Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 157/KH-BGDĐT

Hà Nội, ngày 13 tháng 03 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

CHUYÊN ĐỀ: ĐẨY MẠNH PHÒNG, CHỐNG BẠO HÀNH TRẺ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

1. Mục tiêu

- Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho trẻ về thể chất và tinh thần cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN).

- Đảm bảo 100% các cơ sở giáo dục mầm non được hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo hành; biện pháp hỗ trợ trẻ có nguy cơ bị bạo hành; biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo hành theo quy định

- Đảm bảo 100% cơ sở GDMN được đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn và công tác phòng, chống bạo hành trẻ.

2. Nội dung

2.1. Tổ chức rà soát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn và công tác phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN (Đánh giá các cấp quản lý, các cơ sở GDMN trong việc thực hiện Chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021 được ban hành kèm theo Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo).

2.2. Hướng dẫn các cơ sở GDMN thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trong công tác phòng, chống bạo hành trẻ.

2.3. Phối hợp liên ngành kiểm tra, giám sát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn và công tác phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN;.

2.4. Truyền thông nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ, cộng đồng về mối nguy hiểm của bạo hành trẻ.

3. Tổ chức thực hiện

3.1. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo

a, Vụ Giáo dục Mầm non là đơn vị chủ trì tham mưu với lãnh đạo Bộ trong việc xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai các hoạt động của Chuyên đề.

- Tổ chức Tập huấn việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn, phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp trong công tác phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN vào tháng 4/2020.

- Thực hiện kiểm tra 06 tỉnh, thành phố gồm: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Long An, Nam Định, Bắc Ninh, Hà Nội về việc thực hiện các quy định đảm bảo an toàn, phòng, chống bạo hành trẻ vào tháng 5, 6, 9, 10/2020.

- Theo dõi, đánh giá, tổng kết việc triển khai thực hiện Chuyên đề ở các địa phương.

b, Vụ Giáo dục Chính trị, Công tác học sinh, sinh viên; Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phối hợp tham gia các đoàn kiểm tra về công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN.

c, Văn phòng Bộ phối hợp với Vụ GDMN, Vụ Giáo dục Chính trị Công tác học sinh, sinh viên truyền thông về nội dung, tình hình triển khai các hoạt động phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN.

d, Vụ Kế hoạch Tài chính hướng dẫn lập dự toán kinh phí thực hiện Chuyên đề.

3.2. Các sở giáo dục và đào tạo

- Ban hành Kế hoạch thực hiện Chuyên đề “Đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN” phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và gửi về Bộ GDĐT trước ngày 30/3/2020.

- Chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo rà soát, đánh giá công tác phòng chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN của các phòng giáo dục và đào tạo. (Đánh giá dựa trên việc thực hiện Chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017-2021 được ban hành kèm theo Quyết định số 5886/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo).

- Chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo kiểm tra, phối hợp liên ngành trong thực hiện hoạt động phòng ngừa bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN.

- Tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý các phòng giáo dục, hiệu trưởng (hoặc đại diện BGH) của các cơ sở GDMN thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn và phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN theo hướng dẫn của Vụ GDMN.

- Đánh giá, lựa chọn, tuyên truyền, tôn vinh và có biện pháp nhân rộng những điển hình trong công tác đảm bảo an toàn và phòng, chống bạo hành trẻ trong cơ sở GDMN báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo (qua Vụ GDMN) vào thời điểm báo cáo định kỳ (cuối năm học 2019-2020 và kỳ 1 của năm học 2020-2021) để tổng hợp báo cáo Bộ trưởng.

3.3. Các phòng giáo dục và đào tạo

- Tổ chức rà soát, đánh giá, đôn đốc việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn và công tác phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN.

- Kiểm tra giám sát công tác đảm bảo an toàn và công tác phòng chống bạo hành trẻ tại các cơ sở GDMN; phối hợp với Ủy ban nhân dân các phường/xã kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn và phòng chống bạo hành trẻ ở các nhóm lớp độc lập tư thục, hỗ trợ những cơ sở này trong việc thực hiện các quy định, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý những trường hợp vi phạm.

- Tổ chức tập huấn cho tất cả các cơ sở GDMN trên địa bàn về công tác đảm bảo an toàn, phòng, chống bạo hành trẻ trước 30/4/2020.

- Lựa chọn điển hình tiêu biểu trong công tác đảm bảo an toàn và hoạt động phòng, chống bạo hành trẻ để nhân rộng tại địa phương.

- Cập nhật, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên về Kế hoạch đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ trong các cơ sở GDMN.

3.4. Cơ sở giáo dục mầm non

- Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra bạo hành trẻ. Chủ động trong việc cung cấp thông tin liên quan đến bạo hành trẻ và vi phạm đạo đức nhà giáo cho cơ quan quản lý trực tiếp.

- Có kế hoạch phòng, chống bạo hành và các biện pháp cụ thể về biện pháp phòng, ngừa; biện pháp hỗ trợ trẻ có nguy cơ bị bạo hành; biện pháp can thiệp khi xảy ra bạo hành theo quy định.

- Đảm bảo 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được tập huấn các kỹ năng phòng, chống bạo hành trẻ trước ngày 15/5/2020. Tăng cường áp dụng các biện pháp giáo dục tích cực, kỹ năng ứng xử với các tình huống bạo hành.

- Xây dựng quy tắc ứng xử trong trường học và thiết lập đường dây nóng trong phòng, chống bạo hành trẻ.

- Phối hợp chặt chẽ với gia đình, cộng đồng, có cơ chế giám sát trong công tác phòng, chống bạo hành trẻ.

4. Thời gian thực hiện: Thời gian thực hiện: Từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2020.

5. Kinh phí thực hiện

5.1. Kinh phí thực hiện Chuyên đề được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các cơ sở giáo dục theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn hợp pháp khác.

5.2. Căn cứ nội dung kế hoạch, sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo, trường mầm non chủ động lập dự toán, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

 


Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các sở GD&ĐT (để th/h);
- Ban Phụ nữ Quân đội (để th/h);
- Các trường MN trực thuộc trường đào tạo (để th/h);
- Vụ Kế hoạch - Tài chính (để th/h);
- Cục Nhà giáo và Cán bộ QLGD (để th/h);
- Văn phòng Bộ (để th/h);
- Các đơn vị có liên quan (để p/h);
- Lưu: VT, Vụ GDMN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hữu Độ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 157/KH-BGDĐT năm 2020 về đẩy mạnh phòng, chống bạo hành trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 157/KH-BGDĐT
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 13/03/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Nguyễn Hữu Độ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản