Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 12 tháng 12 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 538/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN LỘ TRÌNH TIẾN TỚI BHYT TOÀN DÂN GIAI ĐOẠN 2014 - 2015 VÀ 2020

Thực hiện Quyết định số 538/QĐ-TTg ngày 29/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xây dựng kế hoạch thực hiện với nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tỉnh nhằm, tổ chức thực hiện tốt chế độ, chính sách BHYT; tăng nhanh đối tượng tham gia BHYT; quản lý, sử dụng quỹ BHYT đảm bảo an toàn, cân đối và hiệu quả.

Xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, cụ thể hóa Kế hoạch thành chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

Tuyên truyền phổ biến để mọi người dân hiểu được quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế; tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Mở rộng phạm vi bao phủ của BHYT về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, về phạm vi dịch vụ y tế được thụ hưởng; bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; tiến tới BHYT toàn dân, góp phần tạo nguồn tài chính ổn định cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng công bằng, hiệu quả, chất lượng và phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đảm bảo diện bao phủ BHYT: Tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%; mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT phấn đấu năm 2015 đạt trên 75% và đến năm 2020 đạt trên 85% dân số tham gia BHYT (có chỉ tiêu kèm theo), cụ thể:

- Nhóm người lao động trong các doanh nghiệp và Hợp tác xã: Năm 2015 đạt trên 73% và đến năm 2020 đạt trên 85% số người thuộc diện tham gia BHYT.

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo (không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định 705/QĐ-TTg ngày 08/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ): Đến năm 2016 đạt ít nhất 95% và đến năm 2020 đạt 100% số người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.

- Học sinh, sinh viên: Đến năm 2015 đạt 100% số học sinh, sinh viên tham gia BHYT.

- Hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình: Năm 2015 đạt ít nhất 20% và năm 2020 đạt ít nhất 50% số người thuộc diện tham gia BHYT.

- Nhóm tự nguyện tham gia BHYT: Năm 2015 đạt ít nhất 13% và năm 2020 đạt ít nhất 22% số người thuộc diện tham gia BHYT.

- Nhóm trẻ em dưới 6 tuổi: 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT.

b) Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB) BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT.

(Có Phụ lục kèm theo)

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHYT

- Sở Y tế là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm chính, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và hệ thống truyền thông, các cơ quan báo, đài phát thanh, truyền hình, trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT.

- Nội dung và hình thức tuyên truyền:

+ Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT, về nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc tham gia và thực hiện chính sách BHYT. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT.

+ Xây dựng các phóng sự, chuyên đề, chuyên mục; tổ chức tọa đàm, đối thoại; đưa tin, trả lời phỏng vấn trên các báo, đài phát thanh, truyền hình; phản ánh kết quả thực hiện chính sách BHYT; cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc hoặc tư vấn cho người dân về chính sách BHYT.

+ Thực hiện tuyên truyền, vận động và thông tin đầy đủ cho người sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHYT; cách thức tham gia BHYT, việc sử dụng thẻ BHYT và tiếp cận cơ sở y tế theo tuyến chuyên môn kỹ thuật.

2. Tăng cường sự chỉ đạo của UBND các cấp trong việc thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật, các chương trình, mục tiêu, kế hoạch về BHYT

- Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 - 2020 và Chương trình hành động số 55/CTr-UBND ngày 13/5/2013 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

- Hàng năm, xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHYT trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, triển khai mục tiêu BHYT toàn dân trong chương trình xây dựng Nông thôn mới.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHYT theo quy định của pháp luật.

- Bảo đảm kinh phí đóng BHYT cho các đối tượng được ngân sách nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng theo quy định của Luật BHYT.

3. Tăng cường hoạt động phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể

- Xây dựng, ký kết quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT. Nhất là công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHYT, về quyền lợi và trách nhiệm của người tham gia BHYT.

- Các sở, ban, ngành, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp thực hiện kế hoạch BHYT toàn dân; tăng nhanh số người tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng đảm bảo mục tiêu đề ra.

4. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị, tổ chức và người dân đăng ký tham gia BHYT

- Cơ quan Bảo hiểm Xã hội đổi mới phương thức thu, đóng BHYT, công tác quản lý và cấp thẻ BHYT phù hợp theo hướng cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa quá trình giải quyết công việc tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tham gia BHYT và giải quyết thủ tục hành chính về BHYT.

