Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 164/KH-UBND

Bắc Kạn, ngày 09 tháng 6 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 1635/QĐ-TTG NGÀY 22/9/2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 47-CT/TW NGÀY 25/6/2015 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG VỀ TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Thực hiện Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC). Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

2. Nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật và nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn nguyên nhân, điều kiện phát sinh cháy, nổ, tai nạn, sự cố từng bước kiềm chế số vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

3. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.

4. Xác định rõ nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; huy động tổng thể các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hạn, cứu hộ; xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

1. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện thành phố và các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm triển khai đồng bộ các giải pháp, chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Nơi nào để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và trước pháp luật.

- Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gương mẫu thực hiện, tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Đưa việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy là một tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của cơ quan, tổ chức, đoàn thể, hộ gia đình và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng mở các chuyên trang, chuyên mục về phòng cháy, chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tỉnh.

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Bắc Kạn tăng thời lượng đưa tin, các chuyên mục, tin bài tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Công an tỉnh tăng cường hướng dẫn, đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các cơ quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC. Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các tin, bài, phóng sự tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có sự cố, tai nạn, cháy, nổ xảy ra; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, các vi phạm nghiêm trọng về phòng cháy, chữa cháy của các tổ chức, cá nhân trên các phương tiện thông tin đại chúng để giáo dục, phòng ngừa chung.

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, hướng dẫn kiến thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhằm vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thấy rõ trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Kạn và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng với nội dung phù hợp. Đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy vào chương trình hành động hàng năm, vào sinh hoạt định kỳ và xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của các tổ chức đoàn thể.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho mọi tầng lớp nhân dân; đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, người lao động.

Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng tại địa phương phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các tin, bài, phóng sự hướng dẫn các biện pháp phòng cháy, chữa cháy và thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

3. Tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

3.1. Công an tỉnh

Chỉ đạo gắn xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, củng cố, xây dựng các đội dân phòng, phòng cháy cơ sở theo quy định; thường xuyên tổ chức huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng.

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của tỉnh.

3.2. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đoàn thể

- Chỉ đạo thành lập, củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở; thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc thẩm quyền quản lý.

- Tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy 04/10” hàng năm.

3.3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy theo phương châm bốn tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ), gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

- Thành lập Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC các cấp ở địa phương mình. Rà soát củng cố và duy trì các điều kiện đảm bảo hoạt động của lực lượng dân phòng (phấn đấu đến năm 2020 toàn bộ đơn vị cấp xã có đội dân phòng); thường xuyên tổ chức huấn luyện, nâng cao trình độ nghiệp vụ và trang bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng này.

- Chỉ đạo tăng cường vận động, khuyến khích người dân tình nguyện tham gia công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xây dựng các mô hình cơ sở an toàn về PCCC, các điển hình tiên tiến trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn dân cư, khu công nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn quản lý.

- Tổ chức tốt các hoạt động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy”, “Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ” hàng năm trên địa bàn phụ trách.

3.4. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy

- Công an tỉnh:

Chủ động nắm chắc tình hình, đề ra biện pháp phòng ngừa; nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt thiết kế, thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy, điều tra nguyên nhân các vụ cháy, nổ, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thường trực chiến đấu, kịp thời xử lý, cứu chữa các vụ cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, diễn tập phương án, tình huống phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia ở quy mô cấp tỉnh, cấp huyện.

Kiện toàn bộ máy, nâng cao năng lực của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Căn cứ các quy định hiện hành phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cơ chế, chính sách cho công tác PCCC, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về PCCC.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật Phòng cháy, chữa cháy và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chỉ đạo xây dựng chiến lược phòng cháy, chữa cháy, nhất là đối với địa bàn, công trình trọng điểm, khu đô thị, khu tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị và các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.

Thành lập các đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra toàn diện công tác phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy, nổ cao; kịp thời phát hiện sơ hở, thiếu sót, vi phạm và nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở vi phạm; kiên quyết xử lý nghiêm và yêu cầu các cơ sở vi phạm khắc phục ngay tồn tại, thiếu sót, vi phạm về phòng cháy, chữa cháy.

Tăng cường chỉ đạo việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy. Hàng năm tổ chức thực tập ít nhất 01 phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có huy động nhiều lực lượng tham gia.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ, phòng, chống cháy rừng; củng cố lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ; rà soát, bổ sung phương án phòng cháy, chữa cháy; đầu tư phương tiện, trang bị phục vụ chữa cháy tại chỗ; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về phòng, chống cháy rừng.

- Sở Công Thương:

Phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn đối với hàng hoá có nguy hiểm về cháy, nổ như: kinh doanh, tồn chứa sản xuất hóa chất, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, tiền chất thuốc nổ và vật liệu nổ công nghiệp; phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp cơ sở tồn chứa, nạp khí dầu mỏ hóa lỏng vào chai và ô tô, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân các huyện, thành phố: Khi xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển của ngành, địa phương quan tâm bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; từng bước thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Sở, ngành với quy hoạch tổng thể hệ thống hạ tầng bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

3.5. Nâng cao hiệu quả công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng, nhất là phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa Công an tỉnh với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh trong triển khai thực hiện nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; xây dựng kế hoạch điều động lực lượng, phương tiện cứu nạn, cứu hộ chủ động đối phó với các sự cố, tai nạn xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 44/2012/QĐ-TTg ngày 15/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy.

3.6. Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

- Công an tỉnh:

Xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập, phát triển mạng lưới lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, dân phòng; phòng cháy, chữa cháy chuyên ngành hoạt động có hiệu quả theo đúng quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy; triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 336/2010/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác PCCC tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010-2015 và định hướng phát triển đến năm 2020”; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo kết quả thực hiện đến Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công an theo quy định.

- Sở Tài chính:

Phối hợp Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất Chính phủ đầu tư ngân sách để xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện và các điều kiện bảo đảm hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay và từng bước hiện đại.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Xem xét, bố trí quỹ đất để xây dựng doanh trại cho các Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực huyện theo hướng ưu tiên vị trí, địa điểm phù hợp với yêu cầu công tác PCCC&CNCH.

- Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 336/2010/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác PCCC tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2010-2015 và định hướng phát triển đến năm 2020” tại địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ vào nội dung kế hoạch này, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể hóa và triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết đánh giá tình hình, kết quả thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Phòng PC66-Công an tỉnh) trước 30 tháng 8 hàng năm.

2. Đề nghị các cấp Ủy đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và các tổ chức đoàn thể có chương trình, kế hoạch cụ thể đẩy mạnh các hoạt động tham gia công tác bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên gương mẫu chấp hành các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và phối hợp với cơ quan chức năng giám sát việc tổ chức thực hiện.

3. Giao Công an tỉnh theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, để báo cáo Bộ Công an và Chính phủ theo quy định./.

 

 

Nơi nhận:
- BCA;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- PVPNC;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể;
- UBND các huyện, thành phố;
- PC66- CAT;
- Lưu: VT, Hoàng.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lý Thái Hải

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 164/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quyết định 1635/QĐ-TTg về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 47-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy chữa cháy do tỉnh Bắc Kạn ban hành

  • Số hiệu: 164/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 09/06/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Lý Thái Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/06/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản