- 1Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- 3Luật Quản lý thuế 2019
- 4Quyết định 165/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (Nghị định 65/2016/NĐ-CP, 10/2020/NĐ-CP, 119/2021/NĐ-CP)
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 145/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 26 tháng 7 năm 2024 |
Thực hiện Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau đây gọi tắt là Nghị định số 10/2020/NĐ-CP), Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (sau đây gọi tắt là Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT).
Để thúc đẩy phát triển vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả và bảo đảm an toàn giao thông; trên cơ sở tham mưu, đề xuất của Sở Giao thông vận tải và các sở, ngành, địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải hành khách với các nội dung như sau:
1. Phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải hành khách là nhiệm vụ quan trọng góp phần xây dựng tỉnh Ninh Bình văn minh, hiện đại; phát huy vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
2. Phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng nguồn vốn xã hội hóa; phát triển bảo đảm bền vững, hiệu quả, thiết thực và an toàn; khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ vận tải hành khách.
3. Hình thành hệ thống vận tải hành khách đường bộ đồng bộ, thống nhất, kết nối với các loại hình vận tải và các phương thức vận tải khác; công tác tổ chức điều hành khoa học, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Ninh Bình.
4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đặc biệt là công nghệ thông tin và các xu hướng công nghệ mới trong vận tải và logistics như tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật... để có những bước phát triển đột phá cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động của thị trường vận tải, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành giao thông vận tải.
1. Mục tiêu chung
- Phát triển phương tiện kinh doanh vận tải hành khách phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các quy hoạch khác có liên quan và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
- Tổ chức khoa học mạng lưới vận tải hành khách đường bộ trong tỉnh tạo thành một mạng lưới vận tải thông suốt, cơ động. Phối hợp chặt chẽ giữa các loại hình và lực lượng tham gia vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân nhằm thúc đẩy giao lưu văn hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng và khối lượng vận tải hành khách, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng phát triển các tuyến vận tải kết nối các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.
- Đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ của đơn vị vận tải hành khách; đề ra định hướng phát triển phương tiện và các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, chất lượng phương tiện, dịch vụ vận tải.
- Nâng cao năng lực quản lý điều hành; xây dựng các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.
- Kiểm soát được tình hình hoạt động và sự gia tăng về số lượng phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cân đối giữa cung và cầu nhằm hạn chế lãng phí các nguồn lực của xã hội, đầu tư kém hiệu quả trong hoạt động kinh doanh vận tải.
- Tạo ra lực lượng vận tải hành khách bằng xe ô tô có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong tỉnh và ngoài tỉnh, khách du lịch với độ tin cậy cao, chất lượng phục vụ ở mức tốt nhất để có thể thay thế xe mô tô, xe gắn máy và phần lớn các phương tiện vận tải cá nhân khác.
- Thu hút người dân tham gia các loại hình vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng phát triển kinh tế của tỉnh là du lịch và dịch vụ.
3. Yêu cầu
Dự kiến số lượng phương tiện đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 của các loại hình vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi. Xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để thực hiện; phân công nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện; kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhằm quản lý tốt và phát triển mạng lưới vận tải hành khách đường bộ phù hợp, tăng tỷ trọng các loại hình vận tải hành khách công cộng, đảm bảo kết nối đến các khu vực đông dân cư, các khu vực có nhu cầu đi lại và tăng mật độ bao phủ đến các huyện, các trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh.
III. HIỆN TRẠNG KẾT CẤU HẠ TẦNG GIAO THÔNG VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH ĐƯỜNG BỘ
1. Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông
1.1. Hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ
- Đường Cao tốc:
+ Đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa: Đoạn đi qua tỉnh dài khoảng 24,48 km, từ cầu Trại Mễ vượt sông Đáy (km264+200) đến Hầm Tam Điệp (km288+680), với quy mô 4 làn xe hạn chế.
+ Đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh: Đoạn đi qua tỉnh dài khoảng 25,3 km, từ nút giao Mai Sơn tại km274+345 (theo lý trình đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa - giao với đường Quốc lộ 1 tránh Thành phố Ninh Bình) đi về phía Đông, với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.
- Đường quốc lộ: Có 08 tuyến với chiều dài 232,115 km. Có 87% chiều dài quốc lộ đạt tiêu chuẩn đường cấp IV- cấp II (02-04 làn xe); còn 13%, tương đương 29,9 km đường cấp VI- cấp V chưa đạt tiêu chuẩn theo quy hoạch quốc lộ. Mật độ quốc lộ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt 16,7km/100 km2. Tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt 100%, trong đó thảm bê tông nhựa chiếm 69,7%, bê tông xi măng 30,6%, còn lại đường láng nhựa chiếm 1,7%.
- Đường tỉnh: Có 19 tuyến với chiều dài 259,5 km. Trong đó có 131,9km có quy mô đường cấp IV - cấp III, chiếm 50,8%; 127,6Km có quy mô đường cấp VI - cấp V, chiếm 49,2%. 100% mặt đường đã được cứng hóa, trong đó có 41,9% mặt đường BTXM, 49,6% mặt đường BTN và 8,1% mặt đường láng nhựa. Các tuyến đường đã được Sở Giao thông vận tải quản lý, bảo trì theo tiêu chuẩn hiện hành, đảm bảo giao thông thông suốt, êm thuận, phục vụ nhu cầu
đi lại của Nhân dân.
- Đường huyện: Có 39 tuyến với tổng chiều dài 210,9 km, tỷ lệ mặt đường cứng hóa đạt 100%.
- Đường đô thị: Có 204 tuyến với tổng chiều dài 647,5 km, tỷ lệ cứng hóa đạt 100%.
- Đường xã: Có 881 tuyến với chiều dài 2.235,1 km, tỷ lệ cứng hóa đạt 63,2%, còn lại là đường đất và cấp phối.
- Đường chuyên dùng: Có 48 tuyến với chiều dài là 234,44km, tỷ lệ cứng hóa đạt 97,8% còn lại là đường cấp phối.
1.2. Kết cấu hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải
- Bến xe khách
+ Theo Quy hoạch bến xe tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1037/QĐ- UBND ngày 18 tháng 12 năm 2012 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Ninh Bình đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tổng số có 21 bến xe khách các loại. Hiện nay, có 11/21 bến xe khách đã được đầu tư chủ yếu tại trung tâm các huyện, thành phố, cụ thể:
TT | Tên bến xe | Vị trí | Loại bến xe | Diện tích |
1 | Bến xe Ninh Bình | Đường Lê Đại Hành, Phường Thanh Bình, Thành phố Ninh Bình | 3 | 5.238,0 |
2 | Bến xe Kim Sơn | Phố Trì Chính, Thị trấn Phát Diệm, Huyên Kim Sơn | 4 | 2.510,6 |
3 | Bến xe Nho Quan | Phố Tân Lập, Thị trấn Nho Quan, Huyện Nho Quan | 4 | 2.535,9 |
4 | Bến xe Phía bắc Tam Điệp | Phường Bắc Sơn, Thành phố Tam Điệp | 2 | 10.633,7 |
5 | Bến xe khách Khánh Thành | Xóm 8, Xã Khánh Thành, Huyện Yên Khánh | 2 | 10.000,0 |
6 | Bến xe khách Kim Đông | Xóm 5, Xã Kim Đông, Huyện Kim Sơn | 3 | 5.000,0 |
7 | Bến xe khách Thị trấn Bình Minh | Khối 11, Thị trấn Bình Minh, Huyện Kim Sơn | 3 | 5.000,0 |
8 | Bến xe khách Lai Thành | Xã Lai Thành, Huyện Kim Sơn | 2 | 20.000,0 |
9 | Bến xe khách Phía Đông Thành phố Ninh Bình | Xã Ninh Phúc, Thành phố Ninh Bình | 1 | 20.000,0 |
10 | Bến xe khách Nam Thành | Phường Nam Thành, Thành phố Ninh Bình | 1 | 10.770,0 |
11 | Bến xe khách Thị trấn Yên Ninh | Thị trấn Yên Ninh, Huyện Yên Khánh | 3 | 5.921,0 |
+ Vị trí của một số bến xe hiện nay không còn phù hợp, mặc dù được xây dựng ở những vị trí thuận lợi tại các đầu mối giao thông; tuy nhiên quá trình đô thị hóa khiến cho các bến xe dần nằm ở trong các khu vực dân cư, trung tâm thành phố, đây không phải là một thực trạng tốt và các bến xe đặt tại các vị trí này đã trở thành những điểm nóng của các hiện tượng gây mất trật tự an toàn xã hội mặt khác với việc phương tiện ra vào tấp nập khiến cho an toàn giao thông không được đảm bảo, gây ùn tắc giao thông; còn lại 09/21 bến xe khách tại trung tâm các xã vẫn chưa được đầu tư xây dựng và 01 Bến xe khách phía Bắc Thành phố Ninh Bình đang trong quá trình đầu tư xây dựng, cụ thể:
TT | Tên bến xe | Vị trí | Loại bến xe | Diện tích |
1 | Bến xe phía Bắc Thành phố Ninh Bình | Xã Ninh Giang, Huyện Hoa Lư | 1 | 15.000 |
2 | Bến xe phía Nam thành phố Ninh Bình | Xã Mai Sơn, Huyện Yên Mô | 1 | 15.000 |
3 | Bến xe Đền Dâu | Phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp | 3 | 5.000 |
4 | Bến xe Lạc Vân | Xã Lạc Vân, Huyện Nho Quan | 1 | 15.000 |
5 | Bến xe Đồng Phong | Xã Đồng Phong, Huyện Nho Quan | 2 | 10.000 |
6 | Bến xe Rịa | Xã Phú Lộc, Huyện Nho Quan | 3 | 5.000 |
7 | Bến xe Thị trấn Me | Thị trấn Me, Huyện Gia Viễn | 2 | 10.000 |
8 | Bến xe Khánh Thiện | Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình | 4 | 3.000 |
9 | Bến xe TT Yên Thịnh | TT Yên Thịnh, Yên Mô, Ninh Bình | 2 | 10.000 |
10 | Bến xe Yên Nhân | Yên Nhân, Yên Mô, Ninh Bình | 3 | 5.000 |
- Bãi đỗ xe tĩnh: Trong thành phố Ninh Bình cũng như các huyện trong tỉnh hiện nay gần như không có các bãi đỗ xe công cộng vì thế các phương tiện dừng đỗ tùy tiện, chủ yếu tại các khu đất rộng, mới được xây dựng có diện tích lớn như: Nhà văn hóa, sân vận động... thậm chí trên cả các tuyến đường tỉnh và quốc lộ. Hiện trên địa bàn thành phố Ninh Bình có một số bãi đỗ xe của tư nhân cho thuê như bãi đỗ xe trên đường Lê Đại Hành và bãi đỗ xe của Doanh nghiệp Xuân Trường trên đường Tân An,...
- Điểm đón, trả khách, biển báo, nhà chờ phục vụ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt: Đến nay toàn tỉnh có 433 biển báo dừng, đón trả khách và 07 nhà chờ, tuy nhiên trên thực tế có nhiều biển báo đã bị mất, hư hỏng.
- Trung tâm cứu hộ đường bộ: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chưa có Trung tâm cứu hộ đường bộ mà chỉ có một số phương tiện cứu hộ của các cơ sở tư nhân mang tính tự phát chưa đảm bảo tính chuyên nghiệp và quy mô cần thiết, đáp ứng kịp thời khi có tình huống xảy ra.
- Trạm dừng nghỉ: Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 02 trạm dừng nghỉ cho các phương tiện và người tham gia giao thông đã được công bố hoạt động theo quy định.
2. Hiện trạng về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ
2.1. Tổng quan hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đường bộ
- Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 153 tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh từ Ninh Bình đi 29 tỉnh, thành phố, có 48 đơn vị vận tải trong và ngoài tỉnh tham gia khai thác với 278 phương tiện hoạt động; riêng tỉnh Ninh Bình có 14 đơn vị tham gia vận tải hành khách tuyến cố định khai thác trên 117 tuyến (116 tuyến liên tỉnh, 01 tuyến nội tỉnh) với 206 phương tiện hoạt động; 03 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt trên 07 tuyến xe buýt với 54 phương tiện hoạt động; 08 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với 625 xe; 35 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch với 1.275 xe.
- Hoạt động vận tải hành khách đường bộ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về công tác quản lý và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Siết chặt công tác quản lý vận tải; tăng cường kiểm tra dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và camera; giám sát công tác tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các lái xe và nhân viên phục vụ trên xe; cấp giấy phép kinh doanh vận tải và phù hiệu xe theo quy định; thực hiện đa dạng hóa các loại hình kinh doanh vận tải, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, hiện đại hóa các phương tiện, đảm bảo hoạt động an toàn, thân thiện với môi trường, mỹ quan đô thị và giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhìn chung chất lượng phục vụ vận tải hành khách ngày càng được nâng cao, từng bước tạo được hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp, làm hài lòng cho du khách và người dân.
2.2. Sản lượng hoạt động vận tải hành khách đường bộ
Năm 2022, khối lượng vận chuyển hành khách trên địa bàn tỉnh đạt 22.96 triệu lượt khách; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2012-2022 đạt khoảng 106.46 %/năm.
Bảng 1: Sản lượng vận tải hành khách đường bộ giai đoạn 2012-2022
STT | Năm | Sản lượng vận chuyển và luân chuyển hành khách (HK) | Ghi chú | |
Triệu lượt HK | Triệu lượt HK.Km |
| ||
1 | 2011 | 11.53 | 730.69 |
|
2 | 2012 | 12.00 | 845.88 |
|
3 | 2013 | 12.65 | 902.85 |
|
4 | 2014 | 13.36 | 935.10 |
|
5 | 2015 | 13.71 | 976.65 |
|
6 | 2016 | 16.51 | 1,136.87 |
|
7 | 2017 | 15.98 | 1,071.45 |
|
Tăng trưởng bình quân 2012-2017 | 105.59 | 106.59 |
| |
1 | 2017 | 15.98 | 1,071.45 |
|
2 | 2018 | 15.55 | 985.99 |
|
3 | 2019 | 15.91 | 995.06 |
|
4 | 2020 | 13.84 | 830.65 |
|
5 | 2021 | 10.76 | 589.30 |
|
6 | 2022 | 22.96 | 1,320.39 |
|
Tăng trưởng bình quân 2017-2022 | 105.65 | 102.53 |
| |
Tăng trưởng bình quân 2012-2022 | 106.46 | 105.53 |
|
2.3. Số lượng xe ô tô và xe mô tô trên địa bàn tỉnh
Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 67,898 xe ô tô và 660,346 xe mô tô.
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2018-2023: Xe ô tô đạt khoảng 116.45 %/năm, xe mô tô đạt khoảng 107.73 %/năm.
Bảng 2: Số lượng xe ô tô và xe mô tô trên địa bàn tỉnh
Đơn vị tính: Chiếc
TT | Năm | Xe ô tô | Xe mô tô |
1 | 2017 | 27,235 | 422,402 |
2 | 2018 | 47,280 | 570,640 |
3 | 2019 | 49,882 | 583,842 |
4 | 2020 | 53,882 | 601,842 |
5 | 2021 | 57,890 | 617,462 |
6 | 2022 | 63,490 | 635,962 |
7 | 2023 | 67,898 | 660,346 |
Tăng trưởng bình quân 2018-2023 | 116.45 | 107.73 |
2.4. Phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đường bộ trên địa bàn tỉnh
- Vận tải hành khách theo tuyến cố định: Có 14 đơn vị vận tải trong tỉnh tham gia vận tải hành khách tuyến cố định khai thác trên 117 tuyến (116 tuyến liên tỉnh, 01 tuyến nội tỉnh) với 206 xe. Tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2018-2023 là: -5.04%/năm.
- Vận tải hành khách bằng xe buýt: Có 03 đơn vị tham gia vận tải hành khách bằng xe buýt trên 07 tuyến với 54 xe. Tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2018-2023 là: -4.46%/năm.
- Vận tải hành khách bằng xe taxi: Có 08 đơn vị tham gia vận tải hành khách bằng xe taxi với 644 xe. Tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2018-2023 là: -2.53%/năm.
- Vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch: Có 35 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng với 1.275 xe. Tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân giai đoạn 2018-2023 là: 20.86 %/năm.
Bảng 3. Số lượng phương tiện vận tải hành khách đường bộ giai đoạn 2018-2023
Đơn vị tính: Chiếc
Năm | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 | 2023 |
Loại hình | |||||||
Xe tuyến cố định | 281 | 240 | 231 | 208 | 197 | 196 | 206 |
Xe buýt | 71 | 50 | 61 | 61 | 56 | 57 | 54 |
Xe taxi | 751 | 787 | 715 | 666 | 611 | 429 | 644 |
Xe hợp đồng | 409 | 526 | 621 | 805 | 986 | 1,185 | 1,275 |
Tổng số | 1,512 | 1,603 | 1,628 | 1,740 | 1,850 | 1,864 | 2,179 |
IV. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN PHƯƠNG TIỆN KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH ĐẾN NĂM 2030 TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2045
1. Dự báo về nhu cầu vận tải hành khách
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 giai đoạn 2020-2021, tuy nhiên Chính phủ đã có những chiến lược chống dịch hiệu quả, kèm theo đó đã ban hành Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2022-2023 với nhiều giải pháp kích thích sự phục hồi và phát triển kinh tế, trong đó có chiến lược về tiêm chủng vắc xin và kiên định mở cửa nền kinh tế, hoạt động vận tải hành khách đang dần phục hồi và phát triển. Do đó, trong công tác dự báo vận tải hành khách bằng đường bộ thời gian tới như sau: Trên cơ sở thống kê khối lượng vận chuyển hành khách đường bộ giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm là 5,65%; dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2023-2030 tăng từ 10%-20%/năm.
2. Định hướng phát triển số lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045
- Xác định số lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 dựa trên tình hình phát triển số phương tiện các năm trước đó.
- Đảm bảo tính hợp lý và đầy đủ về cơ cấu phương tiện giữa các loại hình kinh doanh vận tải, thúc đẩy phát triển kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để gắn kết với mạng lưới vận tải hành khách bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt và đường hàng không trên toàn quốc.
- Kiểm soát chặt chẽ sự phát triển về số lượng đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, khuyến khích các đơn vị đầu tư mở rộng quy mô hoạt động và phát triển thêm các đơn vị có quy mô đầu tư lớn và có năng lực thực sự về tài chính, quản lý điều hành; tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp phương tiện tham gia kinh doanh vận tải nhưng chưa được cấp phù hiệu để quản lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông, trật tự xã hội, tạo điều kiện phát triển mạnh ngành du lịch, dịch vụ với chi phí vận tải hợp lý.
2.1. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định
- Số lượng phương tiện cụ thể hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được xác định dựa trên Danh mục mạng lưới tuyến, công suất các bến xe khách trên địa bàn tỉnh được cơ quan có thẩm quyền công bố và trên cơ sở các tuyến đường, các khu dân cư, khu công nghiệp, bến xe mới được xây dựng đưa vào khai thác.
- Đối với tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh: Thực hiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh theo Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Giao thông vận tải công bố tại Quyết định số 927/QĐ- BGTVT ngày 15/7/2022 và cập nhật định kỳ theo quy định. Mở mới các tuyến từ các bến xe khách trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đi các bến xe khách các tỉnh, thành phố khác, nhằm kết nối tỉnh Ninh Bình với trung tâm các tỉnh, vùng miền kinh tế trong cả nước và dần dần thay thế các phương tiện cũ bằng phương tiện vận tải chất lượng cao với nhiều dịch vụ phục vụ hành khách trên hành trình.
- Đối với tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh: Thực hiện khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh theo Danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh được Sở Giao thông vận tải công bố, điều chỉnh, bổ sung theo quy định. Duy trì các tuyến đã mở và mở mới các tuyến kết nối từ các huyện, thành phố và các huyện, xã trên địa bàn tỉnh.
- Kế hoạch phát triển số lượng xe tuyến cố định đến năm 2030: Trên cơ sở thống kê số lượng xe tuyến cố định giai đoạn 2018-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm là -5,04%/năm, dự báo tốc độ tăng trưởng xe tuyến cố định bình quân hàng năm giai đoạn 2023-2025 tăng từ 10%-20%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng từ 20%-30%/năm.
2.2. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt
- Tiếp tục mở các tuyến xe buýt phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện, thành phố và các ngành. Đảm bảo kết nối những khu đô thị, công nghiệp, du lịch, trường học và các tuyến đường mới tới các điểm dân cư trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh liền kề, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải đầu tư phương tiện chạy bằng nhiên liệu sạch hoặc năng lượng điện đảm bảo thân thiện môi trường.
- Củng cố và nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến xe buýt đang hoạt động, tăng tần suất và điều chỉnh các tuyến theo sự phát triển đô thị nhằm tăng khả năng thu hút hành khách. Tổ chức các tuyến khép kín trong nội thành, nội thị và hình thành các tuyến theo sự phát triển của các khu chức năng: Đô thị, công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch, di tích lịch sử văn hóa, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao...
- Thực hiện khai thác tuyến xe buýt theo Danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách bằng xe buýt được Ủy ban nhân dân tỉnh công bố hàng năm theo quy định.
- Kế hoạch phát triển số lượng xe buýt đến năm 2030: Trên cơ sở thống kê số lượng xe buýt giai đoạn 2018-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm là - 4,46 %/năm; dự báo tốc độ tăng trưởng xe bình quân hàng năm giai đoạn 2022-2025 tăng từ 10%-20%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng từ 20%-30%/năm.
2.3. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
- Phát triển số lượng xe taxi hợp lý, đồng bộ về cơ sở hạ tầng và phương tiện vận tải. Ưu tiên phát triển mạng lưới vận tải hành khách bằng xe taxi tại các đô thị, khu du lịch. Chú trọng nâng cao chất lượng phương tiện vận tải theo hướng đảm bảo an ninh, an toàn, hiện đại, chất lượng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch.
- Khuyến khích các đơn vị kinh doanh vận tải: Đầu tư phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (năng lượng điện và khí hóa lỏng), phương tiện hỗ trợ cho người khuyết tật phù hợp với từng giai đoạn phát triển; cải tạo khoang ngăn giữa lái xe và hành khách phù hợp để tăng tính an toàn cho lái xe khi tham gia vận tải; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành vận tải như ứng dụng gọi xe bằng điện thoại thông minh (smartphone)...
- Kế hoạch phát triển số lượng xe taxi đến năm 2030: Trên cơ sở thống kê số lượng xe taxi giai đoạn 2018-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm là -2,53%/năm; dự báo tốc độ tăng trưởng xe bình quân hàng năm giai đoạn 2022-2025 tăng từ 10%-20%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng từ 20%-30%/năm.
2.4. Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, du lịch
- Phát triển mạng lưới vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe du lịch đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, xe du lịch.
- Đầu tư đổi mới phương tiện vận chuyển, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn, thuận lợi cho người dân và khách du lịch khi sử dụng xe hợp đồng, xe du lịch.
- Kế hoạch phát triển số lượng xe hợp đồng, xe du lịch đến năm 2030: Trên cơ sở thống kê số lượng xe hợp đồng giai đoạn 2018-2023, tốc độ tăng trưởng bình quân 05 năm là 20.86%/năm; dự báo tốc độ tăng trưởng xe bình quân hàng năm giai đoạn 2023-2025 tăng từ 10%-20%/năm, giai đoạn 2026-2030 tăng từ 20%-30%/năm.
Bảng 4. Dự kiến kế hoạch phát triển phương tiện vận tải hành khách giai đoạn 2023-2030
Đơn vị tính: Chiếc
Năm | 2023 | 2025 | 2030 |
Loại phương tiện | |||
Xe tuyến cố định | 206 | 237 | 296 |
Xe buýt | 54 | 62 | 78 |
Xe taxi | 644 | 741 | 926 |
Xe hợp đồng, xe du lịch | 1.275 | 1.466 | 1.833 |
Tổng số | 2.179 | 2.506 | 3.133 |
V. TỔ CHỨC QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH VẬN TẢI HÀNH KHÁCH
Để triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả và đạt yêu cầu đề ra, đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ sau:
1. Sở Giao thông vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất với cấp có thẩm quyền chỉ đạo theo đúng quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT và các quy định pháp luật có liên quan.
- Căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế, nhu cầu đi lại của hành khách, tham mưu điều chỉnh số lượng phương tiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông và đáp ứng nhu cầu kinh doanh của đơn vị kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh.
- Chỉ đạo lực lượng Thanh tra Giao thông và các phòng, đơn vị chuyên môn có liên quan thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định.
- Phối hợp Cục Thuế tỉnh cung cấp thông tin về các tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô mới được thông báo khai thác tuyến thành công đi vào hoạt động; chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách thực hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến hoạt động của phương tiện vận tải hành khách bằng xe ô tô cho cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
2. Công an tỉnh
- Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở Giao thông vận tải, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông; trong đó, tập trung xử lý đối với các hành vi vi phạm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
- Chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải, Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh và các địa phương, cơ quan quản lý đường bộ có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”).
3. Sở Y tế: Chỉ đạo các Cơ sở y tế nâng cao chất lượng việc khám sức khỏe cho người lái xe; xây dựng kế hoạch thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin để khám sức khỏe và cung cấp hồ sơ, giấy khám sức khỏe điện tử cho lái xe và chia sẻ, tích hợp với cơ sở dữ liệu sức khỏe của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các kế hoạch về kiểm tra, xử lý lái xe liên quan việc lái xe sử dụng chất ma túy, các chất kích thích khác.
4. Sở Xây dựng: Phối hợp với Sở Giao thông vận tải hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các chủ đầu tư trong việc lập quy hoạch xây dựng đảm bảo quỹ đất dành để xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, vị trí đón, trả khách cho phương tiện vận tải hành khách công cộng.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo, đài tăng cường công tác tuyên truyền về các nội dung tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT và Kế hoạch này; phản ánh các vụ việc liên quan đến công tác quản lý phương tiện kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền cho mọi tầng lớp người dân được biết.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo kinh doanh vận tải hành khách không đúng quy định (của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép đăng ký kinh doanh) trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử.
6. Cục Thuế tỉnh
- Tiếp tục hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải triển khai thực hiện vé điện tử, hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định.
- Chủ động phối hợp Sở Giao thông vận tải cập nhật thông tin của các tổ chức, cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh vận tải để thực hiện quản lý thu thuế kịp thời theo quy định.
- Thực hiện công tác Quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Căn cứ chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai thực hiện Kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc quy hoạch đô thị đảm bảo quỹ đất dành cho xây dựng hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, vị trí đón, trả khách cho phương tiện vận tải hành khách.
- Căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương để triển khai các nội dung: Xác định, xây dựng và quản lý hệ thống bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, vị trí đón, trả khách cho phương tiện vận tải hành khách trên địa bàn quản lý.
1. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức, triển khai có hiệu quả Kế hoạch này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Giao thông vận tải) để xem xét, chỉ đạo thực hiện.
2. Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch này; định kỳ hằng năm hoặc đột xuất tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Giao thông vận tải và cơ quan có thẩm quyền theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Thông tư 12/2020/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
- 3Luật Quản lý thuế 2019
- 4Quyết định 165/QĐ-TTg năm 2021 về phê duyệt Đề án "Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe (Nghị định 65/2016/NĐ-CP, 10/2020/NĐ-CP, 119/2021/NĐ-CP)
Kế hoạch 145/KH-UBND năm 2024 phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải hành khách đảm bảo phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân và thực trạng kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045
- Số hiệu: 145/KH-UBND
- Loại văn bản: Kế hoạch
- Ngày ban hành: 26/07/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Nguyễn Cao Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 26/07/2024
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định