- Nâng cấp và hoàn thiện hệ thống mạng, các thiết bị công nghệ thông tin để triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý nghiệp vụ, kết nối dữ liệu giữa cơ quan Bảo hiểm Xã hội với các ngành có liên quan và các cơ quan, đơn vị quản lý đối tượng nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ người tham gia BHYT.

5. Nâng cao chất lượng KCB, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT

- Cải cách thủ tục hành chính trong KCB, trong thanh toán chi phí KCB; từng bước đổi mới phương thức giám định chi phí KCB BHYT. Tăng cường quản lý giá thuốc, vật tư y tế; chống các hành vi trục lợi quỹ BHYT.

- Nâng cao năng lực chuyên môn và y đức cho đội ngũ cán bộ, viên chức làm công tác y tế. Đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị, các kỹ thuật mới để nâng cao chất lượng điều trị tại các cơ sở KCB, nhất là tuyến y tế cơ sở.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có biểu hiện trục lợi quỹ BHYT.

- Xây dựng và ban hành các quy định cụ thể về phân tuyến và chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, đảm bảo nguyên tắc phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở khám chữa bệnh.

- Củng cố cơ sở y tế trong các cơ quan, doanh nghiệp, các trạm y tế tuyến xã đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người lao động tại nơi làm việc.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai xây dựng chương trình cụ thể để thực hiện Kế hoạch theo từng giai đoạn, từng năm.

- Tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng KCB, nhất là năng lực KCB tại các Trạm y tế. Đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải cách thủ tục KCB, ứng dụng công nghệ thông tin. Xây dựng tổ chức bộ máy, đào tạo, bổ sung nguồn nhân lực, nâng cao y đức, tinh thần, thái độ phục vụ trong cán bộ, công chức, viên chức của ngành để phục vụ tốt nhu cầu KCB cho nhân dân.

- Phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền và các giải pháp cân đối quỹ BHYT, tránh lạm dụng, lãng phí. Thực hiện đấu thầu thuốc tập trung đảm bảo quản lý thống nhất giá thuốc, hóa chất, vật tư y tế tại các cơ sở KCB, cung ứng thuốc đúng thời gian, sử dụng thuốc hiệu quả.

- Thực hiện tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh quản lý nhà nước về BHYT trên địa bàn tỉnh và quản lý, sử dụng nguồn kinh phí theo quy định của pháp luật về BHYT. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn; xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm pháp luật về BHYT kịp thời theo thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh huy động nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng còn lại sau khi ngân sách nhà nước đã hỗ trợ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT.

- Định kỳ 6 tháng, năm báo cáo tiến độ thực hiện kế hoạch với Ủy ban nhân dân tỉnh để kịp thời chỉ đạo.

2. Bảo hiểm Xã hội tỉnh

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tăng cường phối hợp với các ngành, đoàn thể, các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHYT. Mở rộng đại lý thu, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

- Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực nghiệp vụ, trong giải quyết tốt các chế độ BHYT; cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tác phong làm việc theo hướng phục vụ, giảm phiền hà cho người tham gia BHYT.

- Thường xuyên hướng dẫn quy định về quản lý thu BHYT, cấp và quản lý thẻ BHYT cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện các chế độ, chính sách về BHYT, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT theo quy định của pháp luật.

- Hàng năm chủ động xây dựng báo cáo việc thực hiện Quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT với các ngành: Y tế, Lao động - Thương binh & Xã hội, Hội Nông dân, Liên đoàn Lao động tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện công tác thi đua khen thưởng đối với các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt chính sách BHYT; kiến nghị xem xét, xếp loại đối với tổ chức, cán bộ, công chức, đảng viên trong trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT.

- Theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các chỉ tiêu về BHYT; định kỳ 6 tháng, năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện BHYT trên địa bàn, đồng thời tham mưu tổ chức họp định kỳ, sơ kết, tổng kết và đề xuất các giải pháp để chỉ đạo thực hiện đạt hiệu quả cao.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Hướng dẫn, chỉ đạo công tác bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ cận nghèo mới thoát nghèo theo Quyết định 705/QĐ-TTg; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, lập danh sách chuyển cơ quan Bảo hiểm Xã hội kịp thời cấp thẻ BHYT cho các đối tượng.

- Chỉ đạo việc lập danh sách mua BHYT, chuyển kinh phí đóng BHYT cho các đối tượng chính sách xã hội được ngân sách nhà nước đóng BHYT đảm bảo đúng đối tượng, kịp thời theo quy định của Luật BHYT.

- Hàng năm lập dự toán kinh phí đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho năm sau của các đối tượng chính sách thuộc phạm vi quản lý, gửi Sở Tài chính để tổng hợp dự toán ngân sách chung của tỉnh.

- Phối hợp thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về BHYT. Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh kiểm tra việc triển khai thực hiện chính sách BHYT cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn.

4. Sở Tài chính

- Hàng năm, trên cơ sở dự toán do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố lập, Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp kinh phí mua thẻ BHYT cho các đối tượng thuộc diện ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Hướng dẫn việc lập dự toán, chuyển và quyết toán nguồn kinh phí thực hiện đóng, hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng chính sách, người có công, bảo trợ xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên,... từ nguồn ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT; thực hiện quyết toán kinh phí BHYT, tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính bổ sung kinh phí theo quy định hiện hành.

- Phối hợp với Sở Y tế và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về mức hỗ trợ và nguồn kinh phí hỗ trợ thêm để đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng khó khăn, có tỷ lệ tham gia BHYT thấp.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm túc Luật BHYT; đưa tiêu chí về tỷ lệ tham gia BHYT học sinh, sinh viên là một trong các tiêu chí đánh giá thi đua của các nhà trường.

- Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ và ý thức chấp hành pháp luật về BHYT.

- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Nội vụ và Bảo hiểm Xã hội tỉnh củng cố và phát triển mạng lưới y tế trường học hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên; sử dụng kinh phí y tế học đường đúng mục đích, đúng quy định.

- Nghiên cứu, tham mưu đề xuất các chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ học sinh, sinh viên tham gia BHYT, nhất là các địa bàn khó khăn.

6. Cục Thuế, Cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Thực hiện cập nhật tình hình biến động của các doanh nghiệp, như danh sách các doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động, doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp phá sản, rút giấy phép kinh doanh,... Định kỳ hàng quý cung cấp danh sách các doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký thuế trên địa bàn tỉnh để cơ quan Bảo hiểm Xã hội tổ chức quản lý đơn vị tham gia BHYT.

- Phối hợp đề xuất phương án rà soát, xử lý đối với các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động nhưng không tham gia BHYT cho người lao động, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đưa chỉ tiêu tỷ lệ người dân tham gia BHYT vào hệ thống chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh.

7. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình của tỉnh và các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh hàng năm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT và Kế hoạch lộ trình BHYT toàn dân với nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với tính chất đặc thù của các loại hình báo chí, đảm bảo công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, chất lượng và đạt hiệu quả cao.

- Hướng dẫn các cơ quan báo chí trong tỉnh, Đài truyền thanh, truyền hình các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tuyên truyền trên các ấn phẩm báo, hệ thống truyền thanh cơ sở về chế độ, chính sách BHYT; vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội.

8. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Báo Thanh Hóa

- Phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng chuyên mục để tuyên truyền về chế độ, chính sách BHYT.

- Phối hợp với Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh thành lập bộ phận chuyên trách thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT, trả lời hộp thư truyền hình, xây dựng các chuyên đề về BHYT toàn dân,...

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các hội, đoàn thể cấp tỉnh

- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp phát động phong trào và vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia BHYT. Vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ kinh phí để hỗ trợ thêm, ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước cho các nhóm đối tượng tham gia BHYT.

- Liên đoàn Lao động tỉnh hàng năm phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp về thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện Luật BHYT tại các cơ quan, doanh nghiệp, bảo đảm người lao động được tham gia BHYT đầy đủ và hưởng chính sách đúng quy định.

- Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Liên minh Hợp tác xã, Hiệp hội doanh nghiệp,... tập trung tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia BHYT; đồng thời tham gia đề xuất các chính sách hỗ trợ hội viên tham gia BHYT.

10. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2014 - 2015 và 2020; tăng cường quản lý, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn huyện và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch BHYT toàn dân đảm bảo các mục tiêu Kế hoạch đề ra.

- Xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng và giao chỉ tiêu cụ thể hàng năm về vận động hộ gia đình và đối tượng tự nguyện tham gia BHYT; đồng thời giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc triển khai thực hiện BHYT và đưa chỉ tiêu dân số tham gia BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đồng thời với việc cấp Giấy khai sinh chuyển cơ quan Bảo hiểm Xã hội huyện, thị xã, thành phố thực hiện cấp thẻ BHYT theo quy định.

- Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; chỉ đạo Đài Truyền thanh huyện, thị xã, thành phố dành thời lượng phát sóng tuyên truyền, phổ biến chính sách BHYT, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên, hộ gia đình cận nghèo, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, hộ kinh doanh cá thể và nông dân ở khu vực nông thôn.

- Bảo đảm nguồn ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT cho người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách khác.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHYT theo quy định pháp luật.

- Thực hiện công tác sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện. Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân trên địa bàn quản lý.

11. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Nghiêm túc thực hiện Luật BHYT; có trách nhiệm báo cáo và trích nộp BHYT đầy đủ, kịp thời cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

12. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh

Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo; tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, bố trí họp định kỳ, sơ kết, tổng kết theo quy định.

Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghiêm túc triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ trước ngày 20 tháng 12 hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch gửi Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh để tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (B/c);
- HĐND tỉnh (B/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh (PH);
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các sở, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT, PVP, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

KẾ HOẠCH

VỀ CHỈ TIÊU BAO PHỦ BHYT ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Kế hoạch số: 166/KH-UBND ngày 12/12/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Tên đơn vị

Giai đoạn 2014 - 2015

Đến năm 2020

Dân số (ước tính)

Số người tham gia BHYT

Tỷ lệ bao phủ
(%)

Dân số (ước tính)

Số người tham gia BHYT

Tỷ lệ bao phủ (%)

A

B

4

5

6=5/4

7

8

9=8/7

1

Thành phố Thanh Hóa

336,731

252,548

75

346,730

294,721

85

2

Thị xã Bỉm Sơn

56,181

42,136

75

57,850

49,173

85

3

Thị xã Sầm Sơn

55,262

41,447

75

56,904

48,368

85

4

Huyện Mường Lát

34,513

33,478

97

35,538

34,472

97

5

Huyện Quan Hóa

44,866

43,520

97

46,199

44,813

97

6

Huyện Bá Thước

99,024

96,053

97

101,965

98,906

97

7

Huyện Quan Sơn

36,182

35,097

97

37,257

36,139

97

8

Huyện Lang Chánh

46,415

44,558

96

47,793

45,881

96

9

Huyện Ngọc Lặc

131,188

102,327

78

135,084

114,821

85

10

Huyện Cẩm Thủy

103,067

79,362

77

106,128

90,209

85

11

Huyện Thạch Thành

139,001

108,421

78

143,130

121,661

85

12

Huyện Hà Trung

109,908

82,431

75

113,172

96,196

85

13

Huyện Vĩnh Lộc

81,647

61,235

75

84,073

71,462

85

14

Huyện Yên Định

160,110

120,083

75

164,865

140,135

85

15

Huyện Thọ Xuân

216,888

162,666

75

223,330

189,831

85

16

Huyện Thường Xuân

84,682

80,448

95

87,197

82,837

95

17

Huyện Triệu Sơn

198,879

149,159

75

204,786

174,068

85

18

Huyện Thiệu Hóa

155,048

116,286

75

159,653

135,705

85

19

Huyện Hoằng Hóa

224,534

168,401

75

231,202

196,522

85

20

Huyện Hậu Lộc

168,089

126,067

75

173,081

147,119

85

21

Huyện Nga Sơn

136,420

102,315

75

140,472

119,401

85

22

Huyện Nh Xuân

65,402

62,132

95

67,344

64,650

96

23

Huyện Nh Thanh

86,848

69,478

80

89,427

76,013

85

24

Huyện Nông Cống

183,591

137,693

75

189,044

160,687

85

25

Huyện Đông Sơn

75,406

70,882

94

77,646

74,540

96

26

Huyện Quảng Xương

218,918

164,189

75

225,420

191,607

85

27

Huyện Tĩnh Gia

219,200

164,400

75

225,710

191,854

85

 

Tổng cộng

3,468,000

2,716,812

78

3,571,000

3,091,791

87

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2014 thực hiện Quyết định 538/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thực hiện lộ trình tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 166/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 12/12/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Phạm Đăng Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản