Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1467/KH-UBND

Ninh Thuận, ngày 30 tháng 3 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC BÌNH ĐẲNG GIỚI TỈNH NINH THUẬN NĂM 2021

Thực hiện Công văn số 356/LĐTBXH-BĐG ngày 19/02/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2021,

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận xây dựng Kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới năm 2021, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, giải pháp về bình đẳng giới (viết tắt là BĐG) trên địa bàn tỉnh;

2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến BĐG và vì sự tiến bộ của phụ nữ (viết tắt là VSTBPN) trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bình đẳng giới, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo mọi điều kiện để phụ nữ được tham gia vào các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tạo cơ hội tham gia và thụ hưởng bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới;

3. Các hoạt động triển khai cần thiết thực, hiệu quả. Trong quá trình triển khai cần linh hoạt áp dụng các hình thức tổ chức phù hợp với bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và đảm bảo các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch theo quy định.

II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI:

1. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, đề án có liên quan:

a) Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030 tại các Sở, ban ngành, địa phương (sau khi UBND tỉnh phê duyệt): bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược để xây dựng chỉ tiêu cho phù hợp với thực tiễn của Sở, ban ngành, địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai; bố trí nguồn lực để thúc đẩy thực hiện BĐG ở những lĩnh vực đang có nhiều tồn tại, thách thức; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn triển khai Chiến lược.

b) Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 (theo hướng dẫn tại Kế hoạch số 895/KH-UBND ngày 24/02/2021 của UBND tỉnh Ninh Thuận), trong đó quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, mô hình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho giai đoạn 5 năm và từng năm.

2. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về BĐG:

a) Phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước:

- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch truyền thông thúc đẩy BĐG trong lĩnh vực chính trị hướng tới bầu cử bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đặc biệt là truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử trước và trong thời gian bầu cử. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông cho phù hợp với đơn vị, địa phương và đặc thù từng nhóm đối tượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông nhằm tăng hiệu quả và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Tổ chức các hội thảo cho đội ngũ phóng viên báo chí, cán bộ làm công tác tuyên truyền nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý nói chung và tham gia vào các cơ quan dân cử nói riêng.

b) Tăng cường truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021 - 2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025:

- Tích cực xây dựng, phát hành các sản phẩm truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các hoạt động đa dạng của đơn vị, địa phương.

- Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, thực hành về BĐG trong các tầng lớp Nhân dân; tuyên truyền giới thiệu về các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện BĐG tại địa phương; nhân rộng những điển hình tốt, người có uy tín, ảnh hưởng tích cực tại cộng đồng và thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực hiện BĐG.

- Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm, có sức lan tỏa.

c) Tiếp tục tuyên truyền và triển khai thực hiện những nội dung mới về BĐG trong Bộ luật Lao động năm 2019: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai những nội dung mới về BĐG trong Bộ luật Lao động năm 2019 bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện, tình hình thực tế của Sở, ban ngành, địa phương.

3. Tiếp tục duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng triển khai các mô hình, hoạt động thúc đẩy BĐG:

a) Rà soát, đánh giá các mô hình, hoạt động thúc đẩy BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã và đang được triển khai để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình, giải pháp phù hợp ở những địa bàn, lĩnh vực còn có tình trạng bất BĐG hoặc nguy cơ xảy ra bạo lực trên cơ sở giới.

b) Chủ động bố trí kinh phí để duy trì và nhân rộng các mô hình, hoạt động hiệu quả.

4. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG và công tác VSTBPN:

a) Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc chỉ đạo triển khai công tác BĐG và VSTBPN, trong đó chú trọng công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong kiểm tra, xây dựng và đề xuất chính sách liên quan; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để tăng tính bền vững, hiệu quả trong thực hiện công tác BĐG.

b) Tham mưu thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm của Sở, ban ngành và địa phương.

c) Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế và xây dựng chính sách, pháp luật. Tập huấn kiến thức về giới, BĐG cho đội ngũ cán bộ thanh tra, tư pháp, thành viên Ban VSTBPN của các Sở, ban ngành và địa phương. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và hoạt động của các cơ quan dân cử cho cán bộ nữ tiềm năng, nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

d) Tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về BĐG thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc đột xuất liên quan đến công tác BĐG và VSTBPN cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, UBND các cấp để phối hợp giải quyết.

đ) Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác BĐG và VSTBPN; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về BĐG.

e) Tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN: Sử dụng nguồn kinh phí đã được bố trí trong dự toán ngân sách của các Sở, ban ngành, địa phương năm 2021 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương:

a) Đôn đốc triển khai thực hiện kế hoạch, đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách về BĐG trên địa bàn tỉnh.

b) Tham mưu UBND tỉnh đối với các nội dung, hoạt động liên quan đến BĐG và VSTBPN trên địa bàn tỉnh như kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2021- 2030; kế hoạch thực hiện các hoạt động nhân “Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới” (Từ 15/11 đến 15/12/2020) theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

c) Phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về BĐG và VSTBPN; tập huấn, hướng dẫn, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về BĐG và VSTBPN trong tình hình mới cho đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG các cấp; hướng dẫn các đơn vị, địa phương tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng và các mô hình, hoạt động thúc đẩy BĐG.

d) Phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức các lớp tập huấn cho nữ ứng cử viên lần đầu tham gia đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

đ) Phối hợp tổ chức sơ kết, tổng kết; tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

2. Sở Nội vụ:

a) Thực hiện việc lồng ghép kiến thức về giới và BĐG trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành, hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy định về đề xuất xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ của tỉnh, trọng tâm hưởng ứng các hoạt động tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan lồng ghép một số chỉ tiêu phát triển giới vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh; tổng hợp mục tiêu, chỉ tiêu BĐG vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

4. Sở Tư pháp:

a) Tham mưu giám sát việc thực hiện lồng ghép vấn đề BĐG vào dự thảo các văn bản xây dựng chính sách, quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến BĐG hoặc có vấn đề bất BĐG, phân biệt đối xử về giới.

b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật về BĐG và VSTBPN.

5. Sở Tài chính:

Hướng dẫn, bảo đảm bố trí kinh phí thực hiện công tác BĐG và VSTBPN các cấp năm 2021 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về Luật phòng, chống bạo lực gia đình và vấn đề BĐG trong gia đình; chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

b) Tăng cường lồng ghép công tác truyền thông BĐG trong các công tác xây dựng gia đình văn hóa; triển khai, nhân rộng các mô hình gia đình phát triển bền vững; câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo:

a) Đưa nội dung giáo dục về giới và Luật Bình đẳng giới vào chương trình đào tạo phù hợp cho từng cấp học. Tăng cường tập huấn công tác BĐG và VSTBPN, công tác phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới cho đội ngũ giáo viên.

b) Thực hiện lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trong thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

8. Sở Y tế:

Thực hiện lồng ghép giới trong chính sách, chương trình, kế hoạch của ngành y tế; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đẩy lùi tư tưởng định kiến giới trong sinh sản; triển khai các biện pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng , báo chí đẩy manh và đ ổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về BĐG; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản, thông tin trên Internet về BĐG và liên quan đến BĐG ; xử lý nghiêm những hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin có định kiến giới.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận:

a) Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thường xuyên đưa tin, bài tuyên truyền, phổ biến cá c chính sách pháp luật về công tác BĐG , kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện công tác BĐG, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các ấn phẩm báo chí, phát thanh truyền hình nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG và VSTBPN trên địa bàn tỉnh.

b) Thông tin tuyên truyền về các mô hình “Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ”, mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” đã và đang được các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai; nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong các hoạt động thúc đẩy BĐG, đồng thời phê phán các hành vi phân biệt giới, bất BĐG.

11. Ban Dân tộc tỉnh:

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách BĐG trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động BĐG vùng dân tộc thiểu số” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2025.

12. Đề nghị Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh:

a) Triển khai Kế hoạch hành động về BĐG và VSTBPN năm 2021 đến các cấp Hội; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ Hội, hội viên.

b) Phối hợp các đơn vị chức năng tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ nữ để đề xuất giới thiệu những phụ nữ ưu tú tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

13. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh:

Chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác BĐG và VSTBPN cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động nữ tại các doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019.

14. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh:

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tham gia tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về BĐG, tham gia giám sát thực hiện Kế hoạch.

15. Các Sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố:

a) Căn cứ nội dung Kế hoạch này và Chiến lược hành động về BĐG tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030 sau khi được phê duyệt, chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới năm 2021 theo lĩnh vực của ngành và địa phương mình quản lý một cách thiết thực, hiệu quả; đẩy manh tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ, công chức và người lao động tai cơ quan , đơn vị mình; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong việc thực hiện hoạt động BĐG; đặc biệt trong việc lồng ghép các vấn đề BĐG trong công tác kế hoạch năm ; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch tại đơn vị mình;

b) Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ BĐG theo lĩnh vực của ngành và địa phương cho Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); báo cáo 6 tháng gửi trước ngày 10/6 và báo cáo năm gửi trước ngày 10/12/2021 để tổng hợp báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

Trên đây là Kế hoạch triển khai công tác bình đẳng giới tỉnh Ninh Thuận năm 2021./.

 

 

Nơi nhận:
- Vụ Bình đẳng giới - Bộ LĐTB&XH (b/c);
- CT và PCT Nguyễn Long Biên;
- Các cơ quan, đơn vị nêu trên;
- VPUB: CVP, PVP (NĐT);
- Lưu: VT, VXNV. NVT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Long Biên

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 1467/KH-UBND triển khai công tác bình đẳng giới tỉnh Ninh Thuận năm 2021

  • Số hiệu: 1467/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 30/03/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Nguyễn Long Biên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản