Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/KH-UBND

Hà Giang, ngày 17 tháng 09 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

KIỂM SOÁT, KHẮC PHỤC Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TẠI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN NÔNG, LÂM, THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang ban hành Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản trên địa bàn tỉnh với những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH

- Kiểm soát, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc và các cơ sở chế biến khác thuộc lĩnh vực nông lâm, thủy sản khác trên địa bàn tỉnh.

- Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình đối với công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến lĩnh vực nông lâm sản, thủy sản.

II. MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP:

1. Mục tiêu:

a) Mục tiêu đến hết năm 2017:

- 100% các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận đăng ký Đề án bảo vệ môi trường chi tiết/đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định;

- 100% các dự án, phương án sản xuất chế biến thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản đầu tư mới được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt/đăng ký Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.

- 60% các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có công trình, biện pháp thu gom, xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường.

- 60% chất thải từ hoạt động chế biến nông, lâm, thủy sản, các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ được thu gom đảm bảo vệ sinh môi trường, không xả thải trực tiếp ra môi trường.

b) Mục tiêu đến năm 2020:

- 100% các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có công trình, biện pháp thu gom, xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường.

- 90% chất thải từ hoạt động chế biến nông, lâm, thủy sản, các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ được thu gom đảm bảo vệ sinh môi trường, không xả thải trực tiếp ra môi trường.

- Không có tình trạng các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc nằm xen kẽ trong các khu vực tập trung đông dân cư (các tổ dân phố của các thị trấn, các phường) gây ô nhiễm môi trường.

- 100% trung tâm các huyện có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có công trình xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra môi trường.

2. Giải pháp thực hiện:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường đến từng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình, tổ chức và doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ sở chăn nuôi, giết mổ tập trung và sản xuất chế biến khác trong lĩnh vực chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Quan trắc đánh giá chất lượng môi trường tại các khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, kịp thời cảnh báo, phát hiện nguyên nhân và có giải pháp xử lý các khu vực môi trường có dấu hiệu ô nhiễm.

- Thực hiện các quy hoạch phát triển lĩnh vực nông, lâm sản (Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020, có xét đến năm 2030 và Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2025) gắn với công tác bảo vệ môi trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đương đối tượng thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Kịp thời xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở chây ỳ không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

- Chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hà Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Giang xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, thông báo kết quả thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Hàng năm tiến hành quan trắc đánh giá chất lượng môi trường tại các khu vực tập trung nhiều cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, kịp thời cảnh báo, xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì tổ chức hướng dẫn phổ biến, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho khu chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, khu giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hành quy trình quản lý tốt đối với hệ thống chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đi kèm với hệ thống xử lý chất thải đồng bộ; quản lý sản xuất an toàn và khuyến khích người dân áp dụng quy phạm, quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) hoặc các tiêu chuẩn tương đương;

- Hướng dẫn kỹ thuật, danh mục sản phẩm xử lý môi trường đối với hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản tập trung, sản xuất, chế biến khác trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc triển khai, hướng dẫn các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường do các bộ, ngành trung ương ban hành trong các lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố trong việc việc lập và điều chỉnh các quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp phát triển chăn nuôi đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình thực hiện Quy hoạch phát triển chăn nuôi tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2025.

3. Sở Công Thương

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2020, có xét đến năm 2030, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính

Xây dựng kế hoạch và cân đối ngân sách, đảm bảo dành một phần kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản nói riêng.

5. Công an tỉnh

- Chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất, nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan trong phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chủ động kiểm tra, phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn. Kịp thời xử lý nghiêm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc cơ sở chây ỳ không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát và yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản tại địa phương thực hiện đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường/đề án bảo vệ môi trường theo quy định.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường bằng nhiều hình thức phù hợp đến từng doanh nghiệp, hộ gia đình và mọi người dân có hoạt động sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.

7. Chủ các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc và các cơ sở chế biến khác thuộc lĩnh vực nông lâm, thủy sản

- Hoàn thành việc lập và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký Đề án bảo vệ môi trường chi tiết/đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định xong trước ngày 31/12/2016.

- Đầu tư các công trình xử lý chất thải, bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn chất thải trước khi thải ra môi trường.

- Các dự án, phương án sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản đầu tư mới trên địa bàn tỉnh thực hiện lập và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định.

IV. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO:

Định kỳ hàng năm, các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch cho UBND tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) trước ngày 30/11 hàng năm.

Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch và các mục tiêu của kế hoạch về UBND tỉnh trước ngày 15/12 hàng năm./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực UBND tỉnh;
- Văn phòng tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- LĐ VP UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, CV: TH, NNTNMT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Minh Tiến

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Kế hoạch 145/KH-UBND năm 2015 về kiểm soát ô nhiễm môi trường các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang

  • Số hiệu: 145/KH-UBND
  • Loại văn bản: Văn bản khác
  • Ngày ban hành: 17/09/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Nguyễn Minh Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/09/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản