư vấn, chuyển đến chuyên khoa mắt tuyến tỉnh để khám và quản lý.
4.3. Kiểm soát tật khúc xạ, phát hiện sớm các bệnh về mắt khác
- Tổ chức điều tra có can thiệp tật khúc xạ trọng điểm cho đối tượng là học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn, nơi tỷ lệ tật khúc xạ học đường cao. Trên cơ sở đó tìm hiểu nguyên nhân, đề ra biện pháp phòng tránh và kế hoạch điều trị tật khúc xạ trên địa bàn tỉnh.
- Kết hợp chặt chẽ với ngành giáo dục để thường xuyên tổ chức khám mắt, thử thị lực định kỳ đầu năm học. Tăng cường phát hiện sớm học sinh có thị lực thấp dưới 6/10.
- Lập danh sách học sinh theo dõi, làm công tác truyền thông cho gia đình, phụ huynh đưa các cháu có thị lực thấp dưới 6/10 đến các cơ sở chuyên khoa mắt để khám khúc xạ và chỉnh kính nếu cần.
- Giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ các cơ sở cung cấp chỉnh quang và cắt kính. Yêu cầu các cơ sở hành nghề phải có cán bộ kỹ thuật viên chỉnh quang đã được đào tạo.
5. Nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị cho các cơ sở nhãn khoa
- Nâng cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư các trang thiết bị nhãn khoa chuyên sâu như máy cắt dịch kính, máy mổ phaco, máy phẫu thuật khúc xạ,... phù hợp với năng lực và nhu cầu thực hiện các dịch vụ chăm sóc mắt tại tuyến tỉnh.
- Bố trí phòng khám Mắt, khám khúc xạ tại các đơn vị điều trị tuyến huyện. Tăng cường đầu tư để phòng khám Mắt tại đơn vị điều trị tuyến huyện có đủ trang thiết bị tối thiểu như: máy sinh hiển vi khám mắt, máy soi đáy mắt, hộp thử kính, bảng đo thị lực điện, bộ tiểu phẫu.
6. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe
- Tổ chức các hoạt động truyền thông trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh, các nền tảng xã hội và hệ thống phát thanh 3 cấp của các huyện, xã để đưa các thông điệp truyền thông đến mọi tầng lớp nhân dân về chăm sóc mắt và khuyến khích tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt tại địa phương.
- Tổ chức truyền thông thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội người cao tuổi…dưới nhiều hình thức phong phú nhằm thay đổi các tập quán có hại về chăm sóc mắt và khuyến khích các hành vi chăm sóc mắt đúng cũng như tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt tại địa phương.
- Lồng ghép truyền thông vào các bài giảng tại các cơ sở trường học, các buổi họp phụ huynh nhằm nâng cao nhận thức của học sinh và các bậc cha mẹ về phòng chống tật khúc xạ trong trường học.
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày thị giác thế giới, Ngày Glocom thế giới,… để thu hút sự quan tâm của toàn thể cộng đồng và các cấp chính quyền, đoàn thể về chương trình phòng chống mù lòa của địa phương.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Ngân sách nhà nước theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; lồng ghép với các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ khác có liên quan; các nguồn huy động hợp pháp khác (nếu có).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện các nội dung của kế hoạch; hàng năm xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể và dự trù kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định.
- Tổ chức điều tra đánh giá các chỉ tiêu phòng chống mù loà năm 2025 từ đó đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo đảm bảo đến năm 2030 đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra tại Quyết định số 2560/QĐ-TTg ngày 31/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có liên quan thực hiện các hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc mắt và phòng, chống mù lòa cho cộng đồng.
- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường các hoạt động thông tin - giáo dục - truyền thông cho cộng đồng về: kiến thức, thực hành chăm sóc mắt cho bản thân, gia đình và cộng đồng để phòng, chống các bệnh về mắt, phòng chống mù lòa.
- Tăng cường vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí cho hoạt động chăm sóc mắt, phòng chống mù lòa, khuyến khích tổ chức các đoàn khám, chữa bệnh về mắt nhân đạo cho nhân dân trong tỉnh.
- Chỉ đạo Bệnh viện Mắt tỉnh tham mưu, tổ chức xây dựng mạng lưới chuyên khoa; thực hiện các kỹ thuật chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho bác sĩ, điều dưỡng, chỉnh quang viên, nhân viên y tế học đường; báo cáo kết quả chương trình Phòng chống mù lòa trên địa bàn tỉnh.
- Định kỳ hằng năm, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện, báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
2. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối ngân sách tỉnh, tham mưu cho cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị để thực hiện Kế hoạch theo quy định hiện hành.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Y tế và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn cho các dự án trong kế hoạch đầu tư công (nếu có), đầu tư cơ sở, vật chất cho cơ sở y tế. Kêu gọi, vận động các nguồn tài trợ trong và ngoài nước đầu tư thực hiện Kế hoạch.
4. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, hoàn thiện bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực của các cơ sở khám chữa bệnh để tham gia các hoạt động phòng chống mù lòa tại các tuyến.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, cơ quan thông tin tuyên truyền trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về Kế hoạch phòng, chống mù lòa giai đoạn 2025-2030; tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc mắt đến các tầng lớp nhân dân; khuyến khích người dân tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt tại địa phương.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Tổ chức triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định chính sách trợ giúp người khuyết tật khiếm thị trong các lĩnh vực lao động việc làm, đào tạo nghề, ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bình đẳng giới.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh rà soát, lập danh sách đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật khiếm thị đảm bảo đúng quy định.
7. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tổ chức kiện toàn hệ thống y tế trường học, đào tạo nâng cao năng lực cho giáo viên và nhân viên y tế trường học trong việc phát hiện sớm và dự phòng các bệnh mắt cho học sinh.
- Bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác y tế trường học.
- Phối hợp với ngành y tế hàng năm triển khai khám mắt và sàng lọc tật khúc xạ cho học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trong tỉnh.
8. Bảo hiểm Xã hội tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế để chủ động trong việc chi trả kinh phí khám chữa bệnh nói chung, các bệnh mắt nói riêng; đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân tham gia bảo hiểm y tế trong công tác khám chữa bệnh.
9. Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội
Lồng ghép việc triển khai các hoạt động của Kế hoạch này với các hoạt động của đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về kiến thức chăm sóc mắt, phòng
chống mù lòa cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Chủ động phối hợp với ngành Y
tế triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn toàn tỉnh.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
Chỉ đạo các đơn vị y tế phối hợp với các ban, ngành xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng chống mù lòa trên địa bàn. Bố trí kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động thường xuyên để đảm bảo thực hiện kế hoạch phòng chống mù lòa tại địa phương. Hàng năm tiến hành tổng kết đánh giá kết quả thực hiện và báo cáo kết quả về UBND tỉnh (qua Sở Y tế) theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chương trình phòng chống mù lòa giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Trong quá trình triển khai thực hiện những khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Y tế) để xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Kế hoạch 44/KH-UBND năm 2022 về phòng chống mù lòa giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- 2Kế hoạch 324/KH-UBND năm 2022 về phòng chống mù lòa đến năm 2026 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
- 3Kế hoạch 126/KH-UBND năm 2024 thực hiện Chiến lược Quốc gia Phòng, chống mù lòa đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội
Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2024 phòng, chống mù lòa giai đoạn 2025-2030 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Số hiệu: 166/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 06/09/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Tống Quang Thìn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 06/09/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định