Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 30 tháng 11 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TỔNG ĐIỀU TRA, RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO NĂM 2015

Thực hiện Quyết định số 1614/QĐ-TTg ngày 15/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể “Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020”; Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 756/QĐ-LĐTBXH ngày 03/6/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc phê duyệt Kế hoạch tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015;

Căn cứ Công văn số 4789/BLĐTBXH-VPGN ngày 23/11/2015 về việc hướng dẫn tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 và Bộ công cụ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 3153/TTr-SLĐTBXH ngày 23/11/2015; UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA

1. Mục đích

Phân loại và lập danh sách chính xác số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo của từng thôn, bản, khối phố (gọi chung là thôn); xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) tại thời điểm tháng 11 năm 2015 theo phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều. Xác định chính xác chiều thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin) để làm cơ sở thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội năm 2016 và định hướng chính sách giảm nghèo cho giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn toàn tỉnh.

Xây dựng, cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo của mỗi địa phương và toàn tỉnh để theo dõi, quản lý thống nhất.

2. Yêu cầu

Việc Điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phải được thực hiện tại thôn, trực tiếp với từng hộ, người dân theo đúng phương pháp, quy trình, công cụ đo lường nghèo đa chiều; đảm bảo công khai, dân chủ, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, giám sát của Mặt trận tổ quốc và sự tham gia của chính quyền, người dân; phản ánh đúng thực trạng đời sống của nhân dân địa phương.

Kết thúc cuộc điều tra, rà soát UBND cấp xã và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là huyện) phải xác định được chính xác danh sách, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo; xác định được các chiều thiếu hụt tiếp cận dịch vụ cơ bản và đầy đủ thông tin về hộ, khẩu để cập nhật vào phần mềm, phục vụ công tác quản lý của địa phương mình; đồng thời tổng hợp, báo cáo làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và an sinh xã hội của tỉnh năm 2016 và định hướng chính sách cho giai đoạn 2016-2020.

3. Đối tượng và phạm vi

Toàn bộ các hộ đang sinh sống trên địa bàn thuộc 635 xã, phường, thị trấn ở 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

4. Phương pháp và Quy trình điều tra

- Phương pháp điều tra:

Kết hợp các phương pháp: Nhận dạng và phân loại nhanh; khảo sát đặc điểm hộ gia đình bằng các bảng hỏi chỉ tiêu, cho điểm; phân loại hộ gia đình trên cơ sở tổng điểm các chỉ tiêu để quy đổi sang mức thu nhập tương đương và độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

- Quy trình điều tra:

Thực hiện các bước và quy trình điều tra theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

5. Tiêu chí điều tra, rà soát

Thực hiện theo các tiêu chí và mức chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

II. NỘI DUNG

1. Thành lập Ban Chỉ đạo điều tra

Sử dụng Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp làm Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo; phân công nhiệm vụ và địa bàn phụ trách cho các thành viên Ban chỉ đạo để theo dõi, giám sát điều tra, rà soát.

Ban Chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch, tài liệu, kinh phí và tổ chức nhân lực; chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện điều tra trên địa bàn trình UBND cùng cấp phê duyệt.

2. Thành lập Tổ giúp việc Ban chỉ đạo điều tra

- Thành phần:

+ Tổ giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh, gồm các cán bộ, chuyên viên của: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Cục thống kê, Ban dân tộc tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

+ Tổ giúp việc Ban chỉ đạo huyện gồm cán bộ, công chức các phòng, ban chuyên môn cấp huyện: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục Thống kê, Phòng Tài chính, Phòng Dân tộc (nếu có)... Trong đó, giao Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thống kê làm Tổ phó.

+ Tổ giúp việc Ban chỉ đạo xã gồm các cán bộ, công chức: Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng - Thống kê, Kế toán ngân sách, Bí thư Đoàn thành niên xã, Chủ tịch hội nông dân, Hội Phụ nữ xã,... và trưởng các thôn. Trong đó, giao công chức Lao động - Thương binh và Xã hội làm Tổ trưởng, công chức Văn phòng - Thống kê làm Tổ phó.

- Nhiệm vụ của Tổ giúp việc:

Tham mưu cho Ban chỉ đạo các cấp xây dựng kế hoạch, xây dựng kế hoạch kinh phí; tập huấn nghiệp vụ; đôn đốc, kiểm tra, giám sát; tổng hợp báo cáo sơ bộ, báo cáo chính thức kết quả điều tra và thực hiện các công việc liên quan đến điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo.

3. Thành lập Tổ điều tra tại thôn

- Thành phần: Trưởng thôn (làm Tổ trưởng); Mời đồng chí Bí thư Chi bộ tham gia Tổ điều tra; đại diện một số đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh, Công an viên,...) làm điều tra viên.

- Số lượng thành viên Tổ điều tra: Từ 05 đến 07 người (tùy theo số lượng hộ trong thôn, vùng miền và đề xuất của thôn, Chủ tịch UBND xã quyết định số lượng, thành phần Tổ điều tra có thể nhiều hơn số lượng trên nhằm đảm bảo tiến độ thời gian theo Kế hoạch).

- Nhiệm vụ của T điều tra: Trực tiếp làm công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại thôn. Các thành viên Tổ điều tra (điều tra viên) phải đảm bảo các tiêu chuẩn sau: có kinh nghiệm điều tra khảo sát; am hiểu về đặc điểm hộ gia đình; thông thuộc địa bàn khảo sát; đủ sức khỏe làm việc; tại các vùng dân tộc ít người, điều tra viên phải biết tiếng dân tộc ở vùng đó.

4. Tổ chức thông tin, tuyên truyền

Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc các cấp, Tổ điều tra thôn cần tuyên truyền, giải thích cho cán bộ và nhân dân ở địa bàn điều tra hiểu được: Mục đích, ý nghĩa và phương pháp, quy trình, công cụ của tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo lần này; tiêu chí và mức chuẩn nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Phương pháp chính để xác định hộ nghèo là căn cứ vào thực tế nhân khẩu, trình độ, việc làm, tài sản, tư liệu sản xuất, điều kiện sinh hoạt của hộ gia đình, mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản,... để cho điểm đánh giá, quy đổi sang mức thu nhập tương ứng, không trực tiếp điều tra thu nhập của hộ.

Hình thức tuyên truyền: Bản tin phát thanh, truyền hình; hội nghị cán bộ, nhân dân; hệ thống phát thanh xã, thôn; niêm yết tại các điểm công cộng xã, thôn.

5. Tổ chức tập huấn điều tra

- Ban Chỉ đạo tỉnh tổ chức hội nghị triển khai và tập huấn nghiệp vụ điều tra cho các thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc tỉnh; đại diện Ban chỉ đạo cấp huyện (Lãnh đạo UBND cấp huyện, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chi cục Thống kê).

- Ban chỉ đạo huyện tổ chức hội nghị triển khai, tập huấn nghiệp vụ điều tra, cho các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc huyện; Ban chỉ đạo xã hoặc đại diện Ban chỉ đạo xã (Lãnh đạo UBND cấp xã, công chức Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng - Thống kê,...) và Tổ trưởng Tổ điều tra.

- Ban chỉ đạo xã tổ chức tập huấn cho các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc xã và Tổ điều tra thôn (tất cả điều tra viên thôn).

Trong quá trình tập huấn, nhất thiết phải giành thời gian cho điều tra viên làm bài tập, trao đổi để nắm được kết cấu, nội dung, ý tưởng của phiếu khảo sát, hoặc chia theo nhóm đi khảo sát, làm thử một số hộ gia đình để phát hiện và uốn nắn ngay về kỹ thuật khảo sát, cách ghi chép và xử lý những tình huống cụ thể, những chỗ hay sai sót. Thời gian tập huấn yêu cầu tối thiểu là 1,5 ngày.

6. Tiến độ điều tra và báo cáo kết quả

a) Triển khai và tập huấn nghiệp vụ điều tra:

- Cấp tỉnh: xong trước ngày 20/11/2015.

- Cấp huyện xong trước ngày 25/11/2015.

- Cấp xã, thôn, bản xong trước ngày 30/11/2015.

b) Điều tra và tổng hợp báo cáo kết quả;

- UBND các xã, phường, thị trấn

Tổ chức điều tra trên địa bàn xã, phường, thị trấn (từ 01 - 15/12/2015).

Tổng hợp, báo cáo sơ bộ kết quả điều tra, rà soát về Ban Chỉ đạo huyện trước ngày 15/12/2015.

Tổng hợp kết quả điều tra, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân xã thông qua, trước khi UBND xã báo cáo chính thức kết quả điều tra về UBND cấp huyện (kèm theo danh sách chính thức hộ nghèo, hộ cận nghèo) từ ngày 15 - 20/12/2015.

Căn cứ phê duyệt kết quả điều tra của Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND xã ra quyết định và cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định xong trước ngày 31/12/2015.

Mẫu Phiếu C. Hoàn thành, làm sạch và thẩm định phiếu gửi về UBND cấp huyện trước ngày 25/12/2015.

Bàn giao danh sách điều tra hộ nghèo, cận nghèo về Ban chỉ đạo huyện, và lập biên bản bàn giao kết quả điều tra, đóng dấu giáp lai vào danh sách điều tra để cùng quản lý. Danh sách được lập thành 03 bản (01 bản lưu tại cấp xã, 01 bản lưu tại cấp huyện và 01 báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

Trong quá trình quản lý, nếu hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh tăng hoặc giảm thì UBND cấp xã có trách nhiệm báo cáo kịp thời về UBND cấp huyện để xem xét công nhận, đưa vào theo dõi, quản lý.

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

Tổng hợp, báo cáo sơ bộ kết quả điều tra, rà soát về Ban Chỉ đạo tỉnh trước ngày 22/12/2015.

Quyết định phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020 cho các xã trước ngày 25/12/2015.

Tổng hợp kết quả điều tra, báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, Thường trực Huyện ủy trước khi báo cáo chính thức kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo về Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh trước ngày 25/12/2015.

Hoàn thành rà soát, làm sạch, thẩm định phiếu C, tập hợp, niêm phong chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước trước ngày 31/12/2015.

Báo cáo bộ hồ sơ, biểu mẫu, và danh sách chính thức kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo gửi về Ban Chỉ đạo tỉnh trước ngày 31/01/2016 để theo dõi, quản lý (bộ hồ sơ báo cáo đóng thành cuốn, thứ tự tuần tự gồm: Quyết định phê duyệt của huyện; các biểu mẫu báo cáo tổng hợp; danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn có dấu giáp lai của xã, ký xác nhận của UBND xã và phòng Lao động - TB và Xã hội, biên bản bàn giao hồ sơ của xã và huyện..).

- Ban Chỉ đạo điều tra, rà soát hộ nghèo cấp tỉnh

Tổng hợp, báo cáo sơ bộ kết quả điều tra, rà soát trước ngày 20/12/2015.

Tổng hợp kết quả tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn toàn tỉnh, báo cáo Thường trực UBND tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy trước khi báo cáo chính thức kết quả tổng điều tra về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước 31/12/2015.

Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh tiếp nhận, lưu trữ hồ sơ biểu mẫu, báo cáo và danh sách điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh và đưa vào cơ sở dữ liệu theo dõi, quản lý trong quý I/2016.

7. Kinh phí điều tra

Căn cứ vào Kế hoạch đã được phê duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập dự toán chi tiết, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.

III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục thống kê; các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai Kế hoạch điều tra.

Thống nhất biểu mẫu, tài liệu hướng dẫn; in phiếu điều tra, biểu mẫu phục vụ cho cuộc điều tra, rà soát.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cho cấp huyện.

Chỉ đạo, kiểm tra, phúc tra, giám sát quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương.

Tổng hợp kết quả điều tra, rà soát; trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn và báo cáo theo quy định.

2. Cục Thống kê

Phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện tổ chức tập huấn quy trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn. Chỉ đạo các Chi cục Thống kê huyện hỗ trợ công tác tổng hợp, thống kê số liệu báo cáo của Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định dự toán và bố trí, phân bổ kinh phí điều tra, rà soát hộ nghèo theo đúng quy định.

4. Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và các cơ quan truyền thông, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh

Chủ động đấu mối, phối hợp với Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) để thu thập thông tin làm căn cứ xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng địa phương. Đặc biệt phải nêu bật được mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, phương pháp, nội dung và tầm quan trọng của tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận mới đa chiều giai đoạn 2016- 2020 trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân hiểu và cùng tham gia hỗ trợ cho điều tra.

5. Đề nghị Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội

Đề nghị Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Kế hoạch điều tra, rà soát của Tỉnh, chỉ đạo các tổ chức thành viên các cấp tham gia tích cực công tác thông tin, tuyên truyền và hỗ trợ công tác điều tra, rà soát. Tham gia giám sát quy trình điều tra, đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác ở các địa phương, cơ sở.

6. Các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan

Thực hiện việc đôn đốc, hỗ trợ, kiểm tra, giám sát quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các địa phương (Theo nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục kèm theo).

7. UBND các huyện, thị xã, thành phố

Tổ chức tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, nội dung và tầm quan trọng của cuộc tổng điều tra, rà soát đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.

Chỉ đạo công tác điều tra; Bố trí kinh phí địa phương cùng với kinh phí hỗ trợ của tỉnh để thực hiện điều tra, rà soát.

Tổ chức tập huấn cho những người trực tiếp tham gia chỉ đạo và điều tra, rà soát, gồm: Ban Chỉ đạo cấp xã, Tổ điều tra, điều tra viên.

Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phúc tra quá trình tổ chức điều tra tại xã, phường, thị trấn.

Tổ chức thẩm định và quyết định công nhận kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các xã gửi lên; Thông báo và gửi quyết định phê duyệt kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới cho UBND cấp xã để cấp giấy chứng nhận cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Tổng hợp kết quả điều tra, báo cáo về Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh.

8. UBND các xã, phường, thị trấn

Trực tiếp thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo đúng quy trình tại các thôn.

Lập các phụ lục, báo cáo kết quả điều tra, rà soát đúng thời gian quy định cho UBND cấp huyện.

Đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Quyết định công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã và cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo để cấp cho từng hộ.

Lưu trữ toàn bộ hồ sơ điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo của địa phương theo quy định.

Trong quá trình tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo nếu có vấn đề gì chưa rõ, đề nghị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) để phối hợp, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên BCĐ giảm nghèo tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, VX.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Đăng Quyền

 

PHỤ LỤC

PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CÁC NGÀNH THÀNH VIÊN BAN CHỈ ĐẠO TỈNH THEO DÕI, CHỈ ĐẠO TỔNG TRA, RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO NĂM 2015
(Kèm theo Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 30/11/2015 của UBND tỉnh Thanh Hóa)

TT

Thành viên BCĐ

Địa bàn phụ trách

Ghi chú

1

Sở Lao động-TBXH

Huyện: Như Thanh, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Yên Định

 

2

Ban Dân tộc

Huyện Mường Lát

 

3

Sở Nông nghiệp và PTNT

Huyện Quan Hóa

 

4

Sở Giao Thông - Vận Tải

Huyện Bá Thước

 

5

Sở Kế hoạch - Đầu tư

Huyện Lang Chánh

 

6

Sở Tài Chính

Huyện Thường Xuân

 

7

Sở Xây dựng

Huyện Như Xuân

 

8

Cục Thống kê tỉnh

Huyện: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, TP Thanh Hóa

 

9

Hội Nông dân Tỉnh

Huyện Nga Sơn

 

10

Sở Khoa học - Công nghệ

Huyện Hậu Lộc

 

11

Sở Y Tế

Huyện Quảng Xương

 

12

Tỉnh Đoàn TNCSHCM

Huyện Tĩnh Gia

 

13

Hội Cựu chiến binh

Huyện Nông Cống

 

14

Sở Nội vụ

Huyện Đông Sơn

 

15

Sở Tư Pháp

Huyện Thiệu Hóa

 

16

Sở Văn hóa - TT và DL

Huyện Triệu Sơn

 

17

Sở Công Thương

Huyện Hà Trung

 

18

Sở Tài nguyên - Môi trường

Huyện Vĩnh Lộc

 

19

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Huyện Thọ Xuân

 

20

Ngân hàng CSXH

TX. Sầm Sơn

 

21

Ngân hàng Công thương

TX. Bỉm Sơn

 

22

Sở Thông tin và T. Thông

Huyện Quan Sơn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 160/KH-UBND Về tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2015 do tỉnh Thanh Hóa ban hành

  • Số hiệu: 160/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/11/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Phạm Đăng Quyền
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/11/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản