Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 161/KH-UBND | Cần Thơ, ngày 30 tháng 7 năm 2024 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, THEO DÕI, GIÁM SÁT, GIÁO DỤC, GIÚP ĐỠ NGƯỜI CHẤP HÀNH ÁN HÌNH SỰ TẠI CỘNG ĐỒNG VÀ TÁI HÒA NHẬP CỘNG ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 07 tháng 5 năm 2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, theo dõi, giám sát, người chấp hành hình phạt tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
1. Quán triệt thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 07 tháng 5 năm 2024 của của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố.
2. Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý và việc thực hiện pháp luật của các sở, ban, ngành và các đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, tích cực, chủ động trong tham mưu và tổ chức thực hiện; kịp thời kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
3. Xác định rõ, cụ thể nội dung công việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương để đảm bảo việc tổ chức triển khai, thực hiện được nghiêm túc, đạt hiệu quả cao nhất. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng.
4. Bảo đảm chế độ thông tin báo cáo theo quy định và yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN VÀ PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM
1. Công an thành phố
a) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng;
b) Chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ có liên quan phối hợp, thực hiện tốt công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng; hướng dẫn, xây dựng, nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình về tái hòa nhập cộng đồng;
c) Chỉ đạo Công an quận, huyện tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức thực hiện công tác tiếp nhận, phân công, quản lý, giám sát, theo dõi, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Hướng dẫn việc tiếp nhận hồ sơ, tài liệu có liên quan của các Trại giam thuộc Bộ Công an và các cơ sở giam giữ trong và ngoài thành phố cung cấp, trao đổi thông tin về các đối tượng chấp hành xong án phạt tù có hình phạt bổ sung phải chấp hành án hình sự tại cộng đồng, các đối tượng được tạm đình chỉ, được tha tù trước thời hạn có điều kiện; xây dựng các mô hình điển hình về tái hòa nhập cộng đồng;
d) Chỉ đạo Trại tạm giam Công an thành phố, Nhà tạm giữ Công an quận, huyện tạo điều kiện cho Cơ quan Thi hành án dân sự đến làm việc để hoàn trả tài sản, tang vật cho phạm nhân; phối hợp giáo dục, thuyết phục, động viên người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án như thu nộp án phí cho Ngân sách Nhà nước và bồi thường dân sự để tạo điều kiện khi thực hiện tái hòa nhập cộng đồng;
đ) Phối hợp với các ngành có liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức có liên quan, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng;
e) Phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng tại các sở, ngành có liên quan.
g) Tập huấn công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng cho lực lượng làm công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng ở Công an các đơn vị địa phương và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn;
h) Đảm bảo kinh phí cho công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng do Bộ Công an cấp cho Công an quận, huyện; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí thường xuyên, hằng năm cho công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng theo Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành;
i) Triển khai, thực hiện ứng dụng các cơ sở dữ liệu và phần mềm tin học quản lý đối tượng, báo cáo, thống kê về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng để phục vụ quản lý Nhà nước và nắm chắc, quản lý, chặt chẽ, có hiệu quả các đối tượng theo quy định;
k) Đề xuất sơ kết, tổng kết và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong hình phạt tù.
2. Sở Thông tin và Truyền thông
a) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng trong công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng theo chức năng, nhiệm vụ;
b) Phối hợp với Công an thành phố định hướng cho các Văn phòng đại diện báo Trung ương, địa phương đóng trên địa bàn thành phố, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố Cần Thơ và Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện tuyên truyền các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng.
3. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội
a) Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ chủ động phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người chấp hành xong án phạt tù; người chấp hành án hình sự tại cộng đồng không vi phạm pháp luật (trừ các trường hợp được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù);
b) Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh thành phố Cần Thơ hướng dẫn các chế độ, chính sách để hỗ trợ vay vốn đào tạo nghề tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng nếu đủ điều kiện;
c) Tiếp nhận vào Cơ sở bảo trợ xã hội người chấp hành xong hình phạt tù không có nơi nương tựa thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội.
4. Sở Tài chính
a) Phối hợp với Công an thành phố theo dõi việc sử dụng nguồn ngân sách nhà nước, địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội dê cho vay vốn đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù;
b) Tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách địa phương phục vụ công tác quản lý, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng theo quy định về luật ngân sách Nhà nước; hướng dẫn các sở, ngành chức năng, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện việc lập dự toán, quyết toán kinh phí thực hiện theo các quy định về tài chính, kế toán hiện hành.
5. Sở Tư pháp
a) Phối hợp với Công an thành phố, cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án; cấp phiếu Lý lịch tư pháp theo quy định của pháp luật; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc cấp phiếu Lý lịch tư pháp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp, thống nhất trong tổ chức thực hiện;
b) Tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về việc xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù.
6. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố
Phối hợp với Công an thành phố đế nắm danh sách người chấp hành xong án phạt tù về địa phương cư trú, người thi hành án hình sự tại cộng đồng là quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng; phối hợp với các cơ quan chức năng hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng; theo dõi, quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng theo các quy định của pháp luật; tổ chức tuyên truyền chính sách theo quy định tại Nghị định 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ, Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, không đế tái phạm và vi phạm pháp luật.
7. Cục Thi hành án dân sự thành phố
Tiến hành rà soát và lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án dân sự, khoản thu nộp ngân sách nhà nước đối với người chấp hành xong hình phạt tù, người thi hành án hình sự tại cộng đồng khi có đủ điều kiện; xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ về án phí, bồi thường thiệt hại về dân sự, đảm bảo cho người chấp hành xong hình phạt tù, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đủ các điều kiện, thủ tục, để được xóa án tích và giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật.
8. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ
a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tuyên truyền Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ; Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng;
b) Phối hợp với Công an thành phố thực hiện tốt công tác quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù; tổ chức phát động phong trào xây dựng, nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng ở cơ sở; hướng dẫn các tổ chức thành viên trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với lực lượng Công an quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh quan tâm giúp đỡ, tạo việc làm giúp họ ổn định cuộc sống không vi phạm phạm pháp luật.
9. Ủy ban nhân dân quận, huyện
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phối hợp với lực lượng Công an cơ sở trong công tác tiếp nhận, lập hồ sơ, phân công người theo dõi, quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người chấp hành xong án phạt tù. Xây dựng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng nhằm đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong hình phạt tù;
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, các đơn vị có liên quan định kỳ hàng tháng thực hiện tốt trong việc lập danh sách người chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17 tháng 8 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù gửi qua Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội quận, huyện để được hỗ trợ vay vốn theo quy định giúp họ có vốn làm ăn, ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng;
c) Chỉ đạo các phòng, ban có liên quan trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý cho người chấp hành xong hình phạt tù, người chấp hành án hình sự tại cộng đồng; xây dựng, nhân rộng các mô hình điển hình tiêu biểu trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Các sở, ban ngành thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng năm dự trù kinh phí thực hiện công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng theo đúng quy định, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác (nếu có).
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện căn cứ Chỉ thị số 32-CT/TU và Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Định kỳ hoặc theo yêu cầu tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố (qua Công an thành phố). Báo cáo 6 tháng đầu năm (tính từ 15 tháng 11 năm trước đến 14 tháng 5 năm báo cáo) và gửi trước ngày 15 tháng 5 năm báo cáo; báo cáo năm (tính từ ngày 15 tháng 11 năm trước đến ngày 14 tháng 11 năm báo cáo) và gửi trước ngày 15 tháng 11 năm báo cáo.
2. Giao Công an thành phố theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch này và tổng hợp kết quả báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Công an theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện công tác quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn thành phố Cần Thơ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 171/QĐ-UBND về Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2024-2025”
- 2Quyết định 276/QĐ-UBND năm 2024 về Quy chế phối hợp thực hiện công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
- 3Kế hoạch 27/KH-UBND thực hiện Đề án bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021-2025 năm 2024
Kế hoạch 161/KH-UBND năm 2024 thực hiện công tác quản lý, theo dõi, giám sát, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn Thành phố Cần Thơ
- Số hiệu: 161/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 30/07/2024
- Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ
- Người ký: Trần Việt Trường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra